Văn hoá doanh nghiệp là tài sản vô hình và nó rất quan trọng đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Để xây dựng được một văn hoá doanh nghiệp mạnh đòi hỏi phải hiểu đúng bản chất về văn hoá doanh nghiệp và có sự đánh giá sâu sắc về văn hoá doanh nghiệp.
Có rất nhiều cách định nghĩa khác nhau về văn hoá doanh nghiệp, nổi bật nhất là định nghĩa của Edgar H.Schein, một nhà nghiên cứu nổi tiếng thế giới về VHDN. Theo ông, VHDN là tập hợp các giá trị, chuẩn mực và niềm tin căn bản được tích lũy trong quá trình doanh nghiệp tương tác với môi trường bên ngoài và hòa nhập trong môi trường bên trong, giá trị và chuẩn mực này đã được xác lập qua thời gian, được truyền đạt cho những thành viên mới như một cách thức đúng để tiếp cận, tư duy và định hướng giải quyết những vấn đề họ gặp phải.
Vậy văn hóa doanh nghiệp là gì?
Văn hóa doanh nghiệp là toàn bộ các giá trị, chuẩn mực được gây dựng nên trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của một doanh nghiệp, trở thành niềm tin, chuẩn mực động lực hành động, ăn sâu vào hoạt động của doanh nghiệp và chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện các mục tiêu của tổ chức.
Cũng như văn hóa nói chung, văn hóa doanh nghiệp có những đặc trưng cụ thể riêng biệt. Trước hết, văn hóa doanh nghiệp là sản phẩm của những người cùng làm trong một doanh nghiệp và đáp ứng nhu cầu giá trị bền vững. Nó xác lập một hệ thống các giá trị được mọi người làm trong doanh nghiệp chia sẻ, chấp nhận, đề cao và ứng xử theo các giá trị đó. Văn hóa doanh nghiệp còn góp phần tạo nên sự khác biệt giữa các doanh nghiệp và được coi là truyền thống riêng của mỗi doanh nghiệp.
Tại sao phải đánh giá VHDN?
Văn hoá doanh nghiệp quyết định sự trường tồn của doanh nghiệp. Nó được duy trì và phát triển từ đời này sang đời khác. Một văn hoá doanh nghiệp mạnh có thể được coi là tài sản của doanh nghiệp. Cụ thể hơn, văn hoá doanh nghiệp giúp doanh nghiệp giảm xung đột; điều phối và kiểm soát tốt các hoạt động; tạo động lực làm việc cho đội ngũ nhân sự; tạo dựng lợi thế cạnh tranh và thương hiệu cho doanh nghiệp. Chính vì vậy, muốn xây dựng và phát triển một văn hoá doanh nghiệp mạnh cần phải đánh giá văn hoá doanh nghiệp một cách nghiêm túc và cẩn thận. Từ đó thấy được những giá trị nào là cốt lõi cần duy trì và phát triển để có được một văn hoá doanh nghiệp mạnh; và những giá trị nào yếu kém cần loại bỏ khỏi văn hoá doanh nghiệp.
Đánh giá văn hoá doanh nghiệp như thế nào?
Văn hoá doanh nghiệp là sản phẩm của sự thích ứng với những thay đổi của môi trường bên ngoài và sự gắn kết bên trong tổ chức. Nghiên cứu VHDN sẽ giúp doanh nghiệp có những định hướng phù hợp, phát triển bền vững. Mô hình đánh giá VHDN được áp dụng phổ biến trong nghiên cứu thực tiễn doanh nghiệp là mô hình Denison do Daniel R. Denison, cựu giáo sư Đại học Michigan giới thiệu năm 1997. Mô hình đánh giá này đã được áp dụng cho hơn 5000 doanh nghiệp trên toàn thế giới. Mô hình đánh giá này hướng theo 4 câu hỏi: 1. Doanh nghiệp có hiểu rõ về định hướng và con đường phát triển; 2. Doanh nghiệp đã hiểu về thị trường và khách hàng, để chuyển thành các hành động cụ thể; 3. Doanh nghiệp đã có những hệ thống để thực thi hiệu quả các định hướng kinh doanh; 4. Đội ngũ nhân viên có cam kết với các mục tiêu và định hướng đã đặt ra. Qua đó thể hiện kết quả theo bốn nhóm nhân tố: 1. Về sứ mệnh tổ chức: định hướng mục tiêu xuyên suốt và dài hạn; 2. Về tính nhất quán: thể hiện sự tôn trọng các giá trị văn hóa thông qua hiệu quả của các qui trình và hệ thống thực thi, là nền tảng của sức mạnh VHDN; 3. Về sự tham gia: xây dựng năng lực và tính trách nhiệm của nhân viên; 4. Về sự thích ứng: khả năng nắm bắt nhu cầu của thị trường và khách hàng, chuyển hóa thành các hành động của tổ chức.
Bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát triển VHDN tại Việt Nam.
Sau khi tìm hiểu và nghiên cứu văn hoá doanh nghiệp tại các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam, chúng tôi rút ra một số bài học kinh nghiệm nhằm xây dựng và phát triển văn hoá doanh nghiệp tại Việt Nam như sau:
Một là, các chính sách và biện pháp phát triển Văn hoá doanh nghiệp
Để xây dựng và phát triển Văn hoá doanh nghiệp mạnh, trước hết doanh nghiệp phải nhận thức được tầm quan trọng và sự cần thiết của việc xây dựng VHDN, phải xây dựng được những chính sách và biện pháp phát triển VHDN phù hợp và gắn liền với doanh nghiệp. Các chính sách và biện pháp phát triển được xây dựng trên nền tảng vững trắc, là sự đồng thuận và nhất trí cao của toàn thể cán bộ, nhân viên trong doanh nghiệp. Đồng thời, phải hướng tới sự phát triển cho doanh nghiệp và mang lại lợi ích cho toàn thể CBNV. Đó là động lực quan trọng để mọi người cùng thực hiện các chính sách và phát triển Văn hoá doanh nghiệp.
Hai là, văn hoá doanh nghiệp và chiến lược kinh doanh
Văn hoá doanh nghiệp không thể tách rời chiến lược kinh doanh. Chiến lược kinh doanh là cái đi trước, định hướng phát triển VHDN. Nhưng khi doanh nghiệp có một VHDN mạnh thì lại là nền tảng để phát triển chiến lược kinh doanh và những thay đổi về chiến lược kinh doanh phải phù hợp với VHDN đang tồn tại. Doanh nghiệp cần có mục tiêu và định hướng lâu dài, mọi hoạt động của doanh nghiệp hướng tới mục tiêu đặt ra. Quá trình hoạt động kinh doanh sẽ dần hình thành và phát triển một văn hoá doanh nghiệp đặc trưng, mang đậm bản sắc của doanh nghiệp đó.
Ba là, văn hoá doanh nghiệp và thương hiệu
Khi một doanh nghiệp xây dựng và phát triển được một VHDN mạnh, thấm sâu vào mọi thành viên trong tổ chức, được khách hàng và đối tác biết đến và công nhận. Đó chính là thương hiệu của doanh nghiệp. VHDN có thể được coi là nòng cốt của thương hiệu. Chỉ có VHDN mạnh thì mới phát triển một thương hiệu bền vững. Thương hiệu là hình ảnh của doanh nghiệp trong mắt khách hàng, đối tác. Nhưng nó lại rất cụ thể thông qua các yếu tố trong VHDN được các cá nhân trong doanh nghiệp thể hiện với nhau, nhân viên thể hiện với khách hàng hoặc doanh nghiệp thể hiện với các tổ chức khác.
Bốn là, vai trò của Lãnh đạo trong xây dựng Văn hoá doanh nghiệp
Hình ảnh của lãnh đạo doanh nghiệp chính là hình ảnh văn hoá doanh nghiệp của tổ chức đó. Lãnh đạo là người xây dựng và phát triển văn hoá doanh nghiệp. Đồng thời, cũng là người phải thực hiện những quy trình, quy định đặt ra nhằm duy trì và phát triển VHDN. Trong quá trình hoạt động, lãnh đạo sẽ phải đưa ra những quyết định điều chỉnh hoặc thay đổi VHDN sao cho phù hợp với chiến lược kinh doanh, với môi trường và thích nghi để phát triển. Do vậy, Lãnh đạo doanh nghiệp luôn gắn liền với văn hoá của doanh nghiệp. Mặt khác, sự tham gia một cách chủ động của nhân viên và các thành viên trong tổ chức cũng đóng vai trò quan trọng vào quá trình xây dựng VHDN.
Phát triển VHDN thành công đòi hỏi phải phát huy vai trò chủ động của đội ngũ nhân viên tích cực tham gia vào quá trình này.
Đỗ Tiến Long