1. Mô hình văn hóa sáng tạo

Văn hóa doanh nghiệp là những giá trị tinh thần của một doanh nghiệp trong suốt quá trình hình thành và phát triển của doanh nghiệp, những giá trị đó dần trở thành chuẩn mực và chi phối các quan niệm, tập quán và hành vi kinh doanh của nhân sự trong doanh nghiệp (Theo E. Scheine). Gây dựng thành công văn hóa doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp tới đường đi, nước bước của công ty

Hiện nay, với sự phát triển chóng mặt của kỷ nguyên công nghệ 4.0, nhiều mô hình kinh doanh, sản phẩm, dịch vụ mới đã xuất hiện. Hành vi của người tiêu dùng cũng thay đổi rõ rệt, theo đó các doanh nghiệp ít nhiều đều phải chịu sự ảnh hưởng từ những thay đổi này. Vậy doanh nghiệp cần một mô hình văn hóa nào để bắt kịp thời đại? Có rất nhiều kiểu hình văn hóa doanh nghiệp hiện hữu ở trong công ty, một công ty có thể có một hoặc nhiều mô hình văn hóa doanh nghiệp. Theo thời gian, những mô hình đó sẽ dần được điều chỉnh sao cho phù hợp với giá trị và sứ mệnh của tổ chức.

Trong vô số loại hình văn hóa tồn tại trong một doanh nghiệp hiện nay, phải đề cập tới “Văn hóa sáng tạo”. Mô hình văn hóa này là một cấu trúc quản trị đề cao các sáng kiến cá nhân và khuyến khích tự tổ chức hoạt động để triển khai và hoàn thành nhiệm vụ. Về bản chất, văn hóa sáng tạo (VHST) cho phép các tổ chức hoạt động một cách linh hoạt hơn so với các mô hình khác. Tính linh hoạt này phù hợp cho những ngành nghề thay đổi nhanh, nơi các tổ chức phải nắm bắt xu thế và hành động nhanh chóng mới có được lợi thế cạnh tranh. 

Mục đích của những doanh nghiệp áp dụng mô hình VHST nhằm liên tục cải tiến công ty để mang lại những sản phẩm tiên phong và độc đáo trên thị trường, đặc điểm xuyên suốt của VHST là sự cải tiến không ngừng nghỉ, nhanh chóng thích nghi và chấp nhận rủi ro. Tổ chức lãnh đạo trong VHST phải là những người có tầm nhìn bao quát và dám tiếp thu nguồn lực để tạo ra những thách thức mới cho công ty. Đồng thời, nhà quản trị phải cho phép nhân viên tự do đổi mới, trải nghiệm nhằm mang lại những ý tưởng độc đáo, phát triển doanh nghiệp. Song song với yêu cầu về tổ chức lãnh đạo, nhân viên cũng phải là người cam kết hợp tác để đổi mới và phát triển để thống nhất trong tư tưởng cũng như hành động. VHST hướng các công ty đi đến các tiêu chí sau:

Hình ảnh: Đặc trưng văn hóa sáng tạo

VHST góp phần không nhỏ vào tỷ suất lợi nhuận cũng như sự thành công của doanh nghiệp. Nhân viên tại các tổ chức có mô hình văn hóa này thường có động lực làm việc, cạnh tranh một cách quyết liệt và phá vỡ những dập khuôn thường thấy. Có rất nhiều doanh nghiệp nổi tiếng áp dụng mô hình văn hóa sáng tạo như Google, Facebook, Apple,… công ty được phát triển phần lớn nhờ vào sự sáng tạo, thực hiện những công việc chưa ai làm và mang lại những sản phẩm độc đáo trên thị trường. 

Một trong những ngành nghề mà văn hóa sáng tạo được đặc biệt chú trọng đó là ngành công nghiệp game, cũng là một trong những ngành “công nghiệp không khói”, mang lại doanh thu tỷ đô cho các doanh nghiệp. Theo infogame.vn, có thể tạm định nghĩa ngành công nghiệp game (Còn gọi là “ngành công nghiệp trò chơi điện tử” hay “ngành giải trí tương tác”) là lĩnh vực kinh tế có liên quan đến phát triển, tiếp thị và bán hàng của các trò chơi điện tử. Nó là một quy trình chặt chẽ của hàng chục ngành nghề khác nhau. Hiện tại, doanh thu của ngành này không hề thua kém doanh thu của những bộ phim bom tấn của Hollywood mà đôi khi còn vượt trội hơn. 

Một trong những mô hình thường được lựa chọn trong các công ty game chính là mô hình văn hóa sáng tạo. Như tất cả chúng ta đã biết, game là một thế giới không bị giới hạn về sự tưởng tượng. Đó có thể được tạo ra dưới bất cứ hình thức hoặc chủ đề nào, chỉ cần có thể thu hút người chơi. Vì vậy, tính sáng tạo trong các công ty game là vô hạn. Và những nhà lãnh đạo trong công ty game luôn phải cân nhắc cách thức để không bị cạn kiệt ý tưởng, theo kịp xu hướng của thị trường. Mô hình văn hóa sáng tạo cho phép các công ty trong ngành công nghiệp game có được lợi thế cạnh tranh và tung ra được những sản phẩm mới lạ thu hút người dùng.

Trong mô hình VHST, nhà lãnh đạo luôn quan tâm tới cách thức để tạo ra môi trường lý tưởng cho nhân viên để họ có thể phát triển năng lực bản thân và mang lại những ý tưởng sáng tạo cho doanh nghiệp. Trong môi trường doanh nghiệp có văn hóa sáng tạo cao, sự giao tiếp giữa lãnh đạo và nhân viên được coi trọng, mang lại cảm giác gắn kết và thoải mái và giúp gắn kết nhân sự. Khi được gắn kết cùng nhau, hai bên có thể cùng lắng nghe, thấu hiểu và nâng cao chất lượng công việc. Đặc biệt, sự gắn kết trong mối quan hệ giữa các nhân sự giúp tổ chức thống nhất chung được một hệ tư tưởng, nhất quán trong suy nghĩ và hành động. Nhân viên khi nhận được một môi trường tốt cũng sẽ cố gắng để cùng nhà lãnh đạo hoàn thiện tổ chức, giảm tỷ lệ luân chuyển nhân sự hoặc tỷ lệ nghỉ việc của nhân viên.

Một doanh nghiệp muốn xây dựng văn hóa, nhận thức của lãnh đạo về sự sáng tạo là chưa đủ. Điều cốt lõi là nhà lãnh đạo cần lan truyền được tinh thần đó cho toàn bộ công ty. Sự sáng tạo cần được thể hiện từ môi trường làm việc, chính sách trong công ty. 

Theo nguyên tắc, văn hóa công ty được hình thành dựa trên sự thấu hiểu, đồng thuận và cam kết của tất cả các thành viên trong công ty. Vì vậy, khi cần truyền thông đầy đủ thông tin trong nội bộ, lãnh đạo cần phải gửi thông điệp (ở đây là văn hóa sáng tạo) qua những chính sách, môi trường, cơ sở vật chất trong công ty. Người nhận là nhân viên trong công ty – người có thể cảm nhận, hiểu và hành động theo thông điệp mà lãnh đạo muốn truyền đạt. Những chính sách và môi trường này nhằm tạo cho nhân viên sự linh hoạt, thoải mái trong công việc, tổ chức. 

*Hình ảnh: Cách thức truyền thông VHST trong nội bộ

2. VHDN trong ba công ty games nổi tiếng thế giới

Bài viết này sẽ cùng người đọc điểm danh một số “ông lớn” đi đầu trong ngành công nghiệp game và “tham quan” văn hóa doanh nghiệp của họ, tìm hiểu xem văn hóa doanh nghiệp này có giúp ích gì cho sự tăng trưởng mạnh mẽ của các công ty này hay không: 

SONY

Thứ nhất, nhắc tới ngành công nghiệp games thì không thể không nhắc tới Sony – công ty games lớn nhất thế giới hiện nay với trị giá hơn 13 tỷ USD. Sony là hãng sản xuất hàng loạt máy chơi games Sony playstation (PS) nổi tiếng thế giới, trong đó có PS2 – sản phẩm máy chơi game bán chạy nhất mọi thời đại với hơn 400 triệu máy được bán ra tính tới nay. Sự phổ biến của các hệ máy chơi games của Sony giúp mọi người dễ tiếp cận hơn với trò chơi điện tử và làm tăng tính cạnh tranh trong ngành, giúp các hệ games ngày càng phong phú và hấp dẫn. 

Sony cũng vô cùng nổi tiếng về truyền thống xây dựng “văn hóa doanh nghiệp” từ khi thành lập tới nay. Được biết, sau hơn 40 năm trên thương trường, Sony có một gia tài đồ sộ và trong đó quý giá nhất là con người của Sony. Giám đốc Sony – ngài Morita đã liên tục nhấn mạnh về bí quyết thành công của hãng chỉ “đơn giản kết tinh trong một chữ Người” và công ty luôn lấy yếu tố con người làm gốc. Lãnh đạo tập trung vào tìm ra các yếu tố nuôi dưỡng tham vọng cho nhân viên, cho họ cảm giác được thoải mái và thỏa sức sáng tạo và đóng góp. Đáp lại sự coi trọng của công ty, nhân viên cũng coi danh dự, uy tín, thành công, thất bại của hãng như của chính bản thân mình để tiếp tục nỗ lực phấn đấu vì lợi ích của hãng. 

Tại Việt Nam, Sony Việt Nam đã lấy ngày thành lập công ty làm ngày “Gia đình Sony” hàng năm với mục đích mang lại cho nhân viên những giây phút nghỉ ngơi sau những ngày làm việc chăm chỉ và tích cực, tạo điều kiện cho các thành viên, cũng như người thân của những thành viên đó có cơ hội quan tâm tới nhau nhiều hơn. Ngày hội ý nghĩa này là cầu nối tạo sự gắn kết tinh thần giữa mọi người trong công ty cũng và người thân của nhân viên trong công ty. Trong ngày này mọi thành viên đều tham gia các hoạt động vui chơi thật hết mình. Điều này chứng tỏ được tinh thần đoàn kết, không phân biệt khoảng cách giữa công nhân và lãnh đạo.

MICROSOFT STUDIOS

Đứng thứ hai trong danh sách này đó là công ty Microsoft, đặc biệt là Microsoft studios – một trong những công ty con của gã khổng lồ công nghệ Microsoft với giá trị được ước tính khoảng hơn 12 tỷ USD. Sản phẩm máy chơi game Xbox chính là quân bài tiên phong của Microsoft trong việc xâm chiếm thị trường game và đã thu về doanh thu của hơn 110 triệu máy được bán ra hay trò chơi điện tử nổi tiếng nhất thế giới – Halo.

Microsoft cũng cực kỳ coi trọng tầm quan trọng của văn hóa trong doanh nghiệp.  Mô hình văn hóa của Microsoft được mô tả là văn hóa trách nhiệm – chất lượng – sáng tạo – đa dạng. Văn hóa tại Microsoft là sự liên tục cải thiện và thách thức bản thân. Mọi nhân viên đều phải đảm bảo trách nhiệm với các nhiệm vụ được giao, cần liên tục đổi mới nhưng vẫn phải cam kết về chất lượng. Tại Microsoft, cụm từ “tư duy tăng trưởng” (growth mindset) không phải là một thuật ngữ sáo rỗng được treo trên tường cho nhân viên nhìn thấy. Đó được coi là đức tin của Microsoft, rằng mỗi người làm việc tại đây đều có thể trưởng thành và phát triển, tự lãnh đạo bản thân để trở thành những người ưu tú nhất. Bắt nguồn từ tinh thần “tư duy tăng trưởng này”, nhân viên tại Microsoft cần gạt bỏ mức giới hạn cho kiến thức và sự phát triển bản thân.

Ngoài ra, để đảm bảo sự đa dạng trong văn hóa và giúp nhân viên thực sự hòa nhập vào môi trường làm việc, Microsoft sẽ thường áp dụng những yếu tố văn hóa vào những chương trình đào tạo sao cho phù hợp. Văn hóa của Microsoft hỗ trợ các mục tiêu trong kinh doanh của doanh nghiệp này, giúp vị thế của tổ chức ngày càng được củng cố trên toàn cầu.

NINTENDO

Một trong những công ty luôn nằm trong top 3 những công ty games lớn nhất thế giới đó là công ty Nintendo – hiện đang được định giá hơn 6 tỷ USD. Với nhân vật game tượng trưng chính là Mario, công ty này đã mang hình ảnh hãng vào sản xuất xuất trò chơi điện tử và cả thị trường máy chơi game chuyên dụng với các sản phẩm trứ danh như 3DS, Wii, SNES, gameboy advance,…  Và một trong những sản phẩm giúp Nintendo lội ngược dòng trên thị trường đó là POKÉMON GO, một cơn sốt trong cộng đồng game online trên toàn cầu từ năm 2017. Nintendo đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi bộ mặt ngành công nghiệp không khói này trong suốt 125 năm qua.

Với hơn 100 năm lịch sử như vậy, Nintendo để lại những di sản văn hóa rất lâu đời và phong phú, đó cũng là lý do tại sao nhiều người trẻ tuổi vẫn mong muốn được cống hiến tại Nintendo. Nintendo là nơi mà rất nhiều chuyên gia tài năng lựa chọn trong đó có nhiều nhân vật nổi tiếng. Văn hóa doanh nghiệp của Nintendo cũng đề cao yếu tố con người, sự sáng tạo và thách thức trong công việc. Theo  Shinya Takahashi – tổng giám đốc bộ phận quy hoạch và phát triển của Nintendo, tại Nintendo thường đưa những nhóm làm việc nhỏ vào các dự án, những người này không cần phải là những nhân viên kỳ cựu mà là những người có khả năng mang lại ý tưởng mới mẻ cho việc phát triển dự án. Super Mario Odyssey là một ví dụ điển hình cho việc này. Nintendo đã cho rất nhiều nhóm nhỏ vào để hoàn thành dự án, và đã thu về vô số ý tưởng khác nhau. Theo thời gian, lãnh đạo sẽ chọn ra được những người thực sự phù hợp để tiếp tục phát triển dự án. Sau đó, họ kết hợp nhưng ý tưởng lại để tạo ra một sản phẩm tổng hợp hoàn chỉnh. Thành quả là chỉ sau vài ngày, Super Mario Odyssey đã bán được hơn 2 triệu bản. 

Nintendo cũng là một tổ chức coi trọng yếu tố tinh thần cho nhân viên. Công ty thường kết hợp cả công việc và sự thư giãn bằng cách tổ chức các hoạt động sự kiện trong suốt cả năm. Và như bao công ty thành công khác, Nintendo cũng dám thử thách doanh nghiệp với những điều mới lạ. Ông Takahashi cũng đã từng nói “Mọi người luôn hỏi liệu chúng tôi mạo hiểm như vậy là có mục đích gì. Nhưng đối với chúng tôi thì đó không phải mạo hiểm – chỉ là chúng tôi đang thử những thứ mới mẻ thôi”

3. Các bài học về xây dựng VHDN

Câu chuyện về tái cấu trúc doanh nghiệp, đổi mới văn hóa tưởng chừng như chỉ dành cho những doanh nghiệp lớn, doanh thu khủng thì giờ đây đã là vấn đề của tất cả doanh nghiệp mong muốn mô hình tăng trưởng bền vững. Tốc độ và chất lượng thực sự là những gì doanh nghiệp cần trong thời nay.

Sony, Nintendo, cũng từng có thời tụt dốc trong cuộc chiến công nghệ – điện tử, và tưởng chừng như sẽ phải kết thúc thời kỳ hoàng kim của mình. Tuy nhiên, những doanh nghiệp này đã hồi sinh mạnh mẽ sau quá trình tái cấu trúc chiến lược và mang về những con số tăng trưởng đáng kinh ngạc. Ví dụ như công ty Sony vào năm 2016 đã mang về lại suất gần 2,65 tỷ USD, tăng 19% so với dự báo. Lợi nhuận ròng tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2017, Sony công bố lãi gần 6,73 tỷ USD; cao gấp 2,5 lần năm 2016. Lợi nhuận ròng năm 2017 tăng gấp 7 lần, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. Năm 2018, lợi nhuận hoạt động 8 tỷ USD, lãi ròng mang về 8,2 tỷ USD. Hay Nintendo với tựa game di động Pokémon Go được ra mắt và nhanh chóng trở thành hiện tượng, đứng đầu App Store tại mỹ và vượt mặt cả những tựa game đình đám một thời.

Từ câu chuyện của 03 công ty trên, các doanh nghiệp có thể rút ra một số bài học quan trọng cho tổ chức của mình như sau:

Thứ nhất, chú tâm vào yếu tố con người. Có thể thấy, dù là những công ty lớn trong ngành công nghiệp games như Sony, Nitendo, Microsoft Studios,… hay là những công ty khác như Apple, Facebook, Google đều cực kỳ chú trọng vào việc nuôi dưỡng sự phát triển nhân sự trong công ty. Không chỉ dừng lại ở việc chiêu mộ được nhân tài, mà còn là cả quá trình phát triển của nhân sự trong thời gian làm việc tại tổ chức. Những vấn đề như tạo dựng môi trường cho nhân viên có khả năng sáng tạo, gây dựng mối liên kết giữa nhân sự trong công ty, chế độ đãi ngộ, những sự kiện thường niên, đều là những khía cạnh hay mà doanh nghiệp có thể tham khảo cho doanh nghiệp của mình.

Thứ hai, xác định rõ ràng mô hình văn hóa của doanh nghiệp và dần tái cơ cấu nếu như cần thiết. Chần chừ thay đổi trong xu thế biến đổi không ngừng của xã hội hoàn toàn là một lựa chọn sai lầm của doanh nghiệp. Thay đổi ở đây đang nhắm tới thay đổi trong suy nghĩ và cách tiếp cận của doanh nghiệp tới thị trường. Tổ chức có thể đã hình thành lâu năm và ổn định, sẽ có những lối đi riêng biệt cho công ty, tuy nhiên không thể mãi dập khuôn theo một phương thức. Cần tạo dựng một nền văn hóa hợp thời đại và hợp với tính chất ngành nghề tổ chức để có thể đi được lâu dài hơn trên thị trường cạnh tranh quyết liệt ngày nay.

Thứ ba, bài học về sự thách thức. Như đã nói ở đầu tiên, tại những môi trường có áp dụng văn hóa sáng tạo đồng nghĩa với nhà quản trị phải chấp nhận rủi ro mà loại hình văn hóa này mang lại. Có thể thấy, các “ông lớn” trong mọi ngành nghề đều có lúc phải lao đao trước sóng gió thị trường. Đứng giữa những lựa chọn, nhà lãnh đạo phải quyết đoán và tìm ra hướng đi mới cho doanh nghiệp. Đó có thể là lựa chọn gây tổn hại tới công việc kinh doanh của tổ chức, nhưng cũng có thể là lựa chọn đưa doanh nghiệp lên một tầm cao mới.

Học hỏi kinh nghiệm từ những doanh nghiệp lớn và dẫn đầu thời đại, để thành công thì phải nhắm đến “chất lượng và tốc độ”, và đây cũng là những gì OD CLICK luôn tâm đắc cũng như luôn được gắn liền với phong cách làm việc của công ty.

Để tạo ra chất lượng, nhà lãnh đạo cần thực sự quan tâm tới quá trình đào tạo và phát triển con người và vì con người, đây thực sự là yếu tố tạo ra những giá trị to lớn cho doanh nghiệp.

OD CLICK biên tập!

Nguồn tham chiếu: 

  1. https://vietnambiz.vn/van-hoa-sang-tao-adhocracy-trong-doanh-nghiep-la-gi-uu-nhuoc-diem-cua-van-hoa-sang-tao-20191022105254834.htm
  2. https://www.misa.vn/15901/Van-hoa-sang-tao-trong-doanh-nghiep/
  3. https://baoquocte.vn/giai-ma-cau-chuyen-thanh-cong-cua-sony-va-that-bai-dau-don-cua-kodak-106930.html
  4. https://www.sggp.org.vn/van-hoa-doanh-nghiep-nhin-tu-sony-42772.html
  5. http://panmore.com/microsoft-corporation-organizational-culture-characteristics-analysis
error: Nội dung đã khóa !!