QUẢN TRỊ THAY ĐỔI THEO MÔ HÌNH LEWIN
Thay đổi là quá trình tất yếu của mọi doanh nghiệp, đặc biệt trong tình hình kinh tế và công nghệ phát triển như hiện nay. Doanh nghiệp càng có khả năng thay đổi nhanh thì càng có nhiều cơ hội thành công. Khái niệm “quản trị thay đổi” là một khái niệm quen thuộc trong hầu hết các doanh nghiệp hiện nay. Nhưng cách các doanh nghiệp quản lý thay đổi (và họ thành công như thế nào) thay đổi rất nhiều tùy thuộc vào bản chất của doanh nghiệp, sự thay đổi và những người liên quan. Và một phần quan trọng của điều này phụ thuộc vào việc mọi người trong đó hiểu rõ quá trình thay đổi như thế nào.
Một trong những mô hình nền tảng cho sự hiểu biết về sự thay đổi tổ chức được phát triển bởi Kurt Lewin vào những năm 1940, và vẫn có giá trị đến hôm nay.
Theo Lewin, muốn thay đổi thành công đòi hỏi phải phá vỡ thói quen cũ trong tổ chức. Hiện trạng có thể được xem là trạng thái cân bằng của tổ chức. Trong mô hình 3 bước của Lewin, sự thay đổi là quá trình chuyển từ cách làm cũ sang cách làm mới một cách có hệ thống.
Quá trình thay đổi trong tổ chức được diễn ra theo 3 giai đoạn:
– Phá vỡ thói quen hiện tại
– Thay đổi sang trạng thái mới
– Thiết lập thói quen mới
Bước 1: Phá vỡ thói quen hiện tại
Đây là quá trình thay đổi nhận thức của mọi thành viên liên quan, khơi gợi áp lực thay đổi cao. Quá trình này trước tiên cần sự tham gia và truyền cảm hứng từ các nhà lãnh đạo. Vấn đề cốt yếu trong giai đoạn này là giúp mọi người hiểu tầm quan trọng của sự thay đổi và ảnh hưởng của sự thay đổi này đến công việc của họ.
Sự thay đổi có thể mang quy mô lớn hay nhỏ khác nhau, mang tính công cụ hay chiến lược như: Tái cơ cấu tổ chức, xây dựng quy trình làm việc mới, máy móc công nghệ hiện đại hơn,…Trong giai đoạn này, tổ chức cần có những nỗ lực thay đổi nhằm khắc phụ các áp lực cản trợ sự thay đổi của cá nhân và nhóm.
Để thực hiện điều này, ta có những cách sau:
– Tăng cường áp lực thúc đẩy việc thay đổi hiện trạng. Đó là những áp lực nhằm hướng hành vi của nhân viên ra khỏi trạng thái ổn định hiện tại.
– Giảm những cản trở đối với sự thay đổi. Những cản trở này là những áp lực nhằm ngăn cản sự chuyển hướng ra khỏi trạng thái ổn định.
Kết hợp cả hai cách trên giúp quá trình phá vỡ thói quen cũ diễn ra nhanh và hiệu quả hơn.
Bước 2: Thay đổi sang trạng thái mới
Trong giai đoạn này, mọ người được hướng dẫn những cách làm mới, tư duy mới, thông tin mới, hành vi mới tốt hơn thói quen cũ. Tổ chức lúc này không những giúp mọi người có được nhận thức và các kỹ năng mới phù hợp mà còn loại bỏ những rào cản đối với sự thay đổi. Trên cơ sở các hành vi mới thực hiện xác định, đánh giá trên cơ sở thử nghiệm để thiết lập các hành vi mới hợp lý và loại bỏ các hành vi cũ, lỗi thời.
Bước 3: Thiết lập thói quen mới
Đây là giai đoạn cuối cùng trong Mô hình 3 bước quản trị thay đổi của Lewin. Bước thiết lập thói quen mới nhằm ổn định hóa tình hình tổ chức sau khi được thiết lập trạng thái mới. Nó đảm bảo cho việc chuyển đổi có hiệu quả một cách bền vững, mọi người không quay lại với thói quen cũ.
Tài liệu tham khảo:
Bùi Anh Tuấn, Phạm Thúy Hương, Giáo trình Hành vi tổ chức
https://www.mindtools.com/pages/article/newPPM_94.htm
https://study.com/academy/lesson/lewins-3-stage-model-of-change-unfreezing-changing-refreezing.html