Quản trị hiệu suất là tiến trình nhà quản lý và nhân viên làm việc cùng nhau để xây dựng mục tiêu, lên kế hoạch, theo dõi giám sát và cuối cùng là đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu của nhân viên cũng như việc đóng góp kết quả đó trong mục tiêu chung của tổ chức. Mục tiêu chung của quản trị hiệu suất là tạo ra môi trường để mọi người thể hiện hết khả năng của mình, tạo ra chất lượng công việc cao nhất, hiệu quả nhất. Đồng thời, các nhà lãnh đạo có thể ghi nhận đúng nhất những đóng góp của nhân viên với tổ chức.

TIỀM NĂNG CỦA THỊ TRƯỜNG CHO VAY TIÊU DÙNG TẠI VIỆT NAM

Tính đến ngày 01/4/2019, dân số Việt Nam đạt trên 96 triệu người với 34,4% dân số sinh sống tạo khu vực thành thị. Dân số đông, xu hướng đô thị hóa ngày càng phát triển, thu nhập ngày càng cải thiện và ngành Tài chính chuyển dần trọng tâm sang phân khúc cá nhân và hộ gia đình chính là động lực lớn đối với thị trường CVTD tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2015 – 2018, thu nhập GDP bình quân của mỗi người dân Việt Nam luôn tăng trưởng ổn định với mức tăng khoảng 6,57% (từ khoảng 2.120 USD/người/năm năm 2015 lên mức 2.540 USD/người/năm vào năm 2018). Tiềm năng doanh thu tài chính bán lẻ tại thị trường Việt Nam cũng được dự đoán sẽ tăng trưởng gấp hơn 4 lần từ khoảng 1,5 tỷ đôla Mỹ năm 2012 lên 6,5 tỷ đôla Mỹ trong năm 2020.

Tốc độ tăng trưởng trung bình trong mảng CVTD giai đoạn 2013 – 2014 chỉ đạt 15%/năm, giai đoạn 2015 – 2017 đã lên đến 61,3%/năm, riêng năm 2018 khoảng 29,38%. Tốc độ tăng trưởng này cao hơn rất nhiều so với tốc độ tăng trưởng tín dụng nói chung và dư nợ CVTD chiếm tỷ trọng khoảng 19,7% trong tổng dư nợ toàn hệ thống.

Doanh thu tài chính bán lẻ tại Việt Nam giai đoạn 2012 – 2020

ĐVT: Tỷ đô-la Mỹ

Theo: tapchicongthuong.vn

Tuy nhiên, tiềm năng của thị trường CVTD tại Việt Nam hiện vẫn chưa được khai thác hiệu quả. Theo kết quả điều tra của CTTC FE Credit (trực thuộc Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng – VPBank), hiện nay mới chỉ có 15 -20% dân số Việt Nam đang sử dụng dịch vụ của các ngân hàng hoặc các CTTC.

PHÂN LOẠI THỊ TRƯỜNG CHO VAY TIÊU DÙNG

Cho vay là quan hệ tín dụng giữa các ngân hàng với các xí nghiệp, tổ chức kinh tế, tổ chức và cá nhân được thực hiện dưới hình thức ngân hàng hay các tổ chức tài chính đứng ra huy động vốn bằng tiền và cho vay đối với các đối tượng trên. Quan hệ tín dụng thể hiện như sau: Người cho vay chuyển giao cho người đi vay một lượng giá trị nhất định, giá trị này có thể dưới hình thái tiền tệ hay hiện vật như hàng hóa, nhà xưởng. Người đi vay chỉ được sử dụng tạm thời lượng giá trị chuyển giao trong một thời gian nhất định. Sau khi hết thời gian thỏa thuận người đi vay phải có nghĩa vụ hoàn trả cho người cho vay một  lượng giá trị lớn hơn giá trị ban đầu. Tín dụng NHTM có thể được phân loại theo các tiêu chí sau:

Một là, căn cứ vào mục đích sử dụng vốn vay. Cho vay tiêu dùng là khoản vay đáp ứng nhu cầu chi tiêu của các cá nhân, hộ gia đình. Cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh, cho vay bất động sản.

Hai là, căn cứ vào phương thức cho vay. Cho vay từng lần là phương pháp cho vay mà mỗi lần vay khách hàng và ngân hàng đều phải làm các thủ tục cần thiết và ký hợp đồng tín dụng.

Ba là, căn cứ biên bản đảm bảo khoản vay. Cho vay khách hàng cá nhân, chủ yếu bao gồm cho vay có tài sản đảm bảo (TSĐB) và cho vay không có TSĐB.

Bốn là, căn cứ vào thời hạn. Cho vay ngắn hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay tối đa 01 năm. Cho vay trung hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay trên 01 năm và tối đa 05 năm. Cho vay dài hạn là các khoản vay có thời hạn cho vay trên 05 năm.

SỬ DỤNG 3 CÔNG CỤ QUẢN TRỊ HIỆU SUẤT TRONG THỊ TRƯỜNG CHO VAY TIÊU DÙNG

Trước hết, các tổ chức tín dụng hoặc ngân hàng sử dụng BSC để lên chiến lược tổng thể trong doanh nghiệp có thể trong 1 năm hoặc 2 năm. Chiến lược tổng thể này là điều doanh nghiệp muốn hướng tới dựa theo 4 yếu tố chính của BSC là: Học hỏi & phát triển; quy trình kinh doanh; khách hàng và tài chính. Trong mỗi yếu tố này, các nhà lãnh đạo sẽ xác định các mục tiêu cốt lõi cần đạt được và các mục tiêu này sẽ có sự kết nối chặt chẽ với nhau để đảm bảo hướng đến đạt được chiến lược tổng thể chung của doanh nghiệp. Ví dụ, nếu công ty đặt mục tiêu tài chính tăng lợi nhuận thì mục tiêu này sẽ là sự kết nối với mục tiêu trong quy trình kinh doanh là cải thiện quy trình phối hợp nội bộ cũng như cải thiện hiệu suất kinh doanh.

Tiếp đến, sau khi xác định các mục tiêu trong 4 khía cạnh chính của BSC, các nhà lãnh đạo sẽ tạo ra danh sách các KPI để đạt được mục tiêu đã đề ra. Những KPI đảm bảo một số tiêu chí như có khả thi, dễ đo lường, có thời gian hoàn thiện. KPI cho các mục tiêu có thể thực hiện theo quý hoặc theo tháng. Tuy nhiên, nếu chỉ đưa ra KPI, nhân sự cảm thấy bối rối khi không biết thực hiện thế nào và bắt đầu từ đâu dẫn đến hiệu quả không cao. Vì vậy, tiếp theo các doanh nghiệp có thể sử dụng OKR để cụ thể KPI thành những hành động và kết quả cụ thể. OKR có thể đưa ra cho mỗi cá nhân hoặc phòng ban theo ngày, tháng. Việc áp dụng OKR giúp cụ thể hóa mục tiêu và các cách thức thực hiện KPI hiệu quả nhất. Điều này giúp nhân sự hình dung rõ những gì mình phải làm, qua đó làm tăng hiệu suất công việc và nâng cao động lực với mỗi cá nhân.

GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU SUẤT DOANH NGHIỆP, TỔ CHỨC TÍN DỤNG

Nhằm đổi mới, nâng cao hiệu suất và hiệu quả hoạt động của tổ chức tín dụng, bài viết đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, xây dựng chiến lược cho vay hiệu quả: Trong bối cảnh thị trường nhiều biến động, các ngân hàng và tổ chức tín dụng cần nghiên cứu, đánh giá và lựa chọn chiến lược phù hợp, có thể theo các công đoạn, các khâu trong chuỗi giá trị. Lựa chọn khách hàng và thị trường mục tiêu đúng cũng giúp ngân hàng và các tổ chức tín dụng giảm thiểu rủi ra và hoạt động hiệu quả.

Hai là, xây dựng chính sách, quy trình phù hợp: Trong đó, chính sách quản lý nợ hợp lý, hiệu quả cần được chú trọng. Các cán bộ tín dụng phải thường xuyên đến địa bàn kiểm tra, quản lý việc sử dụng vốn của khách hàng, hướng dẫn họ sử dụng vốn đúng mục đích. Đồng thời, các quy trình phối hợp giữa các bộ phận, phòng ban được thông suốt cũng tạo nên hiệu quả và nâng cao hiệu suất của tổ chức.

Ba là, nâng cao công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ: Các tổ chức tín dụng cần thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên; Định kỳ tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, giúp cán bộ tín dụng cập nhật và nắm rõ những quy định, quy chế mới được ban hành để họ có kiến  thức chuyên môn thật vững vàng; Có chế độ đãi ngộ, khen thưởng, phạt phân minh và cụ thể về vật chất để động viên, khuyến khích nhân viên làm việc nhiệt tình, hiệu quả.

Bốn là, nâng cao vai trò công tác kiểm tra, giám sát trong tổ chức: Việc thường xuyên khảo sát, đánh giá trong tổ chức sẽ giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm tình trạng cán bộ tín dụng làm sai quy định hoặc lạm quyền trong quá trình thực hiện công việc. Thực hiện kiểm tra giám sát toàn diện các mặt, tăng cường kiểm tra các chuyên đề, các lĩnh vực dẫn đến tiêu cực. Nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ kiểm tra, kiểm soát và tự chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra của đơn vị.

Năm là, áp dụng chuyển đổi số nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức: Tận dụng tối đa những ưu thế mà công nghệ mang lại. Ngân hàng và các tổ chức tín dụng cần trang bị và nâng cấp các chương trình phần mềm, xác lập hệ thống thông tin nội bộ, hoàn chỉnh đồng bộ để phục vụ kinh doanh, an toàn và hiệu quả, thuận lợi cho việc cung cấp thông tin kịp thời chính xác giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của doanh nghiệp một cách tốt nhất. Nâng cấp phần mềm ứng dụng quản lý giao dịch để giúp cho tổ chức tạo ra nhiều sản phẩm, dịch vụ mới đáp ứng nhu cầu khách hàng.

KẾT LUẬN

Sự cạnh tranh trên thị trường tín dụng ngày càng khốc liệt, chỉ có những doanh nghiệp, tổ chức quản trị hiệu suất tốt, hoạt động hiệu quả thì mới tồn tại và phát triển được trên thị trường. Xây dựng chiến lược rõ ràng, với nền tảng vững chắc bằng nguồn vốn con người, hệ thống quy trình thông suốt, kết hợp chuyển đổi số với những phần mềm quản lý phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp tạo ra những lợi thế cạnh tranh, vượt qua đối thủ và chiếm lĩnh thị trường. OD CLICK với cương vị là công ty tư vấn và đạo tạo sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết bài toán quản trị hiệu suất với những công cụ và mô hình được nghiên cứu chuyên sâu. Đồng thời, nắm bắt được xu thế chuyển đổi số, áp dụng công nghệ vào quá trình quản lý, OD CLICK với mô hình sẵn có và các đối tác chiến lược lớn về công nghệ đồng hành như HYPERLOGY, MISA sẽ hỗ trợ giải quyết những bài toán khó khăn về quản trị hiệu suất cũng như chuyển đổi số doanh nghiệp. 
 

OD CLICK biên tập

Nguồn tham khảo:

  1. http://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/thuc-trang-va-giai-phap-khoi-dong-von-tin-dung-cho-thi-truong-bat-dong-san-310974.html
  2. http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/cho-vay-tieu-dung-tai-viet-nam-thi-truong-tiem-nang-va-day-canh-tranh-73262.htm
  3. http://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/doi-moi-nang-cao-hieu-qua-hoat-dong-cho-vay-tai-pvcombank-chi-nhanh-an-giang-313375.html
  4. https://odclick.com/chuyen-san/tu-duy-va-cong-cu/quan-tri-hieu-suat-bang-bsc-kpi-okr/
error: Nội dung đã khóa !!