Trong bối cảnh kinh doanh thách thức, sự phát triển nhanh của công nghệ, các doanh nghiệp muốn củng cố vị thế trên thị trường, cũng như tăng trưởng đòi hỏi cần có lợi thế cạnh tranh riêng biệt.
64% CEO tin rằng họ cần mô hình kinh doanh mới, tạo ra giá trị mới đến khách hàng để tạo ra sự khác biệt, số liệu từ Statista. Sự cạnh tranh với doanh nghiệp hiện nay đến từ giá trị mang đến cho khách hàng và chất lượng nhân sự để hiện thực hóa điều đó.
Để tìm được cách thức để tạo ra sự khác biệt cạnh tranh cũng như làm cho sản phẩm/dịch vụ trở nên nổi bật đòi hỏi các nhà lãnh đạo cần có sự phân tích và nắm được chuỗi giá trị của doanh nghiệp. Mô hình chuỗi giá trị của Michael Porter đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp cần có sự đột phá trong kinh doanh.
MÔ HÌNH CHUỖI GIÁ TRỊ CỦA MICHAEL PORTER
Chuỗi giá trị là mô hình kiểm tra các hoạt động đưa sản phẩm đến khách hàng
Chuỗi giá trị là một mô hình kinh doanh được sử dụng để kiểm tra tất cả các hoạt động của công ty liên quan đến việc đưa sản phẩm hoặc dịch vụ từ ý tưởng đến sản phẩm có thể bán được.
Theo định nghĩa được Giáo sư Michael Porter của Trường Kinh doanh Harvard hình thành trong cuốn sách Lợi thế cạnh tranh: Tạo ra và duy trì hiệu suất vượt trội. Chuỗi giá trị đề cập đến các hoạt động và quy trình kinh doanh khác nhau liên quan đến việc tạo ra sản phẩm hoặc thực hiện dịch vụ. Chuỗi giá trị có thể bao gồm nhiều giai đoạn trong vòng đời của sản phẩm/ dịch vụ, bao gồm nghiên cứu và phát triển, bán hàng và các giai đoạn ở giữa.
Hai thành tố chính của chuỗi giá trị
Theo định nghĩa của Porter, tất cả các hoạt động tạo nên chuỗi giá trị của một công ty có thể được chia thành hai loại đóng góp vào lợi nhuận của công ty: hoạt động chính và hoạt động hỗ trợ.
Các hoạt động chính là những hoạt động trực tiếp vào việc tạo ra sản phẩm hoặc thực hiện dịch vụ, bao gồm: nguồn đầu vào, các động chính( sản xuất..) , các hoạt động bên ngoài (vận chuyển…), tiếp thị và bán hàng và Dịch vụ sau bán hàng: Các hoạt động diễn ra sau khi việc bán hàng đã hoàn tất, bao gồm lắp đặt, đào tạo, đảm bảo chất lượng, sửa chữa và dịch vụ khách hàng.
Các hoạt động thứ cấp giúp các hoạt động chính trở nên hiệu quả hơn—tạo ra lợi thế cạnh tranh một cách hiệu quả: Mua sắm, Phát triển công nghệ, Quản lý nguồn nhân lực, Cơ sở hạ tầng : Các hoạt động liên quan đến chi phí chung và quản lý của công ty, bao gồm tài chính và lập kế hoạch.
Nhìn chung, những nền tảng lý thuyết này là cơ sở để doanh nghiệp mở rộng các hoạt động trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay
XÂY DỰNG LỢI THẾ CẠNH TRANH DỰA TRÊN CHUỖI GIÁ TRỊ
Hình thành lợi thế cạnh tranh đòi hỏi các nhà lãnh đạo cần phân tích chuỗi giá trị của doanh nghiệp để đánh giá từng hoạt động trong chuỗi giá trị của công ty để hiểu cơ hội cải tiến nằm ở đâu.
Việc tiến hành phân tích sẽ hướng đến xem xét mỗi hoạt động để xác định nên tập trung vào đâu, điểm nào chưa tốt và điểm nào đang là lợi thế. Điều này có thể giúp lãnh đạo nhận ra một số dạng lợi thế cạnh tranh, ví dụ như:
Giảm chi phí: bằng cách làm cho mỗi hoạt động trong chuỗi giá trị hiệu quả hơn và do đó ít tốn kém hơn
Khác biệt hóa sản phẩm: bằng cách đầu tư nhiều thời gian và nguồn lực hơn vào các hoạt động như nghiên cứu và phát triển, thiết kế hoặc marketing có thể giúp sản phẩm nổi bật
Phân tích chuỗi giá trị bao gồm 3 bước chính:
Bước 1. Xác định các hoạt động của chuỗi giá trị.
Bước đầu tiên khi tiến hành phân tích chuỗi giá trị là hiểu tất cả các hoạt động chính và phụ trong quá trình tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ. Nếu công ty của bạn bán nhiều sản phẩm hoặc dịch vụ thì điều quan trọng là phải thực hiện quy trình này cho từng sản phẩm hoặc dịch vụ.
Bước 2. Xác định giá trị và chi phí của hoạt động
Khi các hoạt động chính và phụ đã được xác định, bước tiếp theo là xác định giá trị mà mỗi hoạt động kinh doanh mang lại cùng với các chi phí liên quan.
Khi nghĩ về giá trị do các hoạt động tạo ra, hãy tự hỏi: Mỗi hoạt động làm tăng sự hài lòng khách hàng như thế nào? Nó tạo ra giá trị cho công ty của tôi như thế nào? Ví dụ: việc chế tạo sản phẩm từ một số vật liệu nhất định có làm cho sản phẩm bền hơn hoặc sang trọng hơn cho người dùng không? Việc đưa vào một tính năng nhất định có làm cho công ty của bạn có nhiều khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng mạng lưới và hoạt động kinh doanh gia tăng không?
Điều quan trọng là phải hiểu chi phí liên quan đến từng bước trong quy trình. Tùy thuộc vào đặc thù của doanh nghiệp, có thể thấy lựa chọn cái giải pháp gia tăng giá trị phù hợp. Ví dụ, nghiên cứu và phát triển tính năng mới mang đến lợi ích, nhưng hiện tại doanh nghiệp có đủ nguồn lực để đầu tư cho quá trình này không.
Bước 3. Xác định các cơ hội lợi thế cạnh tranh
Khi đã nắm được chuỗi giá trị của mình và hiểu chi phí cũng như giá trị liên quan đến từng bước, các nhà lãnh đạo có thể phân tích nó qua lăng kính của bất kỳ lợi thế cạnh tranh nào mà bạn đang cố gắng đạt được.
Ví dụ: Nếu mục tiêu chính của bạn là giảm chi phí cho công ty, bạn nên đánh giá từng phần trong chuỗi giá trị của mình thông qua lăng kính giảm chi phí. Những bước nào có thể hiệu quả hơn? Có điều gì không tạo ra giá trị đáng kể và có thể được thuê ngoài hoặc loại bỏ để giảm đáng kể chi phí không?
Tương tự, nếu mục tiêu chính của bạn là đạt được sự khác biệt hóa sản phẩm, phần nào trong chuỗi giá trị của bạn mang lại cơ hội tốt nhất để hiện thực hóa mục tiêu đó? Liệu giá trị được tạo ra có biện minh cho việc đầu tư thêm nguồn lực không?
Bằng cách sử dụng phân tích chuỗi giá trị, bạn có thể phát hiện ra một số cơ hội cho công ty, những cơ hội này có thể khó được ưu tiên. Thông thường, tốt nhất là bắt đầu bằng những cải tiến tốn ít công sức nhất nhưng mang lại hiệu quả phù hợp nhất.
CHUỖI GIÁ TRỊ TRONG KỶ NGUYÊN SỐ
Chuỗi giá trị thay đổi thế nào trong kỷ nguyên số
Công nghiệp 4.0 ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi giá trị, hợp lý hóa quy trình sản xuất và kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ, tối ưu hóa mối quan hệ với khách hàng và tổ chức, mang lại cơ hội kinh doanh và lợi ích kinh tế mới, thay đổi yêu cầu phát triển năng lực cho đội ngũ
Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, các mô hình chuỗi giá trị truyền thống lâu đời đang được chuyển đổi bởi các yếu tố hỗ trợ công nghệ từ đó mở đường cho những cải tiến mới. Các doanh nghiệp có chuỗi giá trị phức tạp sẽ có nhiều cơ hội để “Đổi mới đột phá” trong các hoạt động. Thuật ngữ “Đổi mới đột phá” này lần đầu tiên được định nghĩa và phân tích bởi học giả người Mỹ Clayton M. Christensen vào năm 1995.
Hình dưới đây cho thấy các yếu tố thúc đẩy giá trị khác nhau – yếu tố hỗ trợ công nghệ kỹ thuật số và đòn bẩy ứng biến quy trình, có thể đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao sức khỏe của chuỗi giá trị.
Chuỗi giá trị trong kỷ nguyên số được phân tích để tìm ra cách thức để ứng dụng công nghệ và tìm ra giải pháp gia tăng giá trị. Michael E Porter đã nhận định không thể xác định được lợi thế cạnh tranh mà chỉ bằng cách nhìn vào toàn bộ công ty, đối thủ. Mà cần bắt nguồn từ nhiều hoạt động riêng biệt trong việc thiết kế, sản xuất, tiếp thị, phân phối và hỗ trợ sản phẩm của mình. Mỗi hoạt động này có thể đóng góp vào vị thế chi phí tương đối của công ty và tạo cơ sở cho sự khác biệt hóa.
Ví dụ, doanh nghiệp có thể tạo ra sự khác biệt hóa bằng việc thiết kế sản phẩm có tính cá nhân hóa cho người dùng, tối ưu quá trình vận chuyển hay xây dựng dịch vụ chăm sóc khách hàng đặc biệt.
Sự đổi mới đột phá của doanh nghiệp khi làm chủ chuỗi giá trị
IKEA, một công ty nội thất nổi tiếng ở Thụy Điển vào năm 1943. Họ có sự đột phá gắn với các hoạt động trong chuỗi giá trị. Công ty có những cách thức hướng đến tối ưu chi phí và mang đến trải nghiệm tốt cho khách hàng
Thứ nhất, các cửa hàng của IKEA đều có quy mô rất lớn và nằm chủ yếu ở vùng ngoại ô. Điều này cho phép khách hàng có nhiều lựa chọn, được tham quan trải nghiệm sản phẩm và bãi đậu xe rộng rãi.
Thứ hai, công ty cũng áp dụng công nghệ trong quá trình mua hàng. Bên trong cửa hàng, catalogue thay thế cho lực lượng bán hàng. IKEA không có nhân viên tư vấn, họ khuyến khích người mua tự do tham quan và trải nghiệm những sản phẩm được trưng bày.
Thứ ba, IKEA cũng nổi tiếng với mô hình đóng gói phẳng – tức tháo rời các bộ phận và gói gọn, tiện cho việc vận chuyển. Cách làm này không chỉ giảm chi phí vận chuyển mà còn giúp trữ hàng ngay trong kho, thuận tiện cho việc lấy hàng và mang cho khách.
Một trường hợp khác đến từ Amazon. Jeff Bezos đã nhìn thấy hướng đi tạo ra sự có sự khác biệt lớn trong chuỗi giá trị là từ e-book. Nhờ vào mối quan hệ tốt với các nhà cung cấp, và tận dụng được sự phát triển công nghệ gắn mới thiết bị đọc Kindle hay Ipod, Ipad. Ngoài ra, có thế thấy Dell cũng có một bước tiến trong mang đến trải nghiệm cho người dùng. Sau khi xem xét chuỗi giá trị, họ tập trung vào hoạt động hỗ trợ khách hàng. Cụ thể cho phép cá nhân hóa, khách hàng có thể tự lựa chọn linh kiện, tùy biến để tạo nên chiến PC của mình.
Phân tích được chuỗi giá trị của công ty cũng như hiểu chuỗi giá trị của ngành là nền tảng để các doanh nghiệp đổi mới, hình thành chiến lược tạo ra sự khác biệt. Trong kỷ nguyên số hóa, công nghệ là yếu tố góp phần tạo nên sự khác biệt. Song, để ứng dụng được vào trong tổ chức, đòi hỏi sự phát triển năng lực đội ngũ đáp ứng với yêu cầu chiến lược.
Nhìn chung, để hướng đến sự phát triển bền vững, đòi hỏi doanh nghiệp tìm ra hướng đi cũng như đổi mới liên tục để cạnh tranh trên thị trường. Thực tế, trong bối cảnh doanh nghiệp Việt, chưa có nhiều doanh nghiệp xây dựng chuỗi giá trị bài bản, bóc tách ra các hoạt động một cách đầy đủ. Phân tích kỹ chuỗi giá trị là nền tảng để các nhà lãnh đạo hình thành được chiến lược, nhìn nhận đâu là thế mạnh, đâu là các hoạt động tiềm năng cần đầu tư.
Đổi mới chuỗi giá trị hình thành lợi thế cạnh tranh cần đội ngũ nhân sự chất lượng, được phát triển kỹ năng. 54% tổng số nhân viên sẽ cần đào tạo lại kỹ năng để đáp ứng yêu cầu công việc, theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới. Khi áp dụng công nghệ, có định hướng chiến lược mới, sự thành công nằm ở đội ngũ thực thi. Họ cần làm quen với công nghệ và trang bị kiến thức để thực thi công việc hiệu quả. Đặc biệt là đội ngũ quản lý và nhân sự các bộ phận chủ chốt.
Nguồn tham khảo:
- https://online.hbs.edu/blog/post/what-is-value-chain-analysis
- https://www.linkedin.com/pulse/reimagining-value-chain-digital-age-abir-biswas/
- https://www.zendesk.com/blog/value-chain
- https://www.linkedin.com/pulse/benefits-value-chain-digital-age-alumio-int/