Chiến lược và văn hóa đóng vai trò quyết định sự phát triển của mọi tổ chức. Thực tế, chiến lược và văn hóa không thể tách rời, cần có sự kết hợp với nhau hiệu quả. Peter Drucker, nhà tư vấn hàng đầu có nhận định “Culture eats strategy for breakfast”. Câu nói này ngụ ý cho tầm quan trọng của văn hóa. Khi chiến lược có được xây dựng tốt thế nào, nhưng đội ngũ không có sự gắn kết, không thấu hiểu thì việc thực thi đi đến thất bại. Ngược lại, văn hóa tốt nhưng hoạch định chiến lược sai lầm cũng dẫn đến sự thất bại của doanh nghiệp. Do vậy, việc kết hợp hai yếu tố này hiệu quả sẽ bài toán đối với các nhà lãnh đạo.

Trong bối cảnh bùng nổ về công nghệ và sự cạnh tranh, tư duy về xây dựng chiến lược và văn hóa đã có nhiều sự thay đổi. Tư duy về xây dựng chiến lược có sự linh hoạt và đặt khách hàng làm trung tâm, đề cao sự đột phá để tạo ra giá trị vượt trội. Đồng thời, văn hóa hướng đến tạo môi trường học tập, gắn kết và thích ứng với công nghệ. Sự chuyển đổi này tạo ra thách thức với doanh nghiệp bởi nếp tư duy cũ trong nền kinh tế ổn định cũng như chưa có kế hoạch, định hướng rõ ràng cho sự thay đổi. 

Bài viết này nhấn mạnh vào sự thay đổi trong tư duy tiếp cận xây dựng chiến lược hiệu quả trong nền kinh tế số. Đồng thời cũng chỉ ra những yếu tố quan trọng trong văn hóa để thúc đẩy tổ chức thích nghi, tạo ra đột phá cũng như hỗ trợ việc thực thi chiến lược hiệu quả. Khi chiến lược và văn hóa có sự thống nhất, cùng hướng đến đến đạt tầm nhìn, mục tiêu đặt ra thì tổ chức có bước phát triển đột phá, tạo vị thế vững chắc trên thị trường.

XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC ĐỊNH HÌNH HƯỚNG ĐI CHO DOANH NGHIỆP

Bản chất của chiến lược

Theo cuốn Lãnh đạo chiến lược và quản trị chiến lược của tác giả Shand Stringham, chiến lược bao gồm những khả năng và phương pháp (cách thức) cùng với nguồn tài nguyên (phương tiện) được sử dụng để đạt được mục tiêu.

Michael Porter định nghĩa chiến lược là vị thế cạnh tranh, “chọn một loạt các hoạt động khác nhau để tạo ra giá trị độc đáo”. Nói cách khác, bạn cần hiểu đối thủ cạnh tranh của mình và thị trường bạn đã chọn để xác định cách doanh nghiệp của bạn nên phản ứng.

Nhìn chung, chiến lược là sự phân bổ thông minh các nguồn lực thông qua một hệ thống hoạt động duy nhất để đạt được mục tiêu. Qua đó giúp tạo dựng nên lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp so với đối thủ.

Sự thay đổi xu hướng chiến lược trong bối cảnh biến động

Trong bối cảnh biến động, tư duy tiếp cận xây dựng chiến lược có sự thay đổi. Điều này định hình cách thức phản ứng của lãnh đạo trước những biến số của thị trường. Khi môi trường thay đổi, suy nghĩ cũng sẽ khác, xu hướng biến đổi trong chiến lược được thể hiện rõ ràng theo 3 trọng tâm. 

Tập trung vào yếu tố cảm xúc. Chiến lược kinh doanh hiện nay tập trung vào trải nghiệm khách hàng. Các sản phẩm/ dịch vụ cần chạm được đến cảm xúc khách hàng để tạo sự tích cực, tạo được dấu ấn thương hiệu. Đồng thời, yếu tố cảm xúc còn nhấn mạnh đến trực giác của nhà lãnh đạo trong xây dựng chiến lược. Bởi trong bối cảnh biến động, lượng thông tin hạn chế và tốc độ ra quyết định đòi hỏi nhanh vì vậy cần kinh nghiệm, sự nhạy bén.

Đề cao sự đổi mới sáng tạo. Để nâng cao khả năng cạnh tranh, tạo vị thế vững chắc thì chiến lược cần có sự sáng tạo, bứt phá. Điều này được hình thành khi doanh nghiệp luôn suy nghĩ từ phía khách hàng và luôn tìm giải pháp để nâng cao giá trị cho họ.

Thích ứng nhanh với sự thay đổi. Việc xây dựng chiến lược trước kia dựa vào phân tích thông tin, dữ liệu và hoạch định dài hạn. Tuy nhiên, với bối cảnh hiện nay, chiến lược dài hạn chỉ mang tính định hướng bởi nhiều biến số có thể xảy ra đòi hỏi nhà lãnh đạo có sự thay đổi để phản ứng lại thị trường. Xu hướng xây dựng chiến lược hiện nay tập trung hơn vào ngắn và trung hạn.

TƯ DUY TIẾP CẬN XÂY DỰNG CHIẾN LƯỢC HIỆU QUẢ TRƯỚC BỐI CẢNH

Các nhà lãnh đạo có thể xây dựng chiến lược theo nhiều cách thức tiếp cận khác nhau. Hiện tại, hai tư duy tiếp cận có thể phát huy được sự hiệu quả dựa trên khả năng linh hoạt, thích ứng với bối cảnh và tạo ra được lợi thế cạnh tranh lớn cho doanh nghiệp.

Xây dựng chiến lược áp dụng tư duy thiết kế

Các doanh nghiệp tập trung xây dựng chiến lược hiệu quả để tạo ra lợi thế cạnh tranh lớn trước đổi thủ. Trong kỷ nguyên số, lợi thế cạnh tranh đến khi doanh nghiệp có sự đột phá, đổi mới, khác biệt trong chiến lược của mình. Trọng tâm của sự đổi mới đã chuyển từ tập trung vào tư duy kỹ thuật sang thiết kế. Điều này có nghĩa là đặt khách hàng làm trung tâm để xây dựng chiến lược. Từ sự thấu hiểu khách hàng, thông qua thử nghiệm, doanh nghiệp tìm ra những giải pháp mang tính đột phá. 

Roger Martin, tác giả cuốn sách The Design of Business , khẳng định, “Các công ty có tư duy thiết kế sẵn sàng tham gia liên tục thiết kế lại hoạt động kinh doanh của họ. Từ đó tạo ra sự đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức- sự kết hợp tạo ra lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ nhất”. Từ đây có thể thấy điểm khác biệt trong tư duy kỹ thuật và tư duy thiết kế. Tư duy thiết kế tập trung vào sự thử nghiệm liên tục, dựa trên nhu cầu khách hàng hàng để luôn tìm ra giải pháp tốt hơn. Tư duy kỹ thuật tập trung tìm giải pháp tốt nhất thông qua những phân tích, lý luận, số liệu. Song, trong bối cảnh thông tin không rõ ràng, nhiều biến số thì tư duy truyền kỹ thuật không còn phù hợp.

Xây dựng chiến lược áp dụng tư duy thiết kế tập trung vào 3 yếu tố cốt lõi: Đồng cảm, Phát mình, Lặp lại. Tư duy thiết kế là một chu trình phi tuyến tính lặp lại liên quan đến việc nắm bắt nhu cầu chưa được đáp ứng của khách hàng. Từ đó tạo ra ý tưởng sáng tạo, thông qua tạo mẫu và thử nghiệm sẽ hình thành giải pháp phù hợp.

1. Đồng cảm

Giai đoạn này tập trung vào việc phân tích, thấu hiểu hành vi, nhu cầu của khách hàng để xác định trải nghiệm của họ với sản phẩm và dịch vụ. Mục tiêu là xác định khoảng trống trong nhu cầu của khách hàng với khả năng đáp ứng của doanh nghiệp. Khi đặt mình vào vị trí khách hàng mới có thể tìm ra cách thức tạo ra giá trị vượt trội, là cơ sở hình thành chiến lược hiệu quả.

Sự thấu hiểu này có thể thông qua việc khảo sát thu thập phản hồi, phỏng vấn nhóm, dữ liệu của khách hàng. Đồng thời, các nhà lãnh đạo, quản lý có thể trực tiếp quan sát và có những nhân định của riêng mình. Ví dụ, nhà lãnh đạo có thể trực tiếp quan sát quá trình chọn lựa sản phẩm của khách hàng tại cửa hàng, cách thức họ sử dụng hàng ngày, điều gì khiến họ cảm thấy bất tiện. 

2. Phát minh

Từ sự thấu hiểu và đồng cảm, các nhà lãnh đạo sẽ hình thành nên những ý tưởng để gia tăng giá trị tạo ra cho khách hàng. Những ý tưởng đột phá có thể xuất phát từ việc nhận ra được nhu cầu chưa thỏa mãn của khách hàng và yếu tố giúp gia tăng trải nghiệm của họ. Đây là quá trình doanh nghiệp xây dựng những ý tưởng có tính khả thi và tiến hành thử nghiệm để xác định chiến lược phù hợp.

Những ý tưởng có thể theo hai hướng. Thứ nhất, doanh nghiệp có giải pháp cải thiện trải nghiệm khách hàng với sản phẩm hiện tại. Có thể kể đến việc bổ sung thêm những tính năng mới, thiết kế bao bì thuận tiện hơn cho khách hàng. Ví dụ có thể kể đến trong lĩnh vực hàng tiêu dùng tại Việt Nam, nhiều thương hiệu về nước uống, sữa đặc đều thay đổi trong bao bì để tạo sự thuận tiện trong sử dụng cho khách hàng. Thương hiệu lớn như Facebook, Apple đều liên tục cập nhật tính năng, phần mềm mới cho sản phẩm của mình.

Thứ hai, doanh nghiệp có thể nghiên cứu và xây dựng giải pháp sản phẩm mới, đột phá để giải quyết vấn đề của khách hàng. Cách thức này đòi hỏi khả năng nghiên cứu và phát triển với sự kết hợp của nền tảng công nghệ và ý tưởng độc đáo. Điền hình có thể kể đến trường hợp của Samsung với nghiên cứu sản xuất màn hình gập, đáp ứng nhu cầu giải trí với màn hình lớn của khách hàng nhưng cần sự nhỏ gọn khi sử dụng.

2. Lặp lại

Sau khi có những ý tưởng và thử nghiệm để đánh giá được giải pháp chiến lược phù hợp. Doanh nghiệp bắt đầu áp dụng vào thực tiễn. Đưa sản phẩm/ dịch vụ đã xây dựng hoặc cải tiến ra thị trường. Đây là quá trình lặp lại khi các lãnh đạo cần tiếp tục quan sát, thấu hiểu khách hàng để xem những đánh giá, phản hồi từ thị trường.

Quá trình sẽ tiếp tục lặp lại ở bước 1: đồng cảm, khi doanh nghiệp tiếp tục khảo sát, phân tích hành vi khách hàng khi tiếp xúc với sản phẩm/dịch vụ mới. Từ đó xác định những nhu cầu mới làm cơ sở để tạo ra những ý tưởng chiến lược mới để cải thiện. Với tư duy như vậy, doanh nghiệp luôn cập nhật và thích ứng được sự thay đổi của thị trường, với việc bám sát nhu cầu và trải nghiệm khách hàng.

Xây dựng chiến lược áp dụng mô hình Canvas

Tiếp cận xây dựng chiến lược áp dụng mô hình canvas giúp nhà lãnh đạo có góc nhìn tổng thể về các khía cạnh quan trọng của tổ chức. Từ đó trước những thay đổi thị trường, lãnh đạo sẽ nắm bắt được sự thích ứng về chiến lược sẽ bắt đầu từ đâu,cần phải làm gì cũng như phân bổ nguồn lực vào đâu để đạt được hiệu quả.

Xây dựng chiến lược theo mô hình canvas tập trung vào 8 yếu tố quan trọng. Trong đó, khách hàng thể hiện rõ phân khúc mục tiêu mà doanh nghiệp hướng tới. Giá trị tạo ra nhằm xác định những gì doanh nghiệp mang đến cho khách hàng. Kênh phân phối thể hiện cách doanh nghiệp tiếp cận đến khách hàng. Nguồn doanh thu xác định cách thức tạo ra dòng tiền. Quan hệ khách hàng tập trung vào việc thu hút và tạo ra nguồn khách hàng trung thành. Hoạt động chính đảm bảo vận hành kinh doanh hiệu quả. Đối tác chính là mạng lưới nhà cung ứng, nhà đầu tư, đối tác chiến lược của doanh nghiệp.

Tư duy áp dụng mô hình kinh doanh canvas phù hợp với doanh nghiệp trong bối cảnh biến động hiện nay bởi sự hiệu quả với 3 trọng tâm chính là sự tập trung, sự thích ứng và minh bạch. 3 trọng tâm này quan trọng với xây dựng chiến lược hiện nay giúp doanh nghiệp có khả năng thích ứng, phân bổ nguồn lực hiệu quả và thúc đẩy sự tham gia mạnh mẽ của các thành viên.

Sự tập trung. Với việc xác định rõ 8 yếu tố như vậy, các nhà lãnh đạo có sự gợi mở về chiến lược và cần tập trung vào đâu để tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Như vậy, nguồn lực sẽ được phân bổ hiệu quả, tập trung vào những yếu tố quan trọng. Ví dụ, trước nhu cầu đa dạng của khách hàng, lãnh đạo hướng xây dựng chiến lược để tạo ra giá trị vượt trội cho khách hàng. Do vậy, doanh nghiệp có thể tập trung nguồn lực nghiên cứu và cho ra đời sản phẩm có tính hoàn thiện, giá trị ưu việt hơn.

Sự linh hoạt. Tư duy tiếp cận này cho phép lãnh đạo có thể linh hoạt trong các quyết định chiến lược để suy nghĩ thấu đáo, chọn lọc ra ý tưởng khả thi. Ví dụ, khi doanh nghiệp xác định đầu tư tạo ra sản phẩm mới có giá trị cao hơn nhưng trong điều kiện hiện tại không phù hợp. Lãnh đạo có thể thấy tiền năng hơn trong việc đầu tư vào quan hệ khách hàng với những chính sách đặc biệt để nâng cao trải nghiệm khách hàng, tạo hiệu quả kinh doanh.

Sự minh bạch. Các thành viên trong tổ chức dễ dàng hơn trong việc hiểu chiến lược và vận hành của doanh nghiệp. Bởi chiến lược theo mô hình canvas tối ưu gói gọn trong 1 trang, các thành viên nắm bắt được nội dung hiệu quả. Đây là nền tảng giúp việc thực thi chiến lược tốt khi đội ngũ trong tổ chức đều thấu hiểu chiến lược và vai trò của mình. Bên cạnh đó, sự rõ ràng này cho phép các thành viên chủ chốt có thể đóng góp ý kiến với lãnh đạo để hình thành chiến lược phù hợp cho tổ chức.

HÌNH THÀNH VĂN HÓA HỖ TRỢ CHIẾN LƯỢC VÀ THÍCH ỨNG BỐI CẢNH

Văn hóa doanh nghiệp không chỉ giúp định hình chiến lược mà tác động việc thực thi chiến lược hiệu quả. Có thể thấy, khi doanh nghiệp có văn hóa lấy khách hàng làm trung tâm thì chiến lược cũng sẽ được định hình theo cách đó, tập trung mang đến giá trị vượt trội cho khách hàng. Ngay khi chiến lược được hoạch định rõ ràng, có sự đột phá nhưng đội ngũ không có sự gắn kết, không có sự giao tiếp tốt và cam kết với tổ chức cũng sẽ thất bại. Yếu tố quyết định khả năng thích thi chiến lược hiệu quả là văn hóa.

Do vậy, trong bối cạnh tranh và biến động hiện nay, các doanh nghiệp cần nuôi dưỡng văn hóa hỗ trợ thực thi chiến lược hiệu quả cũng như có khả năng thích ứng với bối cảnh, đặc biệt trước xu thế chuyển đổi số. 

Dưới đây là mô hình 4A giúp nhà lãnh đạo củng cố văn hóa, tạo điều kiện thực thi chiến lược tốt và nâng cao khả năng thích ứng. Mô hình này dựa trên 4 yếu tố phụ thuộc lẫn, không thể tách rời. Đó là Liên kết (Alignment), Khả năng (Ability), Thiết kế (Architecture), Thích ứng (Agility). Mô hình xây dựng với hai trọng tâm chính là năng lượng và nguồn lực. Trong đó, nguồn lực bao gồm về tổ chức và con người. Năng lượng bao gồm tiềm năng và động năng. Tiềm năng con người và tổ chức, quyết định năng lực thực thi của công ty. Động năng là năng lượng thúc đẩy công ty hoạt động.

Liên kết (Alignment)

Sự liên kết được xác định thuộc khía cạnh con người và ở dạng động lực, thúc đẩy hoạt động. Sự liên kết được mô tả là sự hợp tác giữa các thành viên trong tổ chức để đạt được mục tiêu chiến lược. Thiếu sự liên kết là nguyên nhân chính dẫn đến việc toan tính các lợi ích khác nhau, xung đột, phân tán và phân rã.

Các giá trị cốt lõi của doanh nghiệp cần được truyền đạt rõ ràng tới từng cấp độ trong tổ chức. Theo Treacy và Wiersema (1995), 75% nhóm điều hành mà họ nghiên cứu không thể truyền đạt rõ ràng giá trị chuyển giao của công ty tới nhân viên. Truyền đạt hiệu quả sứ mệnh, tầm nhìn và giá trị của tổ chức một cách rõ ràng là nền tảng của văn hóa doanh nghiệp. Điều này giúp tạo ra cảm giác có chung một mục tiêu, từ đó thay đổi tư duy nhân sự từ một chiếc răng cưa nhỏ bé trong một cỗ máy thành một phần quan trọng của nhóm.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần có các chỉ số đo lường hiệu suất, quy trình phản hồi và kết quả được chia sẻ (phần thưởng). Điều này giúp phản ánh được năng suất và hướng tới thúc đẩy sự cam kết của các thành viên với mục tiêu đã đề ra.

Khả năng (Ability)

“Khả năng” tập trung vào khía cạnh con người và thúc đẩy tiềm năng để thực thi chiến lược hiệu quả. Các nhà lãnh đạo cần nuôi dưỡng văn hóa thúc đẩy học tập và phát triển. Điều này thể hiện thông qua đầu tư các khóa học giúp nhân viên trau dồi kỹ năng cũng như tối ưu hóa sức mạnh làm việc. Đồng thời khuyến khích trao đổi, hoạt động nhóm để chia sẻ kiến thức giữa các thành viên.

Các nhà lãnh đạo cần huấn luyện và khơi dậy tiềm năng của nhân sự; để họ tự quyết định, tự trách nhiệm khi áp dụng điểm mạnh vào công việc. Theo kết quả nghiên cứu State of the American Workplace của tổ chức Gallup cho thấy việc tập trung vào thế mạnh của nhân viên sẽ giúp họ làm việc tích cực hơn, đồng thời cải thiện những thiếu sót. Khi nhân viên nhận thức được ưu điểm, họ sẽ tự động làm việc năng suất cao hơn 7,8% và nếu một đội ngũ nhận thức điểm mạnh của họ thì năng suất cả nhóm sẽ cao hơn 12,5%.

Thiết kế (Architecture)

Thiết kế tập trung khía cạnh về tổ chức và mang tính thúc đẩy tiềm năng của tổ chức để thực thi chiến lược hiệu quả. Thiết kế tập trung vào vấn đề về cấu trúc, quy trình, quy định, chính sách của doanh nghiệp. Một văn hóa đặc trưng bởi sự tinh gọn, phản ứng nhanh, giảm thiểu các quy trình phức tạp là đích đến giúp tổ chức thích nghi với bối cảnh và hỗ trợ thực thi chiến lược hiệu quả

Về cấu trúc theo hướng đơn giản hóa để loại bỏ sự phức tạp không cần thiết, nhằm mục tiêu phân định rõ ràng quyền hạn, và cải thiện các kênh điều phối và giao tiếp. Trong bối cảnh đòi hỏi tốc độ phản ứng với thị trường, việc giữ cấu trúc tinh gọn giúp luồng thông tin truyền tải thông suốt, các quyết định được thực hiện nhanh hơn.

Doanh nghiệp cần tập trung cải thiện các quy trình và công việc tiêu chuẩn rõ ràng. Trong đó, vai trò cần đảm bảo, ai chịu trách nhiệm, hiệu quả suất thực hiện thế nào, bao gồm có chỉ số đo lường. Mục tiêu đảm bảo rằng mọi người đều làm việc hướng tới một kết quả chung, thúc đẩy sự cam kết trong tổ chức.

Thích ứng (Agility)

Sự thích ứng nằm trong khía cạnh về tổ chức và là động năng thúc đẩy hành động. Yếu tố này thể hiện khả năng thay đổi của tổ chức, thích nghi trước môi trường. Nuôi dưỡng một môi trường năng động cho phép học hỏi nhanh chóng và đưa ra quyết định chiến lược hiệu quả. Văn hóa đặc trưng bởi sự thích ứng giúp doanh nghiệp nhạy bén trước thay đổi của thị trường thông qua đội ngũ có khả năng học hỏi và tự hoàn thiện năng lực.

Để nâng cao sự thích ứng trong tổ chức, doanh nghiệp cần chú trọng trao quyền cho nhân sự. Cụ thể, các nhà lãnh đạo từ bỏ phần quyền lực để cho nhân sự có năng lực, kinh nghiệm có thể tự ra quyết định trong phạm vi cho phép. Điều này tạo ra tốc độ phản ứng trước biến động của thị trường và cũng là chất xúc tác giúp nhân sự chủ động hoàn thiện bản thân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Doanh nghiệp tập trung thúc đẩy sự gắn kết và nâng cao khả năng làm việc nhóm. Điều này giúp trau dồi tri thức và hình thành giải pháp hiệu quả thông qua trao đổi và chia sẻ tri thức giữa các thành viên trong tổ chức. Đồng thời, các nhà lãnh đạo cần chú trọng đầu tư vào quản trị tri thức để tạo vốn kiến thức trong tổ chức. Như vậy, kiến thức tích lũy qua thời gian không bị mất đi và việc truy xuất khi cần sẽ trở nên dễ dàng. Ví dụ, như tài liệu về cách thức xây dựng đề xuất, hoặc quy trình chăm sóc khách hàng. Khi đội ngũ nhân sự có nền tảng kiến thức tốt họ có khả năng linh hoạt trước sự thay đổi với tâm thế chủ động.

Nhìn chung, chiến lược và văn hóa là hai yếu tố không thể tách rời trong tổ chức, có vai trò bổ trợ lẫn nhau tạo ra sự phát triển với doanh nghiệp. Trong bối cảnh biến động thì chiến lược và văn hóa cũng cần có tư duy tiếp cận khác. Xây dựng chiến lược hiệu quả cần đặt khách hàng làm trung tâm, để hình thành những ý tưởng sáng tạo. Xây dựng văn hóa cần có sự thích ứng trước bối cảnh và hỗ trợ thực thi chiến lược hiệu quả. Văn hóa cần có sự thích nghi với công nghệ, thúc đẩy sự gắn kết bên trong tổ chức hướng đến sẵn sàng trước thách thức thị trường.

Để xây dựng chiến lược và văn hóa như vậy đòi hỏi năng lực của nhà lãnh đạo trong việc dẫn dắt, linh hoạt trước bối cảnh. Doanh nghiệp cần đầu tư đào tạo nâng cao năng lực của đội ngũ giúp thực thi chiến lược hiệu quả, đặc biệt những kỹ năng số để thích ứng với kỷ nguyên công nghệ. 

OD CLICK biên tập

Nguồn tham khảo:

  1. Shand Stringham (2012), “Lãnh đạo chiến lược và quản trị chiến lược”, Nhà xuất bản Hồng Đức
  2. https://ideas.darden.virginia.edu/beyond-strategy-three-lessons-and-four-ingredients-of-execution
  3. https://www.creativityatwork.com/design-thinking-strategy-for-innovation/
  4. https://www.consultancy.uk/news/18959/how-design-thinking-can-help-build-a-successful-strategy
  5. https://www.achieveit.com/resources/blog/reframing-your-framework-4a-planning-model
error: Nội dung đã khóa !!