MÔ HÌNH QUẢN TRỊ NHÂN SỰ HIỆN ĐẠI

 

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của bộ phận nhân sự trong doanh nghiệp là kết nối các phòng ban chức năng: Kinh doanh, Marketing, Sản xuất, Kế toán,…để đảm bảo công việc của họ có thể đóng góp cho kết quả kinh doanh.

Tuy nhiên, câu chuyện này cũng gợi mở vai trò tiếp theo của nhân sự, đó là không chỉ kết nối các nguồn lực bên trong tổ chức mà còn cả bên ngoài, nhằm tối ưu hóa hiệu quả công việc.

Trong bước phát triển mới của nhân sự, có 5 giá trị được để xuất như trong mô hình dưới đây:

Vai trò của nhân sự được hình thành từ 5 yếu tố:

  • Hiểu thực tế bên ngoài doanh nghiệp (công nghệ, kinh tế, toàn cầu hóa, nhân khẩu học)
  • Phục vụ các bên liên quan bên trong và bên ngoài doanh nghiệp (khách hàng, nhà đầu tư, nhà quản lý và nhân viên)
  • Xây dựng hoạt động Nhân sự (con người, hiệu suất làm việc, thông tin và công việc)
  • Xây dựng nguồn lực Nhân sự (chiến lược Nhân sự và công tác tổ chức)
  • Đảm bảo chuyên môn Nhân sự (Vai trò, năng lực và sự phát triển của người làm Nhân sự)

Khi thực hiện chuyển đổi nhân sự trong môi trường mới, lý tưởng nhất là thực hiện lần lượt theo chiều mũi tên như mô hình. Đôi khi, bạn cũng có thể bắt đầu không theo thứ tự, nhưng cần liên kết với các yếu tố khác trong mô hình để đạt được chuyển đổi tổng thể. Ví dụ như bạn bắt đầu từ đầu tư vào công nghệ trong hoạt động nhân sự, sau đó chuyển sang 4 yếu tố tiếp theo.

Từ Mô hình Đề xuất giá trị nhân sự, Dave Ulrich tìm ra 14 tiêu chí để hoạt động Nhân sự gia tăng giá trị cho các bên liên quan, bao gồm:

  1. Nhận ra thực trạng bên ngoài doanh nghiệp và điều chỉnh hoạt động, phân bổ nguồn lực sao cho phù hợp với bối cảnh

Trong thế giới thay đổi không ngừng, việc bộ phận nhân sự tham gia trong các cuộc họp quan trọng là một yêu cầu chắc chắn. Điều này không chỉ đòi hỏi nhà Quản trị nhân sự hiểu biết về vấn đề Nhân sự và vận hành nội bộ, mà còn về các yếu tố bên ngoài ảnh hưởng tới kinh doanh. Để có được sự tín nhiệm, chuyên gia Nhân sự cần hiểu về những xu hướng bên ngoài, bao gồm xu hướng công nghệ, nền kinh tế, chính sách kiểm soát, nhân khẩu học và môi trường toàn cầu. Sự am hiểu về môi trường bên ngoài giúp nhà quản trị nhân lực có phương án phân bổ nguồn lực phù hợp.

  1. Tạo ra giá trị thị trường cho nhà đầu tư bằng cách gia tăng tài sản vô hình

Kết quả cuối cùng mà nhà đầu tư quan tâm là cổ tức hoặc giá trị thị trường. Để mang lại giá trị cho nhà đầu tư, doanh nghiệp tập trung vào các tài sản vô hình. Những tài sản này này có thể dễ nhận biết như kết quả đầu tư vào R&D, công nghệ hay thương hiệu. Tuy nhiên, nhiều kết quả đầu tư vào tổ chức và con người là hai tài sản rất quan trọng mà Nhân sự có thể đóng góp.

  1. Gia tăng thị phần khách hàng bằng cách kết nối với khách hàng mục tiêu

Giữ chân khách hàng sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn là thu hút khách hàng mới. Tuy nhiên, với sự cạnh tranh ngày càng tăng, các khách hàng ngày càng khắt khe hơn. Khi kết nối với khách hàng, Nhân sự không làm thay công việc của Marketing và Sales mà phối hợp với họ. Nhân sự chuyển đổi kỳ vọng của khách hàng thành hành vi của nhân viên, giúp các kỳ vọng được đáp ứng hoặc thậm chí là vượt trên mong đợi khách hàng. Cải thiện hành vi nhân viên là cơ hội để Nhân sự đóng góp vào doanh thu của công ty.

  1. Giúp nhà quản lý thực thi chiến lược thông qua xây dựng năng lực tổ chức

Năng lực tổ chức đại diện cho bản sắc và danh tiếng của tổ chức. Giám đốc nhân sự có khả năng gắn hoạt động nhân sự với chiến lược và mục tiêu kinh doanh. Khi có nhiều hiểu biết về bên ngoài và nội bộ tổ chức, nhà đầu tư và khách hàng, Giám đốc nhân sự và lãnh đạo cùng nhau lựa chọn những năng lực tổ chức cần ưu tiên, từ đó xây dựng, triển khai các kế hoạch xây dựng chúng.

  1. Xác lập một đề xuất giá trị nhân viên và đảm bảo nhân viên có đủ năng lực làm việc

Năng lực cá nhân là khả năng, kỹ năng và bí quyết làm việc của nhân viên. “Nhân sự” bắt đầu từ con người, nên dù hướng tới mục tiêu kinh doanh của công ty thì nhiệm vụ hàng đầu của nhân sự là nhạy bén với nhu cầu của nhân viên. Bên cạnh trách nhiệm mang lại sự hài lòng cho nhân viên, vai trò chính của họ vẫn là ủng hộ quyền lợi nhân viên và phát triển nguồn vốn con người, giúp nhân viên xây dựng và nâng cao năng lực cá nhân.

  1. Tổ chức công tác hoạch định nhân sự theo hướng gia tăng giá trị

Hoạch định nhân sự bao gồm tuyển dụng, phát triển và luân chuyển vị trí. Hoạch định tốt giúp doanh nghiệp thu hút và quản trị nhân tài cho tổ chức. Những quyết định sáng suốt trong hoạch định nhân sự có khả năng làm nhà đầu tư có thêm niềm tin, khách hàng có mối quan hệ tốt với công ty, nhờ vậy tăng thị phần; các nhà quản lý sẽ chú trọng vào các năng lực giúp đạt được chiến lược và nhân viên sẽ thể hiện những năng lực được kỳ vọng.

  1. Tổ chức công tác quản trị hiệu suất làm việc theo hướng gia tăng giá trị

Quản trị hiệu suất là hoạt động quan trọng của doanh nghiệp. Các hoạt động nhân sự thúc đẩy hiệu suất làm việc bao gồm thiết lập tiêu chuẩn, xây dựng chính sách đãi ngộ tài chính và phi tài chính phù hợp, theo dõi đôn đốc. Những điều này đảm bảo sự thống nhất giữa hành vi của nhân viên và nhà quản lý, tạo động lực để họ mang lại dịch vụ chăm sóc khách hàng tối ưu.

  1. Quản lý thông tin theo hướng gia tăng giá trị

Tổ chức cần quản lý thông tin nội bộ cũng như những thông tin về khách hàng, cổ đông, môi trường bên ngoài. Chuyên gia nhân sự, với sự nhạy bén về con người và các quy trình, chính là người lý tưởng để hỗ trợ công tác quản trị thông tin. Những thông tin trong doanh nghiệp thường không thống nhất và bị giới hạn. Do vậy, truyền tải thông tin hiệu quả là cách nhân sự phát huy vai trò của mình trong tổ chức.

  1. Quản lý công tác tổ chức theo hướng gia tăng giá trị

Doanh nghiệp cần quản lý công tác tổ chức công việc từ khi xuất hiện nhu cầu sản phẩm/dịch vụ tới khi hoàn thành đơn hàng. Để làm được điều đó, doanh nghiệp cần phân phối công việc tới các cá nhân và nhóm, thiết lập cấu trúc tích hợp các kết quả khác nhau vào toàn bộ chu trình. Nhân sự thiết kế quy trình làm việc, cung cấp nguồn lực, cơ sở vật chất để thúc đẩy hiệu suất và hiệu quả công việc.

  1. Có quy trình xây dựng chiến lược rõ ràng để liên kết việc đầu tư vào Nhân sự với mục tiêu kinh doanh

Hoạt động nhân sự hiệu quả xác định rõ văn hóa mà công ty yêu cầu để liên kết với mục tiêu kinh doanh. Giám đốc nhân sự cung cấp một kế hoạch những công việc cần làm để giúp nhân viên, công tác quản trị hiệu suất làm việc, đào tạo và phát triển, xây dựng cơ cấu, truyền thông về trọng tâm và định hướng kinh doanh đạt được sự hòa nhập. Điều này giúp Nhân sự tối đa hóa vai trò của mình trong kết nối và hiện thực hóa mục tiêu kinh doanh.

  1. Thống nhất cơ cấu tổ chức bộ phận Nhân sự với chiến lược kinh doanh

Cơ cấu tổ chức bộ phận Nhân sự của công ty hiệu quả sẽ thống nhất với tổ chức và được điều chỉnh sao cho phù hợp với yêu cầu kinh doanh. Ở cấp cao nhất, bộ phận Nhân sự tạo ra giá trị cho công ty dựa trên sự gắn kết các phòng ban chức năng, hỗ trợ hoạt động kinh doanh, gia tăng giá trị cổ đông và xây dựng hình ảnh doanh nghiệp. Ở cấp độ đơn vị kinh doanh, Nhân sự tập trung vào mục tiêu chiến lược, xác định và phục vụ khách hàng mục tiêu, tạo ra giá trị trên thị trường và thực hiện đề xuất giá trị nhân viên.

  1. Các chuyên gia nhân sự hiểu và đảm nhiệm vai trò phù hợp

Chuyên gia Nhân sự là những người bảo vệ quyền lợi nhân viên, có trách nhiệm đảm bảo mối quan hệ giữa chủ lao động và nhân viên. Bên cạnh đó, họ còn là những người phát triển nguồn vốn nhân lực, thiết kế và triển khai các hoạt động đảm bảo năng lực nhân viên. Với tư cách đối tác chiến lược, họ hỗ trợ các nhà quản trị ở mọi cấp độ đạt được mục tiêu.

  1. Xây dựng đội ngũ thể hiện năng lực Nhân sự xuất sắc

Những chuyên gia nhân sự có xu hướng nhìn nhận bên ngoài, nhận diện và giúp đỡ người khác giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, họ cũng cần hoàn thiện năng lực của chính mình. Năm năng lực quan trọng nhất mà một chuyên gia nhân sự cần có là: Đóng góp chiến lược, Xây dựng uy tín cá nhân, Thực hiện hoạt động nhân sự, Hiểu biết về kinh doanh và Sử dụng công nghệ trong nhân sự.

  1. Đầu tư vào các chuyên gia Nhân sự thông qua hoạt động đào tạo và trải nghiệm phát triển

Cuối cùng, mọi sự thay đổi đều đến từ đội ngũ. Để thích ứng với sự thay đổi của môi trường và kinh doanh, các chuyên gia nhân sự cần được đầu tư để phát triển năng lực trong vai trò mới. Hoạt động đào tạo và phát triển toàn diện sẽ tạo ra những nhà lãnh đạo có khả năng học hỏi nhạy bén, thích ứng nhanh và phát triển năng lực phù hợp.

Quản trị nhân sự theo mô hình hiện đại mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, tuy nhiên cần sự quan tâm và đầu tư đúng mức. Bức tranh nhân sự này có thể mới lạ với nhiều tổ chức, song đó là điều cần thiết để mang lại hiệu quả cho Ban lãnh đạo, các phòng ban và chính những chuyên gia nhân sự.

 

Tài liệu tham khảo:

Dave Ulrich, The HR Value Propotion, Harvard Bussiness Review Press.

Leave a Reply

error: Nội dung đã khóa !!