GÓC NHÌN VỀ NGÀNH CƠ KHÍ VIỆT NAM HIỆN NAY

Ngành cơ khí có vị trí rất quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế nói chung. Nó là cơ sở và động lực cho các ngành công nghiệp khác phát triển. Ngành cơ khí có nhiệm vụ cung cấp toàn bộ những trang thiết bị cho các ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, giao thông vận tải và các trang thiết bị cho bảo vệ an ninh quốc phòng.

Nguồn Internet

Để Việt Nam trở thành nước phát triển, trở thành nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì ngành cơ khí phải phát triển, trở thành mũi nhọn của ngành kinh tế. Sau một thời gian dài hình thành và phát triển, ngành cơ khí Việt Nam đã đạt được những kết quả nhất định so với năm 1958, khi nhà máy cơ khí đầu tiên – Trần Hưng Đạo được xây dựng, nền móng ngành ngành cơ khi được nhen nhóm hình thành.

1. Những kết quả đạt được của ngành cơ khí

Năm 2019 đánh dấu mốc quan trọng của ngành cơ khí chế tạo và lắp ráp ô tô với sự ra đời của nhà máy ô tô VinFast với công suất 500.000 xe/ năm. Bên cạnh đó là sự phát triển đột phá của một số lĩnh vực như: Chế tạo thiết bị thủy công (cung cấp cho các công trình nhà máy thủy điện lớn, nhỏ trong cả nước), chế tạo giàn khoan dầu khí (cung cấp khoan thăm dò, khai thác dầu khí đến độ sâu 120m, giàn khoan tự nâng 90m nước, giàn khoan khai thác giếng dầu), thiết bị điện, chế tạo và cung cấp thiết bị cho các nhà máy xi măng, đóng tàu các loại (tàu chở dầu đến trọng tải 105 nghìn DWT, tàu chở khí hóa lỏng trọng tải đến 5.000 tấn, tàu chở hàng rời…), các công trình thiết bị toàn bộ (nhà máy đường công suất 1.000 tấn mía/ngày, chế biến mủ cao su công suất 6.000 tấn/năm).

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng máy móc thiết bị phụ tùng đạt 16,55 tỷ USD, chiếm 6,8% kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, tăng 28,16% so với năm 2017. Trong đó, khối doanh nghiệp FDI xuất khẩu đạt 14,689 tỷ USD, chiếm 88,76% kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng, tăng 27,71% so với năm 2017.

2. Những hạn chế của ngành cơ khí

Bên cạnh những kết quả mà ngành cơ khí đạt được thì vẫn tồn tại 5 hạn chế lớn cần khắc phục như sau:

Thứ nhất, về thị trường: Ngành cơ khí Việt Nam khá đa dạng về sản phẩm, nhưng đang phải cạnh tranh ngày càng gay gắt với sản phẩm nhập khẩu. Việc mở rộng thị trường vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu thông tin thị trường và năng lực cạnh tranh trong nước chưa đủ mạnh. Ngay cả tại thị trường nội địa, các doanh nghiệp cơ khí cũng khó tham gia được vào các dự án đầu tư lắp đặt trang thiết bị ngành thép, hóa chất, năng lượng, chủ yếu là do thiếu hệ thống kiểm định chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Các doanh nghiệp, sản phẩm cơ khí trong nước cũng như chưa xây dựng được thương hiệu và được nhiều khách hàng biết đến.

Thứ hai, về trình độ khoa học công nghệ: Thực tiễn cho thấy, ngành Cơ khí Việt Nam có rất ít các phát minh, sáng chế được đăng ký, trang thiết bị và trình độ công nghệ toàn Ngành chậm đổi mới. Các DN cơ khí thiếu đầu ra cho sản phẩm nên cũng không có cơ hội tích lũy và đầu tư đổi mới công nghệ. Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN4.0) diễn ra, các công nghệ mới đã làm thay đổi hoàn toàn cách thức, phương thức sản xuất hiện nay, đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc đổi mới và cập nhật xu thế công nghệ đối với các DN cơ khí.  

Thứ ba, về nguyên phụ liệu: Hiện nguyên phụ liệu cho ngành cơ khí chủ yếu là sắt thép và các loại hợp kim màu, tuy nhiên, hầu hết các nguyên phụ liệu này trong nước chưa sản xuất được buộc phải nhập khẩu.

Trong khi đó, ở trong nước chúng ta cũng chưa có chính sách hợp lý để khuyến khích sử dụng nguyên phụ liệu trong nước, từ đó nâng dần tỷ lệ nội địa hóa và thu mua nguyên phụ liệu trong nước.

Thứ tư, về nguồn nhân lực: Nhân lực ngành Cơ khí Việt Nam còn thiếu và yếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Số thợ cơ khí có tay nghề cao giảm sút, lao động chuyên môn thiếu chứng chỉ nghề quốc tế và kỹ năng ngoại ngữ. Lực lượng nghiên cứu triển khai, trước hết là đội ngũ tư vấn thiết kế chưa đạt trình độ, đáp ứng yêu cầu của các công trình, dự án về thiết bị cơ khí đồng bộ.

Thứ năm, vai trò của hiệp hội ngành nghề chưa phát huy hiệu quả: Hiệp hội ngành nghề chưa phát huy được tính đại diện trong tập hợp ý kiến và hành động chung; Chưa thu hút được sự tham gia của các DN cơ khí và chưa liên kết chặt chẽ được các DN thành viên với nhau. Hiện nay, Hiệp hội Cơ khí Việt Nam chỉ mới thu hút được sự tham gia của hơn 100 DN trong tổng số trên 21.000 DN cơ khí.

3. Một số giải pháp chiến lược

 Để đạt được mục tiêu đến năm 2035, ngành Cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản phẩm cơ khí của thị trường trong nước; Sản lượng xuất khẩu đạt 45% tổng sản lượng ngành Cơ khí.

Theo TS. Trần Thị Minh Hằng có bài viết đăng trên Tạp chí Tài Chính thì ngành cơ khí Việt Nam cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ và đủ mạnh để hỗ trợ phát triển ngành Cơ khí. Trước mắt, Chính phủ cần sớm xây dựng và ban hành Nghị định về phát triển ngành công nghiệp chế tạo.

Thứ hai, phát triển các ngành công nghiệp hạ nguồn trong lĩnh vực cơ khí cơ quy mô chuỗi cung ứng lớn để tạo cơ hội cho các DN cơ khí trong nước tham gia cung cấp phụ tùng, linh kiện cho các DN sản xuất, lắp ráp sản phẩm cuối cùng. Trong đó, chú trọng phát triển các ngành cơ khí có tiềm năng phát triển như ô tô, thiết bị công nghiệp, cơ khí gia dụng và dụng cụ…

Thứ ba, nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư từ các DN cơ khí có thương hiệu trên thế giới để dần hình thành chuỗi cung ứng trong nước và tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu cho các DN cơ khí trong nước.

Thứ tư, xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu về DN cơ khí; triển khai hiệu quả các chương trình kết nối kinh doanh, liên kết DN trong nước với DN nước ngoài. Đồng thời, nâng cao chất lượng thống kê làm cơ sở cho các phân tích, dự báo về ngành.

Thứ năm, đảm bảo nguồn vốn vay dài hạn với mức lãi suất ổn định cho các DN cơ khí thông qua các chương trình hỗ trợ, gói ưu đãi phù hợp với các quy định trong nước và cam kết quốc tế.

Thứ sáu, nhanh chóng hoàn thiện đồng bộ các tiêu chuẩn, quy chuẩn cho các sản phẩm cơ khí, đồng thời, phát triển và nâng cao năng lực cho các cơ quan kiểm tra, kiểm định theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đã đăng ký.

Thứ bảy, xây dựng và phát triển hệ thống quản lý, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ thuật nghề quốc gia, đặc biệt đối với các kỹ năng nghề trong lĩnh vực cơ khí; Xây dựng cơ chế ưu đãi nhằm khuyến khích liên kết giữa cơ sở đào tạo và DN trong hoạt động đào tạo và phát triển các chương trình, giáo trình đào tạo phù hợp với thực tiễn.

Nguồn tham khảo:

  1. Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2018;
  2. Năm điểm nghẽn cản trở ngành cơ khí Việt Nam phát triển;
  3. Ngành cơ khí Việt Nam vai trò và thực trạng hiện nay;
  4. Vingroup xây nhà máy ô tô 500.000 xe/ năm;
  5. Ngành công nghiệp cơ khí Việt Nam trong cuộc cách mạng Công nghệ 4.0.
error: Nội dung đã khóa !!