TÁI CƠ CẤU DOANH NGHIỆP TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HÓA

 Trước những thay đổi của môi trường vĩ mô, sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ cũng như bối cảnh “cạnh tranh” toàn cầu đã đưa các doanh nghiệp (DN) Việt Nam đứng trước những thử thách vô cùng lớn.

Một DN có năng lực cạnh tranh thấp trong một thời gian dài thì DN đó có thể bị rời khỏi thị trường. Một Quốc gia có năng lực cạnh tranh thấp thì Quốc gia đó không phải rời khỏi thị trường. Tuy nhiên, phúc lợi xã hội, mức sống của người dân, tình hình kinh tế, môi trường… của Quốc gia đó sẽ đi xuống. Đó là sự khác biệt về năng lực cạnh tranh ở cấp DN và cấp Quốc gia.

Trong bối cảnh kinh tế, DN đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay mà hệ lụy của nó là sự ra đi của hàng loạt DN, nhiều dự án phải ngừng trệ… đã làm chặn lại quán tính phát triển của nền kinh tế. Để tồn tại và phát triển bền vững trong bối cảnh mới, buộc các DN phải tạo ra cho mình những lợi thế cạnh tranh mới.

DN muốn sản phẩm của mình có chỗ đứng trong lòng khách hàng bắt buộc phải cạnh tranh bằng các yếu tố: Thứ nhất, cạnh tranh bằng giá (cost leadership), cụ thể là phải cạnh tranh bằng giá rẻ và chất lượng của sản phẩm. Thứ hai, là cạnh tranh bằng sự khác biệt của sản phẩm (differentiation). Thứ ba, là cạnh tranh bằng công nghệ. Thứ tư, là cạnh tranh bằng tri thức, bằng sự sáng tạo và tái cơ cấu…

Chính vì vậy, chúng ta thường nghe đến các cụm từ như “tái cơ cấu”, “tái cấu trúc”. Vậy cụ thể định nghĩa của những cụm từ đó như thế nào? Nó có ý nghĩa ra sao đối với các doanh nghiệp Việt Nam? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu rõ hơn về chúng trong bối cảnh cạnh tranh và phát triển khoa học công nghệ hiện nay.

Hiểu thế nào là “tái cơ cấu” ?

Theo các học giả Michael Hammer và James A. Champy đưa ra khái niệm lần đầu và phát triển trong các cuốn sách Reengineering the Corporation, Reengineering Management, và The Agenda… thì: “Tái cơ cấu” (Reengineering) là việc xem xét và cấu trúc lại một phần, một số phần hay toàn bộ một tổ chức, một đơn vị nào đó, mà thường là một công ty. Ngoài việc tổ chức cho một công ty về các mảng chức năng (như là sản xuất, kế toán, tiếp thị, v.v…) và xem xét các nhiệm vụ mà mỗi chức năng thực hiện, theo lý thuyết tái cơ cấu, chúng ta còn phải chú ý tới các quy trình hoàn thiện từ khâu tìm kiếm các nguyên liệu, cho tới các khâu sản xuất, tiếp thị và phân phối. Công ty cần được tái cơ cấu qua một loạt các quy trình.

Cụ thể hơn, “tái cơ cấu” là một thủ tục trong đó một doanh nghiệp thay đổi chiến lược hoặc định hướng tổ chức. Nhiều trường hợp tái cơ cấu liên quan đến thu hẹp. Doanh nghiệp có thể sa thải nhân viên, loại bỏ các bộ phận hoặc đóng cửa một số chi nhánh. Các doanh nghiệp cố gắng thu hẹp quy mô cũng có thể thuê ngoài một số hoạt động của họ để tiết kiệm tiền. Trong các trường hợp khác thì tái cơ cấu có thể liên quan đến việc tái phân bổ hoặc thay đổi nhiệm vụ trong tổ chức để cải thiện hiệu suất hoặc kết hợp các công nghệ mới.

Tình trạng cần tái cơ cấu

Không chỉ số lượng doanh nghiệp phá sản tăng cao mà số doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động trong năm 2018 cũng tăng gần 50% so với năm ngoái.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2018 có trên 131.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1,47 triệu tỷ đồng, tăng 3,5% về số doanh nghiệp và tăng 14,1% về số vốn đăng ký so với năm 2017.

Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động tăng gần 50% so với năm ngoái, ở mức 90.651 doanh nghiệp. Trong số đó, bao gồm 27.126 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn và 63.525 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động không đăng ký hoặc chờ giải thể.

Trong tháng 03 năm 2019, số doanh nghiệp được thành lập mới là 12.472 doanh nghiệp với số vốn đăng ký là 128.115 tỷ đồng, tăng 54,3% về số doanh nghiệp và 57,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2018. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp trong tháng 3 đạt 10,3 tỷ đồng, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Số lao động đăng ký của các doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 3 là 153.665 lao động, tăng 122,8% so với cùng kỳ năm 2018.

Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 3 trên cả nước là 4.877 doanh nghiệp, tăng 170,8% so với cùng kỳ năm ngoái.

So sánh tình hình doanh nghiệp tạm ngừng, giải thể trong tháng 3/2019 với tháng 02/2019 tại biểu đồ 1 cho thấy các chỉ tiêu, gồm: số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 1.373 doanh nghiệp, giảm 51,4%; số doanh nghiệp không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký là 3.701 doanh nghiệp, tăng 180,2% (do tháng 02/2019 trùng với thời điểm kỳ nghỉ Tết Âm lịch kéo dài 09 ngày từ 02/02 đến 10/02/2019 nên số ngày làm việc chỉ bằng 2/3 so với tháng 3/2019); số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 1.882 doanh nghiệp, tăng 8,2% và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể là 960 doanh nghiệp, giảm 29,1%.

Nhu cầu tái cơ cấu trở nên cấp bách khi hiện trạng của các tổ chức đang gặp nhiều vấn đề trong cơ cấu, hoạt động khiến tổ chức hoạt động không hiệu quả, thậm chí trì trệ, đứng trước nguy cơ tan rã, phá sản. Nhiều nguyên nhân là do vấn đề cơ cấu sai, không hợp lý, kém hiệu quả. Chính vì vậy, việc tái cơ cấu được đặt ra và thậm chí là cấp bách nhất. Thể hiện cụ thể là:

  • Tổ chức không xác định nổi chiến lược và kế hoạch.
  • Đội ngũ lãnh đạo của tổ chức làm việc không hiệu quả. Các tố chất, bao gồm tính cách, hiểu biết, kinh nghiệm cá nhân của đội ngũ lãnh đạo trong một tổ chức đóng một vai trò quan trọng. Nếu sai, kém… sẽ kìm hãm sự phát triển của tổ chức.
  • Cơ cấu tài chính chưa phù hợp, chưa chuẩn mực và thiếu các hệ thống, công cụ kiểm soát cần thiết. Đây là một lý do mà nhiều tổ chức, đặc biệt là doanh nghiệp hiện nay cần tái cơ cấu nguồn tài chính để đảm bảo cho doanh nghiệp hoạt động một cách tốt nhất.
  • Quản trị nguồn nhân sự yếu kém. Có thể nói con người là một yếu tố có tính chất quyết định tới sự thành công của tổ chức và doanh nghiệp và nếu sự yếu kém nảy sinh từ vấn đề này thì cần phải được điều chỉnh kịp thời và phải có định hướng mang tính lâu dài.
  • Sự phối hợp hoạt động trong tổ chức không hiệu quả do cơ cấu chưa hợp lý. Một cơ cấu tổ chức được thiết kế tốt sẽ có khả năng cho phép doanh nghiệp sử dụng các thông tin từ các bộ phận một cách hiệu quả nhất, và từ đó giúp cho hoạt động phối hợp giữa các đơn vị được chặt chẽ và lãnh đạo điều hành tốt hơn.

Nội dung của tái cơ cấu doanh  nghiệp

Nội dung của tái cơ cấu quan tâm đến tính hệ thống và chuyên nghiệp trong phương thức thực hiện công việc, phối hợp công việc và điều hành công việc. Trong điều kiện hiện nay, tái cơ cấu đòi hỏi các doanh nghiệp phải thay đổi tư duy quản lý, cải cách về quản lý, tái cấu trúc lại các quá trình kinh doanh, trên cơ sở đó định hình mô hình và cơ cấu tổ chức phù hợp với điều kiện và định hướng kinh doanh của doanh nghiệp.

Tái cơ cấu thường quan tâm đến việc xem xét các hệ thống lập kế hoạch kinh doanh, hệ thống quản trị chuỗi cung, quản trị thông tin, hệ thống quản trị nhân lực, hệ thống quản trị tài chính và quản trị quan hệ khách hàng.

Các lợi ích mà tái cơ cấu có thể đem lại trong bối cảnh hiện nay

Nếu một doanh nghiệp thu hẹp quá trình tái cơ cấu, chi phí hoạt động của doanh nghiệp đó có thể giảm. Ví dụ như chi phí tiền lương sẽ thấp hơn nếu doanh nghiệp sa thải một số nhân viên của mình. Tương tự như vậy, khi thuê các đơn vị dịch vụ ngoài thường ít tốn kém hơn. Do đó, chị phí duy trì các hoạt động của công ty sẽ có xu hướng giảm khi tái cơ cấu.

Khi một doanh nghiệp loại bỏ các lớp quản lý trong quá trình tái cơ cấu, sự trao đổi và ra quyết định thường được cải thiện đáng kể. Đơn giản hóa việc quản lý sắp xếp lại hệ thống phân cấp tổ chức của một công ty, mở ra hiệu quả truyền thông thông điệp tới nhân viên và loại bỏ các rào cản đối với năng suất.

Các doanh nghiệp tái cơ cấu để giới thiệu các công nghệ mới có thể được hưởng hiệu quả hoạt động tăng lên, nhất là trong thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, điều này là lợi thế cho các doanh nghiệp. Chẳng hạn, các nội dung họp, kế hoạch, báo cáo trở nên chính xác, nhanh chóng và dễ truy cập hơn nếu một doanh nghiệp thực hiện một hệ thống mạng  lưới hoạt động công ty dựa trên các phẩn mềm quản lý công việc.

Cần tính toán kỹ để sắp xếp, tổ chức lại lao động, hệ thống sản xuất, hệ thống tài chính, hệ thống phân phối và thị trường tiêu thụ…Sự sắp xếp, thay đổi một cách toàn diện, theo quy trình chuẩn sẽ tạo cho doanh nghiệp có khả năng để thực hiện những công việc của mình một cách hiệu quả và bền vững, từ đó tạo lợi thế cạnh tranh bền vững, nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

Tái cơ cấu và nhược điểm của nó

Nếu một doanh nghiệp thu hẹp trong quá trình tái cơ cấu, việc mất công nhân có tay nghề cao có thể dẫn đến mất năng suất. Việc phân công lại nhiệm vụ của những công nhân này cho các nhân viên còn lại thường liên quan đến chi phí đào tạo bổ sung.

Công nhân còn lại sau khi thu hẹp thường cảm thấy không an toàn về công việc của họ, điều này có thể dẫn đến tinh thần công nhân thấp và dịch vụ khách hàng kém . Nếu tái cơ cấu công ty liên quan đến công nghệ mới hoặc thay đổi trách nhiệm của nhân viên, năng suất có thể bị ảnh hưởng trong khi nhân viên học được vai trò mới của họ. Các doanh nghiệp nhỏ đang tiến hành tái cơ cấu nên mong đợi đầu tư thời gian và tài chính vào việc đào tạo nhân viên của họ về công nghệ và hệ thống mới.

Như vậy, trong bối cảnh hội nhập và toàn cầu hóa như hiện nay đã mở ra một không gian mở cho nền kinh tế Việt Nam phát triển. Tuy nhiên, giai đoạn này cũng đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết nhằm nâng cao năng lực hội nhập, cạnh tranh, phát triển bền vững của DN. Trước yêu cầu cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước, việc tái cơ cấu là vấn đề cấp thiết của bất kỳ DN nào, bởi DN luôn chịu các áp lực bên ngoài để thích nghi với môi trường kinh doanh đầy biến động và các áp lực bên trong để phù hợp với quy mô tăng trưởng và phát triển. Do đó, việc tái cơ cấu luôn phải được xem xét một cách thường xuyên để DN nâng cao chất lượng, năng suất và hiệu quả kinh doanh, tránh tình trạng mất cần bằng, tụt hậu hay bị nhấn chìm trong bối cảnh chung của toàn cầu hóa.

Bên cạnh sự tác động của thị trường cạnh tranh và cách mạng công nghệ 4.0 thì cũng có nhiều nhân tố tác động đến quyết định tái cấu trúc doanh nghiệp như sự lãnh đạo, kỹ năng, mối quan hệ… Đây là các yếu tố vô hình nhưng cũng góp phần quan trọng đối với sự thành công của việc tái cơ cấu doanh nghiệp ở nước ta hiện nay.

 

Nguồn tham khảo:

http://quantri.vn/dict/details/8193-thuat-ngu-kinh-doanh-tai-co-cau-doanh-nghiep

http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/tai-cau-truc-doanh-nghiep-de-ton-tai-trong-boi-canh-toan-cau-hoa-63617.htm

http://vbcsd.vn/detail.asp?id=376

https://dangkykinhdoanh.gov.vn/vn/tin-tuc/597/4957/tinh-hinh-dang-ky-doanh-nghiep-thang-3-va-3-thang-nam-2019.aspx

http://vneconomy.vn/moi-ngay-co-hon-45-doanh-nghiep-giai-the-trong-nam-2018-20181227163333466.htm

https://smallbusiness.chron.com/advantages-disadvantages-restructuring-39914.html

error: Nội dung đã khóa !!