DAVE ULRICH VÀ MÔ HÌNH QUẢN TRỊ HRBP 2.0
DIỄN THUYẾT “8 ĐỘT PHÁ NHÂN SỰ ĐỂ KINH DOANH THÀNH CÔNG” HÔM 17/4 TẠI HÀ NỘI
Ngày 17/04/2018 vừa qua, Dave Ulrich đã đến Hà Nội và trở thành diễn giả của Hội thảo quốc tế “8 đột phá Nhân sự để kinh doanh thành công”. Đây là buổi hội thảo quy mô lớn với sự tham gia của hơn 600 CEO và giám đốc nhân sự của các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu lần thứ hai “cha đẻ của ngành Nhân sự” đến Việt Nam. Cách đây 7 năm, tại thành phố Hồ Chí Minh, ông đã có dịp chia sẻ về “Tư duy lại nhân lực và nhân tài” với đông đảo doanh nhân Việt.
Lần này, đến với Hà Nội, ông đã mang tới mô hình quản trị nhân sự mới nhất – mô hình HRBP 2.0 là những tiếp nối, cải tiến của phiên bản 1.0 do ông sáng tạo ra trước đó. Trở lại với chủ đề chính của buổi diễn thuyết, Ulrich chia sẻ với các giám đốc Nhân sự về 8 đột phá nhân sự đóng góp vào sự thành công của doanh nghiệp. Các đột phá nhân sự này bao gồm:
-Tạo giá trị gia tăng của nhân sự theo hướng từ bên ngoài vào bên trong tổ chức;
-Đột phá đầu ra của nhân tài hướng tới giá trị phúc lợi;
-Đột phá đầu ra của tổ chức theo hướng chú trọng đến năng lực;
-Đột phá về kết quả lãnh đạo theo hướng lãnh đạo tập thể, đi xuyên nghịch lý và thương hiệu lãnh đạo;
-Đột phá về công nhận nhân sự hướng đến những kết nối;
-Đột phá về phân tích nhân sự hướng đến những tác động kinh doanh;
-Đột phá năng lực nhân sự hướng tới các năng lực giúp tạo ra kết quả;
-Đột phá trong bộ phận nhân sự hướng tới phù hợp với các mối quan hệ.
Đây là một sự kiện được mong chờ từ lâu, là cơ hội hiếm có để những nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam được tiếp xúc và tương tác trực tiếp với vị giáo sư số một thế giới về Lãnh đạo và Quản trị Nhân sự hiện đại.
ĐÔI NÉT VỀ DAVE ULRICH
Giáo sư Dave Ulrich là một nhà nghiên cứu tại trường Ross of Business thuộc Đại học Michigan (Mỹ). Tên tuổi của ông gắn liền với những chuyển động quan trọng của nền quản trị doanh nghiệp vào những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21. Ulrich là người đi tiên phong trong việc sáng tạo và phát triển mô hình quản trị nhân lực hiện đại.
Ulrich được Business Week xếp hạng là bộ óc quản lý số 1 thế giới, được Fast Company mô tả là một trong 10 nhà tư tưởng sáng tạo nhất thế giới, là một trong 5 cố vấn quản trị hàng đầu theo tạp chí Forbes. Dave Ulrich luôn có một niềm đam mê cháy bỏng cho những ý tưởng mới. Tác phẩm tiêu biểu của ông có thể kể đến Human Resource Champions, Tương lai của nghề Quản trị nhân sự,…cùng hàng chục đầu sách, hàng trăm bài báo khác về chủ đề lãnh đạo và nhân lực.
Dave Ulrich nghiên cứu về các cách thức để một tổ chức xây dựng năng lực lãnh đạo, tốc độ phát triển, khả năng học tập, tinh thần trách nhiệm, và các tài năng thông qua việc sử dụng nguồn nhân lực. Ông cũng đưa ra những điều căn bản trong thuật lãnh đạo hiệu quả, liên kết người lãnh đạo với khách hàng và tổng hợp các cách thức để người lãnh đạo chuyển những mong muốn, khát vọng thành hành động.
MÔ HÌNH HRBP TRONG DOANH NGHIỆP
Đối tác chiến lược nhân sự (HRBP) 2.0 là cải tiến từ phiên bản 1.0 được đưa ra trong cuốn sách “Human Resource Champions” của ông từ năm 1997. HRBP 2.0 ra đời là một điều tất yếu khi thế giới không ngừng chuyển động và lĩnh vực nhân sự cũng thế.
HRBP có thể được tóm lược bằng 13 khía cạnh về đối tác chiến lược nhân sự:
• Giá trị cộng thêm của HR: các giá trị HR mang lại cho tổ chức.
• Bối cảnh của HR: Thế giới mà HR đang phải đối mặt
• Các bên liên quan đến HR: cả bên trong nội bộ và bên ngoài tổ chức.
• Kết quả của HR – Tài năng: vấn đề cải tiện tài năng cho tổ chức.
• Kết quả của HR – Tổ chức: vai trò của HR trong việc xây dựng một tổ chức có tính cạnh tranh.
• Kết quả của HR – Lãnh đạo: HR xây dựng tinh thần lãnh đạo tốt hơn trong tổ chức như thế nào.
• Chiến lược HR: Các chiến lược của phòng Nhân sự.
• Tổ chức của HR: Nên cơ cấu tổ chức phòng HR như thế nào.
• Những thực hành nhân sự: Tiêu chuẩn cần có của các thực hành nhân sự.
• Năng lực Nhân sự: Một chuyên gia nhân sự cần có kĩ năng gì.
• Công nghệ của Nhân sự (Số hóa): Vai trò của HR trong không gian kỹ thuật số.
• Thông tin hoặc phân tích Nhân sự: Công tác phân tích nhân sự.
• Phong cách làm việc của HR: Cách các chuyên gia Nhân sự phối hợp với nhau và với các phòng ban khác.
Tin rằng với mô hình HRBP mới này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ tìm ra hướng đi đúng đắn trong công tác quản trị nhân sự. Trong tương lai, các đối tác chiến lược nhân sự sẽ còn tiếp tục thay đổi bởi luôn xuất hiện những vấn đề mới trong kinh doanh. Tương lai cho ngành Nhân sự vẫn đầy thách thức và cơ hội, các đối tác nhân sự sẽ là đối tác kinh doanh tiếp tục đem lại giá trị và giúp các doanh nghiệp đối phó với những thách thức, khó khăn trước mắt.