ĐỔI MỚI SÁNG TẠO TRONG DOANH NGHIỆP IT VIỆT NAM
Sự khác biệt giữa đổi mới sáng tạo và phát minh
Đổi mới sáng tạo (Innovation) là việc tạo ra, ứng dụng thành tựu, giải pháp kỹ thuật, công nghệ, giải pháp quản lý để nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng, gia tăng giá trị của sản phẩm, hàng hóa.
Đổi mới sáng tạo (innovation) khác với phát minh (invention). Đổi mới sáng tạo là quá trình doanh nghiệp phát triển các sản phẩm, dịch vụ, quy trình hay hệ thống quản lý mới để đáp ứng các yêu cầu thay đổi của môi trường kinh doanh, công nghệ hay mô hình cạnh tranh khi những mô hình cũ trở nên lạc hậu và bộc lộ nhiều nhược điểm. Nói cách khác, chỉ khi doanh nghiệp biến một phát minh thành sản phẩm, dịch vụ mới bán được ra thị trường (đáp ứng nhu cầu khách hàng) và mang lại lợi nhuận thì mới được coi là đổi mới sáng tạo. Trong khi đó, không phải phát minh nào cũng dẫn tới thỏa mãn nhu cầu khách hàng. Ví dụ: Tim Berners phát minh (invention) ra nền tảng Internet, nhưng Mark Zuckerberg sử dụng internet để tạo ra Mạng xã hội Facebook (innovation).
Đổi mới sáng tạo là năng lực cốt lõi của tổ chức hiện đại
Đổi mới sáng tạo chính là gốc rễ tạo ra lợi thế cạnh tranh.Để tăng khả năng cạnh tranh, các doanh nghiệp trên thế giới đều được phát triển theo hướng tổ chức đổi mới sáng tạo. Nhờ khả năng đổi mới sáng tạo mà các doanh nghiệp thích ứng được với những thay đổi từ môi trường, đây cũng là yếu tố quyết định sự thành công khi doanh nghiệp bước vào cuộc đua công nghệ.
Mô hình đổi mới sáng tạo Agile
Mô hình Agile là một tập hợp các nguyên lý, những phương pháp làm việc (như Scrum, Kanban, hay eXtremeProgramming). Triết lý của Agile nhấn mạnh tính sáng tạo của cá nhân và nhóm, chuyển giao sớm giá trị cho người dùng, cộng tác chặt chẽ giữa các bên liên quan và thích ứng tốt với sự thay đổi của môi trường.
Mục đích của các phương pháp Agile là giúp các doanh nghiệp đạt được sự linh hoạt (Agility), ưu tiên cho cộng tác, làm việc nhóm, truyền đạt thông tin hiệu quả, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và hướng tới sự phát triển bền vững. Các phương pháp Agile đã thể hiện giá trị trong rất nhiều lĩnh vực như Marketing, Giáo dục (Edu Scrum), Thiết kế (Lean UX, Design Thingking),.. và đặc biệt là trong Phát triển phần mềm.
4 tôn chỉ của Agile
Cá nhân và sự tương hỗ quan trọng hơn quy trình và công cụ: Trọng tâm đặt vào con người, xây dựng tương tác và hỗ trợ giữa các thành viên trong nhóm. Các nhà phát triển thường xuyên trao đổi với nhau để cập nhật và đồng bộ công việc, phát hiện sớm các trở ngại và thích ứng với tình huống mới.
Sản phẩm dùng được tốt hơn cung cấp tài liệu đầy đủ: Tập trung thời gian để làm ra phần mềm hoàn chỉnh đáp ứng yêu cầu khách hàng. Làm hơn là nói.
Cộng tác với khách hàng quan trọng hơn đàm phán hợp đồng: Agile luôn luôn chú trọng việc cộng tác thường xuyên chặt chẽ với khách hàng để hiểu được khách hàng muốn gì và cần gì để có thể tư vấn và điều chỉnh thay vì chỉ dựa vào những điều đã quy định trong hợp đồng.
Phản hồi thay đổi hơn là bám vào kế hoạch: Agile khuyến khích thích nghi với sự thay đổi trong quá trình thực hiện và phản hồi với sự thay đổi đó. Phần lớn các phương pháp Agile đều phân chia công việc thành các chu trình nhỏ và không lập một kế hoạch dài hạn để dễ xử lý khi có thay đổi.
Quy trình thực hiện:
Đổi mới sáng tạo trong ngành IT tại Việt Nam với mô hình Agile
Agile là một trong những chìa khóa cho sự thành công của các doanh nghiệp CNTT trên toàn cầu. Trong những năm gần đây, ngành CNTT đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, và việc chuyển đổi phương thức làm việc sang Agile đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa nguồn lực con người và hiệu quả dự án.
Báo cáo CHAOS của Standish Group năm 2015 chỉ ra rằng, Agile có thể giúp tỉ lệ thành công của các dự án tăng gấp ba lần so với phương thức hoạt động truyền thống. Năng suất nhóm Agile có thể tăng từ 3-7 so với các nhóm truyền thống.
Nhiều doanh nghiệp trên toàn cầu đã và đang dịch chuyển mạnh mẽ sang Agile, từ các gã khổng lồ Google, Facebook, Microsoft tới các doanh nghiệp nhỏ, và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Tại Việt Nam, nhiều tên tuổi như FPT, Viettel, VNG hay những doanh nghiệp nhỏ cũng đã sớm bắt kịp xu thế áp dụng Agile. Cộng đồng AgileVietnam cũng đã ghi nhận hàng trăm công ty đang nỗ lực chuyển đổi phương thức phát triển phần mềm sang Agile để thwo kịp xu hướng thời đại. Nhìn nhận chung của giới chuyên gia và lãnh đạo các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam là rất ủng hộ trào lưu này. Ông Đỗ Văn Khắc, Phó Tổng giám đốc FPT Software nhận định: “Agile có thể rút ngắn thời gian chuyển giao sản phẩm, dễ dàng thay đổi tính năng để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ở Việt Nam thì còn mới, chứ trên thế giới thì CNTT không thể không dùng Agile“.
Chìa khóa thành công cho triết lý Agile
Agile là một mô hình tư duy, triết lý Agile đã không chỉ còn gói gọn trong lĩnh vực CNTT mà còn có thể áp dụng mô hình này cho các lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, để áp dụng thành công mô hình Agile vào doanh nghiệp, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam cần xây dựng được nền tảng đủ tốt.
Thứ nhất, văn hóa doanh nghiệp cởi mở, tích cực, các thành viên có sự phối hợp và truyền đạt thông tin hiệu quả.
Thứ hai, môi trường làm việc tạo điều kiện cho nhân viên phát huy được tính sáng tạo, tự chủ, đảm bảo nhóm có thể vận hành một cách chủ động thay vì chỉ các nhân viên chỉ làm việc theo chỉ đạo của cấp trên.
Thứ ba, lãnh đạo đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc vận dụng thành công mô hình Agile. Lãnh đạo là người truyền cảm hứng, xây dựng văn hóa công ty và môi trường làm việc tích cực, vừa phát huy được sự sáng tạo, thế mạnh của mỗi cá nhân, vừa nâng cao khả năng phối hợp, làm việc nhóm hiệu quả
Nguồn tham kháo:
P.X. Nhạ, L. Quân / Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Kinh tế và Kinh doanh, Tập 29, Số 4 (2013) 1-11, Nghiên cứu đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam