ĐÁNH GIÁ NHÂN VIÊN HIỆU QUẢ

Nghiên cứu của Saratoga Institute cho thấy, có 84% công ty không tận dụng hết tiềm năng của đội ngũ nhân sự. Một báo cáo của Havard Business Review chỉ ra rằng 67% nhân viên hiệu suất cao không gắn bó với công ty thiếu hệ thống đánh giá tốt. Sự đánh giá hiệu quả sẽ giúp bạn có những nhận xét khách quan, công bằng, từ đó có phương pháp tăng động lực với từng nhân sự.

Bài viết bật mí 5 cách thức để  đánh giá nhân viên một cách hiệu quả, giúp nâng cao năng lực và gia tăng chất lượng công việc.

Thứ nhất, đánh giá theo mục tiêu. Các mục tiêu rõ ràng chính là thước đo tốt nhất cho sự đánh giá. Bằng cách này, nhân viên sẽ thấy được sự công bằng, chủ động công việc cho mình.

Ngay từ ban đầu, bạn hãy thảo luận với nhân viên về mục tiêu và các tiêu chí đánh giá. Mục tiêu có thể bao  gồm mục tiêu hoàn thành công việc, mục tiêu phát triển chuyên môn, mục tiêu đóng góp sáng tạo. Các nội dung và tiêu chí rõ ràng sẽ giúp bạn thống nhất quan điểm, bám sát vào hiệu quả thay vì cảm tính. Đồng thời, nhân viên sẽ cảm thấy có động lực để phát triển theo định hướng của bạn.

Những đánh giá của bạn cần tập trung vào kết quả đạt được, thay vì theo suy nghĩ và cảm xúc cá nhân. Bạn chỉ có thể đánh giá dựa trên hành động thực tế chứ không phải suy đoán chủ quan. Điều này gia tăng tính thuyết phục cho nhân viên.

Thứ hai, phản hồi một cách tích cực. Mục tiêu của đánh giá là giúp nhân viên có thể nâng cao năng lực, tăng chất lượng công việc chứ không phải chỉ trích và gây ức chế nội bộ. Vì vậy, nhà quản lý biết cách sử dụng những lời khen sẽ giúp đội ngũ phát triển tốt hơn. Phản hồi tích cực được tạo ra từ không gian trao đổi thoải mái, nhận xét thẳng thắn và lắng nghe lẫn nhau. Để tạo ra bầu không khí tích cực, nhà quản lý nên phản hồi 3 đúng: đúng nơi, đúng thời điểm, đúng cách. Luôn luôn sử dụng lời khen với nhân viên cho những kết quả tốt, tinh thần hay thái độ tích cực. Nhấn mạnh những tiềm năng của nhân viên để họ sẵn sàng với công việc cao hơn. Điều này không có nghĩa bạn sẽ bỏ qua những thiếu sót của nhân viên. Tuy nhiên, thái độ phản hồi khác nhau sẽ mang lại những kết quả khác nhau. Bạn cũng cần chú ý tránh việc nhận xét một cách hời hợt, sáo rỗng, gây ra phản tác dụng.

Thứ ba, ghi nhớ các công việc với ví dụ cụ thể. Mỗi nhận xét của bạn nên gắn với những ví dụ thực tế để nhân viên có  thể dễ  dàng tiếp thu, liên hệ và cải thiện. Ghi chú tối ưu về nhân viên bao gồm cả hành vi tích cực và tiêu cực, có thời gian cụ thể, không giả định, ngắn gọn nhưng đầy đủ. Việc xác định chi tiết công việc cùng ngày giờ sẽ đảm bảo xử lý được trước khi dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Các giả định về sức khỏe, đời sống cá nhân là những điều không nên xuất hiện trong bản đánh giá.

Thứ tư, gợi ý hướng giải quyết. Mỗi nhân viên đều cảm thấy tin tưởng và vững vàng hơn nếu bạn cho họ thấy bạn luôn sẵn sàng giúp đỡ họ. Có nhiều cách để gợi ý cho nhân viên mà bạn có thể sử dụng linh hoạt với mỗi trình độ, tính cách sao cho phù hợp. Các nhân viên mới, chưa có kinh nghiệm sẽ cần được chỉ dẫn rõ ràng, mang tính cầm tay chỉ việc nhiều hơn. Trong khi đó, nhân sự lâu năm sẽ mong muốn được định hướng, trao quyền và sáng tạo, bạn chỉ cần đặt ra những câu hỏi gợi ý để họ tìm ra phương án giải quyết.

Thứ năm, theo dõi xu hướng phát triển. Nếu bạn thấy các nhận xét về nhân viên ngày càng mang tính tích cực nhiều hơn thì chúc mừng, hoạt động đánh giá của bạn đã phát huy tác dụng. Tuy nhiên, nếu như mục tiêu của nhân viên ngày càng khó đạt được thì bạn cần xem xét nghiêm túc nhân viên đó và cả quá trình đánh giá. Hãy quan sát hành vi của nhân viên hằng ngày để có quyết định kịp thời và hiệu quả.

Hệ thống đánh giá là công cụ quan trọng cho các nhà quản trị, giúp công ty đạt được các mục tiêu, định hướng phát triển đội ngũ, khơi gợi tiềm năng nguồn nhân lực. Đánh giá hiệu quả của cấp trên sẽ tạo động lực làm việc cho nhân viên.

Leave a Reply

error: Nội dung đã khóa !!