SỨC HẤP DẪN CỦA THỊ TRƯỜNG VIỆT NAM VỚI DOANH NGHIỆP NHẬT BẢN

Theo số liệu của Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 11/2017, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư 3.577 dự án tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 49,1 tỷ USD. Riêng 11 tháng năm 2017, các nhà đầu tư Nhật Bản đã đầu tư vào Việt Nam 329 dự án với tổng vốn đăng ký 8,9 tỷ USD, dẫn đầu trong tổng số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Như vậy có thể thấy, đầu tư vào thị trường Việt Nam đang là xu hướng phát triển của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản. Nếu như trước kia, các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghiệp như Toyota, Honda, Canon, Mitsubishi… thì những năm gần đây, nhiều nhà đầu tư Nhật Bản trong lĩnh vực dịch vụ, nông nghiệp cũng đã để ý và tiến hành thâm nhập vào thị trường Việt Nam.

Lý giải về những điểm thu hút của thị trường Việt Nam với các công ty Nhật Bản, Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO) đã đưa ra các điểm mạnh của Việt Nam như sau:

• Việt Nam là một thị trường đáng tin cậy do có nền chính trị và xã hội ổn định cùng với năng lực phát triển tiềm tàng. Theo kết quả từ khảo sát thực hiện năm 2015 của JETRO, phần đông các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao Việt Nam ở điểm “tình hình chính trị – xã hội ổn định” (57,5%, đứng thứ 5 trong 15 nước tiến hành khảo sát).

• Việt Nam còn được đánh giá cao bởi “quy mô thị trường và tiềm năng tăng trưởng” (46,8%, đứng vị trí thứ 7) (theo JETRO).

• Ngoài ra, một lý do nữa để doanh nghiệp Nhật Bản lựa chọn Việt Nam làm điểm đến đầu tư là nhờ nguồn nhân lực dồi dào và chi phí nhân công rẻ hơn nhiều nước trong khu vực.

Báo cáo vừa công bố của JETRO hồi tháng 2/2018 đã cho thấy lựa chọn của các doanh nghiệp Nhật Bản là đúng đắn khi tình hình kinh doanh của các công ty Nhật Bản tại Việt Nam đang ngày một cải thiện. Theo số liệu thăm dò cho thấy, trong hơn 650 doanh nghiệp tham gia khảo sát, 65,1% trả lời đang “có lãi”, tăng so với 62,8% năm trước đó. Riêng ngành công nghiệp chế tạo, tỷ lệ này là 67,5%. Hơn nữa, báo cáo cũng cho thấy khoảng 70% công ty khẳng định có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Việt Nam, chủ yếu để “tăng doanh thu”. Tỷ lệ này cao hơn so với năm ngoái (60%). Còn với riêng các doanh nghiệp phi chế tạo, động lực chính lại là “khả năng tăng trưởng và tiềm năng cao”.

Tuy nhiên, cũng phải nêu ra một số điểm hạn chế của thị trường Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư Nhật Bản. Ví dụ như chi phí nhân công tăng cao (54,7%, đứng thứ 8), hệ thống pháp luật Việt Nam còn chưa hoàn thiện (60,3%, đứng thứ 3 trong 15 quốc gia), thủ tục thuế và hành chính còn cồng kềnh, phức tạp (52,7%, đứng thứ 6),… Ngoài những khó khăn này, các doanh nghiệp Nhật Bản còn gặp phải những khó khăn do xung đột về văn hóa quản lý như sau:

NHÂN LỰC VIỆT NAM CHƯA ĐÁP ỨNG ĐƯỢC YÊU CẦU TUYỂN DỤNG

Với số lượng doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng như thế, nhu cầu tuyển dụng nhân sự cho các công ty Nhật Bản tăng cao là một điều tất yếu. Ông Gaku Echizenya, CEO của tập đoàn Navigos Group Việt Nam, Giám đốc điều hành VietnamWorks, đã có những chia sẻ hữu ích về cơ hội việc làm của nhân sự Việt tại các doanh nghiệp Nhật Bản. Cụ thể, theo cơ sở dữ liệu của website tuyển dụng JapanWorks (thuộc VietnamWorks), mỗi tháng trung bình có gần 800 công việc yêu cầu ứng viên biết tiếng Nhật được đăng tuyển thông qua website này.

Theo nhiều ứng viên, các doanh nghiệp Nhật thường đưa ra yêu cầu tuyển dụng khá cao, như trình độ giao tiếp tiếng Nhật từ N2 trở lên, bên cạnh giao tiếp được bằng tiếng Nhật, một số công ty còn đòi hỏi thêm tiếng Anh. Các doanh nghiệp Nhật còn rất chu đáo khi ở bất cứ vị trí nào, họ đều ghi rõ yêu cầu về bằng cấp, chuyên môn, các kỹ năng cần thiết. Điều các doanh nghiệp Nhật quan tâm hơn cả chính là chất lượng công việc, khả năng có thể tạo ra sản phẩm có chất lượng đảm bảo nhất, nên họ thường tuyển lao động có trình độ chuyên môn cao, tay nghề cao. Yêu cầu về chuyên môn và kỹ năng cao như thế nên ít ứng viên Việt Nam đáp ứng được kỳ vọng này.

TÁC PHONG LÀM VIỆC KHÁC BIỆT

Các doanh nghiệp Nhật Bản khi đến Việt Nam đều giữ cho mình nền tảng văn hóa doanh nghiệp như doanh nghiệp bên nước mẹ, do đó, điều này cũng gây bỡ ngỡ và khó khăn cho nhiều lao động Việt Nam làm việc trong một doanh nghiệp đậm bản sắc Nhật Bản.

Luôn tôn trọng giờ giấc

Một nét đặc trưng của của văn hóa Nhật là luôn tôn trọng giờ giấc, họ luôn yêu cầu nhân viên tuân thủ nội quy đúng giờ, muộn một phút cũng là muộn. Điều này khác biệt với quan niệm về thời gian vẫn ăn sâu trong phần lớn lao động Việt Nam, khi mà khái niệm “giờ cao su” xuất hiện ở mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh. Thiếu tôn trọng giờ giấc là lý do khiến người lao động Việt Nam luôn thấy áp lực trong môi trường văn hóa Nhật Bản, bởi nếu vi phạm, nhẹ thì bị nhắc nhở, nặng thì bị đuổi việc. Mặt khác, khi báo cáo về thời gian thực hiện công việc, người Nhật luôn yêu cầu báo cáo đúng thời gian thực hiện cũng như hoàn thành công việc. Không có chuyện như tại Việt Nam, báo cáo thời gian thực hiện là 5 ngày nhưng thực tế có thể kéo dài đến 7, 8 ngày.

Đề cao tính kỷ luật, thể hiện tình cảm có chừng mực

Với người Nhật, kỷ luật là số 1. Đã là luật thì bất kể là ai, trong tình huống nào cũng cần phải tuân thủ theo một cách nghiêm chỉnh. Điều này cũng gây khó khăn cho nhiều lao động Việt Nam khi hầu như kỷ luật chỉ được ghi trên giấy, ít khi được quan tâm. Hơn nữa, với người Nhật, môi trường làm việc là môi trường chuyên nghiệp, nghiêm túc nên họ ít khi thể hiện tình cảm ra ngoài, nhất là tại các buổi họp. Trong văn hóa công sở, hầu như không có chuyện va chạm cơ thể giữa các đồng nghiệp. Người Nhật còn thường nói chuyện bằng giọng thấp, có chừng mực, đôi khi nhắm mắt lại để thể hiện sự chú ý tới người nói, một thói quen mà người Việt Nam thường cho là dấu hiệu của sự chán nản. Đặc điểm này cũng khiến nhiều nhân viên Việt Nam làm việc trong doanh nghiệp Nhật cảm thấy bức bách, không được thoải mái.

Đề cao ý thức làm thêm giờ

Người Nhật có một ưu điểm là rất yêu làm việc và tận tâm với công việc của mình. Vì thế, phần lớn người Nhật đều làm việc rất hăng say, họ tự giác nán lại công ty làm thêm giờ và rời văn phòng rất muộn. Những người làm việc chưa đủ hiệu quả nhưng thể hiện quyết tâm không ngại khó, ngại khổ, quyết giải quyết vấn đề đến cùng, không nản chí luôn được các sếp người Nhật yêu thích và tôn trọng. Ở Việt Nam thì khác, mặc dù cũng có nhiều công ty và nhiều ngành nghề có nhân viên ở lại làm thêm giờ, nhưng phần lớn mọi người đều đứng dậy ra về khi hết giờ làm việc, kể cả khi công việc còn đang dở dang.

Đánh giá cao lòng trung thành

Các công ty Nhật đều rất coi trọng lòng trung thành của nhân viên, do đó, những người làm việc có thâm niên tại công ty thường được ưu tiên và hưởng những quyền lợi nhất định. Để được như vậy, bên phía công ty Nhật cũng luôn cố gắng để giữ nhân viên, dù trong điều kiện kinh doanh khó khăn, các công ty này vẫn sẽ lựa chọn cắt giảm chi phí và giảm lương nhân viên chứ không quyết định sai thải họ. Người lao động Việt Nam, nhất là giới trẻ Việt Nam thì khác, họ không làm lâu dài, gắn bó với chỉ một công ty mà rất nhanh nhảy việc nếu cảm thấy công việc hiện tại không phù hợp.

Tóm lại, các doanh nghiệp Nhật Bản luôn có bản sắc văn hóa riêng và họ luôn luôn giữ gìn nét văn hóa này. Hiện nay, cũng phải thấy rằng các doanh nghiệp Nhật đang ngày càng có cái nhìn tích cực hơn về khả năng, thái độ làm việc của nhân sự Việt Nam. Trong mắt các quản lý Nhật, người Việt Nam luôn cần cù, chăm chỉ, nhiều tham vọng nhưng đôi khi còn thụ động, chưa có ý chí vươn lên trong công việc. Để có thể đáp ứng được kỳ vọng của các nhà tuyển dụng Nhật Bản, nhân sự Việt Nam cần thể hiện sự tỉ mỉ, chính xác hơn trong công việc vì người Nhật luôn đề cao tính hoàn hảo. Người lao động Việt Nam cũng cần tôn trọng các quy định văn hóa của công ty, có thể thể hiện sự tôn trọng cấp trên bằng những cử chỉ chào hỏi đặc trưng của người Nhật để tạo thiện cảm cũng như tăng thêm cơ hội làm việc trong một môi trường hiệu quả, chuyên nghiệp.

Leave a Reply

error: Nội dung đã khóa !!