LÃNH ĐẠO TRONG THẾ GIỚI BIẾN ĐỘNG
Để tìm lời đáp cho câu hỏi điều gì làm nên một nhà lãnh đạo xuất sắc, nhiều nghiên cứu trên khắp thế giới đã được thực hiện. Một công trình được phát triển bởi bốn giảng viên của Đại học MIT (Deborah Ancona, Wanda Orlikowski, Peter Senge và Tom Malone) đã khái quát hóa năm nhân tố trong phong cách quan trọng nhất quyết định hiệu quả lãnh đạo. Mô hình nghiên cứu này coi lãnh đạo là một năng lực mà cả cá nhân và đội nhóm có được.
Có ba giả định cốt lõi mà các nhà nghiên cứu thừa nhận, đó là:
Lãnh đạo ở nhiều cấp độ. Đó là, lãnh đạo không chỉ là mục đích của CEO, mà còn có thể và sẽ truyền tới tất cả các cấp độ của công ty (Peter Senge, “Leading Learning Organizations: The Bold, the Powerful, and the Invisible,” trong Frances Hesselbein, Nhà lãnh đạo của tương lai, Jossey-Bass, 1996).
Lãnh đạo mang tính cá nhân và phát triển. Không có cách duy nhất để lãnh đạo. Cách tốt nhất để tạo ra thay đổi là làm việc với các năng lực cụ thể mà bạn có, trong khi liên tục làm việc để cải thiện và phát triển các khả năng đó.
Lãnh đạo là một quá trình để tạo ra sự thay đổi. Lãnh đạo là thúc đẩy các hoạt động diễn ra trong nhiều bối cảnh. Các nhà lãnh đạo có thể tạo ra sự thay đổi bằng cách đóng vai trò trung tâm trong quá trình thay đổi thực tế hoặc bằng cách tạo ra một môi trường trong đó những người khác được trao quyền hành động. Năng lực lãnh đạo phát triển theo thời gian. Thông qua thực hành, phản hồi và mở rộng kiến thức mà chúng ta nâng cao được khả năng lãnh đạo.
Mô hình lãnh đạo trong thế giới biến động
Mô hình bao gồm bốn năng lực lãnh đạo quan trọng: Nhận thức, Kết nối, Tầm nhìn và Phát minh. Bổ sung cho các năng lực này là dấu hiệu và phương pháp thay đổi của riêng bạn. Các nhà lãnh đạo trong các thiết lập kinh doanh cần tất cả những năng lực này để thành công và phải sử dụng linh hoạt, liên tục và nâng cao.
1. Nhận thức (Sensemaking)
Các nhà lãnh đạo hiệu quả nhận thức sâu sắc về những gì đang diễn ra trong thế giới hỗn loạn này. Họ biết cách theo sát nhịp đập của thế giới bên ngoài. Họ nhận ra rằng các phương pháp mới, tốt hơn có thể đến từ người ngoài. Những nhà lãnh đạo này không chỉ săn lùng thông tin mới, mà còn liên kết và nhận thức rõ bước tiếp theo nên làm là gì.
Ở một mức độ nào đó, khả năng nhận thức đối nghịch với tư duy lối mòn. Satya Nadella, Giám đốc điều hành của Microsoft, một độc giả cực kỳ tích cực và tham gia các khóa học trực tuyến, là một ví dụ tuyệt vời về một nhà lãnh đạo có khả năng nhận thức về thế giới.
Tuy nhiên, không phải ai và lúc nào chúng ta cũng có thể nhận thức rõ ràng về thế giới bên ngoài. Một số chú ý giúp lãnh đạo có được nhận thức tốt hơn, bao gồm:
- Tìm kiếm nhiều loại và nguồn dữ liệu;
- Lôi kéo người khác vào quá trình nhận thức của bạn;
- Không giữ một mô hình tư duy cũ cho mọi tình huống;
- Vượt ra ngoài khuôn mẫu;
- Học hỏi từ những trải nghiệm nhỏ;
- Sử dụng hình ảnh, ẩn dụ hoặc câu chuyện để cố gắng nắm bắt và truyền đạt các yếu tố quan trọng trên bức tranh của bạn.
2. Kết nối
Kết nối là khả năng phát triển các mối quan hệ quan trọng cả trong và ngoài tổ chức. Bạn có đồng cảm với những người khác về cảm xúc không? Bạn có phải là chuyên gia gây ảnh hưởng và đàm phán? Bạn có thích huấn luyện?
Khả năng kết nối của lãnh đạo là chất keo giúp các thành viên kết nối với nhau. Để làm được điều đó, trước tiên, bạn cần biết cách lắng nghe và chia sẻ. Trong thế giới phức tạp này, lãnh đạo chỉ huy và kiểm soát không còn được coi là hiệu quả. Một ví dụ về một nhà lãnh đạo xuất sắc đã nhận ra sự cần thiết phải kết nối mọi người để đạt được sự chuyển đổi và ý nghĩa với tổ chức là Eileen Fisher, người sáng lập thương hiệu quần áo nữ cùng tên.
Tất nhiên, nỗ lực gắn kết mọi người của bạn sẽ gặp phải sự phản đối, bất hợp tác và mâu thuẫn của một số người thay vì niềm tin và hòa hợp. Thấu hiểu và hành động là hai từ khóa được đưa ra để giúp lãnh đạo có thể giải quyết các xung đột. Thấu hiểu là khả năng lắng nghe và hiểu những gì người khác đang suy nghĩ, cảm nhận. Điều này cũng đòi hỏi đặt mình vào vị trí của người khác, ngừng phán xét và áp đặt để thực sự hiểu ý nghĩa hành động của họ. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa lãnh đạo từ bỏ quan điểm và lập trường của mình. Hành động là việc bạn đứng lên và gây ảnh hưởng. Tiếp đó, sự kết nối tạo mối quan hệ hợp tác chính là mấu chốt của nhà lãnh đạo thời điểm này.
Một số phương pháp để kết nối hiệu quả, bao gồm:
- Hiểu quan điểm của những người khác trong tổ chức và giữ quan điểm sáng suốt trong khi lắng nghe họ;
- Khuyến khích mọi người nói lên ý kiến của mình;
- Rõ ràng về lập trường của bạn và làm thế nào bạn đạt được nó;
- Suy nghĩ về cách người khác có thể phản ứng với ý tưởng của bạn và cách bạn có thể giải thích nó tốt nhất cho họ;
- Suy nghĩ về các kết nối của bạn.
3. Có tầm nhìn (Visioning)
Tầm nhìn rất quan trọng vì nó tạo động lực cho mọi người từ bỏ quan điểm và cách làm việc hiện tại của họ để thay đổi. Nó trả lời câu hỏi tại sao lại làm điều này? Các nhà lãnh đạo hiệu quả thường sử dụng hình ảnh, ẩn dụ và câu chuyện để thu phục mọi người. Họ cũng có thể liên kết tầm nhìn của họ với một giá trị và sứ mệnh cốt lõi của tổ chức, truyền đạt sự lạc quan trong quá trình này.
Lời khuyên cho tầm nhìn hiệu quả là:
- Phát triển tầm nhìn về những gì đó kích thích hoặc quan trọng vớ tổ chức;
- Sử dụng các câu chuyện, phép ẩn dụ và các ý tưởng để tạo nên một bức tranh sống động về những gì sẽ đạt được;
- Chỉ ra cho đội ngũ rằng họ có các năng lực cần thiết để hiện thực hóa tầm nhìn;
4. Phát minh (Inventing)
Sáng tạo là việc bạn nghĩ ra cách đưa tầm nhìn vào cuộc sống, thông qua các cấu trúc hoặc quy trình. Phát minh cho phép những ý tưởng trừu tượng thành hiện thực. Các nhà lãnh đạo có kỹ năng phát minh mạnh mẽ là các chuyên gia sắp xếp lại cách thức thực hiện công việc, xác định các chỉ số hiệu suất chính và đo lường tiến độ. Là những người giữ cho các đoàn tàu chạy đúng đường, họ không sợ đưa ra quyết định khó khăn khi thực tế yêu cầu. Đồng thời, các nhà lãnh đạo như vậy tạo ra một văn hóa học tập trong công ty.
Các lời khuyên cho việc này là:
- Duy trì sự tập trung vào việc cải thiện cách mọi người làm việc cùng nhau trong nhóm và tổ chức của bạn;
- Khi một nhiệm vụ mới hoặc thay đổi xuất hiện, hãy suy nghĩ về cách nó sẽ được thực hiện – ai sẽ làm gì, khi nào và trong phạm vi nào;
- Tìm kiếm các cách mới khác nhau để mọi người làm việc với nhau, tổ chức tương tác nội bộ và liên kết giữa các nhóm khác nhau;
- Liên kết giữa nhận thức và phát minh.
Bốn năng lực trên có sự liên quan, bổ sung chặt chẽ cho nhau. Nếu không có phát minh, tầm nhìn có thể vẫn là những giấc mơ không bao giờ được thực hiện. Phát minh mà không có ý thức rõ ràng về tình hình hiện tại và đích đến có thể dẫn đến hỗn loạn. Mọi người muốn biết rằng họ đang hoạt động với một nhận thức thực tế, không phải là một tư duy lỗi thời hoặc viển vông. Họ cũng muốn biết rằng họ đang làm việc cho một điều quan trọng. Cuối cùng, trong khi tầm nhìn và các cấu trúc mới có thể dẫn đến hoạt động tuyệt vời, mà không có một cam kết cùng nhau hướng tới mục tiêu, không thành công nào có thể tồn tại lâu.
Trong mô hình năng lực lãnh đạo ở bài viết này, một yếu tố trọng tâm chúng tôi muốn nhắc tới là Xây dựng uy tín lãnh đạo. Năng lực này là điều kiện cũng như kết quả của bốn năng lực trên. Các nhà lãnh đạo đạt được sự tôn trọng từ người khác bằng cách giữ các cam kết và làm việc với ý thức mạnh mẽ về mục đích chung. Họ giao tiếp, lắng nghe và hành động phù hợp với lời nói của họ.
Tài liệu tham khảo:
https://knowledge.insead.edu/leadership-organisations/the-five-key-capabilities-of-effective-leadership-10441?fbclid=IwAR1ABoZ7e49mpGKcc45S9DyUUJsDkx9y8kFycJtpR6zzl9a9nc56JrhvDOU
https://www.globalspeechnetworks.com.au/2012/05/08/company-culture-engage-enable-energise/?fbclid=IwAR0a1VQDTqauzg2htK8pv28Y6ZJKN02u2GmJ_ZD4h0jDT78zfMxVeoUtmzI
Peter Senge, “Leading Learning Organizations: The Bold, the Powerful, and the Invisible,” trong Frances Hesselbein, Nhà lãnh đạo của tương lai, Jossey-Bass, 1996