TRẢI NGHIỆM NHÂN VIÊN – XU HƯỚNG MỚI CỦA DOANH NGHIỆP TRONG THỜI ĐẠI 4.0

Kỷ nguyên của quản trị 4.0 là kỷ nguyên của trải nghiệm, từ trải nghiệm khách hàng (Customer Experience) đến trải nghiệm nhân viên (Employee Experience)…

Đã qua rồi cái thời nhân viên đơn thuần chỉ là người làm công ăn lương, giờ đây, nhân viên cũng chính là một đối tác của doanh nghiệp. Trong kỷ nguyên mới, các doanh nghiệp đang chú trọng nâng cao trải nghiệm của nhân viên, ngay từ lúc tiếp xúc lần đầu giữa ứng viên và nhà tuyển dụng, cho đến những hoạt động nội bộ phong phú, chính sách phúc lợi, thậm chí áp dụng chỉ số đo lường sự hài lòng của khách hàng (NPS – Net Promoter Score) cho nhân viên của mình.

Khi nhân viên có trải nghiệm tốt, họ sẽ cống hiến nhiều hơn và gắn kết với doanh nghiệp nhiều hơn rất nhiều lần. Nhờ đó tạo ra kết quả cao trong sản xuất kinh doanh. 

Trải nghiệm của nhân viên là tất cả những gì mà một nhân viên gặp phải trên các khía cạnh của tổ chức – con người, văn hóa, công nghệ và môi trường làm việc tại tổ chức.Trải nghiệm này không chỉ bó gọn trong vòng đời làm việc của nhân viên trong tổ chức mà được bắt đầu trước khi họ tham gia tổ chức và cả sau khi họ đã nghỉ việc.

Nói một cách đơn giản, một nhân viên hạnh phúc với công việc đang làm sẽ mang lại nhiều giá trị cho công ty. Và ngược lại, nếu kỳ vọng của nhân viên không được đáp ứng thông qua trải nghiệm nhân viên sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp.

Thực tế, tại báo cáo Xu hướng nhân sự toàn cầu năm 2017 do Mạng lưới dịch vụ toàn cầu Deloitte thực hiện, có đến 80% giám đốc điều hành đánh giá yếu tố trải nghiệm của nhân viên là quan trọng/rất quan trọng đối với sự thành công của doanh nghiệp, nhưng chỉ có 22% thừa nhận doanh nghiệp của mình đã thành công trong việc tạo ra những trải nghiệm khác biệt.  Trong khi đó, nghiên cứu năm 2016 mang tên “The Active Job Seeker Dilema”, tổ chức tư vấn và nghiên cứu quản trị nhân sự Future Workplace nhận thấy các lãnh đạo nhân sự đang đầu tư nhiều hơn vào đào tạo nội bộ (56%), cải thiện không gian làm việc (51%), hoặc đa dạng hóa phần thưởng (47%) nhằm tối ưu mức độ hài lòng của đội ngũ nhân viên. Một nghiên cứu của tập đoàn Temkin năm 2016 cho thấy rằng các công ty vượt trội về trải nghiệm của khách hàng có số lượng nhân viên hài lòng và cam kết nhiều hơn 1,5 lần so với các công ty khác.

Hiện nay, thế hệ baby bloomer (sinh năm 1946-1964) và thế hệ X (sinh năm 1965-1984) đang lùi về sau để thế hệ Y (sinh năm 1981 – 1996), thế hệ Z (sinh năm 1988 – 2010) tiếp tục làm thay đổi bộ mặt của thị trường lao động. Xu hướng hiện nay thế hệ này đi làm không chỉ để kiếm tiền mà còn để thỏa mãn niềm đam mê và hướng tới sự cân bằng giữa công việc-cuộc sống và môi trường làm việc. Cùng vì thế mà các nhân viên trẻ này thường không muốn gắn bó lâu dài và trung thành với một nhà tuyển dụng nào cả, mà họ thích thay đổi để được thử những trải nghiệm công việc mới. Nghiên cứu năm 2018 mang tên “Khảo sát thế hệ đương đại” (Millenial Survey) do Deloitte thực hiện trên 10.455 người thuộc thế hệ Y và 1.844 người thuộc thế hệ Z cho thấy tỷ lệ cam kết với doanh nghiệp trên 5 năm ở mức thấp (12-28%), trong khi tỷ lệ nhân viên trẻ xác định chỉ gắn bó với nhà tuyển dụng trong vòng 2 năm ở mức cao (43-61%).

Với tỷ lệ bỏ việc chỉ sau hai năm khá cao, doanh nghiệp cần có những giải pháp để thúc đẩy trải nghiệm nhân viên nhằm tối đa hóa những đóng góp của họ ngay từ những ngày đầu vào làm việc.

Thực tế, tăng cường trải nghiệm của nhân viên cần được thực hiện như một quy trình trọn gói từ A đến Z, từ khâu tiền tuyển dụng cho đến sau khi nhân viên thôi việc.

  1. Khâu tiền tuyển dụng

Ở những thời kỳ trước, nhân viên phải được nhận vào làm rồi với biết được văn hóa, phong cách làm việc, mục tiêu của doanh nghiệp như thế nào. Tuy nhiên, thế hệ Y và Z đang sống trong môi trường tràn ngập thông tin. Muốn tuyển được nhân tài, doanh nghiệp cần truyền tải được giá trị của thương hiệu ngay từ khâu tiền tuyển dụng.

  1. Tiếp nhận nhân viên

Hai năm là khoảng thời gian rất ngắn và nó không cho phép doanh nghiệp có thể chờ đợi vài tháng để nhân viên mới quen việc rồi mới đóng góp. Ngay từ những ngày đầu nhân viên mới vào làm việc, các giám đốc nhân sự cần cung cấp đầy đủ thông tin về doanh nghiệp, chức năng, nhiệm vụ, đồng nghiệp để nhân viên không bị bỡ ngỡ. Sau đó, doanh nghiệp cần xây dựng những bảng đặt mục tiêu và theo dõi quá trình hội nhập của nhân viên theo ngày, theo tuần, theo tháng…

Làm thế nào để nhân viên muốn làm việc thay vì phải làm việc. Hiểu được trải nghiệm của nhân viên để các nhà quản trị xây dựng môi trường doanh nghiệp tốt nhất.

Trước đây, các doanh nghiệp tập trung đầu tư vào một khía cạnh của tổ chức là văn hoá doanh nghiệp. Nghĩa là làm sao để nhân viên cảm nhận họ là một phần của doanh nghiệp, những lợi ích họ nhận được, phong cách quản trị,…. Những điều này của văn hoá doanh nghiệp chỉ là một phần của trải nghiệm nhân viên, hai khía cạnh còn lại bao gồm: Môi trường công nghệ, môi trường vật lý.  

Môi trường công nghệ là công cụ mà nhân viên cần để thực hiện công việc của họ, bao gồm giao diện người dùng, thiết bị di động và máy tính để bàn. Một tổ chức nên cung cấp các công cụ phù hợp và hiện đại cho phép nhân viên làm việc. 

Môi trường vật lý bao gồm bất cứ thứ gì có thể được nhìn thấy, nghe, chạm và nếm như bàn, ghế, nghệ thuật, tiệc tùng,…. Nhân viên dành phần lớn thời gian của họ bên trong tổ chức nên môi trường vật lý sẽ có tác động tích cực lên họ. Một văn phòng với đầy đủ ánh sáng, thoáng đãng, không gian làm việc tạo sự thoải mái sẽ cho hiệu suất làm việc tốt nhất.

Tất cả ba khía cạnh tạo thành một môi trường tuyệt vời mà mọi nhân viên mong muốn!

  1. Kết thúc trải nghiệm

Thời điểm nhà tuyển dụng và người lao động nói lời chia tay vẫn chưa phải là kết thúc và doanh nghiệp vẫn có những phương pháp để tối ưu trải nghiệm nhân viên cũ (bởi rất có thể đó sẽ là những khách hàng trong tương lai). Chỉ bằng vài hành động như tổ chức buổi chia tay, trong đó lãnh đạo và nhân viên cùng nhau ôn lại một, hai kỷ niệm đáng nhớ trong quá trình gắn bó, giữ liên lạc với nhân viên cũ, hay tận dụng nhân viên nghỉ hưu làm dự án… là đủ để doanh nghiệp tạo được danh tiếng, giúp thu hút những ứng viên xuất sắc khác thế vào vị trí đang trống. Hơn thế nữa, tâm tư của nhân viên cũ cũng là nguồn dữ liệu quan trọng để doanh nghiệp hoàn thiện quy trình chăm sóc nhân viên và văn hoá trong tổ chức.

 

Nguồn tài liệu tham khảo:

  1. https://www.forbes.com/
  2. http://enternews.vn/su-len-ngoi-cua-trai-nghiem-nhan-vien-134372.html

 

 

 

Leave a Reply

error: Nội dung đã khóa !!