SỨC MẠNH CỦA MÔ HÌNH NỀN TẢNG VỚI DOANH NGHIỆP
Trong bài viết “Cách mạng nền tảng nuốt chửng thế giới”, OD CLICK đã phần nào giải thích điều gì làm nên thành công đột phá của những doanh nghiệp “trẻ” đang tri phối nền kinh tế trên từng lĩnh vực như Google, Youtube, Facebook, Uber, Airbnb hay Alibaba; các khái niệm xoay quanh “nền tảng” và cách thức mà “mô hình nền tảng” đánh bại “mô hình đường ống” truyền thống để trở thành lựa chọn tốt hơn.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ xem xét “Mô hình nền tảng” dưới góc độ các lợi ích mà nó mang đến cho doanh nghiệp.
1. Nền kinh tế cận biên vượt trội trong sản xuất và phân phối
Lợi ích không thể không nhắc đến mà mô hình nền tảng mang lại cho doanh nghiệp đó là về Chi phí. Mô hình nền tảng giúp giảm đáng kể chi phí gia tăng khi sản xuất thêm một sản phẩm, thậm chí, trong nhiều trường hợp, chi phí biên gần như bằng không.
Khi muốn mở rộng kinh doanh khách sạn, các khách sạn truyền thống sẽ phải đầu tư số tiền lớn cho xây dựng các tòa nhà, khách sạn và tìm kiếm địa điểm, chi trả cho đội ngũ nhân viên còn Airbnb chỉ cần cung cấp thêm danh sách các phòng khách sạn trên Internet – một chi phí rất thấp. Hay như Uber nếu muốn mở rộng thì cũng chỉ cần tăng lượng user lái xe, thay vì mua mới những chiếc xe.
Cơ sở giúp sản sinh ra sức mạnh này đó là dựa trên sự kết nối trong mạng lưới chia sẻ, khả năng tách rời “tài sản” và “giá trị” của mô hình nền tảng. Các giá trị tăng lên khi số lượng người tham gia hệ thống tăng lên. Sự hiện diện của khách hàng giúp tạo ra giá trị chung cho tổ chức.
2. Khả năng mở rộng nhanh chóng
Khả năng mở rộng nhanh chóng nhờ mô hình nền tảng được củng cố bới “hiệu ứng mạng”.
“Hiệu ứng mạng” là một giá trị cốt lõi của mô hình nền tảng, tạo ra sức mạnh cho mô hình này. Hiệu ứng mạng đề cập đến các tác động mà số lượng người dùng mang lại, dựa trên giá trị được tạo ra cho mỗi người và giá trị chung cho tổ chức. Nói một cách khác, hiệu ứng mạng là một sự lan truyền tạo ra giá trị!
Hiệu ứng mạng tạo ra các vòng lặp, hướng tới việc xây dựng một mang lưới người dùng lâu dài – giữ chân người dùng. Khi hiệu ứng mạng được thúc đẩy, tiêu thụ nhiều hơn dẫn đến gia tăng sản xuất và ngược lại.
Một ví dụ minh họa cho hiệu ứng mạng được thể hiện qua mô hình vòng lặp của Uber.
Nhiều “hành khách” tham gia vào Uber sẽ làm nó trở nên hấp dẫn hơn đối với các “tái xế tự do”, và vì thế nó sẽ thu hút được nhiều “hành khách” hơn. (Vì mọi người đều lựa chọn theo lợi ích). Một vòng lặp phản hồi tích cực sẽ vận động giúp phát triển mô hình nền tảng với chi phí tối thiểu.
“Nhờ vào hiệu ứng mạng, mô hình nền tảng có thể xây dựng một hệ sinh thái điện tử mở bao gồm hàng trăm, nghìn hoặc triệu những người tham gia từ xa”, tiếp cận nhiều nguồn lực và tạo ra giá trị nhiều hơn.
Sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp với mô hình truyền thống có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp phát triển theo mô hình nền tảng, sẽ có sự dịch chuyển khách hàng và doanh nghiệp có mô hình nền tảng sẽ mở rộng nhanh chóng.
3. Tái định hình quá trình tạo giá trị, mở ra các nguồn cung mới
Một lợi ích khác cũng được xây dựng trên hệ thống thông tin, dữ liệu lớn và môi trường linh hoạt giữa các bên mà mô hình nền tảng mang lại.
Một số doanh nghiệp, thay vì thuê nhân viên và trả lương, đầu tư hạ tầng làm việc, họ có thể tái định hình quá trị tạo giá trị bằng cách lựa chọn những người lao động tự do ngoài. (Viki đã dựa vào cộng đồng những người đam mê toàn cầu để thêm phụ đề cho những bộ phim với việc theo đuổi nền tảng phát video).
Hay như những ví dụ đã được đề cập trong bài trước, về những “thủ lĩnh” của mô hình nền tảng, mô hình này cho phép doanh nghiệp tìm ra và tận dụng những nguồn cung mới, khai thác tiềm năng vô hạn dựa trên ý tưởng mọi thứ nằm yên nhàn rỗi trong hầu hết thời gian. Các doanh nghiệp gia tăng giá trị tổ chức dựa trên những tài sản không thuộc sở hữu của họ.
Đặc biệt, các doanh nghiệp còn có sự hỗ trợ đắc lực của Internet. Trong thế giới của mô hình nền tảng, Internet không chỉ hoạt động đơn thuần như một kênh phân phối truyền thống mà nó hoạt động như một cơ sở hạ tầng cho sự sáng tạo và là một cơ chế kết nối.
4. Tái định hình quá trị quản lý chất lượng thông qua quản lý dựa vào cộng đồng
Nền tảng chủ yếu nhấn mạnh đến việc quản lý hệ sinh thái hơn là tối ưu hóa sản phẩm, và thuyết phục những đối tác bên ngoài hơn là kiểm soát những nhân viên trong nội bộ công ty.
Phương thức quản lý mới này có thể gây thách thức cho các doanh nghiệp theo đuổi mô hình nền tảng. Vì khi cung cấp một hệ thống cho phép sự kết nối thuận tiện hơn giữa tất cả các bên cũng sẽ gây khó khăn trong quản lý chất lượng thông tin được đưa vào hệ thống. Đó là mặt trái của sự đa dạng – sự dư thừa và kém chất lượng.
Tuy nhiên, khi doanh nghiệp có thể quản lý cả 4 hiệu ứng mạng, làm chủ được mô hình nền tảng, nền tảng sẽ cải thiện khả năng của nó để kết nối khách hàng với thông tin, hàng hóa, dịch vụ từ nhà sản xuất thích hợp và đạt chất lượng cao.
Vì vậy, khi các mô hình nền tảng phát triển ổn định, kết hợp với năng lực quản lý toàn diện, các doanh nghiệp sử dụng mô hình nền tảng có thể bỏ xa các đối thủ bất ngờ với những nhân tố mới lạ, tốc độ phát triển nhanh nhưng bền vững.
Nguồn tham khảo:
Platform Revolution – Geoffrey G. Parker, Marshall W. Van Alstyne, Sangeet Paul Choudary