ĐỔI MỚI TRONG DOANH NGHIỆP CÔNG NGHỆ VIỆT
Những năm gần đây, kinh tế Việt Nam đã liên tục đạt được những bước phát triển mạnh mẽ, đặc biệt năm 2017, tăng trưởng GDP đạt 6,81%, cao nhất trong 10 năm qua. Năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc (đứng thứ 55/137 quốc gia), chỉ số đổi mới sáng tạo (ĐMST) tăng 12 bậc, chỉ số tín nhiệm quốc gia từ ổn định lên tích cực, đồng tiền Việt Nam ổn định nhất khu vực châu Á, chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam tăng 20 bậc.
Trước xu thế hội nhập sâu rộng cùng khu vực và thế giới của Việt Nam hiện nay, vai trò của đổi mới sáng tạo trong sản xuất kinh doanh đóng vai trò lớn để góp phần đạt được kết quả trên. Trong ngành công nghệ, quá trình đổi mới càng có tầm quyết định cao bởi đặc điểm thị trường phát triển cực nhanh. Đổi mới tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng thị trường, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và phát triển nhằm tạo ra các sản phẩm mới, quy trình mới, công nghệ mới. Chính các công nghệ mới này có thể được áp dụng trong chính doanh nghiệp để tạo ra những tiến bộ trong hoạt động tổ chức, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Tốc độ phát triển nhanh chóng khiến áp lực đổi mới ngày càng mang tính sống còn đối với các công ty công nghệ, mà điển hình là số lượng lớn doanh nghiệp trong lĩnh vực phần mềm tại Việt Nam.
THỰC TẾ ĐẦU TƯ CHO ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TẠI VIỆT NAM
Đầu tư cho đổi mới sáng tạo dù mang lại nhiều lợi ích, nhưng trên thực tế, đổi mới không phải là điều dễ dàng với nhiều doanh nghiệp. Năng lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo hiện còn yếu và hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia còn non trẻ, manh mún.
Trên cơ sở 7.641 phiếu điều tra của Ngân hàng Thế giới mới công bố, số doanh nghiệp có hoạt động đổng mới sáng tạo chiếm 61,63%, số doanh nghiệp không có hoạt động này chiếm 37,18% và chỉ có 1,19% số doanh nghiệp không xác định được mình thực sự đã có đổi mới sáng tạo. Nguồn tài chính cho đổi mới công nghệ của doanh nghiệp chủ yếu được huy động từ “vốn tự có” (khoảng 2/3 tổng đầu tư cho đổi mới công nghệ) và khoảng 1/3 từ vốn vay tín dụng. Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp nhận được hỗ trợ từ phía Nhà nước về đổi mới sáng tạo và nâng cấp công nghệ còn thấp với lượng các doanh nghiệp được hưởng các chính sách về tín dụng hay chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ chỉ từ 10% đến 17%. Đáng chú ý tỷ lệ các doanh nghiệp được hỗ trợ tư vấn kỹ thuật hay thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ chỉ 3% đến 6%.
Kết quả thống kê và điều tra của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy nhóm doanh nghiệp có tỷ lệ lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên càng cao thì tỷ lệ các doanh nghiệp đổi mới cũng càng cao. Điều này đúng với cả 3 loại hình doanh nghiệp nhỏ, vừa và lớn. Bên cạnh đó, nhóm doanh nghiệp có quy mô lao động càng lớn thì tỷ lệ các doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo càng cao. Doanh số sản phẩm do đổi mới sáng tạo mang lại chiếm 62% tổng doanh số sản phẩm của doanh nghiệp. Tỷ lệ này đạt cao nhất tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với 65.6% và doanh nghiệp ngoài nhà nước là 59,1% và doanh nghiệp ngoài nhà nước chỉ là 43,3%.
Trong lĩnh vực công nghệ, theo kết quả khảo sát của Vietnam Report nhằm phục vụ việc đánh giá và xây dựng danh sách Top Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam uy tín năm 2018, các doanh nghiệp công nghệ hàng đầu Việt Nam đang ưu tiên đầu tư rất nhiều vào 5 công nghệ cốt lõi của cách mạng công nghiệp 4.0: IoT (Internet vạn vật kết nối), Big Data (Phân tích dữ liệu lớn), AI (Trí tuệ nhân tạo), Cloud Computing (Điện toán đám mây) và Blockchain (Khối chuỗi).
KHÓ KHĂN TRONG ĐỔI MỚI SÁNG TẠO
Thứ nhất, các doanh nghiệp thiếu vốn để đầu tư đổi mới công nghệ. Kinh phí cho nghiên cứu và phát triển của các doanh nghiệp Việt Nam chỉ ở mức trung bình, thấp hơn các nước trong khu vực như Lào, Camphuchia, Philippines và Malaysia.
Thứ hai, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao. Do vậy, doanh nghiệp lúng túng trong đánh giá, lựa chọn công nghệ thích hợp nên chi phí đầu tư thường cao hơn so với giá trị thương mại của công nghệ; chưa quen có kinh nghiệm trong việc lựa chọn hình thức phù hợp để mua công nghệ và đàm phán hợp đồng chuyển giao công nghệ với các nhà cung cấp; các hoạt động thích nghi, làm chủ và cải tiến công nghệ mua về hiệu quả còn thấp. Với doanh nghiệp tự sản xuất phần mềm cho công ty lại mất nhiều chi phí, thời gian và nhân lực nên không được chú trọng nhiều.
Thứ ba, các chính sách chưa theo kịp tốc độ phát triển của thị trường. Sự đầu tư Nhà nước và xã hội cho khoa học công nghệ chưa tương xứng. Các chính sách về hỗ trợ cải tiến, đổi mới công nghệ chưa thực sự hấp dẫn. Nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận với các nguồn vốn ưu đãi, điều kiện hỗ trợ khắt khe.
ĐỔI MỚI QUYẾT ĐỊNH SỰ SỐNG CÒN CỦA DOANH NGHIỆP
Trong lĩnh vực công nghệ thông tin, rất nhiều công ty công nghệ tên tuổi trên thế giới đã thất bại như Nokia, COMPAQ… vì không kịp thay đổi và thích ứng với sự thay đổi hàng ngày của thế giới. Điều này cho thấy sự cần thiết của đổi mới, sáng tạo liên tục trong cách nghĩ, cách triển khai của mỗi doanh nghiệp để đảm bảo bắt kịp xu hướng của thế giới.
Đổi mới sáng tạo là yếu tố quan trọng trong xây dựng tổ chức học tập. Thế giới không còn vận hành theo hướng cá lớn nuốt cá bé mà là cá nhanh nuốt cá chậm. Những doanh nghiệp có tốc độ đổi mới nhanh, thích ứng nhanh với thay đổi sẽ giành được lợi thế so với mặt bằng chung, tạo khác biệt. Ngược lại, tổ chức sẽ tự đào thải mình khỏi thị trường.
Tài liệu tham khảo:
http://www.worldbank.org/content/dam/Worldbank/document/EAP/Vietnam/Vietnam-STI-review-executive-summary-TIENGVIET-FINAL.pdf
https://www.most.gov.vn/vn/tin-tuc/14484/thuc-day-nang-luc-phat-trien-doi-moi-sang-tao-tai-viet-nam.aspx
https://congthuong.vn/hoat-dong-doi-moi-sang-tao-trong-doanh-nghiep-ky-vong-vao-hieu-qua-cao-108860.html
https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/doi-moi-cong-nghe-nen-tang-phat-trien-ben-vung-cho-doanh-nghiep-582879.ldo