TẠO ĐỘNG LỰC CHO NHÂN VIÊN IT

Trong các bài viết trước của mình, OD CLICK đã nhiều lần đề cập đến sự đa dạng và tính cá nhân hóa của vấn đề tạo động lực cho nhân sự trong doanh nghiệp (Xem thêm: “Cá nhân hóa chiến lược tạo động lực”). Trong bài viết này, chúng tôi mang đến những đánh giá và giải pháp cụ thể thúc đẩy sự phát triển, hiệu quả và cam kết hướng đến một nhóm đối tượng nhân sự đặc thù – Nhân viên IT.

Tại sao lại là nhân viên IT?

Chuyển động của doanh nghiệp, nếu muốn tồn tại, thì cần phải đi trước hoặc ít nhất là cùng vòng quay với chuyển động của thị trường, của thế giới. Hiện nay, mỗi một ngày người ta đều nhắc đến “Cách mạng 4.0”, “Internet kết nối vạn vật”, “Chuyển động số”, đổi mới và tốc độ, … Hàng loạt các Start-up dựa trên nền tảng công nghệ mọc lên như nấm mọc sau mưa.

Cơn khát nhân lực chất lượng là nỗi lo và cũng là niềm quan tâm lớn của mọi nhà lãnh đạo, mọi tổ chức. Vấn đề thu hút, đào tạo, duy trì, giữ vững và thúc đẩy nhân sự với mong muốn nhận được sự cống hiến nhiều hơn, những giá trị ý nghĩa hơn và xây dựng nên mỗi liên kết bền chặt đang là bài toán khó cho rất nhiều lãnh đạo.

Nhân sự trong ngành Công nghệ – Thông tin hay thường được gọi là IT đang được “trọng dụng” tại hầu như tất cả các tổ chức. Với xu hướng chuyển đổi số trong hệ thống đang gõ cửa từng doanh nghiệp, không chỉ các công ty thuần công nghệ (công nghệ truyền thống) cần đến nhân viên IT mà tất cả các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh trên thị trường hiện nay đều đang ứng dụng khoa học công nghệ vào trong hệ thống để đáp ứng được đòi hỏi của thời đại.

Các số liệu cũng chỉ ra rằng nhu cầu nhân lực CNTT chất lượng đang tiếp tục gia tăng với một tốc độ cao trong thời gian tới.

Động lực khác biệt của nhân viên IT

Khi nhu cầu càng lớn, thách thức cho các nhà lãnh đạo trước bài toán nhân lực IT càng khó vượt qua. Những nhân tài IT đang là những người có nhiều cơ hội và nhiều lựa chọn trong công việc, được săn đón ở nhiều nơi – làm lỏng lẻo đi mối liên kết với công việc hay tổ chức hiện tại.

Trước khi xây dựng được một chiến lược để tạo động lực cho nhân viên IT, khuyến khích họ làm việc cống hiến hơn, hiệu quả hơn và có cam kết bền vững hơn; các nhà lãnh đạo cần hiểu được đối tượng mà họ cần tác động đến như thế nào.

Nhân viên IT có những đặc điểm đặc thù rất riêng so với các ngành nghề khác. Vì thế mà những yếu tố thu hút họ, nhu cầu của họ hay động lực phát triển của họ cũng cần phải được tìm hiểu và phân tích kỹ để nắm được điều cốt lõi, đáp ứng được mong muốn của nhân sự.

Lãnh đạo làm gì để tạo động lực cho nhân viên IT?

Sẽ thật hợp lý khi lãnh đạo quyết định “cho đi” trước, thỏa mãn nhu cầu của nhân viên để thúc đẩy họ đáp lại. Nhưng “hy vọng được đáp lại” có thành công hay không còn phụ thuộc vào việc lãnh đạo cho gì? Và cho như thế nào?

Gia tăng động lực bên ngoài – Tác động của sự thay đổi chính sách

Động lực bên ngoài mà đại diện là các giá trị vật chất, tiền bạc không là các giải pháp bền vững. Tuy nhiên thì đôi khi, chính những giá trị ngắn hạn nhưng đúng thời điểm lại tạo nên sự khác biệt lớn. Con người thường bị chi phối bởi những lợi ích trước mắt hơn là dài hạn.

Tiền – vật chất, là một loại lợi ích giúp phát sinh động lực cho con người và lại là phương pháp thực hiện đơn giản nhất. Song, nếu dùng tiền – hay các giá trị vật chất, người lãnh đạo cần hiểu được một số nguyên tắc:

  1. Tiền chỉ là một động lực tạm thời
  2. Tiền – chỉ có ý nghĩa khi nó được trao với một lượng vừa đủ, hợp lý, thỏa mãn được nhu cầu của nhân viên
  3. Hiểu rõ đối tượng hay cách thức phân chia giá trị. Nếu công việc thuộc trách nhiệm tập thể, hãy đảm bảo “người nhận” là cả nhóm chứ không phải cho cá nhân xuất sắc nhất.

Qua đó, nhà lãnh đạo cần xem xét, căn chỉnh hoặc xây dựng mới chính sách lương – thưởng và đãi ngộ cho nhân viên.

Trao quyền và trao tự do – Đáp ứng sự phát triển cá nhân

Nhân viên IT cũng giống như người làm nghệ thuật. Song hành cùng sự móc nối giữa các hoạt động đội nhóm, thì tính độc lập của mỗi lập trình viên cũng rất cao. Những đột phá, những giá trị mới chỉ có thể được sinh ra khi người ta có không gian để “cháy” với đam mê của mình.

ITers có sẵn đam mê, việc của lãnh đạo là tạo điều kiện để đam mê ấy trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cơ hội củng cố kỹ năng, tham gia các khóa đào tạo, tiếp xúc trao đổi với đội ngũ cùng ngành, cập nhật xu hướng và giải pháp mới là những phương thức nhà lãnh đạo có thể sử dụng để tác động đến nhân viên IT. Hãy tạo nên “sự tự do” và để “người thông minh trở nên thông minh” thay vì sự áp đặt và quản lý theo cách giết chết sự đổi mới. Sẽ chẳng có nhân viên nào từ chối một con đường phát triển bản thân được ủng hộ bởi chính cấp trên của mình. Mà khi được “nhận” một điều gì đó, con người sẽ hình thành “cảm giác biết ơn” và nỗ lực để đáp trả cho điều đó.

Sự quản lý của lãnh đạo nên dừng lại ở mức xác định phương hướng rồi trao quyền, cho phép họ làm những gì họ đang làm, theo cách họ muốn. Bạn không thể đòi hỏi một cái máy “dập khuôn một cách sáng tạo”. Bạn bắt buộc phải lựa chọn một trong hai. Và bạn cũng nên nhớ rằng chẳng có ai thích hay mong muốn cống hiến cho một tổ chức chỉ coi họ là một cái máy.

Nâng tầm giá trị chung

Nhân viên IT có tính chuyên môn cao, vì vậy, hãy đối xử với họ như những “chuyên gia”! Họ muốn có được cảm giác cống hiến và khẳng định tầm vóc. Họ muốn biết rằng công việc họ đang làm thực sự có ý nghĩa và tạo ra những giá trị lớn hơn để có thể phấn đấu vươn lên hơn nữa. Với sự đam mê sẵn có với công nghệ của họ, người lãnh đạo cần chỉ cho họ thấy rằng, công việc của họ có ý nghĩa như thế nào.

Thấu hiểu, chia sẻ – Vai trò to lớn của người lãnh đạo và văn hóa doanh nghiệp

Giá trị khác biệt và phức tạp nhất của con người luôn là cảm xúc. Những nhân viên IT làm việc trong một môi trường khá khô khan lại càng có những nhu cầu cảm xúc cao hơn. Họ thường thẳn thắn và chân thật.

Văn hóa doanh nghiệp, như đã nói, không có “đúng – sai”, chỉ có “phù hợp hay không phù hợp”. Đối với nhân viên IT, họ cần sự thoải mái và sẻ chia từ đồng nghiệp. Văn hóa teamwork, hợp tác, thân thiện và gần gũi trong tổ chức là những điều có khả năng cung cấp năng lượng để Iters làm việc tốt hơn. Ngoài ra, để xóa tan sự khô cứng của môi trường mang tính kỹ thuật, phá vỡ sự im lặng và tạo ra bầu không khí sôi nổi, vui vẻ hơn cũng là một điều mà lãnh đạo nên lưu ý.

Vai trò của nhà lãnh đạo trong việc tạo động lực cho nhân viên IT là rất quan trọng. Vì bản chất những động lực bên trong – những điều có tác động sâu sắc và dài hạn được sinh ra từ việc thỏa mãn các nhu cầu về cảm xúc. Hãy lắng nghe họ, bảo vệ một số ý tưởng của họ và thu hút họ hợp tác lẫn nhau.

Như vậy, dưới sự tiếp cận toàn diện đa tác động của các chính sách, lãnh đạo – văn hóa doanh nghiệp – sự phát triển cá nhân – các mối quan hệ đồng nghiệp, OD CLICK đã cung cấp mô hình mà nhà lãnh đạo có thể dựa vào để thúc đẩy và phát triển động lực cho nhân viên IT. OD CLICK cũng rất sẵn lòng hỗ trợ tổ chức trong việc lựa chọn và thực thi những giải pháp cụ thể và phù hợp nhất, giải quyết hiệu quả các khúc mắc của tổ chức liên quan đến tạo động lực cho nhân sự IT trong chuyển động số.

NGUỒN THAM KHẢO:

https://opensource.com/article/17/5/5-ways-to-motivate-technical-employees

https://www.techrepublic.com/blog/tech-decision-maker/how-to-motivate-it-pros/  

Leave a Reply

error: Nội dung đã khóa !!