TẦM QUAN TRỌNG CỦA HỌC TẬP TRONG DOANH NGHIỆP

Học tập là một trong những điều kiện tiên quyết của việc quản lý kinh doanh hiệu quả. Cách tiếp cận và tiến hành học tập trong mỗi doanh nghiệp lại tùy thuộc vào sự cởi mở của doanh nghiệp với những thay đổi, đặc biệt là thay đổi về cách thức vận hành, phân tích và cải thiện các thủ tục hiện tại để sẵn sàng xử trí phù hợp trong các tình huống bất thường. Như vậy, doanh nghiệp cần phải chuẩn bị thật tốt để duy trì khả năng thích nghi linh hoạt trong thế giới kinh doanh không ngừng đổi thay, và sự chuẩn bị tốt nhất là xây dựng tiến trình học tập.

Trong một nền văn hóa học tập, dữ liệu và thông tin không được giữ bí mật hay bị phong tỏa bởi ban lãnh đạo. Thực tế là, tại một doanh nghiệp khuyến khích học tập, thông tin tri thức phải đáp ứng điều kiện dễ dàng truy cập để các nhà quản lý và nhân viên cùng chia sẻ một khung tham chiếu chung. Ngoài ra, đào tạo và học tập cần phải được doanh nghiệp ưu tiên phát triển, xây dựng riêng một lộ trình học tập liên tục để nó thấm nhuần và trở thành văn hóa doanh nghiệp.

TIẾN TRÌNH HỌC TẬP QUA MÔ HÌNH SECI

Có nhiều cách để doanh nghiệp xây dựng tiến trình học tập và mỗi doanh nghiệp lại có nền tảng xây dựng khác nhau. Trong đó, mô hình SECI cũng là một mô hình giúp doanh nghiệp xây dựng được tiến trình học tập hiệu quả.

SECI là viết tắt của: Socialization (xã hội hóa), Externalization (ngoại hóa), Combination (kết hợp) và Internalization (nội hóa). Đây là mô hình về tiến trình vận động của tri thức được đề xuất bởi hai học giả Nonaka và Takeuchi. Với mô hình này, Nonaka và Takeuchi đề cập đến hai loại tri thức là tri thức ẩn và tri thức hiện. Tri thức ẩn là các tri thức gắn với cá nhân cụ thể mang tính kinh nghiệm, được xây dựng dựa trên cảm xúc, quan sát, trải nghiệm, trực giác và thường không mang hình thái biểu hiện cụ thể. Tri thức hiện là tri thức ẩn đã được hệ thống lại, tài liệu hóa và thể hiện bằng một hình thức thông tin cụ thể. Tri thức hiện dễ truyền tải, lưu trữ và là kiến thức được tìm thấy trong các báo cáo, tài liệu, sách, trên website,…

4 bước tạo và trao đổi kiến thức được thể hiện qua chính chữ cái viết tắt của tên mô hình, cụ thể như sau:

  • Socialization (xã hội hóa): Tri thức ẩn được trao đổi thông qua các trải nghiệm trong quá trình tương tác xã hội. Kiến thức ẩn thường được tích lũy qua thực hành, quan sát và hướng dẫn. Trong một doanh nghiệp, tri thức ẩn khó được hệ thống hóa nên mỗi thành viên trong doanh nghiệp cần cùng chia sẻ, dành thời gian bên nhau, quan sát, thấu hiểu nhau và tìm cách tích lũy kiến thức trong môi trường làm việc.
  • Externalization (ngoại hóa): là một quá trình theo đó tri thức ẩn được chuyển hóa thành tri thức hiện thông qua tư duy. Quá trình chuyển đổi này rất quan trọng nhưng cũng đầy khó khăn. Đối với doanh nghiệp, kiến thức ẩn được hệ thống, mã hóa thành tài liệu và sách hướng dẫn để có thể dễ dàng lan truyền hơn trong nội bộ doanh nghiệp. Trong quá này, phải sử dụng đến các khái niệm, hình ảnh và tài liệu hỗ trợ để hình thành hệ thống kiến thức rõ ràng, dễ hiểu. Khi kiến thức ẩn đã được làm rõ tức là kiến thức đó đã kết tinh, nên có thể dễ dàng chia sẻ cho những người khác, dần dần trở thành nền tảng của tri thức mới.
  • Combination (kết hợp): Ở quá trình này, tri thức hiện trong quá trình ngoại hóa sẽ được sắp xếp, kết hợp hoặc xử lý để trở thành hệ thống tri thức hiện có hệ thống hơn, sự kết hợp này cũng tạo ra kiến thức mới. Doanh nghiệp có thể sử dụng mạng truyền thông trên máy tính và cơ sở dữ liệu có quy mô lớn để hỗ trợ phương thức chuyển đổi tri thức này. Các kiến thức hiện được thu thập cả bên trong và bên ngoài doanh nghiệp được kết hợp lại, chỉnh sửa và xử lý để tạo ra kiến thức mới, dễ dàng lưu hành trong nội bộ doanh nghiệp hơn, thậm chí có thể phát hành rộng rãi.
  • Internalization (nội hóa): Trong quá trình nội hóa, tri thức hiện được tạo ra và chia sẻ trong toàn tổ chức, sau đó nó sẽ được chuyển hóa thành tri thức ẩn theo cách tiếp thu của mỗi người. Kiến thức của mỗi cá nhân này cũng chính là tài sản của doanh nghiệp khi cá nhân phục vụ, cống hiến cho doanh nghiệp.

Như vậy, theo mô hình SECI, tiến trình vận động của tri thức sẽ có dạng trôn ốc và phát triển liên tục. Từ tri thức ẩn được chia sẻ để tạo ra tri thức hiện, hệ thống hóa để dễ dàng chia sẻ, truyền đạt cho người khác. Tri thức hiện này lại được tiếp thu và nhanh chóng được từng cá nhân tích lũy tạo thành tri thức ẩn mới. Thấu hiểu quy trình này, các doanh nghiệp nên tạo điều kiện cho nhân viên của mình có cơ hội tích lũy tri thức, thực hiện tốt khâu hệ thống hóa kiến thức để việc truyền đạt được hiệu quả nhất.

Nguồn tham khảo: https://www.12manage.com/methods_nonaka_seci.html

Leave a Reply

error: Nội dung đã khóa !!