*Bài tham luận được in trong kỷ yếu hội thảo: “Hợp tác đào tạo ngành Thương mại điện tử, Logistics & quản lý chuỗi cung ứng của Trường Đại học Hòa Bình với Doanh nghiệp” của Trường Đại học Hòa Bình
TS. Đỗ Tiến Long,
Nguyễn Ngọc Hoa, Nguyễn Trường Sơn
Ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng đang phát triển nóng trước sự bùng nổ trong hoạt động thương mại toàn cầu, mà Việt Nam có thể là một đầu mối trung chuyển quan trọng. Theo đó, nhu cầu về nguồn nhân lực cho ngành này tăng nhanh, song mức độ đáp ứng hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế. Vai trò của trường đại học nói chung, đại học Hòa Bình nói riêng là quan trọng trong đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, Trường sẽ đối mặt với những rào cản, thách thức đến từ môi trường bên ngoài và từ những hạn chế bên trong hệ thống. Bài viết đi sâu phân tích làm rõ những rào cản, cơ hội và thách thức với đại học Hòa Bình và khuyến nghị giải pháp phù hợp. Dựa trên phương pháp nghiên cứu tài liệu về ngành, thực trạng ngành, vấn đề về giáo dục đào tạo và phân tích thực tiễn theo nhu cầu về nguồn nhân lực của doanh nghiệp.
1. Về ngành Logistics và chuỗi cung ứng
Tổng quan ngành Logistics
Logistics liên quan trực tiếp đến các hoạt động vận tải, giao nhận, kho bãi, các thủ tục hải quan, xuất nhập khẩu – thương mại, phân phối và bán lẻ, đưa đến người tiêu dùng. Đây được coi là một trong những ngành mũi nhọn hàng đầu trong tổng thể nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy lưu thông hàng hóa quốc tế và nội địa nhanh chóng, đồng thời mở rộng thị trường của mỗi quốc gia. Theo báo cáo: “Logistics Service Market Report – Forecast up to 2027” của Market Research Future, doanh thu thị trường dịch vụ logistics dự kiến sẽ tăng trưởng với tốc độ 6,9%/năm trong giai đoạn dự báo 2019 – 2027, đạt trên 2 nghìn tỷ USD vào năm 2027.
Mặt khác, ngành logistics đang phát triển gắn liền với xu thế chuyển đổi số trong nền kinh tế toàn cầu. Doanh nghiệp hướng đến tăng cường số hóa và tự động hóa trong các hoạt động Logistics nhằm nâng cao hiệu quả và cắt giảm chi phí hoạt động. Trong ngành Logistics, tự động hóa hướng đến việc giảm thiểu tác động con người, tăng cường sử dụng máy móc. Điển hình có thể kể đến như Robot sẽ tham gia gần như 100% trong quá trình lập kế hoạch vận tải và lập hóa đơn cho khách hàng hay khả năng phân tích dữ liệu big data cho phép tính toán tối ưu hóa hiệu quả sản xuất máy móc. Do vậy, các doanh nghiệp Logistics trên thế giới đang tập trung đầu tư vào chuyển đổi số để mang lại lợi thế cạnh tranh trước đối thủ.
Các Hiệp định thương mại quốc tế thúc đẩy sự phát triển của ngành Logistics với nhu cầu vận chuyển hàng hóa giữa các nước trên thế giới tăng cao. Điều này kéo theo những tiêu chuẩn, yêu cầu khắt khe về quy trình, chất lượng. Các doanh nghiệp cần liên tục có sự cải tiến để tối ưu hiệu quả đảm bảo hàng hóa được giao đúng thời gian và cam kết chất lượng sản phẩm.
Thêm vào đó ngành Logistics đặt trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng của thương mại toàn cầu với sự bùng nổ về nền tảng thương mại và thanh toán điện tử toàn cầu như Alibaba, Amazon, Paypal, hay eBay. Điều này dẫn đến yêu cầu về tốc độ, sự tin cậy về dịch vụ. Do vậy, việc phát triển của ngành gắn chặt với phát triển khoa học công nghệ để đáp ứng nhu cầu lớn của cung ứng hàng hóa toàn cầu.
Ngành Logistics tại Việt Nam
Việt Nam nằm trong vùng kinh tế sôi động bậc nhất thế giới, với vị trí địa lý và điều kiện thiên nhiên thuận lợi để phát triển ngành logistics. Vị trí địa lý của nước ta chính là một mắt xích quan trọng giữa các nước trong khu vực Đông Nam Á, giữa nền kinh tế Đông Nam Á với châu Á và các châu lục khác, và là đường liên kết biển quan trọng trên thế giới.
Việt Nam nằm cạnh biển Đông – cầu nối thương mại đặc biệt trên bản đồ hàng hải thế giới. Theo Báo cáo của Ngành Vận tải Hàng hải Thế giới, hàng năm, có khoảng 50% sản lượng dầu thô và các sản phẩm của toàn cầu được vận chuyển qua biển Đông. Thêm vào đó, với sự hình thành của mạng lưới các cảng biển, các tuyến đường bộ, đường sắt ven biển nối sâu trong nội địa đã tăng khả năng chuyền tải hàng hóa nhập khẩu tới mọi miền đất nước thuận lợi hơn. Không chỉ vậy, Việt Nam cũng trở thành điểm trung chuyển trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đặc biệt là kết nối Trung Quốc, một trung tâm sản xuất toàn cầu, với các tuyến hàng hải trên thế giới. Hệ thống cảng biển của Việt Nam hiện tại không chỉ là nơi hàng hóa Việt Nam xuất đi mà còn là đầu ra thế giới của cả vùng Nam Trung Quốc, Tây Nam Trung Quốc (từ Vân Nam trở xuống phía Nam), Lào, và một phần Thái Lan, Campuchia.
Không chỉ nằm ở vị trí địa lý quan trọng, là điểm trung chuyển trọng yếu, Việt Nam còn là điểm sản xuất hàng hóa lớn sau Trung Quốc. Vì vậy, vai trò của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu là rất lớn. Điều này kéo theo yêu cầu về chất lượng nguồn nhân lực, khả năng tối ưu hóa sản xuất, vận chuyển để đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế trong chuẩn mực về quy trình, ứng dụng công nghệ.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển ngành Logistics Việt Nam những năm gần đây đạt 14-16%, tương đương khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam hiện đứng thứ 64/160 quốc gia về tốc độ phát triển ngành Logistics và thứ 4 khu vực Đông Nam Á – sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.
2. Về nhu cầu nguồn nhân lực ngành Logistics
Với vai trò là điểm trung chuyển hàng hóa lớn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như là điểm sản xuất hàng hóa lớn, Việt Nam đang có tốc độ phát triển nhanh. Điều này dẫn tới nguồn nhân lực cung cấp cho thị trường logistic tại Việt Nam trở nên thiếu hụt trầm trọng. Sự thiếu nguồn nhân lực càng được nhân lên khi Việt Nam gia nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN và tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Cụ thể, theo thông tin từ Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam, trong 3 năm tới, trung bình các doanh nghiệp dịch vụ logistics cần thêm 18.000 lao động. Theo Hiệp hội giao nhận kho vận Việt Nam (VIFFAS), nguồn cung cấp lao động cho ngành logistics chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu.
Sự thiếu hụt không chỉ về số lượng mà chất lượng của nguồn nhân lực ngành cũng còn nhiều hạn chế, đặc biệt là ở vị trí quản lý cấp cao. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM cho thấy, có đến 53,3% doanh nghiệp thiếu đội ngũ nhân viên có trình độ chuyên môn, kiến thức logistics; 30% doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên và chỉ có 6,7% doanh nghiệp hài lòng với chuyên môn của nhân viên.
Lý do cho việc chất lượng nguồn nhân lực chưa tốt là bởi đội ngũ nhân sự chưa có nền tảng kiến thức, chuyên môn cần thiết về Logistics mà chủ yếu là doanh nghiệp đào tạo thông qua công việc hàng ngày. Cụ thể, theo Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế Trường đại học Kinh tế quốc dân ghi nhận, có tới 80,26% nhân viên trong các doanh nghiệp logistics được đào tạo thông qua các công việc hàng ngày; 23,6% nhân viên tham gia các khóa đào tạo trong nước; 6,9% nhân viên được các chuyên gia nước ngoài đào tạo và chỉ có 3,9% được tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài.
(theo Viện Nghiên cứu và Phát triển kinh tế, Trường đại học Kinh tế quốc dân)
Để giải quyết tình trạng thiếu hụt về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực trong ngành, các doanh nghiệp cần phối hợp với các trường đại học để tìm kiếm được nguồn đầu vào có chất lượng. Đồng thời, các trường đại học cần xây dựng chương trình giảng dạy có tính thực tiễn gắn với lý thuyết để trang bị cho sinh viên kiến thức nền tảng tốt về ngành. Điều này sẽ giải quyết bài toán chất lượng nguồn nhân lực đầu ra cho doanh nghiệp.
3. Cơ hội và thách thức của các trường Đại học và Đại học Hòa Bình trong đào tạo nguồn nhân lực ngành Logistics
Có thể thấy vai trò của các trường đại học trong việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực ngành, tạo cơ sở đầu vào chất lượng cho các doanh nghiệp.
Cơ hội trong đào tạo ngành Logistics
Trước nhu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp FDI, Đại học Việt Nam nói chung và Đại học Hòa Bình nói riêng đứng trước những cơ hội lớn.
Các phân tích ở trên có thể thấy, tốc độ phát triển ngành Logistics tại Việt Nam đang tăng rất nhanh, tạo ra nhu cầu lớn về đào tạo nguồn nhân lực. Thông tin từ Viện Nghiên cứu & Phát triển Logistics Việt Nam cho biết, dự báo đến năm 2030 nhu cầu nhân lực chuyên nghiệp cho toàn ngành ngành là 200.000 nhân sự, nhất là các vị trí quản lý, giám sát, trong khi đó khả năng đáp ứng chỉ đạt khoảng 15% – một con số vô cùng khiêm tốn. Do đó, cơ hội mở ra cho các trường đại học có đào tạo ngành này tại Việt Nam nói chung và Đại học Hòa Bình nói riêng là rất lớn. Ngoài ra, theo Báo cáo Logistics Việt Nam 2020, nếu tính cả nhu cầu nhân lực logistics từ các doanh nghiệp FDI hay doanh nghiệp sản xuất có thể lên đến 2,5 triệu người đến năm 2030. Từ đó, ta có thể thấy không chỉ với riêng các doanh nghiệp Logistics và quản lý chuỗi cung ứng có nhu cầu lớn về nguồn nhân lực mà còn có cả các doanh nghiệp sản xuất và FDI.
Cơ hội khác cũng đang mở ra với các trường đại học nói chung và đại học Hòa Bình nói riêng, trong việc tiếp cận dễ dàng các chương trình đào tạo tiến tiến, theo quy chuẩn thế giới. Ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng trong bối cảnh thương mại toàn cầu bùng nổ, tính chuẩn mực và quy trình theo quốc tế là yếu tố then chốt. Như vậy, tiếp cận chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ nâng cao chất lượng đầu ra, từ đó có thể thu hút nhiều sinh viên và tạo thương hiệu tuyển dụng tốt.
Nắm bắt được tốc độ phát triển và xu thế về nhu cầu nguồn nhân lực ngành, các trường đại học Việt Nam nói chung, đại học Hòa Bình nói riêng đã mở ra ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng. Việc mở rộng thêm ngành với chương trình học tiêu chuẩn sẽ thu hút nguồn đầu vào phù hợp, chất lượng thay vì việc giảng dạy về logistic và chuỗi cung ứng được tích hợp như môn học trong chuyên ngành khác. Theo báo cáo về ngành Logistics Việt Nam năm 2020, tính đến tháng 08/2020, trong số 286 trường đại học trên cả nước đã có 30 trường đại học tuyển sinh và đào tạo ngành/ hoặc chuyên ngành logistics.
Những thách thức trong đào tạo ngành Logistics
Bên cạnh những cơ hội mở ra cho các trường đại học Việt Nam nói chung và đại học Hòa Bình nói riêng, những thách thức cần phải đối mặt trong việc đào tạo nguồn nhân lực ngành Logistic và quản lý chuỗi cung ứng là rất lớn.
Thứ nhất, ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng dựa trên chuẩn hoạt động của thị trường toàn cầu với sự đòi hỏi về tính chuẩn mực, tốc độ và sự tin cậy về quy trình. Điều này tạo ra thách thức cho các doanh nghiệp và đại học Hòa Bình trong việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng về chuyên môn và đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường. Để làm được điều này, việc tiếp cận giáo trình cập nhật, quy chuẩn là điều kiện tiên quyết để thu hút và đảm bảo chất lượng đầu ra. Với những khung chương trình tiên tiến, bài toán chi phí đặt ra với các trường đại học nói chung và đại học Hòa Bình nói riêng.
Thứ hai, trong bối cảnh thương mại toàn cầu, hoạt động Logistics đối mặt với thách thức về của sự khác biệt về văn hóa giữa các quốc gia. Những quốc gia khác nhau, họ có những yêu cầu khác nhau trong việc lưu thông và cung ứng hàng hóa. Điều này đòi hỏi, nguồn nhân lực phải có chuyên môn, với sự hiểu biết và thích ứng về văn hóa để có thể giao dịch hiệu quả với những khách hàng, đối tác quốc tế. Do vậy, các đơn vị đào tạo cần chú trọng đến đào tạo nguồn nhân lực để họ có nền tảng kiến thức và thực hành thực tiễn để quản trị tốt sự khác biệt về văn hóa.
Thứ ba, với các trường đại học việc thu hút nguồn đầu vào tốt là yếu tố quyết định trong đảm bảo chất lượng đầu ra cho doanh nghiệp. Do vậy, thương hiệu của các trường đại học là yếu tố then chốt trong việc cạnh tranh thu hút nguồn nhân lực chất lượng đầu vào.Trong trường hợp đại học Hòa Bình, thương hiệu tuyển dụng sinh viên chưa tạo sức ảnh hưởng lớn. Điều này dẫn đến việc thu hút sinh viên gặp nhiều khó khăn.
Những rào cản phải đối mặt
Trong bối cảnh của thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng cao, vai trò của các đơn vị đào tạo như đại học Hòa Bình càng lớn. Tuy nhiên, các đơn vị đào tạo nói chung và đại học Hòa Bình đang vấp phải những rào cản lớn trong việc phát triển nguồn nhân lực.
Thứ nhất, điểm hạn chế với các trường đại học nói chung và đại học Hòa Bình nói riêng là sự chậm trong đổi mới. Các nghiên cứu về Innovation và Digital Transformation cho thấy, ngành giáo dục có tốc độ cập nhật khá chậm so với mặt bằng chung. Chương trình đào tạo, từ giáo trình đến giảng viên vẫn còn tập trung và sự ổn định, sự an toàn. Trong khi xu thế của xã hội đang vận động rất nhanh, yêu cầu với nguồn nhân lực ngày càng cao với những kỹ năng có tính thực hành và khả năng thích ứng hành động. Các đơn vị đào tạo chưa có sự thích ứng, đổi mới kịp thời trong chương trình đào tạo dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực đầu ra vẫn còn hạn chế. Điều này là bởi có thể chất lượng, nội dung chương trình là rất tốt trong một thời điểm, nhưng trong những năm tiếp theo khi xu thế thay đổi, những nội dung giảng dạy không còn đáp ứng với yêu cầu đặt ra.
Thứ hai, chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay khả năng thích ứng với chuyển đổi số của các doanh nghiệp và trường đại học còn hạn chế. Theo khảo sát trong bài nghiên cứu “Strategy, Not Technology, Drives Digital Transformation” của Trường MIT Sloan Management cộng tác với nhóm nghiên cứu của hãng tư vấn Deloitte với các lãnh đạo trên nhiều quốc gia, 75% những lãnh đạo được khảo sát tìm kiếm những tài năng kỹ thuật số. Trong khi về phía các trường đại học, vấn đề đào tạo nhân lực có khả năng thích ứng với chuyển đổi số chưa được quan tâm đầy đủ.
Thứ ba, rào cản lớn trong việc đào tạo của các trường đại học là tâm lý đi tìm bằng cấp, tìm việc dễ kiếm tiền nhanh, thiếu cam kết nghề nghiệp, tâm lý nghỉ ngơi sau khi vào đại học, của một bộ phận sinh viên. Điều này ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra của các trường đại học khi với tâm lý này, sinh viên khó tiếp thu những kiến thức mà mục đích là vào trường chỉ để được cấp bằng. Đây là vấn đề phổ biến của các trường đại học Việt Nam nói chung và trường đại học Hòa Bình nói riêng.
Hiện nay việc truyền thông thu hút sinh viên biết đến ngành học này rộng rãi vẫn còn hạn chế với các trường đại học nói chung và đại học Hòa Bình nói riêng. Ngành học chuyên sâu về Logistics và chuỗi cung ứng vẫn còn khá mới mẻ với các bạn sinh viên về nội dung chương trình đào tạo, đầu ra công việc. Chương trình đào tạo tại các trường đại học vẫn chưa gắn chặt với thực tiễn và trang bị cho sinh viên khả năng thích ứng với xu thế toàn cầu, đặc biệt là vấn đề chuyển đổi số. Ngành Logistic, quản lý chuỗi cung ứng vẫn khá mới và cần hoàn thiện thêm về khung chương trình
4. Giải pháp cho đào tạo ngành Logistics
Đứng trước những thách thức và rào cản kể trên, đòi hỏi các trường đại học, đặc biệt đại học Hòa Bình cần có những giải pháp hành động để tháo gỡ được những khó khăn trên. Dưới đây là những khuyến nghị giải pháp phù hợp dựa trên xu thế thị trường và đặc điểm nguồn lực của trường đại học Hòa Bình.
Một là, đại học Hòa Bình cần mạnh dạn tiếp cận và áp dụng các chương trình đào tạo hiện đại và tiên tiến của các trường trên thế giới, đặc biệt là các trường đại học của Anh, Mỹ, hay Singapore, Hong Kong, nhưng nơi phát triển cả về đào tạo và thị trường Logistics. Chương trình đào tạo tại các trường đại học tiên tiến trên thế giới đều được xây dựng theo chuẩn nhất định, thường do hiệp hội chuyên môn hoặc các tổ chức kiểm định chất lượng đặt ra. Các trường cần dựa theo thực tế và nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam để lựa chọn các chương trình đào tạo phù hợp.
Hai là, đại học Hòa Bình cần xác định thị trường mục tiêu, với thế mạnh đào tạo với một nhóm doanh nghiệp cụ thể, trong nước, Hàn Quốc và Nhật Bản, hay Trung Quốc. Thực tế hiện nay, nội dung các môn học trong chương trình (lý thuyết cơ sở, lý thuyết môn) còn khá rộng, kiến thức trong giáo trình còn chưa theo kịp tình hình thực tế và còn khá chung chung, chưa tập trung vào nội dung cụ thể. Điều này dẫn đến, tỷ lệ thất nghiệp cao trong khi nhu cầu nguồn nhân lực của ngành là rất lớn. Đây là một bằng chứng cho thấy việc đào tạo chưa sát với nhu cầu xã hội. Điều này nhằm đáp ứng tốt cả nhu cầu doanh nghiệp, lẫn nhu cầu và khả năng của người học.
Ba là, cần trang bị cho sinh viên các kỹ năng có tính thực hành cao. Ngoài những kiến thức về chuyên môn, các nhà trường cần trang bị thêm cho sinh viên kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng về chuyển đổi số, thích ứng với văn hóa. Bởi hầu hết các doanh nghiệp đều cần người lao động có những kỹ năng này để đáp ứng nhu cầu công việc của họ.
Tài liệu tham khảo:
- A.N, Cơ hội và thách thức với logistics Việt Nam khi gia nhập TPP, 2019 https://dangcongsan.vn/kinh-te-va-hoi-nhap, truy cập ngày 12/04/2021
- Bộ Công thương (2020), Báo cáo Logistics Việt Nam 2020
- Bùi Văn Danh và Nguyễn Thị Hường, Phát triển nguồn nhân lực logistics Việt Nam: Cần một chiến lược toàn diện, 2019 https://tapchicongthuong.vn/bai-viet/phat-trien-nguon-nhan-luc-logistics-viet-nam-can-mot-chien-luoc-toan-dien-69736.htm,truy cập ngày 12/04/2021
- Dũng Hiếu, Mối lo nguồn nhân lực ngành logistics, 2019 https://vneconomy.vn/moi-lo-nguon-nhan-luc-nganh-logistics-20191121235346138.htm, truy cập ngày 12/04/2021
- Kane, Palmer, Phillips, David, Buckley, Strategy, Not Technology, Drives Digital Transformation, 2015
- Vũ Đình Chuẩn, Giải pháp phát triển nguồn nhân lực ngành logistics Việt Nam, 2019 https://tapchitaichinh.vn/tai-chinh-kinh-doanh, truy cập ngày 09/04/2021