PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU NHÀ TUYỂN DỤNG

 

Thương hiệu nhà tuyển dụng (Employer Brand) là khái niệm được đưa ra từ những năm 1990. Khi thị trường tuyển dụng cạnh tranh ngày càng khốc liệt thì khái niệm này thu hút nhiều sự chú ý của các chuyên gia nhân sự và doanh nghiệp. Từ năm 2004, các thương hiệu lớn như Unilever hay P&G đã thực hiện các chương trình bài bản để xây dựng thương hiệu tuyển dụng của họ như xây dựng thương hiệu công ty trên thị trường. Thương hiệu nhà tuyển dụng có vai trò quan trọng trong việc thu hút, tạo động lực và giữ chân nhân tài nhưng vẫn chưa được nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư đúng mức.

Theo Brett Minchington của The Employer Brand Institutes, thương hiệu nhà tuyển dụng là “hình ảnh của một tổ chức như một “nơi làm việc tuyệt vời” trong tâm trí nhân viên và ứng viên tiềm năng”. Dựa trên khái niệm trên, Anphabe đã xây dựng bộ tiêu chí đo lường thương hiệu nhà tuyển dụng bao gồm:

  • Lương, thưởng, phúc lợi: Mọi người lao động đều quan tâm tới lương, thưởng và phúc lợi. Chế độ lương, thưởng, phúc lợi vẫn đứng đầu trong danh sách các yếu tố người lao động quan tâm khi lựa chọn nơi làm việc.
  • Cơ hội phát triển: Đứng vị trí thứ hai là cơ hội phát triển với tỷ lệ quan tâm gần bằng chế độ lương, thưởng, phúc lợi. Điều này cho thấy các ứng viên có góc nhìn dài hạn về sự nghiệp của mình. Các cơ hội phát triển được đánh giá qua những trải nghiệm đa dạng, huấn luyện và đào tạo, lộ trình phát triển nghề nghiệp, khả năng thăng tiến,…
  • Văn hóa và Giá trị: Văn hóa doanh nghiệp là nền tảng quan trọng trong tuyển dụng và phát triển đội ngũ. Chỉ những cá nhân phù hợp với văn hóa công ty mới có thể gắn bó và phát triển tốt.
  • Đội ngũ lãnh đạo: Lãnh đạo là những người dẫn dắt nhân viên. Lãnh đạo giỏi, có tầm nhìn, chiến lược rõ ràng, có khả năng gắn kết và phát triển nhân viên tạo được niềm tin để thu hút và giữ chân người lao động. Một xu hướng đang ngày càng rõ nét là phương thức lãnh đạo của cả tổ chức quan trọng hơn tài năng của cá nhân lãnh đạo.
  • Chất lượng công việc và cuộc sống: Mọi công việc đều cần sự đánh đổi. Tuy nhiên, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là yêu cầu để nhân viên có thể gắn bó lâu dài.
  • Danh tiếng công ty: Danh tiếng công ty tuy có tỷ trọng thấp nhất trong 6 yếu tố được nêu nhưng là cơ sở để người lao động trong quá trình tìm hiểu đánh giá về 5 yếu tố còn lại. Danh tiếng công ty có ảnh hưởng tới kỳ vọng của họ về các yếu tố còn lại. Ai cũng muốn làm việc cho một công ty có tên tuổi.

 

Lợi ích khi có thương hiệu nhà tuyển dụng mạnh

Xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng mạnh tương tự như việc bạn xây dựng thương hiệu công ty trên thị trường. Thương hiệu nhà tuyển dụng tốt giúp các công ty giảm đi đáng kể chi phí cho tuyển dụng, đào tạo và tổng thể các hoạt động tổ chức.

Một công ty có thương hiệu tuyển dụng tốt có thể thu hút gấp 2 lần số lượng ứng viên so với công ty có thương hiệu xấu. Không những thế, chất lượng của nhân sự cũng có sự chênh lệch vô cùng lớn. Thương hiệu nhà tuyển dụng đang tác động trực tiếp tới hiệu quả tuyển dụng của công ty.

Một cuộc thăm dò của CR Magazine và Cielo Talent chỉ ra rằng gần 50% công nhân cho biết họ sẽ không làm việc cho một công ty có danh tiếng xấu, thậm chí với mức lương cao. Với công ty chưa có thương hiệu nhà tuyển dụng hoặc có thương hiệu không tốt, chi phí tuyển dụng cho mỗi nhân sự cao hơn khoảng 10% so với các công ty đã xây dựng được hình ảnh trên thị trường tuyển dụng. Bộ phận tuyển dụng phải làm việc nhiều hơn, nhưng chất lượng lao động lại thấp hơn.

Đặc biệt, đối với những ứng viên hàng đầu muốn làm việc cho công ty có thương hiệu tốt, chi phí tuyển dụng giảm mạnh – lên tới khoảng 43%. Nói cách khác, khi thương hiệu tuyển dụng của bạn mạnh, những tài năng hàng đầu sẽ tìm đến bạn rất nhiều, công ty của bạn trở thành một nam châm thu hút tài năng và danh tiếng của công ty càng tăng lên.

 

Phương pháp nâng cao thương hiệu nhà tuyển dụng

Để tăng số lượng, ứng viên nhiệt tình cạnh tranh cho các vị trí tại công ty của bạn, CEO, lãnh đạo, đội ngũ tiếp thị và nhà tuyển dụng của bạn có thể giúp phát triển và phát triển thương hiệu của bạn. Cho dù bạn có ngân sách lớn hay nhỏ, dù bạn là công ty lớn hay khởi nghiệp thì có rất nhiều chiến lược bạn có thể sử dụng để suy nghĩ như một nhà tiếp thị, xây dựng mối quan hệ sâu sắc và có ý nghĩa với nhân viên của bạn như một ông chủ.

  1. Không chỉ tập trung vào lương

Ứng viên đến công ty chỉ vì lương sẽ ra đi nhanh chóng khi nhận được đề nghị mức lương cao hơn từ đơn vị khác. Theo xu hướng hiện tại, mức độ quan trọng của lương cũng đang giảm đi so với trước đây. Thay vào đó, các phúc lợi về cơ hội phát triển, văn hóa, lãnh đạo là những yếu tố giúp bạn thu hút được các ứng viên trẻ.

  1. Bắt đầu một blog của công ty/trang web tuyển dụng

Nếu bạn là nhà tuyển dụng có tư duy marketing, bạn biết rằng nội dung – và rất nhiều nội dung – có thể là một chiến lược tuyệt vời để cạnh tranh trong một thị trường hỗn loạn. Những người tìm việc thường xuyên kiểm tra blog, website của công ty để tìm hiểu tổ chức. Bạn có thể đăng tin tức công ty, cập nhật văn hóa và các bài viết được viết bởi nhân viên hoặc lãnh đạo công ty của bạn, bằng văn phong thân thiện. Blog/website cũng có thể được sử dụng để làm nổi bật các chính sách, quy trình và văn hóa, thể hiện cam kết của tổ chức bạn đối với nhân viên.

  1. Sử dụng nhiều kênh truyền thông

Sử dụng video, hình ảnh chất lượng cao để kể câu chuyện của công ty bạn, kỷ niệm nhân viên đa dạng của bạn và không gian làm việc tuyệt đẹp. Video chào mừng từ Giám đốc điều hành hoặc giám đốc nhân sự là cách tuyệt vời để giới thiệu, cũng như các cuộc phỏng vấn của nhân viên nói về trải nghiệm của họ đối với tổ chức của bạn. Lập kế hoạch và ngân sách cho các chi phí này và các chi phí khác vào đầu mỗi quý. Đối với thương hiệu công ty, truyền miệng qua khách hàng là kênh truyền thông đáng tin cậy nhất. Đối với thương hiệu nhà tuyển dụng, điều tương tự cũng xảy ra đối với nhân viên trong công ty. Các trải nghiệm từ nhân viên trong chính tổ chức là bằng chứng tốt nhất để xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng.

 

Bài toán nhân sự luôn là bài toán khó với các lãnh đạo doanh nghiệp. Đã đến lúc nhà nhà lãnh đạo và quản trị nhân lực quan tâm tới xây dựng thương hiệu nhà tuyển dụng như xây dựng thương hiệu công ty.

 

Tài liệu tham khảo:

Sarah Lybrand, 2018, What is employer branding anh how can it grow your business

Charles Sinclair, 2018, The Value Of An Employer Branding Structure, Forbes

Báo cáo 100 nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2013, Anphabe

Nguyễn Đức Sơn, 2015, Employer Branding – Xây dựng thương hiệu cho nhà tuyển dụng, Branddance

One thought on “PHÁT TRIỂN THƯƠNG HIỆU NHÀ TUYỂN DỤNG

  1. Pingback: EMPLOYEE BRANDING: XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU CHO NHÀ TUYỂN DỤNG - Công ty TNHH Tư vấn Quản lý OD Click

Leave a Reply

error: Nội dung đã khóa !!