Trong cuộc cách mạng 4.0, chuyển đổi số các tác động rất lớn đến tất cả các ngành nghề, lĩnh vực và doanh nghiệp hoạt động trên thị trường. Ngành bán lẻ được coi là một trong những ngành được tác động mạnh mẽ nhất. Sự tác động này làm thay đổi toàn diện, tạo ra cơ hội phát triển của nhiều doanh nghiệp, nhưng cũng làm sụp đổ nhiều doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này. Chuyển đổi số tạo ra một cuộc đua cạnh tranh khốc liệt hơn bao giờ hết từ trước đến nay. Xu hướng chuyển đổi ngành bán lẻ trong thời kỳ chuyển đổi số là gì? Hãy cùng theo dõi nội dung dưới đây:
Định nghĩa về chuyển đổi số trong bán lẻ
Theo bà Nikki Baird, phó chủ tịch về Đổi mới bán lẻ (VP, Retail Innovation) của Aptos chia sẻ trên tạp chí Forbes, định nghĩa về chuyển đổi số trong bán lẻ như sau:
“Chuyển dịch số trong bán lẻ là chuyển dịch từ mô hình kinh doanh tập trung vào sản phẩm theo chuỗi cung ứng (Supply chain) sang tập trung vào khách hàng, dựa trên dữ liệu theo chuỗi kỹ thuật số (digital value chain)”.
Sự phát triển của ngành bán lẻ trực tuyến
Cách đây 15 năm, khi thế giới đã xuất hiện những “ông lớn” về thương mại điện tử như Amazon, Alibaba ở 2 thị trường Mỹ và Trung Quốc, khái niệm này vẫn còn khá mới mẻ ở Việt Nam. Người Việt Nam còn rất mơ hồ và hoài nghi về việc mua sắm một món đồ mà mình không trực tiếp được kiểm tra, đánh giá mẫu mã, chất lượng và cũng không có mối liên hệ nào với những người bán hàng trên mạng Internet.
Hiện nay, trong bối cảnh có tới 64 triệu người dùng Internet tại Việt Nam, sự phát triển của thương mại điện tử cùng với xu hướng tập trung vào khách hàng đã thúc đẩy thị trường bán lẻ trực tuyến phát triển không ngừng. Điều này đã tạo điều kiện cho sự ra đời của hàng loạt những nền tảng mua sắm trực tuyến như Lazada, Shopee, Tiki hay Sendo.
4 xu hướng chuyển đổi số ngành bán lẻ năm 2019
Sự thay đổi mạnh mẽ của công nghệ số đã tạo ra những xu hướng làm thay đổi nhận thức và thói quen của người tiêu dùng. Có 4 xu hướng nổi bật trong ngành bán lẻ năm 2019 là:
- Cải tiến đa kênh (Omnichennel Improvements): Nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng ngày càng tăng cao. Những nhà cung cấp cũng tận dụng triệt để sự phát triển của công nghệ để nắm bắt nhu cầu của khách hàng. Người tiêu dùng hiện nay có thể đặt hàng qua nhiều kênh khác nhau như: Website, các trang mạng xã hội, các ứng dụng. Và người tiêu dùng có thể nhận được sản phẩm bằng nhiều hình thức khác nhau mà không cần đến trực tiếp cửa hàng. Sự phát triển đa kênh giúp sự lưu thông hàng hóa trở nên dễ dàng và với phạm vi toàn cầu.
- Điện toán nhận thức (Cognitive Computing): Xu hướng này được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo (Al)/ chatbot hoặc robot hỗ trợ khách hàng. Thực tế điện toán nhận thức đã được ứng dụng trong một số lĩnh vực, một số thương hiệu bán lẻ hàng đầu trên thế giới như Amazon. Xu hướng này sẽ tiếp tục tăng trưởng theo cấp số nhân trong những năm tiếp theo. Các công ty khai thác tốt sẽ vươn lên dẫn dắt thị trường.
- Đèn phát tín hiệu thông minh (Smart Beacons): Xu hướng xuất hiện cách đây khoảng 4-5 năm là đèn phát tín hiệu thông minh (Smart Beacon) hay đèn hiệu thông minh. Beacon là thiết bị điện tử nhỏ phát ra tín hiệu bluetooth năng lượng thấp(Bluetooth Low Energy, viết tắt là BLE). Bất kỳ thiết bị nào có công nghệ BLE đều có thể bắt được tín hiệu này, như điện thoại thông minh và máy tính bảng. Ứng dụng này được ứng dụng trong quảng cáo và tương tác hai chiều mang lại hiệu quả cao cho doanh nghiệp sử dụng trong ngành bán lẻ, bảo tàng và hội chợ nghệ thuật.
- Thanh toán không tiền/ không thẻ (Cashless/ Cardless Checkouts): Sự phát triển của công nghệ giúp việc thanh toán nhanh chóng và dễ dàng hơn rất nhiều. Người tiêu dùng đến các trung tâm thương mại không cần phải mang theo tiền mặt, thậm chí không phải dùng đến thẻ ngân hàng. Chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh cũng có thể làm những thao tác chuyển tiền rất nhanh gọn và tiện lợi.
Kết luận
Sự phát triển của công nghệ đã mang lại những lợi ích to lớn đối với thị trường và người tiêu dùng. Những doanh nghiệp tham gia ngành bán lẻ sẽ có rất nhiều cơ hội để phát triển, nhưng cũng gặp không ít rủi ro nếu không làm chủ được công nghệ, không tìm hiểu kỹ thị trường và đối thủ cạnh tranh. Để nắm bắt được cơ hội do thị trường tạo ra, không phải cứ đổ nhiều tiền vào hoạt động quảng cáo, marketing hay mua những công nghệ hiện đại là sẽ thành công. Nếu có thành công thì cũng chỉ trong ngắn hạn. Muốn tồn tại và phát triển dẫn đầu thị trường thì nền tảng quan trọng vẫn là quản trị tốt tổ chức, phát triển đội ngũ nhân lực, cùng với một chiến lược kinh doanh hiệu quả.
Nguồn tham khảo: