VĂN HÓA DOANH NGHIỆP MẠNH TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ
Văn hóa Doanh nghiệp là một yếu tố vô hình nhưng lại đang tồn tại phổ biến và sâu rộng trong giới kinh doanh. Trong thời đại chuyển đổi số ngày nay, khi công nghệ và data đang dần thay thế hoàn hảo một phần các công việc của con người – năng suất hơn, đồng bộ hơn và hiệu quả hơn, các nhà lãnh đạo lại càng quan tâm và mong muốn tạo lập, duy trì và phát triển một nền văn hóa doanh nghiệp mạnh.
Bởi, Văn hóa Doanh nghiệp tạo nên nét đặc trưng, sự khác biệt, là điều mà các tác nhân bên ngoài (khách hàng, đối tác, đối thủ canh tranh, nhà cung cấp, nhà đầu tư) hình dung khi nhắc tới doanh nghiệp.
Đặc trưng của văn hóa doanh nghiệp
- Tính nhân sinh
Văn hóa doanh nghiệp bản chất là những chuẩn mực được tất cả con người trong tổ chức chấp nhận và dần dàn biến chúng trở thành thói quen.
Không có con người thì không có văn hóa doanh nghiệp. Và các giá trị nhà lãnh đạo đưa vào sẽ không trở thành văn hóa của doanh nghiệp khi phần lớn nhân sự không công nhận và tự nguyện thực hiện thay đổi đó.
Trong thời đại số hóa, nhân tố con người trở thành chìa khóa, là giá trị cốt lõi của mỗi tổ chức. Còn Văn hóa Doanh nghiệp chính là thành tố quan trọng để tạo nên chất “con người” của tổ chức.
- Tính giá trị
Văn hóa Doanh nghiệp tồn tại gắn với con người, gắn kết con người với nhau và gắn kết con người với tổ chức.
Văn hóa Doanh nghiêp không phải là khái niệm, cũng không phải là điều gì có thể định mức hay dễ dàng đánh giá. Không có văn hóa “đúng”, cũng không có văn hóa “sai”. Một giá trị văn hóa có thể tích cực với tổ chức này nhưng lại mang ảnh hưởng tiêu cực với tổ chức khác.
Thước đo của Văn hóa Doanh nghiệp là sự phù hợp. Văn hóa Doanh nghiệp phải được hình thành, phát triển từ những giá trị cốt lõi của tổ chức; giúp củng cố và là điểm tựa để tổ chức đạt được sứ mệnh và tầm nhìn của mình; là điều luôn tồn tại giúp doanh nghiệp vực dậy sau những khó khăn và thể hiện rõ con đường phát triển của tổ chức.
- Tính ổn định
Văn hóa Doanh nghiệp cũng mang đủ đặc trưng của một nét văn hóa nói chung. Văn hóa Doanh nghiệp có tính ổn định, được hình thành và bồi đắp những niềm tin và giá trị dần dần theo thời gian, tạo thành hình khối vững chắc, khó thay đổi.
Tuy Văn hóa Doanh nghiệp có tính ổn định cao nhưng không là bất biến. Văn hóa Doanh nghiệp cũng cần phải được thích nghi và thay đổi trong một mức độ hợp lý của nó.
Các khía cạnh của văn hóa doanh nghiệp:
Văn hóa bên trong doanh nghiệp bao gồm tất cả những giá trị tinh thần diễn ra trong tổ chức; hướng đến các nhóm đối tượng trong tổ chức: Văn hóa chung – Văn hóa đội nhóm – Văn hóa giữa lãnh đạo-nhân viên – Văn hóa giữa nhân viên-nhân viên,…
Văn hóa bên ngoài doanh nghiệp là cách hành xử của doanh nghiệp với môi trường bên ngoài; hướng đến các nhóm đối tượng bên ngoài có liên quan khác: Văn hóa với khách hàng – Văn hóa với xã hội – Văn hóa với đối tác,…
Tạo lập, duy trì và phát triển văn hóa doanh nghiệp mạnh
Việc xây dựng và duy trì một nền văn hóa doanh nghiệp mạnh cho tổ chức cần phải bám sát vào những đặc tính, vai trò và những giá trị cốt lõi giúp hình thành nên Văn hóa Doanh nghiệp. Vì thế, đây là một quá trình đòi hỏi tính chiến lược, dài hạn, sự đầu tư nghiêm túc và theo dõi sát sao cùng với sự tham gia của mỗi thành viên trong tổ chức.
Với các nghiên cứu sâu về vấn đề này, hai nhà kinh tế học Julie Heifetz & Richard Hagberg đã đưa ra mô hình 11 bước giúp các nhà lãnh đạo có thể dựa vào đó để tự tạo lập nên một nền văn hóa doanh nghiệp bền vững.
Trong phần đầu tiên, OD CLICK giới thiệu ba bước nền tảng để chuẩn bị cho xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp. Đây là ba bước thiết yếu để lãnh đạo có thể xác lập nền tảng cho văn hóa doanh nghiệp.
Bước 1. Tìm hiểu môi trường và các yếu tố ảnh hưởng đến chiến lược doanh nghiệp trong tương lại.
Vì Văn hóa Doanh nghiệp mang tính ổn định và đòi hỏi sự phù hợp chặt chẽ với chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp, nên trước khi nghĩ đến việc xây dựng một nền Văn hóa mạnh, nhà lãnh đạo cần đảm bảo tổ chức của mình đã có được chiến lược kinh doanh dài hạn chắc chắn.
Nếu đường lối chiến lược chưa tốt, có sự biến động sau một quãng thời gian dài phát triển sẽ đòi hỏi văn hóa doanh nghiệp phải thay đổi theo. Nhưng trên thực tế, đòi hỏi sự thay đổi lớn và nhanh chóng đối với văn hóa doanh nghiệp là một việc gần như không thể thực hiện.
Bước 2. Xác định đâu là giá trị cốt lõi làm cơ sở cho thành công.
Các giá trị cốt lõi và Văn hóa Doanh nghiệp giao nhau ở tính “bền vững”, không phai nhòa theo thời gian và là kim chỉ nam cho sự phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy, chúng cần dựa vào nhau để phát triển.
Bước 3. Xây dựng tầm nhìn cho doanh nghiệp
Tầm nhìn là bức tranh lý tưởng về doanh nghiệp mà lãnh đạo mong muốn xây dựng trong tương lai. Như đã đề cập, chỉ có nền văn hóa phù hợp với định hướng của doanh nghiệp mới có thể dung hòa và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Nếu như tầm nhìn và văn hóa doanh nghiệp đi ngược nhau, gần như không có tương lai nào cho doanh nghiệp. Một trong hai thứ phải đảo chiều, hoặc doanh nghiệp sẽ tan rã.
“Văn hóa Doanh nghiệp là cái còn thiếu khi doanh nghiệp có tất cả, là cái còn lại khi tất cả đã mất!”. Tạo dựng văn hóa doanh nghiệp cần nhiều thời gian và công sức từ mọi thành viên tổ chức. Trong phần tiếp theo, chúng tôi sẽ phân tích sâu hơn làm thế nào để xây dựng và phát triển văn hóa doanh nghiệp trong thời đại số.
Pingback: VĂN HÓA DOANH NGHIỆP MẠNH TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ - Công ty TNHH Tư vấn Quản lý OD Click