THỰC TRẠNG NGÀNH CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO

Doanh nghiệp (DN) công nghệ cao đóng vai trò quan trọng thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam. Tuy nghiên, loại hình doanh nghiệp này vẫn đang chiếm số lượng ít trong tổng số DN tại Việt Nam hiện nay.

1. Doanh nghiệp công nghệ cao là gì?

Theo Quyết định 19/2015/QĐ -TTg quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao là doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí quy định tại điểm a và b Điều 75 Luật đầu tư và đáp ứng các tiêu chí cụ thể sau:

Thứ nhất, doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao của doanh nghiệp đạt ít nhất 70% tổng doanh thu hàng năm.

Thứ hai, tổng chi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển được thực hiện tại Việt Nam trên tổng doanh thu thuần hàng năm đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đạt ít nhất 1%. Đối với các doanh nghiệp có tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng và tổng số lao động trên 300 người tỷ lệ này phải đạt ít nhất 0,5%.

Thứ ba, số lượng lao động có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên trực tiếp thực hiện việc nghiên cứu và phát triển trên tổng số lao động của doanh nghiệp đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đạt ít nhất 5%. Đối với các doanh nghiệp có tổng nguồn vốn trên 100 tỷ đồng và tổng số lao động trên 300 người tỷ lệ này phải đạt ít nhất 2,5%, nhưng không thấp hơn 15 người.

Với quyết định mới này, các tỷ lệ liên quan đến doanh thu và lao động dành cho R&D đã giảm một nửa so với quy định trước đây tại Điều 18 Luật Công nghệ cao. Quyết định này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8/2015.

2. Thực trạng ngành CN công nghệ cao tại Việt Nam

Trong những năm gần đây, một luồng vốn lớn FDI đổ vào Việt Nam từ các tập đoàn công nghệ toàn cầu; nhiều doanh nghiệp trong số đó hưởng lợi về chính sách ưu đãi đầu tư vào công nghệ cao. Tuy nhiên nền kinh tế chưa nhận được các giá trị công nghệ thật sự bởi nguồn vốn này chủ yếu đầu tư vào khâu gia công lắp ráp và kiểm tra sản phẩm.

Nhiều nhà máy sản xuất sản phẩm công nghệ nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã mang lại doanh thu xuất khẩu cao và sử dụng số lao động lớn tại Việt Nam như Samsung, Foxconn, Canon, Nidec, Intel… Những tên tuổi đó đã góp phần ghi danh Việt Nam trên bản đồ sản phẩm công nghệ thế giới, dù vậy giá trị gia tăng mang lại còn rất thấp.

Giá trị gia tăng ngành CN công nghệ cao chỉ 10%

Theo số liệu của tổng cục Hải quan, tổng giá trị xuất khẩu của nhóm hàng công nghệ – điện tử vốn có tổng doanh thu xuất khẩu cao nhất hiện nay (gồm: điện thoại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện) đạt hơn 17 tỉ USD. Trong cùng thời gian này, tổng giá trị nhập khẩu vào Việt Nam hơn 15,5 tỉ USD, phần lớn là thiết bị nguyên vật liệu nhập khẩu để phục vụ cho các nhà máy tại Việt Nam.

Trung bình một doanh nghiệp FDI thu hút khoảng 800 lao động nhưng với lực lượng lao động phổ thông chiếm 70 – 80% như hiện nay thì khó có thể có giá trị gia tăng theo đúng tiêu chí công nghệ cao. Hầu hết các doanh nghiệp chủ yếu lắp ráp và kiểm tra sản phẩm, đóng gói, việc chuyển giao công nghệ trong các công đoạn cuối chỉ hạn chế ở mức độ vận hành, bảo trì kỹ thuật; trang bị kỹ năng đảm bảo chất lượng lắp ráp, kiểm định và chỉ trong phạm vi nội bộ tập đoàn.

Khảo sát của UNIDO cho thấy các ngành công nghệ cao điển hình thường dựa vào sản xuất lắp ráp sử dụng nhiều lao động như chế tạo máy tính, điện tử, sản phẩm quang học và thiết bị điện nhưng năng suất và hiệu quả kỹ thuật lại ở mức thấp nhất. Thậm chí các doanh nghiệp FDI ngành dệt may, da giày, đồ gỗ sử dụng công nghệ thấp hơn nhưng giá trị gia tăng cho người lao động cao hơn nhiều lần so với doanh nghiệp FDI sản xuất với công nghệ cao như điện tử, hoá dược; và sử dụng công nghệ trung bình như cơ khí lắp ráp, luyện kim…

R&D còn nhiều hạn chế

Hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) của các doanh nghiệp tại Việt Nam đều chưa đạt về chi phí lẫn số nhân lực dành cho R&D theo luật Công nghệ cao. Các ưu đãi cho nhà đầu tư công nghệ cao cao hơn nhiều so với đầu tư thông thường. Các nhà sản xuất lớn đã không ngừng tạo ra sức ép để được hưởng ưu đãi. Theo tổ chức phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO), các hiệp hội ngành nghề trong nước lại chưa đủ khả năng tiếp cận, làm đối trọng hoặc thiết lập liên kết hợp tác với khối FDI. Môi trường ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao để hấp thu các giá trị công nghệ lâu nay chưa có được chiến lược dài hạn. Các doanh nghiệp còn yếu và thiếu kinh nghiệm tổ chức các dịch vụ cần thiết cho các nhà đầu tư công nghệ cao.

UNIDO nhận định việc chuyển giao công nghệ và tri thức của doanh nghiệp FDI tại Việt Nam không đạt bởi phụ thuộc nhiều vào hàng hoá trung gian và nhập khẩu. Nếu việc thu hút FDI không song hành với các chương trình phát triển công nghiệp, kinh tế xã hội, thì dù các nhà đầu tư chịu thiết lập bộ phận R&D cũng khó tạo ra được phần cốt lõi.

Lao động phổ thông là chủ yếu

Hiện nay, nguồn lao động phổ thông trong các nhà máy chiếm từ 70 – 80%, do vậy khó đầu tư và phát triển một doanh nghiệp trở thành công nghệ cao thực sự.  Ví dụ, khu công nghệ cao TP.HCM (SHTP), tuyển dụng hơn 17.500 lao động nhưng 76% là lao động phổ thông. Nếu tính rộng hơn tại 15 khu chế xuất – khu công nghiệp – khu công nghệ cao tại TP.HCM có 270.000 công nhân nhưng chỉ 10.000 lao động có trình độ đại học. Khảo sát của UNIDO cũng cho thấy lao động phổ thông chiếm gần 80% ở gần 1.500 doanh nghiệp FDI được khảo sát; lao động nước ngoài là cán bộ kỹ thuật/giám sát chiếm xấp xỉ 15%.

Theo UNIDO phần lớn doanh nghiệp FDI phụ thuộc vào vốn và đầu vào nhập khẩu đồng thời sản xuất chủ yếu cung ứng cho xuất khẩu. Các xu hướng này khẳng định năng suất trên lao động tương đối thấp. Điểm sáng nhất là khối FDI tích cực cải thiện chất lượng và kỹ năng lao động nội địa, tuy nhiên tác động gián tiếp còn thấp do liên kết dọc giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn yếu. Chuỗi cung ứng trong nước lỏng lẻo càng khiến việc chia sẻ và chuyển giao công nghệ khó diễn ra.

Tài liệu tham khảo:

  1. Khái quát về doanh nghiệp công nghệ cao – https://khoinghiep.thuvienphapluat.vn/bai-viet/khai-quat-ve-doanh-nghiep-cong-nghe-cao-7.html 
  2. Thực trạng ngành công nghệ cao tại Việt Nam – http://business.gov.vn/tabid/96/catid/384/item/5842/th%E1%BB%B1c-tr%E1%BA%A1ng-ng%C3%A0nh-c%C3%B4ng-ngh%E1%BB%87-cao-t%E1%BA%A1i-vi%E1%BB%87t-nam.aspx
  3. Doanh nhân và hội nhập: Cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ cao – https://vtv.vn/doanh-nhan-va-hoi-nhap/doanh-nhan-va-hoi-nhap-co-hoi-cho-cac-doanh-nghiep-cong-nghe-cao-20180401163829096.htm
  4. Nguồn Internet

 

Leave a Reply

error: Nội dung đã khóa !!