THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP CHO NGÀNH THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT TẠI VIỆT NAM
1. Thực trạng ngành sản xuất thuốc Bảo vệ thực vật tại Việt Nam.
Theo nghiên cứu và đánh giá của Viện nghiên cứu chiến lược và cạnh tranh (Institute for brand and Competitiveness strategy) phối hợp cùng Vibiz.vn, thị trường thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) của Việt Nam hiện nay rất lớn, với quy mô mỗi năm ngành nông nghiệp nhập và sử dụng từ 70.000 – 100.000 tấn, đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp (DN) cùng “nhảy” vào chia sẻ “miếng bánh” thị phần hấp dẫn này.
Hiện cả nước có trên 200 doanh nghiệp thuốc BVTV, gần 100 nhà máy chế biến thuốc (chế biến được khoảng 50% lượng chế phẩm sử dụng trong nước, khoảng 30.000 – 40.000 tấn/năm) cùng với với khoảng 30.000 đại lý thuốc BVTV.
Việt Nam thuộc top Quốc gia có danh mục thuốc trừ sâu được phép sử dụng trên cây trồng đa dạng nhất, với 1.700 hoạt chất và 4.080 thương phẩm. Trong đó thị phần thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường bán lẻ.
(Theo Viện nghiên cứu chiến lược và cạnh tranh phối hợp cùng Vibiz.vn)
Thị phần thuốc bảo vệ thực vật tại Việt Nam phân chia theo doanh nghiệp thì Lộc Trời đang chiếm lớn nhất với 20%; kế đến là Công ty CP Khử trùng Việt Nam với khoảng 7,4%; Công ty CP Nông dược HAI chiếm khoảng 5,5%; Lúa Vàng và Bayer cùng chiếm tỷ lệ ngang nhau khoảng 5,2%; Công ty ADC khoảng 4%; Công ty CP Thuốc sát trùng Việt Nam (Vipesco) khoảng 3,7%; khoảng gần 200 doanh nghiệp còn lại chia miếng bánh 49% thị phần. Điều đó cho thấy, lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường trong nước và xuất nhập khẩu. (Nguồn: Báo Công Thương)
2. Những khó khăn của ngành sản xuất thuốc BVTV
Ngành sản xuất thuốc Bảo vệ thực vật tuy rất tiềm năng nhưng còn gặp rất nhiều khó khăn.
Thứ nhất, lượng sản xuất trong nước còn rất hạn chế, chủ yếu nhập khẩu từ nước ngoài: Mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật dù Việt Nam nhập khẩu từ nhiều quốc gia khác nhau như Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Hàn Quốc, Đức nhưng Trung Quốc vẫn là bạn hàng lớn nhất, chiếm tới 53,5% tổng giá trị của mặt hàng này mà Việt Nam nhập về ứng với 524 triệu USD. Trong đó, chiếm 48% là thuốc trừ cỏ (19.000 tấn), còn thuốc trừ sâu và trừ bệnh chiếm khoảng 32% (16.400 tấn), ngoài ra còn một lượng thuốc điều hòa sinh trưởng, khoảng 900 tấn.
Thứ hai, định hướng hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật: Tại hội nghị “Định hướng công tác bảo vệ thực vật trong tình hình mới” do Bộ NN&PTNT tổ chức đã diễn ra ngày 15/5/2018, tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng NN&PTNT cho biết, hiện nay, Việt Nam đang sử dụng khoảng 100 nghìn tấn mỗi năm, chủ yếu nhập khẩu thuốc hóa học và con số này phải tiếp tục giảm. Bởi, lạm dụng thuốc sẽ dẫn đến giá thành sản xuất cao, chất lượng không tốt, gây độc hại cho chính nông dân và người tiêu dùng, hệ sinh thái suy kiệt.
Thứ ba, công tác quản lý và cấp phép ngày càng nghiêm ngặt: Theo ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, hiện công tác quản lý thuốc BVTV đang được siết chặt, tăng cường quản lý ở tất cả các khâu từ đăng ký, khảo nghiệm, cấp phép nhập khẩu, sản xuất, buôn bán, sử dụng.
Việc cấp phép khảo nghiệm được dựa trên cơ sở khoa học theo nguyên tắc loại bỏ dần những thuốc BVTV có độc tính cao, ảnh hưởng đến môi trường, đồng thời khuyến khích những loại thuốc hiệu quả, an toàn trong sử dụng đặc biệt là các loại thuốc sinh học.
3. Giải pháp giúp phát triển các doanh nghiệp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật
Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt và bị tác động bởi nhiều yếu tố, các doanh nghiệp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật đang đi tìm hướng phát triển phù hợp. Sau đây là một số giải pháp giúp doanh nghiệp tìm hướng đi mới:
Một là, thúc đẩy xuất khẩu: Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã thành công khi tìm đường xuất khẩu sản phẩm của mình. Tính đến hết năm 2017, tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường nước bạn đã đạt trên 8.767 tấn. Kết thúc năm 2017, xuất khẩu thuốc bảo vệ thực vật đã có những dấu hiệu tăng trưởng tích cực.
Năm 2017, thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam đã được xuất đi hơn 15 thị trường trên thế giới. Theo số liệu của Vibiz.vn, nhìn chung lượng xuất khẩu thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam đều tăng ở hầu hết các thị trường chính như: Campuchia (4.252 tấn); Đài Loan (666 tấn); Singapore (350 tấn); Myanmar (143 tấn); Lào (83 nghìn tấn). Trong đó, Campuchia là thị trường nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam, chiếm 48,5% tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật mà Việt Nam xuất đi.
Hai là, phát triển sản phẩm mới: Xu hướng của một số doanh nghiệp là mở rộng sang kinh doanh giống cây trồng (ví dụ như Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, Nông dược HAI, Bảo vệ thực vật Sài Gòn) hoặc kinh doanh dịch vụ khử trùng (Công ty Khử trùng Việt Nam, Bảo vệ thực vật Sài Gòn). Đây là sự đa dạng hóa rất hợp lý nhằm tạo ra sự tích hợp dọc trong chuỗi giá trị, tiến tới cung cấp các giải pháp trọn gói: giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, dịch vụ nông nghiệp, chế biến nông sản và tiêu thụ nông sản, từ đó tạo ra tỷ suất lợi nhuận cao.
Ba là, tái cơ cấu tổ chức: Trước những thách thức lớn về biến đổi khí hậu sẽ làm tăng nguy cơ rủi ro dịch bệnh, hội nhập toàn cầu ngày càng sâu rộng trong thời kỳ 4.0, các quốc gia có nền nông nghiệp hiện đại đòi hỏi ngành bảo vệ thực vật nói chung và doanh nghiệp sản xuất thuốc bảo vệ thực vật nói riêng cần phải tiếp tục tái cơ cấu phù hợp với tình hình mới, nâng cao hiệu quả hoạt động.
Bốn là, liên kết chuỗi sản xuất: Việc liên kết chuỗi sản xuất và tiêu thụ là xu hướng tất yếu trong sản xuất hàng hóa, thị trường hóa sản xuất nông nghiệp để đảm bảo có thể quản lý tốt việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, phân bón nhằm đảm bảo yêu cầu về an toàn thực phẩm cho sản phẩm.
Liên kết sản xuất còn là yếu tố quan trọng để tổ chức thu gom bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, không để gây ô nhiễm môi trường. Đồng thời, các chuỗi liên kết cũng là tiền đề quan trọng để áp dụng các công nghệ 4.0 vào thực tế sản xuất.
Năm là, áp dụng khoa học công nghệ sinh học, thân thiện môi trường: Việc áp dụng công nghệ sinh học nhằm tạo ra những sản phẩm thân thiện và mang lại hiệu quả là hết sức cần thiết. Đồng thời cũng cần nâng cao nhận thức, hướng các nhà sản xuất, phân phối, người sử dụng vào sử dụng sản phẩm thân thiện môi trường như thuốc bảo vệ thực vật sinh học để thay thế dần các nhóm thuốc hóa học. Tăng cường tuyên truyền đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất thân thiện môi trường vào sản xuất.
Thuốc bảo vệ thực vật không thể thiếu đối với ngành nông lâm nghiệp, nhưng môi trường trong lành và sự an toàn sức khỏe cũng không thể thiếu đối với con người. Đó là bài toán cần phải giải của các cơ quan quản lý thuốc bảo vệ thực vật và các doanh nghiệp sản xuất trong ngành. Cần phải chung tay tìm ra giải pháp phù hợp cho vấn đề này.
Tài liệu tham khảo:
1. Quy mô thị trường ngành thuốc bảo vệ thực vật ngày càng “phình to” – http://www.vinachem.com.vn/tin-tuc/van-de-hom-nay-vnc/quy-mo-thi-truong-nganh-thuoc-bao-ve-thuc-vat-ngay-cang-phinh-to.html
2. Ngành bảo vệ thực vật phải tiếp tục tái cơ cấu hợp với tình hình mới – http://nongthonviet.com.vn/thoi-su/201805/nganh-bao-ve-thuc-vat-phai-tiep-tuc-tai-co-cau-hop-voi-tinh-hinh-moi-725314/index.htm
3. Toàn cảnh ngành thuốc Bảo vệ thực vật với các doanh nghiệp sản xuất uy tín đạt được sự hài lòng của khách hàng – Theo Vibiz.vn