HƯỚNG ĐI PHÁT TRIỂN CHO NGÀNH THỜI TRANG VIỆT NAM

Việt Nam là nước nằm trong top trên thế giới về xuất khẩu dệt may nhưng thời trang Việt, thương hiệu thời trang vẫn còn rất mới, thậm chí còn khá xa lạ trên bản đồ thời trang thế giới, kể cả khu vực.

Theo đại diện Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), những năm gần đây, hàng may mặc nội địa tăng trung bình 10 -15%, một số thương hiệu đã được người tiêu dùng ưa chuộng. nhiều thương hiệu thời trang Việt đã bám giữ thị trường bên cạnh không ít thương hiệu mới theo xu hướng tự thiết kế ra đời đã tạo được dấu ấn riêng. Mặc dù giá mặt bằng tăng phi mã nhưng nhiều DN Việt Nam vẫn mở rộng cửa hàng, như Việt Tiến có gần 650 cửa hàng, An Phước vượt mốc 115 cửa hàng, K&K có10 cửa hàng và một shop online, Blue Exchange hơn 200 cửa hàng, May 10 phát triển thêm 20 đại lý, Elisa có 70 cửa hàng và năm 2018 sẽ đạt con số 100, Canifa đạt hơn 100 cửa hàng…

Tỷ lệ thuận với hệ thống cửa hàng, các thương hiệu thời trang này tăng trưởng khả quan, như K&K tăng hơn 50%/năm với lượng khách trung bình mỗi tháng đạt từ 5.000 – 10.000 người, An Phước tăng trưởng 15 – 17%/năm và có lượng lớn khách trung thành nhất định, May10 tăng đều mỗi năm từ 22 – 25%…

Nhiều DN thời trang Việt đang chọn thị trường “ngách” và các dòng sản phẩm tự thiết kế với giá trung bình và cao cấp, như Cashew, Labella, Kelly Bùi, Marc, Dotty, Camellia, Mora. 

Những khó khăn của ngành thời trang

Ngành thời trang Việt Nam đã có những bước đi đáng kể trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, vẫn gặp phải rất nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sự phát triển chung của toàn ngành.

Thứ nhất, ngành dệt may và thời trang vẫn nặng về gia công: Ngành công nghiệp thời trang đã có những bước phát triển vượt bậc trong 10 năm qua. Tuy vậy, thực trạng hiện nay là các sản phẩm dệt may và thời trang xuất khẩu Việt Nam vẫn còn khá nặng về gia công, xuất khẩu dưới các thương hiệu nước ngoài, nguyên phụ liệu chủ yếu là nhập ngoại. Trên thế giới, sản phẩm mang thương hiệu thời trang Việt còn rất hạn chế. Các quy trình sản xuất thời trang vẫn nặng về thủ công, ít có được các công nghệ hiện đại áp dụng vào công đoạn sản xuất hàng ngày.

Thứ hai, thiếu sự đồng bộ: Theo các chuyên gia hoạt động về lĩnh vực thời trang đều cho rằng, ngành công nghiệp thời trang Việt Nam đang thiếu sự đồng bộ, mang tính tự phát thay vì tuân theo những chiến lược phát triển bài bản và bền vững. Hiện tổng hạn ngạch xuất khẩu của ngành may mặc Việt Nam đạt rất cao nhưng cũng đang sử dụng rất đông nhân lực. Điều đó chứng tỏ, hiệu suất hoạt động trong lĩnh vực này còn rất thấp.

Thứ ba, thiếu sự chuyên nghiệp: Các bộ sưu tập thời trang được các nhà thiết kế giới thiệu trong các tuần lễ thời trang được coi là bước khởi đầu, tạo ra xu hướng thời trang theo mùa hoặc của năm. Tuần lễ thời trang được coi là những hoạt động chuyên nghiệp nhất của ngành thời trang Việt, các nhà thiết kế sẽ trao đổi với nhau bằng những hoạt động chuyên môn nhằm tạo lực đẩy cho ngành thời trang trong nước nhanh chóng hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, để tạo ra được những bộ sưu tập trình diễn trong tuần lễ thời trang không phải là chuyện dễ dàng. Nhiều nhà thiết kế không thể tham dự tuần lễ thời trang bởi vì họ thiếu thợ may hỗ trợ để tạo ra những bộ sưu tập. Điều này cho thấy, ngành thời trang Việt Nam không chỉ yếu mà còn thiếu những con người chuyên nghiệp.

Giải pháp cho ngành thời trang Việt Nam

Việt Nam là đất nước có nhiều tiềm năng phát triển cho ngành thời trang như nguồn lao động dồi dào, nghề thủ công mỹ nghệ phát triển nhiều, văn hóa truyền thống đặc sắc, … Nhưng làm thế nào để phát triển ngành thời trang Việt Nam? Sau đây là một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả và phát triển ngành thời trang Việt Nam:

Một là, phát triển chuỗi cung ứng: Để phát triển ngành thời trang nói chung và những sản phẩm, thương hiệu thời trang nói riêng cần phải phát triển chuỗi cung ứng. Đó là các yếu tố về nguồn nguyên liệu, nhân lực thiết kế, hệ thống sản xuất, hệ thống cửa hàng phân phối. Chúng ta cần chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào, hạn chế phụ thuộc nhập khẩu. Cần có những nhà thiết kế tài năng, tạo ra những thiết kế sản phẩm mới; Có hệ thống sản xuất hiện đại, hạn chế thủ công và có hệ thống cửa hàng rộng khắp. Các yếu tố sẽ hỗ trợ và thúc đẩy phát triển ngành thời trang Việt Nam.

Hai là, tiếp cận nhanh xu hướng cá nhân hóa: Trước sự cạnh tranh khốc liệt bởi các thương hiệu thời trang toàn cầu như hiện nay, một số doanh nghiệp thời trang Việt Nam đã tìm ra được thị trường ngách. Dù các thương hiệu thời trang lớn đến đâu thì cũng không thể phủ hết thị trường, không thể mở được các cửa hàng nhỏ đến từng ngõ ngách. Chính vì vậy, các thương hiệu trong nước như K&K sẽ tận dụng lợi thế của công ty nhỏ, linh hoạt và có tính địa phương để phát triển. Các thương hiệu nội địa chọn đối tượng khách hàng cụ thể để đáp ứng nhu cầu và phát triển thương hiệu.

Ba là, phát triển hợp tác giữa sản xuất và phân phối: Thực tế hiện nay là ngành thời trang Việt Nam còn thiếu chuyên nghiệp, tình trạng người may cứ sản xuất, người bán cứ phân phối, chưa tạo được chuỗi hoàn chỉnh so với thương hiệu nước ngoài. Muốn thúc đẩy ngành thời trang Việt Nam cần sự phối hợp đồng bộ từ các ngành, hiệp hội, nhà thiết kế, nhà kinh doanh. Sự phối hợp này sẽ giúp họ phối hợp chặt chẽ, tạo ra xu hướng thời trang, khuyến khích người tiêu dùng, nâng cao năng suất lao động, có định hướng phát triển, giúp nâng cao hiệu quả của toàn ngành thời trang.

Bốn là, định hướng chiến lược phát triển dài hạn: Ngành dệt may và thời trang Việt Nam đã có giai đoạn sản xuất, gia công khá thành công. Tuy nhiên, đã đến lúc các doanh nghiệp trong ngành cần phải nhìn nhận, đánh giá và tìm ra một hướng phát triển riêng cho mình. Phải thay đổi trước khi quá muộn, xu hướng toàn cầu hóa đang phát triển mạnh mẽ, cạnh tranh ngày càng khốc liệt thì sản xuất hàng gia công không phải là giải pháp bền vững.

Với những tiềm năng phát triển, sự định hướng đúng đắn và nỗ lực thay đổi của các doanh nghiệp, thương hiệu thời trang, một tương lai không xa, thời trang thương hiệu Việt sẽ xuất hiện nhiều trên bản đồ thời trang thế giới.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. Thời trang Việt đến thời bứt phá – http://www.brandsvietnam.com/13729-Thoi-trang-Viet-den-thoi-but-pha
  2. Công nghiệp thời trang Việt: Nhiều ưu thế nhưng thiếu sự đồng bộ – http://thbt.vn/chuyen-de/van-hoa-nghe-thuat/cong-nghiep-thoi-trang-viet-nhieu-uu-the-nhung-thieu-su-dong-bo
  3. Thời trang Việt Nam và câu chuyện của những thách thức – http://baoquocte.vn/thoi-trang-viet-nam-va-cau-chuyen-cua-nhung-thach-thuc-44690.html
  4. Tìm giải pháp đưa thời trang Việt phát triển, hội nhập thế giới – http://cand.com.vn/Chuyen-dong-van-hoa/Tim-giai-phap-dua-thoi-trang-Viet-phat-trien-hoi-nhap-the-gioi-415436/

 

Leave a Reply

error: Nội dung đã khóa !!