6 KỸ NĂNG QUAN TRỌNG TRONG TƯ DUY PHẢN BIỆN

 

Trước khi muốn đi tìm cách để giúp nâng cao năng lực Tư duy phản biện tốt, hãy chắc chắn rằng bạn đã hiểu khái quát về tư duy phản biện:

  • Critical Thinking, là một cách tiếp cận vấn đề. Năng lực này cho phép chúng ta tiếp cận tình huống một cách cẩn thận, làm lộ ra những vấn đề ẩn giấu như định kiến hay sự thao túng, và từ đó đưa ra quyết định đúng đắn nhất.
  • Tư duy phản biện hướng đến cách học chủ động; nghiêm khắc đặt câu hỏi về các ý tưởng và đặt ra giả định thay vì chỉ đơn thuần chấp nhận chúng.
  • Người chưa có tư duy phản biện tốt sẽ chọn một câu trả lời mà họ có cảm giác đúng trong khi người có tư duy phản biện đặt các lựa chọn dưới sự hoài nghi và xem xét một cách kỹ lưỡng.
  • Một trong những điều quan trọng không thể thiếu trong tư duy phản biện là tầm nhìn xa. Hay, đó là khả năng phán đoán và ước lượng kết quả.

6 kỹ năng quan trọng thúc đẩy tư duy phản biện

Nguồn: Rasmussen college

1. Nhận dạng

Nhận dạng là kỹ năng cho phép bạn ghép chính xác các mảnh ghép vào đúng vị trí của nó. Trong một bộ ghép hình, có vô số mảnh ghép có khả năng ghép nối trùng khớp với nhau nhưng mỗi mảnh ghép đều chỉ có duy nhất một vị trí cho phép hiển thị lên hình ảnh đúng. Cách hoàn thành bức tranh nhanh nhất đó là nắm được một cách rõ ràng bức tranh tổng thể, tập hợp nhóm các miếng ghép liên quan và xác định vị trí từng miếng ghép (phần góc, phần chính giữa hay thuộc phần hình ảnh nào). Đó chính là kỹ năng nhận dạng!

Critical Thinking thường xoáy sâu vào bộ phận của sự việc, mổ xẻ và phân tích các yếu tố. Việc này thường gây ra các hiểu lầm về một cách nhìn thiếu bao quát. Bản chất của năng lực tư duy phản biện phải là để tâm vào các “mối liên kết” thay vì tập trung vào từng yếu tố.

Bước đầu tiên của việc hình thành tư duy phản xạ chính là khả năng nhận dạng. Một vấn đề không tồn tại độc lập, không tự nhiên sinh ra và cũng không tự nhiên mất đi. Nhận dạng không chỉ là nhận thức rõ vấn đề cốt lõi mà còn là đặt nó trong mối tương quan với những yếu tố khác xoay quanh (nguyên nhân, tác động trực tiếp, gián tiếp, các yếu tố ảnh hưởng và hậu quả).

2. Nghiên cứu

Những mảnh ghép đang rơi vãi ngổn ngang, lộn xộn và phức tạp. Để hoàn thiện được bức tranh, điều kiện cần đó là phải có đủ số mảnh ghép, cũng như không để lẫn những mảnh ghép không thuộc bức tranh đó vào. Điều này, nếu có, sẽ gây mất thời gian vì chúng ta đã phải xem xét cả những đối tượng không liên quan khác bên ngoài.

Nghiên cứu, hay chính xác là tự nghiên cứu chính là chìa khóa để giải quyết vấn đề. Với mỗi sự việc xảy ra, kéo theo nó là vô vàn những thông tin hữu ích có, đánh lừa cũng có, đến từ nguồn đáng tin cậy có, đáng ngờ cũng có, nổi bật có và bị ẩn lấp cũng có. Nghiên cứu giúp tập hợp thông tin, cung cấp những bằng chứng để xác minh dữ liệu là đúng và cần thiết, xây dựng những niềm-tin-có-căn-cứ.

3. Loại bỏ thành kiến

Critical Thinking phát triển dựa trên logic và luôn cố gắng loại bỏ các quyết định được đưa ra theo cảm tính. Song, đây hẳn là một nhiệm vụ khó khăn. Ngay cả những người thông minh nhất cũng thường không nhận ra những thành kiến mà bản thân có. Con người có cảm xúc và khi đứng trước một vấn đề, sự hình thành “thành kiến” hay nói cách khác là suy nghĩ cá nhân về vấn đề là một phản xạ không điều kiện. 

Nhưng tư duy phản biện đòi hỏi bằng chứng. Nên để có được tư duy phản biện tốt, mỗi người phải học cách bỏ qua những thành kiến cá nhân gây ảnh hưởng tới những phán đoán khách quan, che mờ đi những lựa chọn đúng đắn.

4. Suy luận

Người có khả năng xử lý “dữ liệu thô” thành những chuỗi thông tin có hệ thống, rõ ràng và đầy đủ sẽ là người làm chủ được tư duy phản biện.

Thông tin có được không phải lúc nào cũng hiển hiện rõ ý nghĩa của nó. Các thông tin hay kết quả thu về cần phải trải qua quá trình đánh giá và ngoại suy. Khả năng suy luận sẽ giúp xâu chuỗi các dữ kiện thành một chuỗi hợp lý, cho phép khám phá và sáng tạo để hình thành những giá trị, những giải pháp hiệu quả mới.

Một điều lưu ý cần phải nắm rõ trong kỹ năng suy luận hướng tới phát triển tư duy phản biện đó là các suy luận cũng cần dựa trên những thông-tin-có-căn-cứ. Tư duy phản biện thiên về khoa học hơn là nghệ thuật, việc cho phép trí tưởng tượng “bay cao bay xa” sẽ đưa bạn đi xa hơn so điểm đến cần thiết.

5. Xác định mức độ liên quan

Đây là một trong những kỹ năng có phần thách thức nhất trong 6 kỹ năng cần thiết để phát triển tư duy phản biện. Xác định mức độ liên quan đó là việc tìm ra, sắp xếp và đánh giá thông tin theo các mức độ quan trọng đối với vấn đề. Xoáy sâu vào những thông tin cốt lõi là cách nhanh nhất để hiểu và tìm giải pháp. Tuy nhiên, trong nhiều tình huống, có một số thông tin có vẻ “nguy hiểm” những thực chất nó có thể chỉ là một điểm dữ liệu nhỏ cần xem xét. Cần tỉnh táo để không cho những thông tin này làm mất thời gian và thu hút sự chú ý của bạn.

Một trong những hoạt động có thể hỗ trợ thực hiện kỹ năng này đó là luôn xác định rõ ràng mục tiêu và bám sát nó. Việc lập danh sách hay hệ thống thông tin cũng giúp loại bỏ bớt những tác nhân gây gián đoạn cho quá trình tập trung của bạn.

6. Tò mò

Tò mò là một tính cách rất gần với “tư duy phản biện”. Tò mò kích thích tư duy phản biện phát triển. Người có tính tò mò cao thường luôn băn khoăn và hỏi “Tại sao?” về tất cả mọi thứ. Đây chính là tinh thần mà “tư duy phản biện” cần – luôn tiếp nhận chủ động đối với mọi ý kiến, sự việc thay vì mặc định hay chấp nhận. Xây dựng niềm tin về tính đúng đắn không phải từ việc ai đó cho rằng nó đúng mà từ việc tìm ra các bằng chứng chứng minh cho điều đó.  

Mặc dù có vẻ như trí tò mò là một thứ mà khi sinh ra đã có và con người đều tò mò theo một cách tự nhiên nhất. Nhưng đó không phải là một cách tiếp cận hữu ích nhất tới tư duy phản biện. Chúng ta cần phải rèn luyện để thúc đẩy sự tò mò một cách có hiệu quả. Có thể bắt đầu với việc để trí tò mò phát triển tập trung xung quanh một vấn đề thay vì để nó tự do phân tán đến mọi “ngóc ngách”.

Giá trị lớn nhất thu về từ tính “tò mò” cho phát triển “tư duy phản biện” đó là sự hình thành phản xạ đặt câu hỏi mở trong suy nghĩ!

 

Trên đây là 6 kỹ năng cần thiết bạn cần nắm rõ để từng bước hình thành tư duy phản biện một cách hiệu quả. Ở bài viết sau, chúng tôi sẽ phân  tích sâu chủ đề “Điều gì ngăn cản tư duy phản biện”.

 

Tài liệu tham khảo:

https://www.rasmussen.edu/student-experience/college-life/critical-thinking-skills-to-master-now/

https://blog.toggl.com/critical-thinking/

http://www.umich.edu/~elements/probsolv/strategy/ctskills.htm

One thought on “6 KỸ NĂNG QUAN TRỌNG TRONG TƯ DUY PHẢN BIỆN

  1. Pingback: BẢY ĐIỀU NGĂN CẢN TƯ DUY PHẢN BIỆN - Công ty TNHH Tư vấn Quản lý OD Click

Leave a Reply

error: Nội dung đã khóa !!