Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với những yếu tố mới về công nghệ, chuyển đổi số, kết nối đã, đang mang đến nhiều khó khăn, thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam. “Thay đổi” hoặc “thất bại” đó là lựa chọn bắt buộc đối với các doanh nghiệp hiện nay. Mỗi doanh nghiệp cần phải đổi mới, nâng cao sự hợp tác hơn nữa giữa nhà quản lý và người làm Quản trị nhân lực, đặt ra yêu cầu ngày càng cao cho bộ phận Nhân lực phải gia tăng thêm giá trị của mình. Khác với người làm Quản trị nhân lực truyền thống, giờ đây, bộ phận Nhân lực phải gia tăng thêm giá trị, đem lại hiệu quả kinh doanh và phát huy năng lực mới trong tổ chức.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thương trường, giúp tổ chức có năng lực cạnh tranh, bộ phận Nhân lực phải khắc phục với 8 thách thức mà các nhà lãnh đạo phải đối mặt.
Thách thức đầu tiên là toàn cầu hóa
Toàn cầu hóa kéo theo nhiều cái mới như thị trường mới, sản phẩm mới, tư duy mới, năng lực mới và cách thức kinh doanh mới. Đặc tính của toàn cầu hóa được biểu hiện ở sự so sánh vòng đời của một ngành công nghiệp. Sau khi chính sách kiểm soát của chính phủ Mỹ được dỡ bỏ, ngành hàng không Mỹ đã nhanh chóng hợp nhất tư hơn 1000 hãng hàng không xuống còn 8 hãng hàng không và phục vụ 80% lượng khách. Mô hình tương tự cũng đang tồn tại hoặc sẽ sớm xuất hiện trong hầu hết các ngành khác. Cạnh tranh toàn cầu hiệu quả đòi hỏi nhiều hơn việc tạo ra một sản phẩm trong thị trường nội địa và vận chuyển sản phẩm này tới các thị trường mới.
Thách thức thứ hai: Chuỗi giá trị trong doanh nghiệp và dịch vụ Nhân lực
Trong bối cảnh cạnh tranh trong tương lai, đáng chú ý là xây dựng và vận hành các tổ chức có khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng nhiều hơn. Khả năng đáp ứng này bao gồm sự đổi mới, ra quyết định nhanh chóng, dẫn đầu ngành về giá cả hoặc giá trị, hợp tác hiệu quả với các nhà cung cấp để xây dựng chuỗi giá trị. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng thái độ của nhân viên có tương quan với thái độ của khách hàng. Việc xây dựng các hoạt động Nhân lực tập trung nhiều vào chuỗi giá trị (gia tăng giá trị sản phẩm với khách hàng tại mỗi bước trong quy trình) thay vì hoạt động nội bộ của công ty có nhiều ý nghĩa sâu sắc.
Thách thức thứ ba: Lợi nhuận
Lợi nhuận là điều bắt buộc phải có trong mỗi công ty. Nếu không có vị trí độc quyền, các công ty không có tính cạnh tranh (dựa trên lợi nhuận) sẽ thất bại. Lợi nhuận phải đến từ sự kết hợp giữa việc tăng doanh thu và cắt giảm chi phí. Có 3 con đường chính dẫn đến sự tăng trưởng đều ảnh hưởng đến ngành Nhân lực:
Tăng trưởng thông qua khách hàng: Các tổ chức muốn tận dụng khách hàng thì phải thiết lập được những quy trình đào tạo nhân lực để có thể kết nối nhanh chóng và dễ dàng với nhu cầu khách hàng. Nhân viên phải tận tâm và có mối liên hệ mật thiết với khách hàng quan trọng.
Tận dụng năng lực cạnh tranh cốt lõi:Tạo ra sản phẩm mới, nâng cao thách thức cơ bản bằng cách biến kiến thức từ việc nghiên cứu thành sản phẩm cho khách hàng.
Mua bán, sáp nhập hoặc liên doanh: Yêu cầu về mức độ đáp ứng của tổ chức về văn hóa còn khó hơn tương thích về tài chính và chiến lược. Vì vậy, nhiều thương vụ sáp nhập đã thất bại vì yếu tố văn hóa của công ty được sáp nhập quá khác nhau
Các nhà quản lý chuyên gia Nhân lực muốn gia tăng lợi nhuận phải tìm được những cách mới để thiết kế và thực hiện các hoạt động tổ chức.
Thách thức thứ tư: Tập trung vào năng lực tổ chức
Khi chuyển hóa chiến lược thành hoạt động hàng ngày, tiềm lực của tổ chức cần được định hướng lại để duy trì và phát triển năng lực của mỗi cá nhân. Tiềm lực của tổ chức là cốt lõi của năng lực cạnh tranh, là những điều mà tổ chức luôn làm tốt hơn đối thủ, chính là năng lực chuyên môn.
Các chuyên gia Nhân lực cần định hình lại hoạt động của mình dựa trên những năng lực mà họ phải tạo nên. Việc tuyển dụng, đào tạo hay khen thưởng các cá nhân giờ đã không còn đủ với những gì chuyên gia Nhân lực làm, các hoạt động đó phải được thực hiện nhằm mục đích xây dựng năng lực nội bộ cho tổ chức.
Thách thức thứ năm: Thay đổi
Sự thay đổi tổ chức được gọi với nhiều cái tên khác nhau như: Chuyển đổi, tái cấu trúc, thay đổi văn hóa, tái tạo, thích ứng nhưng thách thức mà chúng tạo ra đều giống nhau. Các nhà quản lý, nhân viên và tổ chức phải học cách thay đổi nhanh và dễ dàng hơn. Các chuyên gia Nhân lực cần giúp tổ chức thay đổi, xác định mô hình thay đổi tổ chức, hỗ trợ thực hiện trên toàn công ty.
Có một vấn đề đối với sự thay đổi là mặc dù các chuyên gia Nhân lực phổ biến về quá trình thay đổi đến cho nhân viên toàn công ty nhưng chính họ lại không thay đổi. Họ không làm theo những gì họ nói, mà nhân viên lại thường nhìn vào những gì họ hành động hơn là những gì họ nói, điều này dẫn đến sự thất bại trong nỗ lực thay đổi. Nếu các chuyên gia Nhân lực có khả năng thích ứng nhanh hơn đối thủ thì cơ hội chiến thắng sẽ nhanh hơn.
Thách thức thứ sáu: Công nghệ
Công nghệ có tác động đáng kể đến phương thức và địa điểm thực hiện công việc. Công nghệ mới cho phép nhân viên có thể làm việc tại nhà, ở những khu vực hẻo lánh hay các văn phòng chăm sóc khách hàng mà vẫn giữ mối liên kết với công việc kinh doanh. Các nhà quản lý và chuyên gia nhân lực chịu trách nhiệm xác định lại công việc ở công ty, biến công nghệ thành một phần của hệ thống công việc.
Thách thức thứ bảy: Thu hút, giữ chân nhân tài, đánh giá năng lực và nguồn vốn trí tuệ
Trong môi trường kinh doanh cạnh tranh thì việc giữ chân nhân tài lại càng trở nên quan trọng. Theo Allegis Group, 83% nhà tuyển dụng cho rằng việc thu hút và giữ chân nhân tài là một thách thức đối với họ. Cũng theo Millennial Branding, những lý do hàng đầu khiến nhân viên lâu năm rời bỏ công ty của họ là vì họ nhận được lời mời làm việc tốt hơn từ một công ty khác (30%), mục tiêu nghề nghiệp của họ không phù hợp với công ty của họ (27%), hoặc họ thấy thiếu cơ hội nghề nghiệp trong công ty (13%). Các công ty thành công sẽ là công ty giỏi nhất trong việc thu hút, phát triển và giữ chân những cá nhân với kỹ năng, tầm nhìn và kinh nghiệm đủ để chèo lái một doanh nghiệp toàn cầu.
Bảo đảm nguồn vốn trí tuệ là nâng cao chuẩn mực lãnh đạo. Lãnh đạo trong tương lai sẽ cần tập trung nhiều hơn vào đội nhóm và biết chia sẻ, thay vì định hướng chỉ bằng một người duy nhất. Thiết lập nên những tổ chức luôn nâng cao nguồn vốn trí tuệ đang và sẽ là một khía cạnh quan trọng trong công việc của ngành Quản trị nhân lực
Thách thức thứ tám: Lội ngược dòng không phải là chuyển đổi
Cắt giảm nhân sự, hợp nhất và tái cơ cấu là những nỗ lực giúp doanh nghiệp lội ngược dòng, khiến công ty tinh gọn, nhanh nhạy và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, lội ngược dòng không phải là chuyển đổi. Chuyển đổi là sự thay đổi hình ảnh cơ bản của doanh nghiệp, được nhìn nhận bởi khách hàng và nhân viên. Kết quả của chuyển đổi xảy ra khi khách hàng và nhân viên thấy được những vấn đề chung giống nhau của một công ty thay vì nhận thức được những hình ảnh khác nhau.
Ảnh hưởng của thách thức kinh doanh đến bản chất của cạnh tranh
Những thách thức cạnh tranh trên đã định nghĩa cạnh tranh là tăng thêm giá trị cho khách hàng bằng cách riêng biệt, các công ty phải tìm ra những phương thức mới để phục vụ khách hàng của mình. Để đối phó với 8 thách thức cạnh tranh trên, công ty nên tập trung vào những năng lực tổ chức như tốc độ, khả năng đáp ứng, quản trị các mối quan hệ, sự nhanh nhạy, khả năng học hỏi và năng lực của nhân viên.
Ảnh hưởng của thách thức kinh doanh đến các nhà lãnh đạo tương lai
Con đường tới chiến thắng của một công ty không chỉ dừng lại ở việc kiểm soát được bảng cân đối kế toán, tạo ra những quy trình sản xuất mới và xây dựng quan hệ khách hàng mà phải thiết lập nên tổ chức có khả năng thay đổi, học hỏi, năng động và phản ứng nhanh hơn đối thủ. Những nhà lãnh đạo thành công trong tương lai phải có khả năng tạo ra năng lực tổ chức.
Ảnh hưởng của thách thức kinh doanh đến nghề Nhân lực
Những thách thức cạnh tranh mới được nêu ra ở trên mang đến mục tiêu mới cho ngành Nhân lực – mục tiêu tập trung vào việc dẫn đầu về năng lực cạnh tranh.
Để làm được điều này, các chuyên gia Nhân lực phải tập trung nhiều vào kết quả công việc thay vì chỉ cố gắng thực hiện công việc tốt hơn. Nắm rõ vai trò của mình về khía cạnh tạo ra giá trị, tạo ra một cơ chế hoạt động Nhân lực để mang lại kết quả kinh doanh., học cách đánh giá kết quả về mặt năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp chứ không phải hợp nhất, tái cấu trúc hoặc cắt giảm nhân sự khi công ty lội ngược dòng.
Những thách thức cạnh tranh trên giúp cho những người làm trong ngành Nhân lực có cơ hội để củng cố bản thân và trở thành các chuyên gia Nhân lực.
Như vậy, với những thách thức và ảnh hưởng nêu trên, bộ phận Quản trị nhân lực cần phát huy hơn nữa giá trị cũng như vai trò của mình để giúp tổ chức đứng vững trên thị trường cạnh tranh, nhất là trong thời kỳ chuyển đổi số hiện nay. Các doanh nghiệp Việt Nam như đã nói ở trên đang đứng trước nhiều thách thức cho nên cần sự sáng suốt trong việc xác định hướng đi cho doanh nghiệp mình. Dù doanh nghiệp lớn hay nhỏ, những người điều hành tổ chức cần sáng suốt lựa chọn hướng đi cũng như đơn vị hỗ trợ tư vấn chuyên nghiệp, quyết định sự thành công của tổ chức.
Trong các dự án Tư vấn đổi mới, phát triển tổ chức mà OD CLICK triển khai hỗ trợ, chúng tôi đồng hành cùng các doanh nghiệp trong xây dựng năng lực tổ chức gắn với khách hàng, tinh gọn trẻ hóa bộ máy, quản trị tri thức và tổ chức học tập, đánh giá sự hài lòng và cam kết nhân viên. Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về toàn bộ các vấn đề trong tổ chức hay một đơn vị tư vấn, đánh giá khách quan, chuyên nghiệp, hãy liên hệ với chúng tôi ngay hôm nay.
Nguồn tổng hợp:
Dave Ulrich, Human Resource Champions , Harvard Business Review Press