Đại dịch phơi bày nhiều điểm yếu cố hữu của doanh nghiệp trong nước như khả năng tổ chức và vận hành chuỗi, quản trị bộ máy hay quá trình trao quyền cho các thế hệ lãnh đạo kế cận… Đứng trước áp lực phải có một cuộc “đại cải tổ”, theo ông điều cấp thiết doanh nghiệp cần làm là gì? Dưới đây là bài trả lời phỏng vấn của TS. Đỗ Tiến Long với nhà báo Nguyễn Thành Trung.

01. Bối cảnh mới buộc doanh nghiệp nhận thức lại về tổ chức hệ thống kinh doanh

Ông Đỗ Tiến Long: Các biểu hiện về tổ chức vận hành chuỗi, tính gắn kết, niềm tin và khả năng trao quyền mà anh nhắc tới cho thấy những hạn chế trong xây dựng năng lực tổ chức, tính kết nối đội ngũ của các doanh nghiệp, mà đại dịch chỉ như một liều thuốc thử làm lộ ra những yếu kém cố hữu sẵn có trong mỗi tổ chức. Nó giống như người ta lắp ráp cỗ xe bằng các linh kiện và cấu kết yếu, mặc dù cũng có cửa dựng dọc, rồi sơn vẽ thời trang nhưng khi vào đoạn đường xóc thì xe không chạy nổi. Câu hỏi đặt ra ở đây là điều cần thiết là gì thì tôi cho rằng các doanh nghiệp cần thích ứng với tư duy môi trường kinh doanh sẽ luôn có những biến động, liên tục xuất hiện những thách thức mới.

Xây dựng một doanh nghiệp không chỉ đáp ứng yêu cầu hoạt động trong điều kiện bình thường thuận lợi, mà nó phải được chuẩn bị các khả năng về tổ chức và hệ thống, để thích ứng được với những biến động từ thị trường hay những thay đổi từ bên trong tổ chức. Giống như câu nói “Điều duy nhất không thay đổi trong kinh doanh đó là mọi thứ luôn thay đổi”. Môi trường kinh doanh ngày nay được khái quát bằng 4 chữ “VUCA” (căng thẳng, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ).

Trong một post trên Facebook cá nhân mới đây, ông bày tỏ quan điểm doanh nghiệp cần thực hiện Reframing (tái nhận thức hoạt động kinh doanh). Tại sao vấn đề này quan trọng hơn Restructuring (tái cơ cấu) hay Reengineering (tái cấu trúc hệ thống)?

Tôi nhắc đến 3 khái niệm: “Restructuring” (Tái cơ cấu), là quá trình xem xét bố trí lại tổ chức nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và có sự cắt giảm nhân sự; “Reengineering” (Tái cấu trúc quy trình kinh doanh hay tái lập), là quá trình tái thiết kế mô hình và các quy trình kinh doanh để tăng tính hiệu lực và hiệu suất. Còn “Reframing” (Tái nhận thức) là quá trình tái nhận thức các quan niệm, kinh nghiệm đã trải qua sau những biến cố hay thách thức.

Có thể thấy ở hai quá trình đầu tiên, Tái cơ cấu tổ chức hay Tái cấu trúc quy trình được xem như các biện pháp tác động vào khách thể quản lý, các nhân tố như chiến lược, cơ cấu, con người hay quy trình. Đây là các nhân tố mang tính bên ngoài. Còn Tái nhận thức lại từ bên trong chính tư duy của người lãnh đạo và con người trong tổ chức. Nếu không tái nhận thức lại thì rất khó để tìm ra những tiếp cận đổi mới trong Tái cơ cấu và Tái cấu trúc quy trình phù hợp bối cảnh mới.

Ông Đỗ Tiến Long: Tôi ước ao có tinh thần đổi mới doanh nghiệp từ trong bộ máy cơ quan nhà nước

Vậy nhìn từ góc độ tích cực dịch Covid-19 có tác động gì tới quá trình “Reframing” của doanh nghiệp?

Điều này giống như có ai đó sau một cú ngã bất ngờ thì không thể đứng dậy ngay lập tức mà sẽ phải nhìn lại xem mình bị tác động như thế nào, tại sao mình bị vấp ngã và cần đi thế nào để không bị lại rồi mới có thể bước tiếp. Dịch Covid-19 có mấy điều gợi mở nhận thức lại như sau:

THỨ NHẤT: Tư duy khai thác đã đi vào thoái trào

Kinh doanh kiếm tiền không bao giờ là dễ. Tuy nhiên hơn 20 năm qua doanh nghiệp đã hưởng lợi rất nhiều từ các quá trình chuyển đổi của xã hội. Có thể thấy rằng cách tư duy tổ chức bộ máy kinh doanh của các doanh nghiệp trong hơn 20 năm qua giống với mô hình KHAI THÁC.

Đầu tiên là khai thác đặc quyền cơ chế. Các doanh nghiệp làm giàu từ khai thác cơ chế thông qua các mối quan hệ, sự thuận lợi mang tính “xin-cho” từ quá trình đổi mới cơ chế quản lý của Nhà nước. Tiếp đến là trào lưu tìm kiếm lợi ích từ quá trình chuyển đổi sở hữu, cổ phần hóa doanh nghiệp, hay từ thị trường chứng khoán. Rồi sau đó là khai thác tài nguyên thiên nhiên như đất dự án, mặt nước, đất rừng, khoáng sản…

Gần đây là công nghệ và mạng xã hội cho phép đào bới tài nguyên thị trường sơ khai đến cạn kiệt niềm tin.

Nếu mọi thứ cứ tồn tại mãi, nguồn lực không bao giờ cạn thì suy nghĩ đó, cách tư duy đó sẽ không sai. Chỉ có điều, cát trên sa mạc cũng có hạn. Các lợi thế sơ khai trên dần dần sẽ bị cạn kiệt và không còn dễ dàng khai thác.

error: Nội dung đã khóa !!