CÁC VẤN ĐỀ QUẢN TRỊ TRONG CÁCH MẠNG NỀN TẢNG
Cách mạng nền tảng đã, đang và sẽ trở thành một xu thế, một con đường bắt buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải theo kịp. Kéo theo đó là sự thay đổi của mô hình và các vấn đề quản trị.
Vai trò của quản trị trong cuộc cách mạng nền tảng
Quản trị tốt có thể giúp doanh nghiệp kiếm được nhiều tiền và phân bổ công bằng số tiền ấy giữa những người đóng góp giá trị. Những nền tảng công nghệ bên ngoài doanh nghiệp tạo ra một lượng của cải rất lớn, và những lợi nhuận đó phải được sắp xếp và quản lý một cách công bằng. Việc quản trị lại càng gặp nhiều thách thức khi mạng lưới tạo ra giá trị này phát triển bên ngoài doanh nghiệp nhanh hơn bên trong và nếu việc lèo lái các quy tắc quản trị một chiều đã khó khăn, thì với các nền tảng đa chiều lại càng khó khăn hơn. Trở lại năm 2000, một số nhà sản xuất ô tô bao gồm Daimler-Chrysler, Ford, GM, Nissan và một số hãng khác đã đầu tư vào Covisint, một thị trường trực tuyến nhằm kết nối người mua và nhà cung cấp phụ tùng ô tô. Thật không may, cấu trúc quyền sở hữu và cơ chế đấu giá của Covisint đã tạo ra sự ưu tiên cho các một số công ty (khách hàng trên nền tảng này) trong khi buộc các nhà cung cấp phải cạnh tranh khốc liệt về giá, khiến họ có ít hoặc không có lợi nhuận. Do đó, các nhà cung cấp phụ tùng rời khỏi nền tảng. Năm 2004, tài sản còn lại đã được bán hết chỉ với 7 triệu đô la, một con số rất nhỏ trong số 500 triệu đô la mà các nhà sản xuất ô tô đã đầu tư.
Quản trị tốt là điều vô cùng quan trọng. Nhất là với các nền tảng, nơi mọi người và các tổ chức tương tác với nhau một cách tự do, không bị hạn chế và rất ít biện pháp bảo vệ.
Công cụ quản trị trong cuộc cách mạng nền tảng: Luật, Quy tắc, Kiến trúc và Thị trường
Các khái niệm, mô hình và phương pháp quản trị doanh nghiệp truyền thống khá đa dạng, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính. Tuy nhiên, quản trị nền tảng lại bao gồm các nguyên tắc thiết kế mà lý thuyết tài chính truyền thống đã bỏ qua.
OD CLICK giới thiệu đến các bạn một mô hình kiểm soát được sáng tạo bởi Lessig, đưa ra bốn công cụ chính: Luật, Quy tắc, Kiến trúc và Thị trường.
Tất cả công cụ đều được thiết kế nhằm mục đích khuyến khích người tham gia vào nền tảng thực hiện các hành vi tích cực, khuyến khích sự tương tác tốt và làm giảm đi những tương tác xấu.
1. Luật
Luật là các quy tắc ứng xử được quy định rõ ràng, ví dụ như những điều khoản, dịch vụ do luật sư soạn thảo hoặc các quy tắc của các bên liên quan được các nhà thiết kế nền tảng đề ra. Những luật này tiết chế và đảm bảo các hành vi của người dùng và hệ sinh thái, dựa trên sự minh bạch, ví dụ như iTunes cấm phim khiêu dâm hay Upwork cấm lao động trẻ em.
2. Quy tắc
Một trong những đặc điểm nổi bật nhất của bất kì nền tảng nào là xây dựng được một cộng đồng trung thành. Để xây dựng được một cộng đồng như thế cần phải đề ra và phát triển các quy tắc, văn hóa và kỳ vọng để có thể tạo ra giá trị bền vững.
iStockphoto là một trong những thị trường lớn nhất thế giới ngày nay về ảnh chụp do cộng đồng đóng góp, giúp các nhiếp ảnh gia bán các bộ sưu tập ảnh bằng CD-ROM trực tiếp qua thư. Khi doanh nghiệp thua lỗ, họ bắt đầu cho đi miễn phí hình ảnh chụp của mình trên mạng. Trong vòng vài tháng, họ được hàng ngìn người biết đến, những người không chỉ tải hình ảnh của họ về mà còn có nhu cầu chia sẻ hình ảnh của họ. Khi đã có một cộng đồng mong muốn, người sáng lập Bruce duy trì chất lượng bằng cách loại bỏ thư rác, nội dung xấu, nội dung vi phạm bản quyền cũng như khen ngợi, phản hồi những sản phẩm chất lượng từ những thành viên tích cực.
Những nỗ lực này đã thiết lập nên một bộ quy tắc mạnh quản trị cộng đồng iStock. Bao gồm việc đảm bảo các nội dung đều được kiểm duyệt, luôn có sự phản hồi với các nội dung chất lượng cao cũng như khuyến khích sự tham gia một cách cởi mở. Áp dụng các quy tắc này, Bruce đã tạo ra một cộng đồng với những bộ sưu tập ảnh ấn tượng và văn minh.
3. Kiến trúc
Trong thế giới kinh doanh nền tảng, “kiến trúc” cơ bản là nói đến mã lập trình hay hệ sinh thái công nghệ. Hệ thống phần mềm được thiết kế để có thể khuyến khích và khen thưởng những hành động tốt, do đó có thể tạo ra nhiều hành vi tương tự. Xây dựng hệ sinh thái công nghệ tốt giúp doanh nghiệp gia tăng sức mạnh cạnh tranh, ngăn ngừa và khắc phục những thất bại của thị trường như: bất đối xứng thông tin giữa các bên, các tác động bên ngoài tiêu cực và những rủi ro có thể xảy đến.
Thực tế, Facebook đã từng dính những lùm xùm xung quanh thông tin về người dùng không được bảo mật, và bị lên án khi đối xử tệ với chính người dùng của họ. Điều này đã khiến giá cổ phiếu của facebook bị sụt giảm nghiêm trọng, kinh doanh không đạt kì vọng cũng như ảnh hưởng tới danh tiếng của công ty.
Những nền tảng nên được thiết kế tôn trọng người dùng hơn, có thể mong đợi nhiều thứ hơn từ người dùng của họ, với những lợi ích chung dành cho tất cả.
4. Thị trường
Các thị trường có thể quản trị hành vi thông qua việc sử dụng thiết kế cơ chế và các ưu đãi khác nhau. Các ưu đãi không chỉ là vật chất mà còn có các giá trị vô hình khác như sự yêu thích và quan tâm hay các đãi ngộ khác dành cho người tham gia. Quản trị tốt nghĩa là chăm sóc tốt các đối tác trong hệ sinh thái của nền tảng.
Uber từng từ chối bảo hiểm cho tài xế của mình khỏi hành vi xấu của những tài xế khác. Tuy nhiên, cuối cùng họ nhận ra rằng việc từ chối này đã ảnh hưởng đến sự phát triển nền tảng của họ, do vậy, họ đã hợp tác với các công ty bảo hiểm để cho ra các loại chính sách mới nhằm bảo vệ các tài xế của mình. Thay vì tìm cách giảm thiểu rủi ro của mình, lãnh đạo các doanh nghiệp sở hữu nền tảng Platform nên sử dụng các cơ chế thị trường như chia sẻ rủi ro và bảo hiểm cho những người tham gia, và do đó, tối đa hóa việc tạo ra giá trị tổng thể.
Quản trị trong cách mạng nền tảng càng trở nên cần thiết hơn. Và không quan trọng nền tảng của bạn đang thuộc loại kinh doanh hay hệ sinh thái xã hội nào, hệ thống quản trị luôn cần phải linh hoạt để đáp ứng những xu thế của xã hội.
Nguồn thao khảo:
https://hbr.org
Platform Revolution – Geoffrey G. Parker, Marshall W. Van Alstyne, Sangeet Paul Choudary