ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TẠI CÁC DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

Đổi mới sáng tạo (Innovation) là quá trình doanh nghiệp phát triển sản phẩm, dịch vụ quy trình hay hệ thống quản lý mới để đáp ứng các yêu cầu do sự thay đổi của môi trường kinh doanh, công nghệ. Kết quả của việc thực hiện đổi mới sáng tạo làm tăng năng lực của doanh nghiệp, từ đó giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trước xu thế thị trường và sự cạnh tranh đến từ đổi thủ. Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay, đối với các doanh nghiệp đây vẫn là lĩnh vực “khó”. Bài viết này sẽ cung cấp một cái nhìn toàn diện về tình hình thực tế đổi mới sáng tạo tại Việt Nam và một số giải pháp đề xuất giúp doanh nghiệp cải thiện tình hình của doanh nghiệp mình.

Thực trạng đổi mới sáng tạo tại các doanh nghiệp Việt Nam

Do ảnh hưởng mạnh mẽ bởi xu thế cuộc cách mạng 4.0 và sự cạnh tranh gay gắt với các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước đã bắt đầu chú trọng hơn đến hoạt động đổi mới sáng tạo trong nội bộ tổ chức của mình để nâng cao năng lực doanh nghiệp. Theo báo cáo tổng kết hoạt động đổi mới sáng tạo năm 2017, chỉ số sáng tạo toàn cầu GII của Việt Nam tăng 12 bậc, xếp thứ 47 trên 127 nền kinh tế thế giới.

Mặc dù đổi mới sáng tạo mang lại lợi ích không nhỏ cho các doanh nghiệp áp dụng được điều này, tuy nhiên những lợi ích này thường mang tính chất dài hạn nên nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa chú trọng phát triển chính sách đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp của mình.

Nguồn: Viện nghiên cứu VEPR, ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2015

Từ bảng trên có thể thấy chỉ có khoảng từ 20 – 30 % doanh nghiệp được khảo sát là có chính sách liên quan tới việc phát triển đổi mới sáng tạo. Có thể hiểu là có những doanh nghiệp bắt đầu quan tâm tới vấn đề đổi mới sáng tạo nhưng chưa toàn diện, chủ yếu mới đầu tư cho nguồn nhân lực. Theo nghiên cứu của World Bank năm 2014, để có thể thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo cần xây dựng một hệ thống mạnh về lĩnh vực này, tức là đòi hỏi các doanh nghiệp phải tăng cường hợp tác, nhưng chỉ có 20% doanh nghiệp tham gia khảo sát có nhận định về hợp tác với bên khác. Đại đa số các doanh nghiệp còn lại vẫn chưa thay đổi tư duy về hoạt động của doanh nghiệp trong thời buổi công nghệ.

Hoạt động chính thúc đẩy quá trình đổi mới sáng tạo là hoạt động nghiên cứu và phát triển (Research & Development) cũng chưa được các doanh nghiệp quan tâm.

Tỷ lệ % doanh thu dành để đầu tư vào hoạt động R&D của các DN tại một số nước giai đoạn 2014 – 2017

Nguồn: Ngân hàng Thế giới

Từ đồ thị trên có thể thấy, các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ít nhất vào R&D so với các nước có cùng mức độ phát triển trong khu vực, trong khi đó các doanh nghiệp nước bạn Lào đầu tư khoảng 14.5% doanh thu vào hoạt động trên, gấp khoảng 9 lần nước ta. Như vậy, có thể kết luận doanh nghiệp nước ta đang bị chậm so với xu thế chung của khu vực và trên thế giới. Hơn nữa, trong báo cáo tổng kết về hoạt động đổi mới sáng tạo trình Chính phủ năm 2017, trong số các doanh nghiệp có đầu tư vào hoạt động R&D thì chủ yếu thuộc nhóm các doanh nghiệp tăng trưởng thấp, trong khi đó các ngành như dệt may, điện tử, chế biến thực phẩm… là những ngành có mức tăng trưởng cao lại chưa chú trọng đầu tư vào R&D, chi phí cho hoạt động này gần như bằng 0.

Hoạt động đổi mới sáng tạo là một hoạt động đa dạng và toàn diện, tức là nó bao gồm các đổi mới sáng tạo trong sản phẩm, phương thức sản xuất, phát triển thị trường, phát triển nguồn cung và cả phát triển tổ chức. Nhưng hầu hết đối với các doanh nghiệp trong nước chủ yếu chỉ áp dụng đổi mới về sản phẩm.

Về hình thức đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp: theo khảo sát của VERP,  trường Đại học quốc gia Hà Nội, trong số 583 doanh nghiệp tham gia khảo sát có 32% doanh nghiệp tự thực hiện đổi mới sáng tạo và 45% DN có hợp tác với bên thứ 3 để phát triển hoạt động đổi mới sáng tạo.

Chi phí đào tạo nguồn nhân lực cho hoạt động đổi mới sáng tạo

Nguồn: Viện nghiên cứu VERP, ĐH Quốc gia Hà Nội năm 2015

Biểu đồ trên thể hiện chi phí mà các doanh nghiệp bỏ ra hàng năm để tạo nguồn nhân lực phục vụ cho hoạt động đổi mới sáng tạo. Nhìn chung mức chi phí các doanh nghiệp bỏ ra cho hoạt động đào tạo cán bộ này vẫn còn ít, số lượng doanh nghiệp đầu tư trên 500 triệu/năm chỉ chiếm gần 1/5 số doanh nghiệp tham gia khảo sát. Các doanh nghiệp đầu tư dưới 100 triệu/năm chiếm đại đa số với 47%, điều này một lần nữa khẳng định rằng các doanh nghiệp chưa thực sự ý thức được tầm quan trọng của hoạt động đổi mới sáng tạo.

Đánh giá thực trạng

Từ những thực trạng nêu trên có thể thấy các doanh nghiệp Việt Nam bước đầu quan tâm đến đầu tư vào đổi mới sáng tạo nhưng hầu hết các dự án đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp vẫn phục vụ cho mục tiêu ngắn hạn. Nhận thức và văn hóa của doanh nghiệp (thể hiện qua các chính sách đầu tư của doanh nghiệp) chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới sáng tạo.

Năng lực đổi mới sáng tạo của phần lớn các doanh nghiệp còn yếu với hệ thống sáng tạo non trẻ, manh mún. Các doanh nghiệp vẫn chưa tập trung đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, ngân sách dành cho đổi mới sáng tạo còn quá ít. Hiện nay, nước ta vẫn trong tình trạng thiếu những lao động có tính sáng tạo cao, những lao động đã được đào tạo bài bản về đổi mới sáng tạo lại chưa có môi trường để phát huy kiến thức và năng lực, gây ra một sự lãng phí lớn trong khi doanh nghiệp vẫn còn yếu kém.

Nguyên nhân

  • Đa phần các doanh nghiệp tập trung nhiều vào các hoạt động ngắn hạn, mang lại lợi nhuận tức thời, như lĩnh vực thương mại, dịch vụ hoặc gia công quốc tế. Các doanh nghiệp nước ngoài chủ yếu tập trung vào sản xuất để khai thác chi phí nhân công giá rẻ của Việt Nam.
  • Nguyên nhân thứ hai là do tư duy chiến lược của các doanh nghiệp trong nước còn yếu, mặc dù họ biết cần phải đổi mới sáng tạo trong tổ chức mình nhưng lại không biết nên bắt đầu từ đâu và chi phí bỏ ra là bao nhiêu. Hơn nữa, họ vẫn chưa nhận thức được sự cần thiết của đổi mới sáng tạo và những nguy cơ họ đang phải đối mặt nếu không có hoạt động trên trong dài hạn.
  • Muốn thực hiện đổi mới sáng tạo thành công đòi hỏi phải có sự gắn kết chặt chẽ trong nội bộ của doanh nghiệp, nhưng điều này vẫn còn yếu.
  • Hơn nữa, các doanh nghiệp Việt Nam có đặc trưng khó thay đổi và rất cần thay đổi trong thời đại tiệm cận kỷ nguyên số là tính thụ động. Họ rất ngại thay đổi bản thân hoặc mất rất nhiều thời gian để thay đổi, bỏ đi cái phong cách làm việc lỗi thời.
  • Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như nguồn tài chính chưa đủ vững mạnh, nguồn nhân lực của cả thị trường trong lĩnh vực này có chất lượng chưa cao…

Giải pháp

Để có thể phát triển hơn nữa hoạt động đổi mới sáng tạo, trước tiên các doanh nghiệp cần phải chủ động hơn, chấp nhận sự biến động của thế giới và tìm cách thay đổi để thích ứng với hoàn cảnh hơn thông qua một số hoạt động sau:

  • Đầu tư nguồn lực về con người và tài chính cho hoạt động R&D để tìm ra những đổi mới thiết thực với đơn vị của mình. Hoạt động đổi mới sáng tạo là một quá trình mang tính lâu dài vì vậy đòi hỏi doanh nghiệp phải bắt đầu có nhận thức và đầu tư ngay từ bây giờ để bắt kịp xu hướng của thế giới.
  • Xây dựng văn hóa doanh nghiệp gắn kết hơn giữa con người với con người, giữa các phòng ban với nhau để hoạt động đổi mới đi đúng hướng và có hiệu quả nhanh, mạnh nhất. Các doanh nghiệp cần phải loại bỏ tư tưởng ngại thay đổi trong văn hóa của doanh nghiệp mình, khuyến khích những sáng tạo mới, xây dựng một văn hóa linh hoạt thích ứng được với những thay đổi của thị trường.
  • Tăng cường hợp tác với các tổ chức bên ngoài để được tư vấn chiến lược thay đổi công ty hoặc để tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao. Việc tăng cường hợp tác còn giúp kiến tạo nên một hệ thống đổi mới sáng tạo giữa các doanh nghiệp trong nước, nâng cao năng lực toàn hệ thống doanh nghiệp trong nước.

Tóm lại, hoạt động đổi mới sáng tạo ở nước ta hiện nay vẫn ở mức thấp so với thế giới, trong khi xu thế phát triển của thế giới thay đổi mạnh mẽ từng ngày. Các doanh nghiệp, trong đó vai trò của các lãnh đạo doanh nghiệp là chính, cần phải có nhận thức đúng đắn về vấn đề này và chủ động thay đổi doanh nghiệp mình cho phù hợp.

 

Tài liệu tham khảo:

http://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh/tai-chinh-doanh-nghiep/quan-tri-doi-moi-cong-nghe-trong-doanh-nghiep-viet-nam-hien-nay-139916.html

http://vibiz.vn/upload/17604/20171002/Tuan_40_Thuc_trang_doi_moi_sang_tao_cua_doanh_nghiep_Viet_Nam_

Nhom_Ngan_hang_Yen_Tam.pdf

http://www.worldbank.org/vi/country/vietnam/publication/a-review-of-science-technology-and-innovation-in-vietnam

http://khoahocvacongnghevietnam.com.vn/khcn-trung-uong/17021-khacn-la-nen-tang-cho-doi-moi-sang-tao.html

http://innovationhub.vn/website/bai-viet/danh-gia-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-o-viet-nam-tom-tat-bao-cao/

http://baochinhphu.vn/Khoa-hoc-Cong-nghe/Chuc-nang-co-cau-to-chuc-Hoc-vien-Khoa-hoc-Cong-nghe-va-Doi-moi-sang-tao/330310.vgp

 

 

Leave a Reply

error: Nội dung đã khóa !!