KỸ NĂNG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ QUAN TRỌNG
Giải quyết vấn đề (Problem Solving) là một kỹ năng quan trọng và cần thiết trong cuộc sống. Kỹ năng giải quyết vấn thể hiện cách thức chúng ta đối diện, phát triển và xử lý những tình huống, những sự việc diễn ra hàng ngày trong cuộc sống. Nó gần như là một phần của cuộc sống, là cầu nối để liên kết sự việc này với sự việc khác. Song, dù quen thuộc và được nhận thức bởi hầu như toàn xã hội thì việc cần phát triển để có được kỹ năng giải quyết vấn đề tốt lại là vấn đề không phải ai cũng nhận ra và định hướng đúng đắn.
VAI TRÒ CỦA KỸ NĂNG GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
Kỹ năng giải quyết vấn đề mang tính quyết định không chỉ đến thành công mà còn là hạnh phúc của mỗi cá nhân. Việc giải quyết vấn đề liên quan mật thiết đến cuộc sống của mỗi người, nó xâu chuỗi những sự kiện lại thành một chuỗi sự kiện một cách có mục đích, nguyên nhân và kết quả. Hiển nhiên là một kết quả xấu sẽ làm giảm đáng kể tỷ lệ thành công của hành động liên quan, phát sinh ngay sau đó. Những quyết định sai lầm thường dẫn đấn những hậu quả mà không ai mong muốn, với tùy mức độ khác nhau, từ những ảnh hưởng nhỏ, đến những biến cố, thậm chí là những khủng hoảng kéo dài. Thất bại trong việc giải quyết mâu thuẫn gia đình dẫn đến tan vỡ, lựa chọn ngành học theo số đông mà không tìm rõ đam mê của mình dẫn đến lãng phí thời gian và mất phương hướng. Giải quyết vấn đề bất đồng quan điểm với sếp một cách vụng về có thể dẫn đến mất việc.
Dù ở cấp độ nào đi chăng nữa, mỗi người đều cần có một kỹ năng giải quyết vấn đề tốt, để có cuộc sống tốt đẹp hơn. Kỹ năng này cũng đặc biệt quan trọng trong công việc. Nó góp phần rút ngắn con đường tới thành công và làm rạng rỡ hơn thành công của bạn.
CÁC BƯỚC CƠ BẢN CỦA GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
Với tầm quan trọng của việc giải quyết vấn đề trong cuộc sống, đã có rất nhiều nghiên cứu về cách thức để đạt được kết quả tốt trong việc giải quyết vấn đề. Mô hình của nhà kinh tế học Polya nêu ra bốn bước cơ bản như sau:
- Bước 1: Xác định vấn đề
Đây là bước quan trọng để đảm bảo rằng điều bạn đang hướng đến là giải quyết triệt để vấn đề, không phải là giải quyết chống đối, chỉ giải quyết triệu chứng của vấn đề. Giống như bệnh không được chữa trị tận gốc thì dù triệu chứng có thể tạm thời mất nhưng nó sẽ lại phát sinh, lặp đi lặp lại.
Đối với bước này, bạn cần phải hiểu để trả lời hết các câu hỏi:
1. Đó có thực sự là vấn đề?
Nhiều người thường vội vàng tìm cách giải quyết vấn đề mà chưa kịp nhận thức được điều này. Điều bạn đang gặp phải có thật sự là điểm cốt lõi? Hay nó chỉ là “cành lá” của một “gốc rễ” khác chưa được tìm ra.
2. Nguyên nhân dẫn đến vấn đề là gì?
Việc tìm hiểu nguyên nhân sẽ giúp ích rất nhiều cho việc giải quyết vấn đề một cách triệt để. Hơn nữa, nó cũng là cách nhanh nhất để giải quyết vấn đề khi bạn đã xác định được một cách rõ ràng vị trí “lỗ hổng cần vá”.
3. Đặc điểm của vấn đề là gì?
Đặc điểm của vấn đề bao gồm thông tin đầy đủ về vấn đề. Việc nắm rõ được toàn bộ vấn đề so với việc chỉ nhận thức được một góc của điều đó là rất khác nhau. Mọi sự vật có nhiều khía cạnh, chỉ nhận thức được một phương diện sẽ dẫn đến việc “lấp chỗ nọ hổng chỗ kia”. Và hiển nhiên sẽ kéo dài thời gian để phải xử lý vấn đề đó. Ngoài ra, cũng cần ý thức được tầm quan trọng, tính cấp thiết của vấn đề để phục vụ tốt cho việc cân đối thời gian, nguồn lực trong việc tìm và thực hiện giải pháp.
4. Nguồn lực cho giải quyết vấn đề?
Hiệu quả của Problem Solving trong thời kỳ hiện đại ngày nay không chỉ đến từ việc vấn đề đã được giải quyết hay chưa mà còn phải bảo đảm được hiệu suất cao nhất. Tức là tối thiểu hóa nguồn lực. Như đã nói ở trên, có những cấp độ vấn đề khác nhau: không quan trọng và không cấp thiết, không quan trọng nhưng cấp thiết, quan trọng nhưng không cấp thiết hay vừa quan trọng vừa cấp thiết. Từ đó đòi hỏi việc phân bổ hợp lý các nguồn lực với từng loại vấn đề. Nếu bạn sửa bậc cửa trong khi dùng hết số gạch đủ để xây một căn nhà thì dù bậc cửa có đẹp đến mấy, bạn sẽ khó có thể có được sự thừa nhận. Vì vậy, nhận thức được nguồn lực thích hợp là cần thiết để đạt được hiệu quả cao.
- Bước 2: Tìm ra các giải pháp
Khi đã có được những thông tin cụ thể nắm được ở bước 1, sẽ dễ dàng hơn rất nhiều để đưa ra các phương án xử lý. Điều quan trọng đó là bạn phải có được ít nhất tối thiểu hai sự lựa chọn, cố gắng đưa ra càng nhiều phương án càng tốt vì những giải pháp này sẽ là dữ liệu để ra quyết định lựa chọn sau này. Với việc càng có nhiều lựa chọn, vấn đề sẽ càng có khả năng được xử lý theo cách tốt nhất.
Vì vậy, hãy huy động nguồn lực từ nhiều phía, lắng nghe và góp nhặt những ý kiến cá nhân và các ý kiến chung để tránh bỏ lỡ những giải pháp tiềm năng.
- Bước 3: Đánh giá và lựa chọn giải pháp
Lúc này cần phải có sự đánh giá toàn diện các giải pháp để có thể lựa chọn giải pháp hiệu quả nhất. Các đề xuất có thể được xem xét dựa trên các tiêu chí: đúng mục tiêu, phù hợp về nguồn lực, tính khả thi và sự chấp nhận tập thể.
- Bước 4: Thực hiện và đánh giá
Dù việc hoàn thành 3 bước trên có thể giúp gia tăng tỷ lệ đưa ra quyết định xử lý vấn đề đúng của bạn tăng lên cao, nhưng cũng không thể đảm bảo chắc chắn 100% là bạn đã lựa chọn đúng. Vì vậy, trong quá trình thực hiện, cần phải sát sao quan sát và nắm bắt được quá trình để có những điều chỉnh phù hợp cần thiết và kịp thời nhất.
CHIẾN LƯỢC GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
Khi đã có thể rèn luyện được kỹ năng giải quyết vấn đề tốt dựa trên 4 bước cơ sở trên, kỹ năng này còn có thể ngày càng được nâng cao dựa trên việc gia tăng kỳ vọng vào kết quả! Việc này sẽ không chỉ giúp thu được thành công lớn hơn mà còn gián tiếp tạo động lực để cải thiện kỹ năng. Bạn kỳ vọng chỉ sửa lỗi vấn đề? Hay bạn muốn làm tốt hơn? Giải quyết một cách sáng tạo? Hay thậm chí là tạo ra và nắm bắt những cơ hội từ chính những “rắc rối” bạn cần phải đối mặt?
Vấn đề luôn phát sinh mọi lúc mọi nơi và kỹ năng giải quyết tốt sẽ đem lại trên hết là sự thành công cho bạn (về tiến độ dự án bạn đang làm, chất lượng công việc, lương, thưởng và sự phát triển của bạn,…). Sẽ không có gì là khó hiểu khi một người luôn giải quyết vấn đề một cách “êm ấm” sẽ tạo dựng được niềm tin, gặt hái được nhiều thành công và thăng tiến nhanh chóng.
Tài liệu tham khảo:
1.http://www.1000ventures.com/business_guide/crosscuttings/problem_solving_4levels.html
2.http://strelnicemu.cz/wp-content/languages/themes/four-steps-of-the-creative-problem-solving-model.php
3.https://www.mindtools.com/pages/article/newTMC_00.htm