Vai trò của cơ sở y tế và bệnh viện tư nhân đối với sức khỏe người Việt
1. Dấu mốc phát triển
Năm 2000 được xem là giai đoạn thăng hoa của lĩnh vực y tế với sự xuất hiện hàng loạt của các cơ sở ý tế và bệnh viện tư nhân. Sau hơn 20 năm thực hiện nghị quyết số 90/CP (21/8/1997), đã có lượng vốn hàng nghìn tỷ đồng được đầu tư xây dựng các bệnh viện, phòng khám tư nhân. Hiện nay, các cơ sở tư nhân vẫn không ngừng phát triển và lớn mạnh về mọi mặt, góp phần chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Các bệnh viện tư nhân nổi tiếng hiện nay là: Bệnh viện đa khoa Thu Cúc, phòng khám đa khoa Thái Hà, phòng khám đa khoa Thiên Tâm, phòng khám đa khoa Ngọc Khánh, phòng khám đa khoa tư nhân An Sinh và rất nhiều cơ sở y tế khác.
2. Thị phần
Với sự phát triển mạnh mẽ, vào năm 2016, số lượng cơ sở khám chữa bệnh BHYT ở các cơ sở y tế tư nhân là 418 cơ sở, năm 2017 là 444 cơ sở, với số lượng tăng dần đều qua các năm y tế tư nhân có vai trò không nhỏ trong việc khám chữa bệnh cho nhân dân. (baomoi.com,2017)
Dù vậy, ở các nước Mỹ La Tinh và Châu Á, y tế tư nhân so với tổng cơ sở y tế cả nước là chiếm 20 – 30%, Anh (10%), Thái Lan (24%), Ấn Độ (93%)… Ở Việt Nam, tỷ lệ y tế tư nhân lại rất thấp, chỉ chiếm 5,4%. Số liệu này cho thấy bệnh viện tư nhân ở Việt Nam là thấp nhất trong khu vực và thế giới, quá nhỏ so với nhu cầu của xã hội.
3. Điều kiện để thành lập bệnh viện tư
Theo công ty luật Đức Thành, để thành lập một bệnh viện tư nhân đạt tiêu chuẩn, luật pháp Việt Nam đã đưa ra các tiêu chí như sau:
- Có ít nhất 10 – 30 giường bệnh tùy chuyên ngành
- Tuân thủ tiêu chuẩn xây dựng XD VN số 365:2007 và các quyết định cho các chuyên ngành của nhà nước, cung cấp đầy đủ về điệnm nước phục vụ cho người bệnh.
- Cơ sở y tế đầy đủ
- Đầy đủ phòng ban như bệnh viện công lập nhưng quy mô nhỏ hơn
- Bác sĩ có chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ đào tạo, làm việc 100% thời gian và có 36 – 54 tháng kinh nghiệm tùy chuyên ngành
4. Ưu điểm của bệnh viện tư
Bệnh viện tư là một phương pháp hiệu quả để giảm tải cho các bệnh viện lớn. Dựa trên nguồn thông tin Năm 2015, cả nước có trên 170 bệnh viện tư nhân, hơn 30.000 phòng khám tư nhân. Nhiều bệnh viện tư nhân quy mô lớn có 400-500 giường bệnh, được đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại, chất lượng khám chữa bệnh ngày càng cao (Báo Đấu thầu,2016). Nhờ đó, bệnh viện tư giúp người dân chuẩn đoán bệnh một cách chính xác nhất, rút ngắn thời gian chờ đợi và mang lại kết quả cao. Việc phát hiện bệnh sớm là một vấn đề vô cùng quan trọng đối với người bệnh.
Y tế đang là ngành phát triển mạnh mẽ và giữa các bệnh viện tư nhân có sự cạnh tranh khắc nghiệt. Một cách để các bệnh viện cạnh tranh là dịch vụ. Khác với bệnh viện công là người bệnh phải đến để chữa bệnh, bệnh viện tư lại cần người bệnh đến để có thể thu được lợi nhuận. Vì vậy, khi chất lượng dịch vụ đi kèm với chi phí, nhân sự của bệnh viện tư đều cố gắng nhiệt tình, tạo sự thoải mái cho bệnh nhân khi đến khám bệnh. Một mặt là để gây dựng thương hiệu cho bệnh viện tư nhân của mình, đồng thời cũng tạo ra sự thoải mái cho người bệnh trong các khâu dịch vụ chứ không bị chậm chạp và gây khó chịu đối với sự tắc trách, thiếu chu đáo và thiếu tình cảm do sự quá tải về người bệnh tại các bệnh viện công.
5. Những khó khăn của bệnh viện tư
Dù có số lượng lớn bệnh viện tư, nhưng hiện nay một số bệnh viện hoạt động cầm chừng, thậm chí phải ngừng hoạt động. Công suất sử dụng giường bệnh tại các bệnh viện tư chỉ ở mức 50 -60%, có nơi chỉ đạt 20%. Yêu cầu ban đầu là hệ thống y tế tư nhân phải đáp ứng 40-50% nhu cầu cung cấp dịch vụ y tế, số còn lại y tế công đảm trách. Nhưng để đạt con số này thì còn rất xa, bởi hiện y tế tư mới đầu tư đạt 10%/tổng số giường bệnh ở VN và 15%/tổng số BV (Tuổi trẻ Online, 2016)
Theo ước tính có 1/3 số bệnh viện tư hoạt động có lợi nhuận, 1/3 tiếp tục hoạt động cầm chừng, còn 1/3 đang rất khó khăn. Để có lãi trong việc mở bệnh viện tư, cần có thời gian 5 – 7 năm để có lãi, sớm nhất là 5 năm mới đủ khấu hao. Nhiều bệnh viện đã phải đóng cửa sớm vì không có lượng lãi ổn định.
Các bệnh viện tư còn phải cạnh tranh về các trang thiết bị y tế hiện đại. Với sự phát triển nhanh chóng mỗi ngày trong ngành, các thiết bị y tế thay đổi liên tục, khiến cho những trang thiết bị mới dùng từ 1 – 2 năm trở nên lỗi thời. Đồng thời, các cơ sở y tế cũng phải tự bỏ tiền vốn ra đầu tựu cho cơ sở vật chất, trả lương và xây dựng thương hiệu cho mình. Đây là những chi phí rất lớn so với giá trị mà bệnh viện tư có thể mang lại trong thời gian đầu. Tất cả chi phí đầu tư này đều tính vào bệnh nhân, đây là yếu tố bất lợi vì không phải ai cũng có khả năng trả chi phí cao.
Mức thu nhập trung bình của 100 triệu dân Việt Nam đều ở mức trung bình thấp, vì vậy viện phí là yếu tố ưu tiên hàng đầu khi lựa chọn dịch vụ. Mà giá của viện công rẻ hơn rất nhiều nên đa số đều chọn nhập viện tại bệnh viện công, bất chấp việc nằm ghép. Đồng thời, khi người bệnh chọn khám ở bệnh viện tư với chi phí cao, họ cũng đòi hỏi dịch vụ cao hơn rất nhiều. Vì vậy, khi có vấn đề phát sinh trong khi chữa bệnh, áp lực xử lý tình huống cũng nghiêm trọng và nặng nề hơn so với bệnh viện công.
6. Hạn chế trong việc phát triển bệnh viện tư
- Hành chính, pháp luật.
Hiện tại, luật pháp Việt Nam vẫn chưa có tiêu chí và cách xếp hạng bệnh viện tư nhân nên gây ra nhiều vướng mắc trong việc áp giá thanh toán và xác định chuyên môn kỹ thuật.
Việc không xếp được hạng do chưa có tiêu chí riêng cho cơ sở y tế tư nhân còn nảy sinh tiêu cực trong việc xếp hạng các bệnh viện tư và gây khó khăn cho cơ quan BHXH trong việc xác định mức giá thanh toán và hưởng BHYT của người bệnh. Không được xếp hạng là một trong những lý do chính gây lãng phí quỹ BHYT, và ảnh hưởng quyền lợi cho người bệnh khi họ phải tự thanh toán nhiều dịch vụ y tế.
- Tài chính
Bệnh viện tư còn có áp lực rất nặng trong tài chính. Với lượng lớn bệnh viện tư nhân xuất hiện tại Việt Nam, có rất nhiều bệnh viện nhỏ lẻ được xây dựng không đúng quy chế về quy mô, số giường bệnh: bệnh viện có 10 giường bệnh, 30 giường bệnh… Trong khi hỗ trợ lãi suất vay chỉ áp dụng cho những bệnh viện có 100 giường bệnh trở lên. Đồng thời, việc bệnh viện tư nợ lương, nợ bảo hiểm sẽ làm mất uy tín và thương hiệu bệnh viên.
Đa số chính sách hiện nay chỉ dành cho bệnh viện công, ít để ý đến bệnh viện tư nhân. Bệnh viện công được vay ưu đãi vốn ODA với lãi suất thấp, được Nhà nước đứng ra bảo lãnh, còn bệnh viện tư không được, phải vay vốn thương mại với lãi suất cao hơn nhiều, điều kiện vay cũng khó hơn. Thực tế, có nhiều tổ chức phi chính phủ muốn hỗ trợ đầu tư nhưng luật pháp chưa có đưa ra cơ chế về việc hỗ trợ cho bệnh viện tư nhân nên hầu như các tổ chức chỉ có thể đầu tư vào cơ sở bệnh viện công của nhà nước…
Chủ trương phối hợp mô hình hợp tác giữa bệnh viện công và tư có nhiều bất cập, tạo ra sự mất công bằng trong đầu tư. Theo quy định, giá viện phí gồm 7 yếu tố tạo thành nhưng thực tế giá viện phí chỉ có 3 yếu tố, còn 4 yếu tốt còn lại được ngân sách Bộ Y Tế, ngân sách của UBND chi trả thông qua chi phí giường bệnh, chi phí nghiên cứu khoa học, chi phí đào tạo,… hàng năm. Nhưng với bệnh viện tư, các chi phí này đều phải tự trả. Vì vậy, để chi trả cho các chi phí, giá viện phí chắc chắn vẫn cao hơn bệnh viện công.
- Về nhân sự.
Lực lượng bác sĩ giỏi thường tập trung ở thành phố lớn, cho nên việc mời một bác sĩ chuyên khoa hai, tương đương với trình độ tiến sĩ về làm việc tại các tỉnh lẻ, miền núi rất là khó. Đối với bệnh viện tư, Nhân chủ yếu là bác sĩ đã nghỉ hưu hoặc người mới ra trường. Một bác sĩ mới ra trường phải cần 4 năm đào tạo trực tiếp mới làm việc độc lập được. Còn người về hưu có nhiều kinh nghiệm, còn sức khỏe và mong muốn tiếp tục cống hiến nhưng sức khỏe kém hơn.
Lương trên giấy tờ của bác sĩ mới ra trường tại bệnh viện công chỉ bằng 1/2 so với bệnh viện tư. Vì vậy, có rất nhiều người bỏ công việc ở bệnh viện công để làm cho bệnh viện tư sẵn sàng trả họ lương gấp 3 – 5 lần. Dù vậy, bác sĩ bệnh viện tư lại gặp khó khăn về cơ hội học thêm. Có những chương trình đào tạo có kinh phí hỗ trợ của nhà nước, nhưng chỉ có cơ sở công lập mới được tham gia, còn các cơ sở tư nhân, bệnh viện tư nhân không được. Bệnh viện công có rất nhiều suất học thêm ở nước ngoài cho bác sĩ, nhưng bệnh viện tư thì không. Bệnh viện tư không có hỗ trợ của các bộ và muốn đưa bác sĩ đi học thêm thì nguồn lực phải mạnh, và nếu đi được thì chi phí cũng rất cao.
- Về khách hàng.
Số lượng bệnh nhân đến khám chữa bệnh chủ yếu là những người đăng ký khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và bệnh nhân ở các huyện chấp nhận vượt tuyến để đến khám và điều trị. Điều này xuất phát từ nhận thức chưa đầy đủ, phiến diện của một bộ phận không nhỏ cán bộ, nhân viên y tế ở các bệnh viện công lập đối với vai trò của hệ thống cơ sở y tế tư nhân.
Tư tưởng trọng công, coi thường y tế tư nhân đều có trong đại đa số người dân do bệnh viện công được kiểm soát chặt chẽ bởi nhà nước, vì vậy các dịch vụ cùng khả năng xử lý tình huống nghiêm trọng của các ca bệnh đều có quy trình và giải pháp phù hợp, tạo sự an toàn cho người bệnh. Còn với bệnh viện tư, nhà nước không có giải pháp, hướng dẫn chặt chẽ, tất cả đều là dựa trên kinh nghiệm của các bác sĩ, điều này làm người bệnh không muốn đến các cơ sở y tế tư nhân, dù các cơ sở này làm việc rất tốt.
7. Gợi mở hướng đi cho các cơ sở y tế và bệnh viện tư nhân
Do những áp lực nêu trên, để cân bằng và giữ bệnh nhân ở lại, các bệnh viện tư luôn phải thực hành tiết kiệm đến tối đa, nhằm đưa giá viện phí xuống mức thấp nhất so với giá trị thực tế, bên cạnh đó lại liên tục thực hành các biện pháp để gia tăng chất lượng trong từng dịch vụ, tuy nhiên tất cả những điều này cũng chưa hạ thấp giá viện phí xuống mức phù hợp, do vậy nhiều bệnh nhân vẫn chưa tìm đến với các bệnh viện tư.
Khi giá viện phí được tính đúng, khi đó giá viện phí tại các bệnh viện tư nhân sẽ chỉ ngang bằng hoặc thậm chí thấp hơn tại các bệnh viện công. Các bệnh viện (bao gồm cả bệnh viện công và bệnh viện tư) sẽ phải lo quản lý tốt, nâng cao chất lượng dịch vụ, hạn chế các tai biến … để cạnh tranh với bệnh viện tư. Sự cạnh tranh mạnh mẽ này sẽ thúc đẩy hệ thống y tế Việt Nam sẽ phát triển nhanh chóng, dần theo kịp các nước, và người dân là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất từ sự phát triển này.
Vấn đề lớn nhất của giải pháp này là giá viện phí chắc chắn sẽ tăng, và khi đó, để bảo đảm cân bằng thì quỹ BHYT và giá thẻ BHYT chắc chắn cũng phải tăng theo. Giá dịch vụ y tế cao chắc chắn sẽ gây tác động lớn tới cuộc sống của người dân và toàn xã hội.
Để giải quyết được mâu thuẫn này, cần hướng tới việc không tăng giá thẻ BHYT. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi Chính phủ chuyển toàn bộ kinh phí hỗ trợ cho ngành y tế hiện nay (vì các cơ sở y tế đã được hưởng kinh phí đầy đủ từ chính việc tính đúng, tính đủ trong giá viện phí), sang hỗ trợ cho các đầu thẻ BHYT, như vậy, thay bằng việc phải chi trả 100% giá trị thẻ BHYT, nay người dân, các doanh nghiệp chỉ phải chi trả 30-50% giá trị thẻ BHYT, phần 50-70% giá trị thẻ còn lại do ngân sách hỗ trợ – điều này càng làm rõ thêm phần hỗ trợ cho an sinh, xã hội của Chính phủ. (Hiệp hội bệnh viện tư nhân Việt Nam, 2015)