Thị trường Logistics Việt Nam nở rộ
Hoạt động logistics bao gồm nhiều công đoạn liên quan đến hàng hóa như đóng gói, vận chuyển, lưu kho, bảo quản, tới khi hàng được giao đến người tiêu thụ cuối cùng. Đây là một ngành rất có triển vọng phát triển bởi nó liên quan đến nhiều ngành và lĩnh vực. Xã hội càng phát triển, nhu cầu về hàng hóa của con người càng tăng cao, logistics phát triển là một xu thế tất yếu không thể chối cãi.
Tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã nhận ra thị trường rộng mở này và nhanh chóng gia nhập để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thời đại. Đáng chú ý là nhiều công ty logistics đa quốc gia hàng đầu trên thế giới như Fedex, Maersk, DB Schenker, APL, DHL,…cũng đã có mặt tại Việt Nam. Tổng số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực logistics theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) là khoảng hơn 3000 doanh nghiệp trong đó 20% là công ty nhà nước, 70% là công ty Trách nhiệm hữu hạn và doanh nghiệp tư nhân là 10%. Cũng theo VLA, tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, có quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Đây là con số đáng hoan nghênh với một thị trường còn non trẻ như Việt Nam.
Thách thức với các doanh nghiệp Việt Nam
Tại Việt Nam, các doanh nghiệp kinh doanh logistics hầu hết có quy mô vừa và nhỏ, phần lớn xuất phát điểm từ các doanh nghiệp kinh doanh các hoạt động truyền thống như vận chuyển kho bãi… và đang phát triển các dịch vụ tích hợp có hàm lượng giá trị gia tăng cao. Các doanh nghiệp này tuy đông nhưng chiếm thị phần ít, mới chỉ tham gia các công đoạn giao nhận, cho thuê kho bãi, làm thủ tục hải quan, gom hàng lẻ, chưa tham gia điều hành cả chuỗi logistics như các doanh nghiệp FDI. Đây là lý do tại sao tại phiên thảo luận về kinh tế – xã hội trên nghị trường Quốc hội ngày 01/11/2017 đại biểu Quốc hội Nguyễn Quốc Bình đưa ra nhận định rằng : “tổng giá trị logistics chiếm 21%-25% GDP, tỷ trọng lớn nhất so với các ngành khác, nhưng thực tế chỉ 2%-3% đóng góp vào GDP, vì chủ yếu những doanh nghiệp logistics ở Việt Nam là của chủ đầu tư nước ngoài”.
Thêm nữa, chi phí logistics tại Việt Nam khá cao, theo VLA, tổng chi phí logistics của Việt Nam năm 2016 là 40,3 tỷ USD, tương đương 20% GDP. Chỉ tính riêng khâu vận tải – khâu quan trọng nhất trong logistics, đã chiếm từ 40-60% chi phí, như vậy là đắt hơn thế giới rất nhiều. Điều này làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ của các doanh nghiệp Việt Nam trên trường quốc tế.
Một thách thức khác đối với doanh nghiệp logistics Việt Nam là nhân lực trong ngành này chưa đáp ứng được cả về số lượng lẫn chất lượng. Theo ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu, ngành logistics giai đoạn 2017-2020 sẽ cần thêm khoảng 20 ngàn lao động chất lượng cao, có trình độ chuyên môn. Đến 2030 con số này sẽ chạm ngưỡng 200 ngàn lao động đáp ứng đủ yêu cầu về kỹ năng, kiến thức chuyên môn và trình độ tiếng Anh. Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo logistics lại chưa phát huy được vai trò của mình cũng như chưa đáp ứng được đòi hỏi này. Theo kết quả điều tra của Viện Nghiên Cứu và Phát Triển của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, hiện nay có tới 80,26% nhân lực trong các công ty Logistics chủ yếu vẫn được đào tạo thông qua các công việc hàng ngày, 23,6% lao động tham gia các khóa đào tạo trong nước, 6,9% thuê các chuyên gia nước ngoài đào tạo, còn những người tham gia các khóa đào tạo ở nước ngoài chỉ chiếm 3,9%. Như vậy, để đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao ngày càng tăng của ngành, trong khi nhân lực tốt nghiệp đại học đúng chuyên môn còn nhiều yếu kém và hạn chế, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics nên lưu tâm nhiều hơn đến công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực.
Cần có chiến lược cụ thể để phát triển nguồn nhân lực
Các yếu tố cấu thành nên dịch vụ logistics là các thiết bị, quy trình, công nghệ thông tin, nguồn luật và nhân sự. Để có thể phát triển bền vững, đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế, đội ngũ nhân sự trong ngành cần phải được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn nghiệp vụ cũng như rèn luyện vững về kỹ năng. Để đáp ứng được nhu cầu đào tạo như thế, doanh nghiệp cần xây dựng cho mình một chiến lược cụ thể, bài bản, chăm sóc kể từ khâu xây dựng đội ngũ giảng viên lẫn khâu chuẩn bị tài liệu đào tạo.
Việc xây dựng khung đào tạo nghiệp vụ cũng không phải là điều dễ dàng khi các kiến thức về logistics, chuỗi cung ứng được đào tạo ở nước ngoài lại không hoàn toàn tương thích với chuỗi hoạt động tại các doanh nghiệp logistics Việt Nam, lý do một phần là do cơ sở hạ tầng và năng lực vận tải tại các doanh nghiệp Việt Nam còn thua kém quốc tế một khoảng cách xa. Do đó, nếu muốn xây dựng một chiến lược phát triển hiệu quả, doanh nghiệp cũng cần tính đến tình hình và điều kiện thực tế của mình để tiến hành, một chiến lược mẫu thành công tại nước ngoài chưa chắc đã hiệu quả khi áp dụng tại Việt Nam.
Đẩy mạnh kết hợp đào tạo
Như trên đã phân tích, chỉ trông chờ vào duy nhất chương trình đào tạo của các cơ sở giáo dục logistics chính quy hay chương trình đào tạo nội bộ của doanh nghiệp là không đủ. Để thúc đẩy tiến độ học tập, nâng cao khả năng của nhân viên ngành logistics, doanh nghiệp nên lưu ý phối hợp đào tạo cả với nhiều bên liên quan khác. Doanh nghiệp nên đồng hành cùng các trường đại học để xây dựng các khóa học phù hợp, ứng với tình hình công ty. Việc này rất có lợi bởi sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể sử dụng ngay những kỹ năng đã được thực hành để ứng tuyển, vừa giải quyết được việc làm cho sinh viên, vừa đảm bảo đáp ứng quy trình làm việc tại doanh nghiệp. Thêm nữa, cũng nên phối hợp với nhiều bên khác như VLA hay Viện nghiên cứu logistics để đào tạo nhân lực đồng bộ và hiệu quả. Đây rõ ràng là một giải pháp rất tốt cho ngành logistics Việt Nam.
Tương lai rộng mở cho ngành Logistics
Trong bối cảnh Việt Nam hướng tới hội nhập quốc tế sâu và rộng, tham gia ngày càng nhiều hiệp định thương mại tự do, đẩy mạnh mở cửa thị trường, ngành logistic lại càng đóng vai trò quan trọng và hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển. Thực tế là, hội nhập kinh tế đồng nghĩa gia tăng trao đổi thương mại với thế giới, nên sự phát triển của nhu cầu logistics là một điều tất yếu. Để nâng cao chất lượng dịch vụ, tránh thua ngay trên sân nhà, các doanh nghiệp logistics lại càng phải chú ý công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực. Với nguồn nhân lực đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, cộng thêm lợi thế sẵn có về sân bãi, thuận lợi về địa lý, thời tiết cùng việc thấu hiểu tâm lý khách hàng bản địa, tin rằng các doanh nghiệp logistics Việt Nam sẽ ngày càng phát triển và đạt được nhiều thành công hơn nữa trong tương lai.