MỘT NĂM NHÌN LẠI NĂNG SUẤT CỦA NGƯỜI VIỆT

Năm 2017 là một năm khởi sắc đối với nền kinh tế Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục thống kê về tình hình kinh tế – xã hội 2017, GDP cả nước tăng 6,81%, mức cao nhất kể từ năm 2011. Quy mô nền kinh tế năm 2017 theo giá hiện hành đạt 5.007,9 nghìn tỷ đồng, tương ứng hơn 220 tỷ USD. GDP bình quân đầu người ước tính đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016. Năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2017 ước tính đạt 93,2 triệu đồng/lao động (tương đương khoảng 4.159 USD/lao động).

Tính theo giá so sánh năm 2010, năng suất lao động toàn nền kinh tế năm 2017 tăng 6% so với năm 2016, bình quân giai đoạn 2011-2017 tăng 4,7%/năm.

Nguồn: VnEconomy

Như vậy chúng ta có thể thấy, những năm gần đây năng suất lao động của người Việt đã cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, khi so sánh với năng suất lao động với các nước khu vực ASEAN, mức năng suất của nước ta vẫn thấp. “Tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% của Singapore; 17,6% của Malaysia; 36,5% của Thái Lan; 42,3% của Indonesia; 56,7% của Philippines và bằng 87,4% năng suất lao động của Lào”.

Ngoài ra, Tổng cục Thống kê còn đưa ra cảnh báo chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước trong khu vực tiếp tục gia tăng.

Cụ thể theo nghiên cứu của World Bank, chênh lệch mức năng suất lao động (tính theo PPP năm 2011) của Singapore và Việt Nam năm 2006 tăng từ 115.087 USD tăng lên 131.333 USD năm 2016; tương tự, của Malaysia từ 39.806 USD lên 46.190 USD; Thái Lan từ 14.591 USD lên 17.208 USD; Indonesia từ 10.100 USD lên 13.496 USD; Philippines từ 6.691 USD lên 7.561 USD; Lào từ 220 USD lên 1.422 USD. Bên cạnh đó theo so sánh này của World Bank tốc độ tăng năng suất lao động bình quân của Việt Nam chỉ vào khoảng 4%, so với 7% của Trung Quốc và 5% của Hàn Quốc ở vào thời điểm những nước này có cùng trình độ phát triển như Việt Nam hiện nay.

Nguồn: World Bank

Như vậy nếu theo đà phát triển năng suất lao động như hiện nay Việt Nam khó có thể thực hiện mục tiêu đến năm 2035 trở thành nước có thu nhập trung bình.

Đứng trước thực trạng đó có thể xem xét hai hướng giải quyết chính:

Một là: Giảm đi sự cồng kềnh của bộ máy hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế Giới, Việt Nam là nước đứng đầu khu vực ASEAN về tỷ lệ công nhân viên chức. 
Thống kê cho thấy cả nước đang có khoảng 11 triệu người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, trong đó, 1,3 triệu công chức Đây là những con số khổng lồ khiến cho chi phí thường xuyên bị phình to, trong khi năng suất lao động ở khu vực này nhiều năm liền không được cải thiện.
Đối với khối DNNN, người điều hành doanh nghiệp thường không phải là chủ doanh nghiệp nên họ không có động lực để nâng cao năng suất lao động. Còn ở bộ máy công chức thì việc vào biên chế đã đảm bảo một cuộc sống ổn định lâu dài, không có sự đào thải, dẫn đến sự triệt tiêu động lực thay đổi.
Do vậy, đối với khối DNNN, cần phải đẩy mạnh việc cải cách và cổ phần hoá DNNN vì chỉ có vậy mới nâng cao được tính cạnh tranh của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần phải tinh giản bộ máy biên chế thì nâng suất lao động mới có cơ hội được cải thiện.
Ngoài ra, Nhà nước nên tư nhân hoá một số dịch vụ công để giảm gánh nặng cũng như mạnh dạn bỏ đi một số cơ quan ở cấp huyện, xã không có chức năng trọng yếu.

Hai là: Chuyển đổi hình thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang tập trung và áp dụng khoa học kỹ thuật.

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, đây là ngành có năng suất lao động thấp nhất ở Việt Nam nhưng lại có tỷ trọng lao động lớn, khoảng 43- 46%. Để tăng năng suất lao động cho ngành, vấn đề cốt lõi là chuyển đổi mô hình sản xuất canh tác nhỏ lẻ sang mô hình tập trung, cộng thêm kết hợp tiến bộ của công nghệ vào trong sản xuất mới có thể khiến cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, khắc phục được vấn đề sản xuất nhỏ lẻ, manh mún tồn tại từ trước đến nay, cải thiện được năng suất lao động để từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế.
Ngoài ra, các vấn đề về quy hoạch đô thị, hạ tầng, chi phí logistics cao hay câu chuyện về văn hoá hiện đang là điểm nghẽn tăng năng suất lao động cũng cần phải được thay đổi trong tương lai.

Leave a Reply

error: Nội dung đã khóa !!