5 CẤP ĐỘ TRONG LÀM VIỆC NHÓM

 

Mỗi nhân viên trong một tổ chức thường có khuynh hướng làm việc độc lập khi mỗi người tập trung vào lĩnh vực chuyên môn của mình. Để trở thành một tổ chức phát triển mạnh mẽ và linh hoạt, thành lập các đội nhóm đa chức năng hỗ trợ lẫn nhau đang trở thành một xu hướng. Theo một báo cáo mới của Deloitte có tên Global Human Capital Trends dựa trên khảo sát hơn 7.000 nhà điều hành tại hơn 130 quốc gia, xu hướng làm việc theo nhóm đã đạt một đỉnh cao mới. Gần như phân nửa số người được khảo sát cho biết doanh nghiệp của họ hoặc đang trong quá trình tái cấu trúc hoặc chuẩn bị triển khai thành lập các nhóm đa chức năng. Các doanh nghiệp đang dần từ bỏ hình thức các phòng ban chức năng, mà thay vào đó là tổ chức các nhân viên thành các nhóm chuyên môn chéo để tập trung vào những khách hàng, vấn đề hoặc các sản phẩm nhất định.

Theo đó, kĩ năng làm việc và quản lý, dẫn dắt đội nhóm là một kĩ năng vô cùng cần thiết.

Lãnh đạo cấp độ nhóm quyết định hiệu quả tổ chức
Làm việc với một nhóm, dù là ở cương vị của người trưởng nhóm riêng lẻ hay lãnh đạo vài nhóm, luôn là một phần quan trọng trong vai trò của người quản lý, quyết định hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Làm thế nào quản lý và phối hợp nhóm tốt, dung hòa các ý kiến trái chiều và tìm ra giải pháp chung? Làm thế nào để phát triển năng lực tổ chức với những người cộng sự trong một tập thể với nhiều ý kiến là một bài toán khó. Trước khi lên kế hoạch hành động, team leader cần thật sự “thấu hiểu” nhóm của mình, đánh giá đúng thực trạng nhóm, từ đó sẽ tìm ra giải pháp quản trị nhóm hiệu quả nhất.

5 cấp độ của làm việc nhóm


1. Cấp độ cạnh tranh

Ở cấp độ đầu tiên trong giai đoạn phát triển nhóm, có sự cạnh tranh giữa các thành viên trong nhóm. Các thành viên trong nhóm có cùng chung mục tiêu, nhưng lại có các cách khác nhau để đạt được mục tiêu chung đó. Nếu sự cạnh tranh mang tính chuyên môn, sẽ thúc đẩy nhóm phát triển tốt. Nếu sự cạnh tranh mang tính cá nhân, sẽ dễ xảy ra những bất mãn, rời rạc trong tư tưởng. Khi một thành viên trong nhóm gặp khó khăn, đây được coi là cơ hội để tăng vị thế của chính mình hơn là giúp nhóm tạo ra kết quả tốt hơn.

2. Cấp độ xung đột

Ở cấp độ thứ hai, sự tương tác được thúc đẩy bởi xung đột, tức là khi một thành viên trong nhóm cảm thấy rằng một người khác đang can thiệp vào cách họ hoàn thành mục tiêu cá nhân. Các thành viên trong nhóm tập trung vào các mục tiêu của mình, họ không chú ý nhiều đến những gì người khác làm, trừ khi điều đó cản trở quá trình thực hiện mục tiêu của họ. Khi một thành viên trong nhóm gặp sự cố, đó là vấn đề của người đó và thường sẽ bị các thành viên khác trong nhóm bỏ qua trừ khi điều đó cũng gây rắc rối cho chính họ. Hiệu quả của nhóm có thể được mô tả bằng công thức  “1 + 1 = 1”, vì không có sự hỗ trợ lẫn nhau, và người này sẽ kéo người kia xuống.

3. Cấp độ cùng tồn tại

Cấp độ thứ ba là khi các thành viên trong nhóm chọn cách làm việc mà không tạo ra xung đột. Sự “chung sống hòa bình” đòi hỏi một sự tôn trọng cao đối với nhau, tôn trọng các ý kiến cá nhân cũng như không làm ảnh hưởng lẫn nhau, tránh việc nhóm rơi vào xung đột.
Một nhóm ở mức độ cùng tồn tại hoạt động ở mức “1 + 1 < 2”, các thành viên làm tốt công việc của mình, hiệu quả chưa tương đương với tổng hiệu quả của mỗi cá nhân, do nhược điểm chính là không có sức mạnh tập thể, nhóm giải quyết vấn đề chậm. 

4. Cấp độ phối hợp

Ở cấp độ thứ tư, các thành viên trong nhóm biết cách phối hợp các mục tiêu và các cách tiếp cận cá nhân, tìm cách gia tăng sự tương tác.
Nhóm phối hợp biết cách đồng bộ hóa mục tiêu – giảm xung đột, gia tăng sự liên kết và cách tiếp cận trong suốt quá trình hoạt động. Các thành viên trong nhóm tập trung trước hết vào các mục tiêu cá nhân của họ, tuy nhiên đều hướng đến tầm nhìn chung trong một tinh thần đoàn kết.
Phối hợp đòi hỏi đồng bộ hóa thường xuyên, các vấn đề được giải quyết tại ngay tại thời điểm phát sinh. Một nhóm phối hợp đạt được hiệu quả “1 + 1 = 2”, giảm thiểu thời gian và chi phí cũng như gia tăng tốc độ giải quyết vấn đề. 

5. Cấp độ hợp tác

Ở cấp độ thứ năm, các thành viên trong nhóm hợp tác để đạt được các mục tiêu, kết quả chung, hướng tới lợi ích chung. Ở cấp độ này, nhóm chọn một cách tiếp cận đầy đủ để đạt được mục tiêu, cho phép mọi thành viên trong nhóm có thể phát huy điểm mạnh, không bị giới hạn trong khả năng của mình. Sự tương tác giữa các thành viên được đẩy lên mạnh nhất. Các thành viên thường xuyên trao đổi với nhau để cập nhật và đồng bộ công việc, phát hiện các trở ngại và thích ứng với tình huống mới, trong một trạng thái liên tục. Việc giải quyết các vấn đề của nhóm được ưu tiên hơn là thành tích cá nhân. Ở cấp độ này, nhóm đạt hiệu quả tối ưu “1 + 1 > 2”.

Cấp độ hợp tác có những triết lý và tôn chỉ tương đồng với mô hình Agile – một triết lý quản trị đang trở thành chìa khóa thành công của các doanh nghiệp trên thế giới. Lấy con người làm trung tâm con người, xây dựng sự tương tác và hỗ trợ giữa các thành viên trong nhóm, sự phản hồi và giải quyết vấn đề được đặt trong một quá trình nhanh và liên tục. Đây là cấp độ hoàn hảo cho đội nhóm, để đạt được điều này, vai trò của người trưởng nhóm vô cùng quan trọng. Một trưởng nhóm tốt không chỉ tạo được sự tín nhiệm, mà còn tạo ra những điều kiện thuận lợi cũng như tạo ra những cảm hứng làm việc trong nhóm. Biết cách khơi gợi tinh thần, xây dựng được môi trường làm việc cởi mở và thoải mái, vừa phát huy được sự sáng tạo, thế mạnh của mỗi cá nhân, vừa nâng cao khả năng phối hợp, sức mạnh tập thể.

Năm cấp độ của làm việc nhóm không phải lúc nào cũng có sự chuyển tiếp rõ ràng. Tại các thời điểm khác nhau, nhóm có thể đứng giữa các cấp độ và các thành viên riêng lẻ trong nhóm cũng có thể hoạt động ở các cấp khác nhau. Mô hình này phục vụ như một bản hướng dẫn giúp các Team leader quan sát và phân tích được nơi nhóm mình đang đứng và đưa ra kế hoạch hành động sáng suốt. “Trí tuệ tập thể bao giờ cũng sáng suốt hơn trí tuệ cá nhân”.

 

Nguồn tham khảo:
https://failfastmoveon.blogspot.com

https://smallbusiness.chron.com

https://dantri.com.vn

Leave a Reply

error: Nội dung đã khóa !!