BẢY ĐIỀU NGĂN CẢN TƯ DUY PHẢN BIỆN
Trong phần trước – “6 Kỹ Năng Quan Trọng Trong Tư Duy Phản Biện”, OD CLICK đã đưa ra những bước cụ thể và rõ ràng nhất giúp mỗi người có thể tự rèn luyện để có được năng lực tư duy phản biện tốt hơn, nâng cao hiệu quả công việc và cuộc sống. Trong bài này, chúng tôi tiếp cận “Tư duy phản biện” theo một phương pháp khác: xem xét các yếu tố ngăn cản khả năng tư duy phản biện để từ đó củng cố sâu hơn năng lực này trong mỗi người.
Nguồn: Stanford Encyclopedia of Philosophy
1. Mức độ chú ý
Người đi bộ thường sẽ không nhìn lên nếu anh ta không nhận thấy rằng những cơn gió đột nhiên thổi mạnh hơn hay trời đột nhiên tắt nắng. Một cơn mưa sắp đến mang theo những riêng. Những dấu hiệu ban đầu không thật sự dễ cảm nhận, theo thời gian mới đậm dần lên nhưng khả năng để “không bị ướt mưa” cũng theo đó mà giảm dần.
Con người thường ít để tâm đến những việc mà bản thân cho rằng nó không có ý nghĩa. Và trong quá trình đó, sự phớt lờ đã làm rơi vãi đi một lượng thông tin đáng kể, gồm cả những thông tin có ích và quan trọng.
Sự chú ý chưa đúng mực trong toàn bộ quá trình diễn ra sự việc và trên mọi khía cạnh của sự việc (môi trường bên trong, bên ngoài, giá trị cốt lõi, thông điệp, sự ảnh hưởng, sự kết nối) diễn ra thường xuyên khiến cho não bộ kém nhạy cảm với các dấu hiệu, ngăn cản sự tập hợp thông tin, từ đó cản trở tư duy phản biện. Mỗi người cần phải nghiêm túc xem xét và đánh giá toàn bộ sự việc trên cơ sở lý trí để phẩn bổ hợp lý sự chú ý của mình, tránh bỏ qua những dấu hiệu có ý nghĩa nhưng khoác vẻ ngoài bị cảm xúc vội vã đánh giá rằng “không đáng quan tâm”.
2. Thói quen
Thói quen là những điều đơn giản, nhỏ nhặt nhưng tần suất lặp lại lớn và mang lại những tác động dai dẳng. Lỗ hổng tầng ozone vốn nhỏ tới nỗi, ban đầu con người không để tâm và đến nay, tác động tiêu cực con người phải gánh chịu lại là rõ ràng và gần như không thể khắc phục.
Thói quen mang tính định hướng tư duy, định hướng hành vi của con người. Một cái nhìn sơ sài, một sự quan tâm thiếu chiều sâu sẽ không tạo ra năng lượng tích cực để nhìn nhận và xử lý vấn đề. Đơn giản như việc luôn chấp nhận những gì diễn ra mà không hề băn khoăn tự hỏi “Tại sao?” sẽ khiến cho não bộ hình thành phản xạ tương tự với những sự kiện khác, về lâu dài sẽ hình thành tư duy thụ động, thui chột đi khả năng phân tích và nhìn nhận sâu vào vấn đề.
Thói quen xấu dập tắt tinh thần sẵn sàng suy nghĩ nghiêm túc và sự sáng tạo, đi ngược lại với khuynh hướng của lối tư duy phản biện.
3. Mức độ tự tin
Con người có xu hướng làm những gì mình có thể làm tốt và trốn tránh những nhiệm vụ mà họ cho rằng họ vốn không thể làm được. Thiếu tự tin ngăn cản sự dấn thân và là lời chấp nhận thất bại ngày khi “trận đấu” còn chưa thật sự bắt đầu.
Khi thiếu tự tin vào khả năng của bản thân, con người thường bị phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài. Một lời góp ý từ bạn bè, một ý kiến trái chiều từ đồng nghiệp hay những định kiến xã hội đều dễ dàng khiến tư duy cá nhân đổi chiều, đánh mất lựa chọn ban đầu dù cho đó có thể là một quyết định đúng đắn.
Sự thiếu tự tin trong xử lý công việc, bản chất là chịu tác động nhiều của yếu tố cảm tính. Trong khi tư duy phản biện chỉ tin vào những gì có cơ sở, bằng chứng rõ ràng. Sự trái chiều trong định hướng biến sự thiếu tự tin trở thành một yếu tố “ngáng đường” trong con đường phát triển của tư duy phản biện.
4. Mức độ cởi mở
Một mức độ cởi mở không cao sẽ ngăn cản tư duy phản biện. Tư duy phản biện bản chất luôn
Cá nhân kém cởi mở, hay nói cách khác là cái tôi cá nhân cao, có phần cố chấp và ngại chia sẻ sẽ triệt tiêu nhiều cơ hội. Họ thường không sẵn sàng xem xét nghiêm túc các ý kiến, các thông tin khác từ bên ngoài. Qua đó, gián tiếp bỏ qua những lựa chọn tốt hơn.
5. Tính kiên trì
Việc nhanh chóng từ bỏ điều gì đó khi có một vài khó khăn hay sai sót ban đầu thường gây nên nhiều tiếc nuối. Có một sự thật rằng, vượt qua cánh cửa đầu tiên không tìm thấy “kho báu”, cánh cửa thứ hai hay thứ ba cũng đưa ra kết quả tương tự chẳng thể chứng minh rằng con đường khám phá của bạn là sai. Phía trước, ngay sau cánh cửa thứ 3, ở một góc khuất, có thể là “kho báu” bạn đang tìm.
Sự thiếu kiên trì với việc theo đuổi một đáp án, một giải pháp hay một nhận định nào đó dễ khiến con người đánh mất đi những nhận định đúng đắn ban đầu. Dù rằng họ đã xây dựng nó từ các cơ sở thực tế và những bằng chứng đáng tin cậy. Vì thế mà sự thiếu kiên trì đi ngược lại với cách đi của tư duy phản biện.
Tuy nhiên, cần tránh sự nhầm lẫn giữa kiên trì và cố chấp. Như đã nói ở trên, kiên trì là sự xem xét lại việc vội vã từ bỏ một cách thức đã được lựa chọn dựa trên những bằng-chứng-có-cơ-sở. Đó là việc cân nhắc dừng lại hay tiếp tục phương án được đúc rút ra từ quá trình thu thập, phân tích và đánh giá thông tin một cách khách quan. Trong khi đó, cố chấp chỉ là giữ khư khư ý kiến của bản thân mình, thuộc về tính cá nhân, không bận tâm tính đúng hay sai của nó.
6. Niềm tin
Trong y học có một thuật ngữ là Placebo – “giả dược”, ám chỉ việc chữa bệnh bằng “niềm tin”. Rất nhiều các cuộc phẫu thuật đã được diễn ra với không-một-dụng-cụ nào được sử dụng đến, rất nhiều những liều thuốc trị bệnh thực chất chỉ là vitamin, nhưng điều kỳ diệu là sự hiệu quả của phương thức điều trị Placebo mang lại, rất nhiều bệnh nhân sức khỏe đã tốt lên, hồi phục nhanh và thậm chí là khỏi bệnh. Tất cả nhờ vào niềm tin họ được gieo rắc, niềm tin rằng họ đang làm đúng, niềm tin vào sự sống.
Sự phức tạp trong bản thân con người là không thể khám phá hết được, niềm tin là một trong những điều như vậy. Niềm tin, bản thân nó mang một sức mạnh tiềm ẩn cực kỳ to lớn. Việc có niềm tin mãnh liệt vào một khả năng nào đó giúp huy động tất cả những năng lực bên trong con người phát huy ra ngoài để biến niềm tin thành sự thật. Việc không tin tưởng (cả về lý trí và cảm xúc) vào lựa chọn của mình tạo ra năng lượng tiêu cực, ngăn cản nỗ lực và sự hết mình trong tìm kiếm, theo đuổi và củng cố giải pháp. Thiếu niềm tin vào điều gì đó tạo nên cảm giác lo sợ, và lo sợ ngăn cản con người làm mọi thứ.
7. Sự trung thực
Một người có tư duy phản biện tốt là người luôn có khuynh hướng tìm kiếm sự thật. Họ loại bỏ thành kiến và luôn trung thực với các sự lựa chọn, với những gì họ tìm được kể cả điều đó chỉ ra rằng họ đã sai. Trung thực giúp củng cố niềm tin và đưa ra những lựa chọn khách quan nhất.
Trái lại, với thái độ thiếu trung thực mà chủ yếu xuất phát từ việc “sợ nhận sai”, con người sẽ vẫn khăng khăng giữ quan điểm cá nhân, chối bỏ việc xem xét nghiêm túc các quan điểm khác với mình, chấm dứt việc tìm kiếm sự thay thế và không chấp nhận những ý kiến khác dù đã có đủ bằng chứng hỗ trợ.
Sự thiếu trung thực mang ánh nhìn chủ quan và thiếu bao quát, đi ngược lại với sự phát triển của tư duy phản biện.
Bên cạnh việc nắm rõ các kỹ năng rèn luyện tư duy phản biện, ứng dụng để tăng hiệu quả làm việc trong doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo cũng cần phải nhận biết và phá vỡ những “rào cản vô hình” đang ngăn cản sự phát triển tư duy cho không chỉ bản thân mà còn phục vụ cho đào tạo nhân lực.
Tài liệu tham khảo:
https://plato.stanford.edu/entries/critical-thinking/
https://www.webmd.com/pain-management/what-is-the-placebo-effect#1