Quản trị hiệu suất là trọng tâm chiến lược, quyết định lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Thách thức trong quản trị hiệu suất là thúc đẩy mối quan hệ giữa nguồn nhân lực trong doanh nghiệp và giá trị mà họ mang lại. Mục đích nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức giúp doanh nghiệp đạt được mục tiêu chiến lược.
Thực tế, doanh nghiệp đầu tư nhiều nguồn lực để xây dựng hệ thống quản trị hiệu suất, nhưng hiệu quả vẫn còn hạn chế. Việc quản trị hiệu suất đòi hỏi tư tưởng rõ ràng, cùng với nền tảng tổ chức vững vàng, được xây dựng bài bản. Nếu không việc xây dựng có thể đi sai hướng, không phù hợp với tổ chức và tiêu tốn nguồn lực để thực hiện lại. Các nhà lãnh đạo cần xác định quản trị nguồn nhân lực giúp nâng cao hiệu suất, gia tăng động lực thay vì là cách thức để tạo áp lực lên nhân viên để đạt mục tiêu chiến lược.
Quản trị hiệu suất hiện nay không chỉ nhằm tạo ra hiệu quả kinh doanh như chỉ tiêu đã đặt ra mà cần gắn với chiến lược kinh doanh đột phá để tạo ra giá trị đến khách hàng. Bởi trong bối cảnh cạnh tranh, doanh nghiệp không thể duy trì mãi việc cung cấp một giá trị không đổi mà cần khai phá chiến lược kinh doanh đột phá dựa trên nền tảng của sự sáng tạo và hệ thống quản trị phù hợp.
Bài viết này đề cập vấn đề quản trị hiệu suất gắn với chiến lược kinh doanh đột phá tạo ra giá trị vượt trội đến khách hàng. Đồng thời làm rõ nội hàm với đặc trưng của quản trị hiệu suất giúp nhà lãnh đạo có tư duy tiếp cận mới. Thêm vào đó là đưa ra cách thức giúp xây dựng hệ thống quản trị hiệu suất hiệu quả cho doanh nghiệp.
QUẢN TRỊ HIỆU SUẤT TẬP TRUNG QUẢN LÝ CON NGƯỜI PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC
Quản trị hiệu suất (Performance Management)
Theo Viện phát triển Nhân lực (CIPD) của Vương quốc Anh, quản trị hiệu suất là một tập hợp các quy trình tổng thể và tập trung vào thảo luận hai chiều với phản hồi thường xuyên, mang tính hỗ trợ hướng tới đạt được các mục tiêu. Nó tập hợp nhiều nguyên tắc cho phép thực hành quản lý con người tốt, bao gồm học tập và phát triển, đo lường hiệu suất và phát triển tổ chức.
Quản lý hiệu suất hướng đến việc nỗ lực tối đa hóa việc tạo ra giá trị và đảm bảo rằng nhân viên đóng góp vào các mục tiêu kinh doanh. Điều quan trọng là phải phù hợp với chiến lược tổ chức. Điểm quan trọng của quản trị hiệu suất là tính hai chiều giữa nhân sự và đội ngũ lãnh đạo nhằm tạo ra hiệu quả cao nhất. Nhiều doanh nghiệp tập trung theo hướng top-down, nghĩa là lãnh đạo đưa ra chỉ tiêu và nhiệm vụ, đội ngũ nhân sự phải làm theo mà thiếu đi sự phản hồi từ dưới lên (Bottom-up). Đây là một trong những lý do cho việc quản trị hiệu suất không đạt hiệu quả trong doanh nghiệp.
Quản trị hiệu suất đặt con người làm trung tâm
Tư duy quản trị hiệu suất tập trung vào tạo áp lực cho nhân viên, tập trung loại bỏ những thành viên có năng lực và hiệu suất kém để đạt mục tiêu chiến lược không còn hiệu quả trong bối cảnh hiện nay, khi nguồn nhân lực là tài sản quan trọng nhất của doanh nghiệp. Thay vào đó, quản trị hiệu suất cần lấy con người làm trung tâm đề cao với những trọng tâm
Thứ nhất, hỗ trợ mọi người hoàn thiện công việc tốt nhất. Các tổ chức có hiệu suất cao trao quyền cho các cá nhân bằng phản hồi hiệu quả, giúp họ hiểu được điểm mạnh và cơ hội cải tiến cũng như điểm cần cải thiện để làm việc tốt hơn. Doanh nghiệp khuyến khích các thành viên học hỏi lẫn nhau thông qua kinh nghiệm làm việc tạo mạng lưới học tập trong tổ chức.
Thứ hai, tạo động lực cho nhân sự. Quản trị hiệu suất cần tập trung vào cảm xúc và năng lượng bên trong của nhân sự nhằm thúc đẩy hiệu quả công việc thông qua sự tích cực và động lực làm việc. Để duy trì động lực cần khuyến khích trao đổi, giao tiếp trong tổ chức và lắng nghe phản hồi góp ý từ nhân sự. Đồng thời cũng có lời động viên, phần thưởng kịp thời đến họ.
Thứ ba, nâng cao hiệu suất làm việc. Quản trị hiệu suất trọng tâm là nâng cao hiệu quả làm việc đến từ sự thấu hiểu vai trò trong tổ chức và sự đồng hành từ đội ngũ lãnh đạo, quản lý. Đội ngũ lãnh đạo, quản lý cần có khả năng huấn luyện, giải quyết và tạo ra trải nghiệm nhân viên tích cực. Điểm quan trọng là cần có sự thảo luận với nhân sự và trao quyền cho họ đề xuất chỉ tiêu cũng như ý tưởng để hoàn thành.
QUẢN TRỊ HIỆU SUẤT GẮN VỚI CHIẾN LƯỢC KINH DOANH ĐỘT PHÁ
Chiến lược kinh doanh đột phá
Mục đích chính của quản trị hiệu suất là nâng cao năng suất làm việc của đội ngũ, thúc đẩy đạt được mục tiêu kinh doanh. Trong bối cảnh bùng nổ công nghệ và sự cạnh tranh, để phát triển các doanh nghiệp tiến đến xây dựng chiến lược kinh doanh đột phá để mang đến nhiều hơn giá trị cho khách hàng, nâng cao sức cạnh tranh, tạo dựng vị thế. Điển hình với nhiều doanh nghiệp thành công với chiến lược này như Apple, Netflix, Tesla.
Chiến lược kinh doanh đột phá đề cập đến việc một khái niệm, sản phẩm hoặc dịch vụ có thể phá vỡ thị trường hiện có và tạo ra một phân khúc thị trường hoàn toàn mới. Clayton Christensen (1997) lý giải đột phá trong kinh doanh là biến những sản phẩm/dịch vụ phức tạp, khó tiếp cận, có chi phí lớn thành sản phẩm/dịch vụ có giá trị đến khách hàng với chất lượng vượt trội, chi phí hợp lý và dễ tiếp cận. Để làm được điều này đòi hỏi sự sáng tạo bên trong tổ chức, từ vốn tri thức vững mạnh với đội ngũ giàu động lực và năng suất làm việc cao. Đây là vai trò quan trọng của quản trị hiệu suất trong doanh nghiệp. Những quyết định đường hướng chiến lược của lãnh đạo, nhưng việc thảo luận, thực thi để hiện thực hóa là sự tổng hòa sức mạnh của cả tập thể.
David Rogers (2016) đã xác định hai phương diện để hình thành sự đột phá trong mô hình kinh doanh. Phương diện thứ nhất là Tuyên bố giá trị, đó là giá trị doanh nghiệp cung cấp cho khách hàng, với trọng tâm là sự sáng tạo trong hình thành giá trị mới. Phương diện tiếp theo là Mạng lưới giá trị, gồm có con người, đối tác, tài sản và các quy trình sản xuất mà doanh nghiệp kiến tạo, cung cấp và thu nhận giá trị từ Tuyên bố giá trị.
Quản trị hiệu suất là trọng tâm trong chiến lược kinh doanh đột phá
Chiến lược kinh doanh đột phá được hình thành dựa trên vai trò của con người trong tổ chức trong việc sáng tạo giá trị và quản lý, thực thi hiệu quả để đạt được thành công. Rõ ràng vai trò của quản trị hiệu suất tác động là rất lớn khi quản trị tốt sẽ thúc đẩy động lực và cho phép sự sáng tạo bên trong tổ chức. Qua đó, năng suất công việc của các thành viên tăng cao dẫn đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp được nâng cao.
Sự sáng tạo để xây dựng nên giá trị mới, đột phá không chỉ phụ thuộc vào nhà lãnh đạo mà đến từ tất cả các nhân bên trong tổ chức. Điển hình với Apple, phòng thiết kế và nghiên cứu phát triển phần mềm cho ra những thiết kế sáng tạo, công nghệ đột phá, lãnh đạo đóng vai trò định hướng, ra quyết định chiến lược. Đó là kết tinh trí tuệ và sự sáng tạo của cả tập thể. Do vậy, để hình thành chiến lược kinh doanh đột phá, các nhà lãnh đạo cần tập trung quản trị hiệu suất hiệu quả để thúc đẩy năng suất làm việc, động lực và khuyến khích sự sáng tạo giữa cá nhân. Tư duy quản trị hiệu suất hướng đến mang lại hiệu quả của sự hợp tác, phát huy tối đa năng lực nhân sự thay vì kiểm soát, giảm áp lực cho lãnh đạo, tăng áp lực lên nhân sự.
Quản trị hiệu suất hiệu quả có thể áp dụng những công cụ phổ biến hiện nay như BSC,KPI,OKR. Song, dù áp dụng công cụ nào, doanh nghiệp cần phải rõ ràng trong tư tưởng và hệ thống vững vàng với nền tảng là năng lực con người trong tổ chức. Tư tưởng hướng đến sự tối ưu hiệu suất dựa trên sự hợp tác, tạo ra không gian phát triển cho nhân sự. Đồng thời, năng lực của nhà quản lý cần nâng cao để quản trị nhân sự hiệu quả bởi nếu họ không nắm được triết lý và chưa đủ kỹ năng quản lý con người thì những thay đổi từ lãnh đạo cũng không có sự hiệu quả.
XÂY DỰNG HỆ THỐNG QUẢN TRỊ HIỆU SUẤT HIỆU QUẢ
Quản trị hiệu suất hiệu quả là sự tổng hòa của ba vấn đề năng lực làm việc, động lực của đội ngũ và các chỉ số đo lường giúp tổ chức đạt mục tiêu chiến lược. Trong đó năng lực làm việc và động lực chịu tác động của cảm xúc con người. Đây là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến lòng nhiệt tình và sự đổi mới sáng tạo của nhân sự. Nếu chỉ áp dụng chỉ số mang tính kiểm soát từ chủ quan của nhà quản lý trong đặc thù công việc phức tạp sẽ tạo ra những áp lực vô hình làm giảm đi năng suất và động lực làm việc. Do vậy, việc quản trị hiệu suất hiệu quả cần có công cụ và phần mềm, áp dụng tư duy thiết kế trọng tâm là yếu tố con người cùng với nâng cao kỹ năng trình độ của nhà quản lý.
Quản trị hiệu suất áp dụng tư duy thiết kế (Design Thinking)
Để đổi mới và cải tiến hệ thống quản trị hiệu suất nhằm gia tăng giá trị cho tổ chức, các chuyên gia nhân sự cũng nên xem xét việc áp dụng tư duy thiết kế hiệu quả. Tư duy thiết kế là một phương pháp luận đặt trải nghiệm của nhân viên vào trung tâm. Nó sẽ giúp các chuyên gia nhân sự tạo ra các giải pháp tập trung vào người lao động, tạo ra trải nghiệm hài lòng, hiệu quả và thậm chí có thể thú vị. Với tư duy thiết kế, chuyên gia nhân sự đi từ người tạo ra quy trình thành người tạo trải nghiệm, tập trung vào từng cá nhân và trải nghiệm tổng thể.
Suy nghĩ như một nhà thiết kế có nghĩa là nghiên cứu cách mọi người làm việc, phát triển cá tính để hiểu các nhân khẩu học khác nhau, môi trường làm việc và những thách thức cụ thể mà họ phải đối mặt. Nó cũng có nghĩa là tạo ra các ý tưởng, thử nghiệm các nguyên mẫu và tinh chỉnh các giải pháp cho đến khi chúng được tối ưu hóa. Để áp dụng tư duy thiết kế vào hệ thống quản trị hiệu suất, trước tiên, điều quan trọng là phải kiểm tra ba phần quan trọng của trải nghiệm tổng thể.
Quy trình
Các doanh nghiệp cần xác định mục tiêu của quá trình là để thưởng hoặc phạt tùy thuộc vào hiệu suất? Hay đó là một chương trình hiệu quả trong việc hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển của tất cả mọi người. Trong bối cảnh hiện nay, nguồn nhân lực là tài sản quan trọng, các doanh nghiệp cần tập trung vào hỗ trợ sự tăng trưởng và phát triển để nuôi dưỡng nguồn lực này lớn mạnh hơn.
Những người có sự tham gia
Quản trị hiệu suất tập trung vào sự giao tiếp đa nhiều. Do vậy, doanh nghiệp cần xác định: ai là người đưa ra phản hồi và ai là người nhận phản hồi? Thông thường nhân sự được trao quyền đưa ra phản hồi, nhà quản lý sẽ tiếp nhận và đưa ra góp ý nhằm cải thiện hiệu suất.
Công nghệ sẵn có
Vấn đề công nghệ tác động đến quá trình quản trị hiệu suất. Doanh nghiệp cần đảm bảo nó thân thiện và dễ tiếp cận đến nhân sự cũng như không gây sự khó chịu. Bởi đây là yếu tố tác động đến cảm xúc, ảnh hưởng đến hiệu suất công việc.
Những hiểu biết sâu sắc thu thập được qua 3 yếu tố trên sẽ giúp bạn thiết kế một giải pháp quản trị hiệu suất thực sự hoạt động để mang lại thay đổi tích cực trong tổ chức. Nó sẽ đưa trải nghiệm của nhân viên lên một cấp độ cao hơn, tăng mức độ tương tác và sự hài lòng trong công việc trong toàn bộ lực lượng lao động và do đó cải thiện toàn bộ tổ chức.
Nâng cao năng lực đội ngũ quản lý
Đội ngũ quản lý tác động trực tiếp đến hiệu quả trong quản trị hiệu suất nhân sự. Việc quyết định cách thức và tư duy áp dụng công cụ là đội ngũ lãnh đạo, nhưng nhà quản lý là người chịu trách nhiệm thực thi và vận hành. Do vậy, nếu năng lực đội ngũ này thiếu hụt trong kỹ năng thì hệ thống quản trị hiệu suất phù hợp thế nào cũng không thể đạt hiệu quả. môi trường văn hóa hợp tác. Nhiều doanh nghiệp có đội ngũ quản lý thuần kỹ thuật và kinh nghiệm, ngại đầu tư phát triển quản lý, với tư duy mang nặng tính kiểm soát. Điều này tạo ra áp lực lớn đến nhân sự gây suy giảm hiệu suất.
Các doanh nghiệp cần đầu tư nguồn lực để phát triển năng lực cho đội ngũ này để nâng cao năng lực và kỹ năng làm việc với con người. Thứ nhất, tư duy quản lý tập trung vào trải nghiệm nhân sự với đặc trưng là sự giao tiếp cởi mở với cấp dưới, lắng nghe và đưa phản hồi kịp thời giúp nâng cao hiệu quả công việc. Đồng thời biết nắm bắt thời điểm để tạo động lực thúc đẩy tinh thần làm việc của đội ngũ. Thứ hai, phát triển kỹ năng giao việc và trao quyền cho nhân sự sáng tạo trong các hoạt động cũng như giám sát được mức độ hiệu quả để có giải pháp kịp thời. Thứ ba, khả năng lập kế hoạch và phân bổ nguồn nhân lực hiệu quả dựa trên đặc điểm nhiệm vụ và thế mạnh của mỗi cá nhân. Cuối cùng là năng lực làm chủ và thích nghi công nghệ để giúp quản lý và đánh giá nhân sự hiệu quả.
Nhìn chung, đội ngũ quản lý cần nâng cao kỹ năng quản lý, kỹ năng tương tác con người, và môi trường văn hóa hợp tác. Dần thay đổi thói quen mang nặng tính kỹ thuật như đặt nặng đúng sai, con số bởi quản lý con người là khoa học của chữ “và” cái này và cái kia, chứ không phải cái này “hoặc” cái kia như trong kỹ thuật.
Áp dụng công cụ và ứng dụng công nghệ
Trong quản trị hiệu suất, công cụ phổ biến hiện nay được nhiều doanh nghiệp áp dụng thành công là BSC,KPIs,OKRs. Mỗi công cụ đều có đặc trưng cho cách tiếp cận khác nhau phụ thuộc vào đặc trưng và triết lý của doanh nghiệp. Đồng thời, các công cụ này có thể kết hợp với nhau tạo ra hiệu quả trong việc quản trị.
Các công cụ quản trị hiệu suất
BSC (Balanced Scorecard) là cách quản lý dựa trên xác định tầm nhìn và chiến lược từ đó chuyển thành hành động. Các mục tiêu và thước đo đánh giá hiệu quả của tổ chức từ 4 yếu tố: Tài chính, khách hàng, quy trình nội bộ và học hỏi phát triển. Các yếu tố này tác động và ảnh hưởng lẫn nhau. Đây là cách tiếp cận tổng thể đi từ 4 yếu tố nền tảng của tổ chức với việc xác định ra từng mục tiêu hướng đến đạt được mục tiêu chiến lược chung đề ra. Với các mục tiêu sẽ có những hành động cụ thể và chỉ số đo lường tương ứng.
Sai lầm khi áp dụng cách thức này phổ biến có thể kể tới việc các doanh nghiệp phân chia trọng số cho từng yếu tố. Nhiều doanh nghiệp đặt nặng yếu tố tài chính và khách hàng hơn hai yếu tố còn lại, trong khi quy trình nội bộ và học hỏi phát triển là gốc rễ. Đây là mối quan hệ nhân quả. Điều này dẫn đến phân bổ hoạt động và nguồn lực không đồng đều dẫn đến các chỉ số nội bộ đều đạt được nhưng mục tiêu chung chưa hoàn thành.
KPI (Key Performance Indicator) là công cụ đo lường, đánh giá hiệu quả được thể hiện qua số liệu, chỉ tiêu định lượng. Thông qua KPIs, các nhà lãnh đạo có thể thấy rõ hiệu quả hoạt động của tổ chức hoặc các bộ phận phòng ban cụ thể. Xây dựng KPIs phải đi kèm với hệ thống quản lý và các kỹ năng quản lý con người. Bên cạnh đó xây dựng KPIs trong môi trường kinh doanh biến động liên tục cũng là một thách thức. Biến động sẽ ảnh hưởng đến thay đổi mục tiêu và kế hoạch. KPI chi tiết thì sẽ không thích ứng được sự thay đổi. Nhưng KPI rút gọn đến bộ phận thì sẽ cần rất nhiều kỹ năng phối hợp đội ngũ, để triển khai hiệu quả.
OKR – Quản trị theo Mục tiêu và Kết quả then chốt bao gồm hai cấu phần là Mục tiêu (Objective) và các kết quả (KRs). Đây là phương pháp là một phương pháp hỗ trợ cộng tác và thiết lập mục tiêu một cách linh hoạt, tăng sự tập trung, trách nhiệm, tính liên kết, và tăng tốc cho doanh nghiệp. OKRs giúp các mục tiêu của công ty trở nên minh bạch và dễ dàng để tiếp cận bởi toàn bộ các nhân viên, đồng thời đảm bảo tính liên kết giữa các phòng ban trong doanh nghiệp.
Kết hợp 3 công cụ quản trị hiệu suất
Mỗi công cụ đều có đặc điểm riêng. BSC mang đến sự tổng thể, KPI tập trung đo lường với chỉ số rõ ràng, OKR tập trung vào sự sáng tạo với hệ thống KRs để đạt được mục tiêu. Để quản trị hiệu suất tối ưu các doanh nghiệp hoàn toàn có thể kết hợp các công cụ này một cách khoa học để đạt được hiệu quả. Dựa trên nghiên cứu các trường hợp doanh nghiệp áp dụng, công ty gợi ý cách phối hợp 3 công cụ trên.
Trước hết, các doanh nghiệp sử dụng BSC để lên chiến lược tổng thể trong doanh nghiệp có thể trong 1 năm hoặc 2 năm. Chiến lược tổng thể này là cái mà doanh nghiệp muốn hướng tới dựa theo 4 yếu tố chính của BSC là ‘’học hỏi và phát triển’’; “quy trình kinh doanh’’; “khách hàng” và “tài chính”. Trong mỗi yếu tố này, các nhà lãnh đạo sẽ xác định các mục tiêu cốt lõi cần đạt được và các mục tiêu này sẽ có sự kết nối chặt chẽ với nhau để đảm bảo hướng đến đạt được chiến lược tổng thể chung của doanh nghiệp. Ví dụ, nếu công ty đặt mục tiêu “ tài chính” tăng lợi nhuận thì mục tiêu này sẽ là sự kết nối với mục tiêu trong “quy trình kinh doanh” là cải thiện quy trình phối hợp nội bộ cũng như cải thiện hiệu suất kinh doanh.
Tiếp đến sau khi xác định các mục tiêu trong 4 khía cạnh chính của BSC, các nhà lãnh đạo sẽ tạo ra danh sách các KPIs để đạt những mục tiêu đã đề ra. Những KPIs đảm bảo một số tiêu chí như có tính khả thi, dễ đo lường, có thời gian hoàn thiện. KPIs cho các mục tiêu có thể thực hiện theo quý hoặc theo tháng. Tuy nhiên nếu chỉ đưa ra KPIs, nhân sự cảm thấy bối rối khi không biết thực hiện thế nào và bắt đầu từ đâu dẫn đến hiệu quả không cao. Vì vậy, tiếp theo các doanh nghiệp có thể sử dụng OKRs. Việc áp dụng OKRs giúp cụ thể hóa mục tiêu và các cách thức thực hiện KPIs hiệu quả nhất. Điều này giúp nhân sự hình dung rõ những gì mình phải làm, qua đó làm tăng hiệu suất công việc và nâng cao động lực với mỗi cá nhân.
Ứng dụng công nghệ
Khi đã xác định tư duy áp dụng công cụ quản trị hiệu suất, để việc thống kê và theo dõi dễ dàng, doanh nghiệp cần có hệ thống phần mềm công nghệ phù hợp. Hiện nay, nền tảng công nghệ của Hyperlogy với phần mềm iHCM giúp doanh nghiệp quản trị hiệu suất hiệu quả. Đây là nền tảng đầu tiên đi sâu vào BSC,KPI,OKR với sự kết hợp 3 công cụ trên giao diện trực quan giúp doanh nghiệp dễ dàng quản lý, nhập và truy xuất dữ liệu cũng như đánh giá hiệu suất nhân sự dễ dàng.
Sự kết hợp của OD CLICK và HYPERLOGY là sự bổ sung mang đến giải pháp toàn diện bởi tư vấn quan trọng là triết lý để giúp doanh nghiệp có phương pháp áp dụng các công cụ phù hợp. Đồng thời, nền tảng công nghệ tiên tiến, trực quan giúp doanh nghiệp tối ưu hiệu quả trong việc quản lý và đánh giá nhân sự.
Nhìn chung, quản trị hiệu suất xoay quanh vấn đề quản lý con người nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức, dựa trên năng lực, động lực và các chỉ số đo lường. Trong đó, yếu tố cảm xúc con người là quan trọng nhất với hiệu suất. Quản trị tốt sẽ thúc đẩy động lực, giúp nhân sự phát huy hết năng lực. Và ngay cả khi năng lực họ hạn chế, họ sẽ tự phát triển nếu tạo cho họ sự nhiệt huyết. Rõ ràng đây là vấn đề khoa học quản lý với trái tim và khối óc. Đây là hạn chế trong năng lực của doanh nghiệp Việt Nam, khi đội ngũ quản lý đa phần đi lên từ kỹ thuật và mang nặng tư duy đúng sai và yêu cầu của sự chính xác. Đó là nguyên nhân lớn nhất tác động việc quản trị hiệu suất không đạt sự hiệu quả.
Do vậy, trọng tâm để xây dựng hệ thống quản trị hiệu suất hiệu quả là nâng cao năng lực đội ngũ quản lý, giúp họ thay đổi tư duy. Đồng thời xác định công cụ phù hợp với đặc thù tổ chức, kích thích động lực làm việc nhân sự. Ngoài ra, áp dụng công nghệ phù hợp giúp tối ưu hiệu quả quản lý và đánh giá nhân sự.
OD CLICK biên tập
Nguồn tham khảo
- Clayton M. Christensen (1997), The Innovator’s Dilemma
- David Rogers (2016), The Digital Transformation Playbook
- https://www.insidehr.com.au/performance-management-disrupted/
- https://www.cipd.co.uk/knowledge/fundamentals/people/performance/factsheet#gref
- https://www.viima.com/blog/disruptive-innovation
- https://coreaxis.com/insights/blog/how-to-improve-the-performance-management-process-with-design-thinking
- https://balancedscorecard.org/bsc-basics/examples-success-stories/