VĂN HÓA DOANH NGHIỆP LÀ TÀI SẢN CỦA TỔ CHỨC

1. Nhiều doanh nghiệp nói về văn hóa doanh nghiệp nhưng có rất ít sự thành công

Văn hóa doanh nghiệp (VHDN) hay còn gọi là văn hóa tổ chức là một phần không thể thiếu trong kinh doanh. Nó ảnh hưởng đến gần như mọi khía cạnh của một công ty. Từ việc tuyển dụng nhân tài hàng đầu đến cải thiện sự hài lòng của nhân viên và đó là xương sống của lực lượng lao động hạnh phúc. Không có văn hóa doanh nghiệp “mạnh”, tích cực, nhiều nhân viên sẽ đấu tranh để tìm ra giá trị trong công việc của họ và điều này dẫn đến một loạt các hậu quả tiêu cực cho doanh nghiệp.

Theo nghiên cứu của Deloitte, 94% giám đốc điều hành và 88% nhân viên tin rằng văn hóa doanh nghiệp khác biệt là quan trọng đối với thành công của doanh nghiệp. Khảo sát của Deloitte cũng cho thấy có mối tương quan chặt chẽ giữa những nhân viên tuyên bố “cảm thấy hạnh phúc khi tìm thấy giá trị đích thực trong công việc với những người nói rằng công ty của họ có văn hóa mạnh mẽ”.

Đây là lý do tại sao công ty được đặt tên là “Nơi làm việc tốt nhất” lại nhiều thành công nhất. Các tổ chức này có xu hướng có văn hóa doanh nghiệp mạnh mẽ, tích cực giúp nhân viên cảm nhận và phát huy tốt nhất khả năng trong công việc. Một nghiên cứu của CultureIQ cho hay, đối với sự hợp tác, môi trường và giá trị doanh nghiệp thì nhân viên xếp hạng công ty có văn hóa “mạnh”  đươc đánh giá trên 20%.

Văn hóa doanh nghiệp mang bản chất văn hóa doanh nghiệp “mạnh” thì ít doanh nghiệp đạt được. Nó là sự thấu hiểu và cam kết chặt chẽ với các giá trị cốt lõi, kiểm soát hành vi, sự đồng thuận cao và tính ổn định. Một doanh nghiệp có văn hóa doanh nghiệp “mạnh” sẽ tạo cho mình sự ngưỡng mộ từ khách hàng, thị trường, đối thủ và sự phát triển bền vững.

Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp cũng tương tự như việc trồng cây bonsai, nó là cả quá trình có liên quan đến các công việc như:

Thứ nhất, việc chọn giống tốt: Giống tốt thì cây mới được đà, có lực để phát triển. Việc tuyển dụng trong doanh nghiệp cũng vậy, chất lượng đầu vào của quá trình tuyển dụng rất quan trọng. Đó là tiền đề của những nhân tài gắn bó với công ty sau này.

Thứ hai, đó là việc nuôi rễ: Điều này cũng giống như việc hội nhập, định hướng cho nhân viên, giúp cho họ có thể hiểu được văn hóa công ty, nắm vững chiến lược của công ty và có những động lực phát huy hết khả năng của mình.

Thứ ba, là việc tưới nước: Nếu như nước là nguồn sống của cây, không có nước cây sẽ héo dần và chết đi thì vai trò đào tạo, truyền thông nội bộ cũng vậy. Trong doanh nghiệp, đào tạo, truyền thông nội bộ sẽ giúp cung cấp cho nhân viên có điều kiện để hòa nhập, được nuôi dưỡng để phát triển.

Thứ tư, là sự quang hợp: Ánh sáng cũng rất cần cho cây phát triển, cũng giống như trong doanh nghiệp, lãnh đạo luôn là tấm gương để nhân viên noi theo, tạo động lực cho nhân viên.

Thứ năm, là nuôi ngọn: Ngọn cây tươi tốt càng ngày càng vươn cao cũng giống như cán bộ quản lý trong tổ chức. Việc quy hoạch, phát triển đội ngũ quản lý trong tổ chức cũng là điều cần thiết để hướng đến sự phát triển mạnh.

Thứ sáu, là uốn tỉa: Khi cây phát triển thì việc uốn tỉa, tạo hình cho cây là điều gần như “bắt buộc” để tạo ra giá trị cao, cắt bỏ những cành lá không cần thiết và uốn thành hình đẹp như mong muốn cũng giống như việc bố trí sản xuất, đánh giá, sa thải, hay thay thế nhân viên. Sự thừa thãi, rườm rà trong doanh nghiệp là điều tối kị, nó làm cho doanh nghiệp không phát triển.

Cuối cùng là chăm sóc, định hình thế cây – là yếu tố tạo nên đặc trưng của cây bonsai. Doanh nghiệp cũng vậy, định hình văn hóa doanh nghiệp là giá trị cốt lõi của mỗi tổ chức.

Chính vì thế, văn hóa doanh nghiệp phải thể hiện được đặc trưng riêng, thể hiện qua những giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, cách ứng xử, tư duy và hành động của các thành viên. Dựa theo các quan điểm của Edgar Schein, chúng tôi rút ra định nghĩa văn hóa doanh nghiệp như sau:  “Văn hóa doanh nghiệp là tập hợp các giá trị chuẩn mực và niềm tin, được tích lũy trong quá trình doanh nghiệp tương tác với môi trường bên ngoài và hội nhập môi trường bên trong, các giá trị và chuẩn mực này đã được tích lũy qua thời gian và được truyền đạt cho những thành viên mới như cách thức đúng đắn để thực hiện công việc”. Văn hóa doanh nghiệp chính là cách tư duy và hành động của con người trong tổ chức, tạo ra một bản sắc riêng, thể hiện được uy tín và sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

2. Văn hóa doanh nghiệp được phát triển như thế nào?

Văn hóa doanh nghiệp là tài sản vô hình của công ty, nó phát triển song song với quá trình hình thành doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp có chức năng là tạo dựng sự gắn kết nội bộ, hướng đến sự hòa nhập và giúp doanh nghiệp thích ứng thay đổi môi trường, tạo nên sức mạnh bên trong tập thể, bên trong mỗi cá nhân. Vì vậy để xây dựng văn hóa doanh nghiệp phù hợp với công ty là điều cần thiết. OD CLICK xây dựng mô hình phát triển văn hóa doanh nghiệp như sau:

Hình 1: Mô hình phát triển văn hóa doanh nghiệp

Thấu hiểu thực tế văn hóa doanh nghiệp tại Việt Nam, OD CLICK đề xuất mô hình phát triển VHDN chi tiết như sau:

3. Văn hóa doanh nghiệp được nhìn nhận như thế nào?

Theo quan điểm chuyên gia tại OD CLICK, thực chất văn hóa doanh nghiệp không phải là những gì quá mơ hồ, quá trừu tượng, nó hoàn toàn có thể đo lường được bằng các công cụ, mô hình đánh giá. Các mô hình mà OD CLICK sử dụng trong quá trình khảo sát, phân tích và đánh giá VHDN vừa mang tính tổng thể, khái quát vừa đi vào xem xét từng khía cạnh chi tiết “tính cách” của tổ chức.

3.1 Mô hình 3 cấp độ văn hóa của Edgar Schein

Mô hình của E.Schein tập trung vào 3 cấp độ văn hóa đi từ hữu hình đến vô hình được mô tả theo 3 cấp độ. Theo Schein, văn hóa doanh nghiệp là tập hợp các giá trị, chuẩn mực và niềm tin căn bản được tích lũy trong quá trình doanh nghiệp tương tác với bên ngoài và hòa nhập với môi trường bên trong, các giá trị chuẩn mực này đã được xác lập qua thời gian. E. Schein đã đưa ra cấu trúc văn hóa doanh nghiệp có thể được mô hình hóa thành 3 nhóm cấp độ: Cấu trúc hữu hình; Các giá trị công bố; Các quan niệm ngầm định. Mô hình văn hóa tổ chức của E.Schein cung cấp các điểm tham chiếu để tạo ra sự thay đổi văn hóa, giúp khảo sát đánh giá văn hóa doanh nghiệp mang tính logic, tư duy. Cách đánh giá theo mô hình E. Schein này khá đơn giản và rất dễ thực hiện, phù hợp với doanh nghiệp có ít thời gian và ngân sách dành cho việc tìm hiểu văn hóa tại tổ chức của mình.

Hình 2: Ba mô hình cấu trúc văn hóa doanh nghiệp

3.2 Mô hình cấu trúc văn hóa doanh nghiệp của Hofstede và Mankov (2010)

Quản lý các tổ chức quốc tế liên quan đến sự hiểu biết các nền văn hóa quốc gia và tổ chức. Đây là mô hình được đánh giá cao về sự phân chia, phù hợp với tư duy tổng hợp văn hóa doanh nghiệp và tư duy dân tộc. Chúng là một công cụ giúp chúng ta có cái nhìn tổng quan, hiểu được sự khác biệt về văn hóa và là một cơ sở để phân loại văn hóa quốc gia, hữu ích trong việc giúp nhận thức những khác biệt của nhiều nền văn hóa khi công ty bắt đầu vươn ra quốc tế. Đồng thời xác định điều gì chúng ta kỳ vọng và làm cách nào để hành xử tương ứng với những sự đa dạng văn hóa này.

3.3 Mô hình văn hóa tổ chức của Arthur Carmazzi

Mô hình văn hóa tổ chức Arthur Carmazzi rất phù hợp cho khảo sát doanh nghiệp. Mô hình được thiết kế dựa trên những câu hỏi định tính bám sát với văn hóa doanh nghiệp, mang lại những cái nhìn trực quan cho nhà lãnh đạo giúp quản lý doanh nghiệp tốt hơn. Nội dung chính của mô hình này là khảo sát qua 4 câu hỏi lớn: Khi nhìn vào hệ thống doanh nghiệp thì thấy những gì? Nhìn cơ sở vật chất thì cảm giác như thế nào? Qua những trải nghiệm thì cảm xúc như thế nào? Với hành vi con người thì cảm thấy như thế nào? Thông qua những câu hỏi khái quát và đi sâu vào từng khía cạnh của vấn đề, kết quả khảo sát sẽ cho ra một bức tranh sâu sắc trong việc rà soát thực tế các cấu trức văn hóa và xây dựng hoàn thiện VHDN.

Kết luận: Có thể thấy rằng 3 mô hình mà OD CLICK giới thiệu ở trên là hoàn toàn có căn cứ, bởi mỗi một mô hình có những thế mạnh khác nhau. Mô hình của Edgar Schein thì đánh giá từng cấp độ thay đổi văn hóa một cách logic, Hofstede và Mankov thì giúp ta có cái nhìn tổng quan, Arthur Carmazzi lại giúp ta ta có cái nhìn trực quan, định tính. Mỗi mô hình đánh giá một khía cạnh riêng và có sự bổ sung lẫn nhau. Đánh giá doanh nghiệp dựa trên 3 mô hình trên sẽ giúp có cái nhìn đa chiều để xây dựng văn hóa doanh nghiệp đầy đủ và phù hợp nhất.

4. Đánh giá văn hóa doanh nghiệp

4.1. Tại sao cần phải đánh giá văn hóa doanh nghiệp?

Nhiều người cho rằng văn hóa doanh nghiệp là một tài sản của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp quyết định sự trường tồn của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp giúp giảm xung đột, điều phối và kiểm soát, tạo động lực làm việc, tạo lợi thế cạnh tranh. Đánh giá văn hóa doanh nghiệp giúp rà soát được sự tương thích của văn hóa doanh nghiệp và môi trường kinh doanh.

 Đánh giá văn hóa doanh nghiệp cũng giúp các nhà quản lý, lãnh đạo nắm được nền tảng thông tin quan trọng để đưa ra những giải quyết kịp thời mang đến lợi ích cả trong lẫn ngoài, gia tăng hiệu quả kinh doanh

 Nắm được nhu cầu, mối quan hệ của văn hóa doanh nghiệp từ 3 yếu tố cấu thành tam giác văn hóa đó là giá trị cá nhân, văn hóa định hướng và văn hóa thực tế. Giúp nhà quản trị có thể thu hẹp khoảng cách, hiểu và biết được những mảng tối sáng của văn hóa doanh nghiệp trên từng nhóm văn hóa khác nhau và đưa ra chính sách nhằm giảm thiểu sự xung đột có thể xảy ra.

Đánh giá văn hóa doanh nghiệp theo mô hình đánh giá giúp đo được mọi vấn đề trừu tượng và định tính, giảm bớt sự cảm tính trong đánh giá, nhận xét và tăng sức mạnh quản lý của tổ chức

4.2. Mô hình đánh giá

Mô hình OCAI (Organisational Culture Assessment Instrument) là mô hình đánh giá đang được sử dụng phổ biến trên thế giới. Năm 2011, Quinn và Cameron đã xây dựng bộ công cụ chẩn đoán văn hóa dong nghiệp OCAI. Bộ công cụ này đánh giá 6 yếu tố định hình văn hóa là: Đặc tính nổi bật của văn hóa doanh nghiệp, phong cách lãnh đạo, đặc điểm nhân viên, chất keo gắn kết tổ chức, chiến lược phát triển và tiêu chuẩn xác định thành công. Mô hình này giúp nhà lãnh đạo có thể nhận biết được văn hóa doanh nghiệp đang là loại hình nào, xác định được sự pha trộn bốn loại hình văn hóa đang thống trị trong một tổ chức, từ đó lên kế hoạch điều chỉnh phù hợp để phát triển bền vững.

Hình 3: Hai mô hình đánh giá văn hóa doanh nghiệp

Mô hình đánh giá văn hóa doanh nghiệp Denison 1990 với 4 nhóm yếu tố chính giúp phản ánh rõ nét văn hóa doanh nghiệp bao gồm: Sứ mệnh, tính nhất quán, sự tham gia và khả năng thích ứng.

Đây là một trong những mô hình hữu ích trong việc xác định các yếu tố của văn hoá doanh nghiệp. Sử dụng mô hình Denison chúng ta xác định được các chiều của văn hoá doanh nghiệp và sức ảnh hưởng của chúng đến tính hiệu quả và khả năng cạnh tranh trong tổ chức. Mô hình này cũng chỉ ra rằng văn hoá doanh nghiệp cần phải thể hiện được hai tính chất đó là ổn định trong tầm nhìn, giá trị, sứ mệnh và linh hoạt trong cấu trúc, hoạt động. Văn hoá doanh nghiệp cần phải tập trung vào cả sự thích ứng với môi trường bên ngoài là thích ứng với khách hàng, thị trường, đối thủ cạnh tranh, cũng như sự kết hợp trong nội bộ, làm nhân viên hài lòng. 

Cả hai mô hình đánh giá văn hóa doanh nghiệp nêu trên đều xác định VHDN có nhiều chiều và cấp độ khác nhau, giúp cho doanh nghiệp có thể biết được văn hóa hiện tại của tổ chức và văn hóa mong muốn của nhân viên cũng như những tính chất của VHDN. Từ đó có thể có những điều chỉnh, nắm bắt rõ ràng hơn những thế mạnh hiện tại của doanh nghiệp và lên kế hoạch thay đổi nếu cần.

5. NHỮNG HÀM Ý VÀ BÀI HỌC RÚT RA – OD CLICK ĐỀ XUẤT

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp là vô cùng quan trọng và cần thiết đối với quản trị doanh nghiệp. Nó là một quá trình tổng thể chứ không phải là việc đưa ra một giá trị đơn lẻ rời rạc, đòi hỏi sự nỗ lực của tất cả các thành viên, đồng thời là những quyết định đúng đắn từ ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp thành lập dưới 10 năm chỉ cần bám theo các mô hình xây dựng văn hóa doanh nghiệp trên để phát triển doanh nghiệp, lấy các mô hình làm nền tảng cho việc xây dựng chính sách quản trị nhất quán với văn hóa doanh nghiệp.

Doanh nghiệp thành lập trên 10 năm, văn hóa doanh nghiệp đã được định hình nên cần đánh giá, nâng cao và phát triển văn hóa doanh nghiệp để cạnh tranh với các doanh nghiệp khác. Do đó cần phải có những đánh giá khách quan bằng các công cụ khoa học hỗ trợ, đặc biệt cần có sự tham gia phân tích và nhận định khách quan từ quan điểm, tri thức của các chuyên gia tư vấn.

Khi doanh nghiệp có văn hóa mạnh đồng nghĩa với lợi nhuận của doanh nghiệp đó sẽ cao vượt trội, vì văn hóa là một vấn đề tổng thể, chi phối đến mọi khía cạnh của tổ chức. Cải thiện văn hóa doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.

Với những nhận định và mô hình xây dựng văn hóa doanh nghiệp trên, OD CLICK với sứ mệnh khơi dậy tiềm năng, giá trị, sức sáng tạo của các nhà lãnh đạo và tổ chức, vì sự phát triển bền vững, chúng tôi mong muốn sát cánh với các doanh nghiệp xây dựng văn hóa doanh nghiệp mạnh và bền vững, thành công.

Bài viết thuộc bản quyền của công ty tư vấn OD CLICK.

 

Nguồn tài liệu: 

https://ancoric.com/mo-hinh-van-hoa-doanh-nghiep-denison.html

http://bluec.vn/van-hoa-doanh-nghiep-luong-va-xac-dinh-bang-cach-nao.html

https://www.pinterest.com/pin/466263367644194948/?lp=true

https://www.forbes.com/sites/alankohll/2018/08/14/how-to-build-a-positive-company-culture/#42539a849b5b

error: Nội dung đã khóa !!