XU HƯỚNG DỊCH CHUYỂN LỰC LƯỢNG LAO ĐỘNG
1. Xu hướng chuyển đổi từ doanh nghiệp nhà nước sang tư nhân
Trong giai đoạn chuyển đổi nền kinh tế hiện nay, nền kinh tế mở cửa, các chính sách ngày càng thông thoáng, hiệu quả được đặt lên hàng đầu. Theo định hướng, nghị quyết của Chính phủ, ưu tiên phát triển doanh nghiệp tư nhân và cổ phần hóa DNNN. Do đó, lực lượng lao động có xu hướng dịch chuyển từ doanh nghiệp nhà nước sang doanh nghiệp tư nhân.
Theo thống kê, cả nước có khoảng 612.000 doanh nghiệp đang hoạt động (theo Bộ kế hoạch và Đầu tư, tháng 4/2017). Năm 2016 đánh dấu mốc lịch sử về số doanh nghiệp mới thành lập là 110.100; số vốn đưa vào thị trường tăng 48,1% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 24,1%.
Biểu đồ số lượng doanh nghiệp thành lập mới giai đoạn 2000 – 2016.
(Nguồn: Cổng Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia)
Số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2017 là 39.580 doanh nghiệp, với số vốn đăng ký là 369.635 tỷ đồng, tăng 14% về số lượng doanh nghiệp, số vốn so với cùng kỳ tăng 48,9%. 11.545 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 1,9% so với cùng kỳ.
Tại Hội thảo “Đổi mới doanh nghiệp Nhà nước và phát triển kinh tế tư nhân”, diễn ra ngày 30/5/2017 tại Hà Nội, trước năm 2001, cả nước có hơn 12.000 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, đến năm 2001 đã giảm xuống hơn một nửa, còn 5.655 doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước. Đến khoảng tháng 10/2016, số doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước chỉ còn khoảng 718 doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo đánh giá, các DNNN hiệu quả kinh doanh chưa cao, chưa tương xứng với nguồn lực Nhà nước đầu tư.
Do đó, chính sách chuyển đổi, Cổ phần hóa DN nhà nước trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Chính phủ và Bộ tài chính đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, trong đó có chính sách về quá trình sắp xếp, cổ phần hóa. Phê duyệt cổ phần hóa 33 doanh nghiệp với giá trị lên đến 80.636 tỷ đồng.
Đặc biệt, ngày 25/5/2017, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 707/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước giai đoạn 2016 – 2020”. Đề án này đã giao nhiệm vụ cho các Bộ, cơ quan Nhà nước triển khai thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước giai đoạn 2016 – 2020.
Với những Quyết sách của Nhà nước hiện nay, việc Cổ phần hóa, chuyển đổi doanh nghiệp từ vốn đầu tư Nhà nước sang tư nhân là tất yếu. Điều đó sẽ mang lại hiệu quả trong việc sử dụng các nguồn lực.
2. Sự dịch chuyển lực lượng lao động từ doanh nghiệp Nhà nước sang doanh nghiệp tư nhân
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động cả nước đến đầu năm 2017 là 54,52 triệu người, tăng 162,2 nghìn người so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, số lao động làm việc trong khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản ước tính 6 tháng đầu năm 2017 là 21,6 triệu người, chiếm 40,4% lao động đang làm việc của toàn bộ nền kinh tế; lao động làm việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 13,7 triệu người, chiếm 25,6% và khu vực dịch vụ là 18,1 triệu người, chiếm 34%.
Báo cáo của Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước có tới 98,6% là quy mô nhỏ và vừa, trong đó chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, doanh nghiệp quy mô vừa chỉ chiếm 1,6%. Về quy mô lao động, có tới 97,7% số doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa. Xét về quy mô vốn, tỷ lệ doanh nghiệp quy mô vốn nhỏ và vừa chiếm tới 94,8%.
Với số lượng doanh nghiệp mới được thành lập ngày càng tăng và doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa tăng mạnh, lực lượng lao động sẽ chuyển dịch từ khu vực doanh nghiệp Nhà nước sang doanh nghiệp tư nhân ngày càng lớn. Điều đó cũng phù hợp với quy luật phát triển của nền kinh tế cạnh tranh.
3. Một số đề xuất nhằm nâng cao hiệu quả doanh nghiệp trong giai đoạn chuyển đổi
Cổ phần hóa hoặc Tái cơ cấu tổ chức là điều tất yếu khi doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả hoặc thay đổi chiến lược kinh doanh. Doanh nghiệp cần linh hoạt, sẵn sàng thay đổi nhằm thích ứng với môi trường mới, nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh. Để làm được điều đó, doanh nghiệp cần thực hiện những điều sau đây:
Một là, lựa chọn chiến lược kinh doanh đúng đắn: Thay đổi tổ chức sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chiến lược kinh doanh. Chỉ khi nào lựa chọn chiến lược kinh doanh đúng đắn thì việc cổ phần hóa hoặc tái cơ cấu mới mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp. Sau khi cổ phần hóa hoặc tái cơ cấu, bài toán đặt ra là sử dụng con người và nguồn lực như thế nào để thực hiện chiến lược đã lựa chọn.
Hai là, phát triển năng lực nhân sự: Nhân sự là yếu tố then chốt, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của tổ chức. Sau một quá trình chuyển đổi phức tạp, trình độ của đội ngũ nhân sự phải được nâng cao để thực thi nhiệm vụ mới cũng như linh hoạt ứng phó với những khó khăn, thách thức trong quá trình triển khai chiến lược mới.
Ba là, đồng thuận trong tổ chức: Sau quá trình chuyển đổi, doanh nghiệp đối mặt với rất nhiều khó khăn, chỉ có sự thống nhất và nhất quán thì doanh nghiệp mới có thể vượt qua được những thách thức. Đó là sự đồng lòng, chia sẻ và thống nhất từ lãnh đạo đến nhân viên. Công tác truyền thông lúc này vô cùng quan trọng, từ lãnh đạo đến nhân viên cần nhất quán về chiến lược, cách thức triển khai và thực thi từng hành động.
Bốn là, áp dụng những cái mới trong quản lý: Áp dụng công nghệ hoặc phương pháp quản trị mới nhằm nâng cao hiệu quả tổ chức là việc cần làm của nhà lãnh đạo trong bất cứ tổ chức nào, đặc biệt là doanh nghiệp sau khi chuyển đổi. Những điều mới mẻ đã được chứng minh và áp dụng thực tiễn cần học hỏi và mạnh dạn áp dụng, thay đổi cho phù hợp với thực tiễn doanh nghiệp.
Chuyển đổi doanh nghiệp và sự dịch chuyển của lực lượng lao động là yếu tố tất yếu trong sự phát triển của môi trường kinh doanh và hội nhập hiện nay. Trong mọi hoàn cảnh, doanh nghiệp cần đặt mục tiêu hiệu quả lên hàng đầu. Mỗi doanh nghiệp có đặc thù riêng, có chiến lược phát triển khác nhau. Điều quan trọng là doanh nghiệp phải linh hoạt và sử dụng các nguồn lực như thế nào để đạt mục tiêu và hiệu quả cao nhất.
Nguyễn Thế Phan