QUAN ĐIỂM MỚI VỀ LỢI THẾ CẠNH TRANH
Trong bối cảnh nền kinh tế đầy sôi động và thách thức như hiện nay, làm sao để duy trì hoạt động, để đứng vững trên thị trường là một câu hỏi khó luôn khiến các nhà quản lý phải băn khoăn trăn trở. Với tình hình ấy, việc các doanh nghiệp xác định và phát huy lợi thế cạnh tranh của mình so với các đối thủ là vô cùng cần thiết. Không thể phủ nhận rằng lợi thế cạnh tranh muốn bền vững phải xuất phát từ năng lực bên trong của doanh nghiệp, lợi thế này phải đảm bảo khác biệt, khó bị bắt chước bởi các đối thủ khác.
LỢI THẾ CẠNH TRANH CỦA MICHAEL PORTER CÒN PHÙ HỢP?
Chúng ta đều đã quen với hai loại lợi thế cạnh tranh cơ bản được Michael Porter chỉ ra là lợi thế về chi phí và lợi thế về khác biệt. Đó là khi một doanh nghiệp có thể mang lại lợi ích tương tự nhưng ở một mức chi phí thấp hơn so với đối thủ hoặc mang lại những lợi ích vượt xa so với các đối thủ cạnh tranh. Như vậy, việc tạo ra lợi thế cạnh tranh đồng nghĩa với việc tạo ra giá trị lợi ích cao hơn cho khách hàng, đồng thời cũng tạo ra lợi nhuận cao hơn cho công ty. Michael Porter cho rằng, việc tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững, nghĩa là liên tục cung cấp cho thị trường một giá trị đặc biệt mà không đối thủ nào có được là cần thiết.
Tuy nhiên, ở điều kiện thị trường liên tục thay đổi như hiện nay, việc tạo ra một lợi thế cạnh tranh bền vững và chỉ tập trung vào nó với hy vọng tạo ra lợi ích không còn phù hợp. Các đối thủ có thể dễ dàng tái định vị hoặc sao chép ý tưởng một cách nhanh chóng. Để tránh việc này, các doanh nghiệp cần phải có những chiến lược dài hơi trong việc đẩy mạnh lợi thế cạnh tranh nhằm giữ vững được vị thế trên thị trường.
QUAN ĐIỂM MỚI CỦA MIHAI IONESCU
Cùng với sự phát triển của thị trường, giám đốc chiến lược Mihai Ionescu đã đưa ra một quan điểm mới hơn về quy trình lợi thế cạnh tranh. Quan điểm này được xây dựng dựa trên hai khuôn khổ “Ba mức độ tăng trưởng” và “Danh mục các sáng kiến” được các nhà lãnh đạo chiến lược của MCKinsey tạo ra trước đó.
Mô hình Ba mức độ tăng trưởng của McKensey
Mihai đã nhận thấy rằng, điều quan trọng và cần thiết nhất đối với một doanh nghiệp là làm sao để làm hài lòng nhu cầu khách hàng, nhu cầu này lại luôn luôn thay đổi, do đó, doanh nghiệp không thể nào cứ chỉ tập trung mãi vào một lợi thế của mình. Theo quy trình Mihai Ionescu đề xuất, doanh nghiệp cần tập trung vào 4 giai đoạn:
– Đầu tiên, tập trung vào chiến lược hiện tại:
Khi bắt đầu xây dựng hoặc củng cố lợi thế cạnh tranh, các doanh nghiệp cần tập trung vào việc thu hẹp khoảng cách giữa tiềm năng mà doanh nghiệp hiện có với những yêu cầu cần thiết cho việc đưa ra chiến lược cạnh tranh.
– Giai đoạn hai, mở rộng chiến lược:
Trong điều kiện thị trường không ngừng thay đổi, hơn nữa các đối thủ cũng hoàn toàn có thể nhận ra được các lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, nên cần phải nhận thức rõ ràng rằng lợi thế cạnh tranh chỉ là tạm thời. Do vậy, khi doanh nghiệp có thể tiếp cận với mục đích chiến lược đã đặt ra, ngay lập tức cần tiến hành mở rộng và xác định được một lợi thế và mục tiêu mới để sẵn sàng thay đổi với thị trường.
– Giai đoạn ba, tập trung vào chiến lược mới:
Ngay khi thay đổi lợi thế và đề ra được chiến lược mới, doanh nghiệp cần phải phân bổ lại các nguồn lực của mình để nhanh chóng lấp đầy các khoảng cách trong chiến lược mới.
– Giai đoạn cuối cùng, củng cố chiến lược:
Sau khi áp dụng một chiến lược cho lợi thế cạnh tranh mới, doanh nghiệp cần ngay lập tức củng cố và phát triển nó, đồng thời cũng nghiên cứu để xác định mục đích và nghiên cứu lợi thế mới. Tuy nhiên không chỉ là việc liên tục tìm kiếm và thay thế các lợi thế và chiến lược, doanh nghiệp cần phải nhìn xa hơn cho sự phát triển trong tương lai, cần phải dò xét và đánh giá cả những cơ hội và thách thức có thể sẽ gặp phải trong môi trường kinh doanh. Các bước thực hiện được mô hình hóa như sau:
Sau khi trải qua tất cả các quá trình trên, tiếp đến là việc hình thành quy trình của lợi thế cạnh tranh. Trong suốt quá trình này, trọng tâm chiến lược thay đổi và doanh nghiệp cũng cần liên tục thu nhỏ các chuỗi khoảng cách để đạt được những mục đích chiến lược đã nhắm đến.
Có thể thấy, trái ngược với việc tập trung vào sự bền vững và duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường như tư tưởng của Michael Porter, quan điểm này lại tập trung vào tư duy phát triển và đổi mới liên tục.
Để sống sót trong nền kinh tế đầy thử thách này, việc tạo ra các lợi thế cạnh tranh và chiến lược là cực kỳ cần thiết. Tuy nhiên việc xác định một chiến lược bền vững và ổn định lại không phù hợp trong điều kiện xã hội luôn thay đổi. Do đó, các doanh nghiệp nên xây dựng những mô hình chiến lược dễ dàng thay đổi và thích ứng cho những mục đích phát triển lâu dài như quy trình xu thế cạnh tranh.
Nguồn tham khảo: https://www.mckinsey.com/business-functions/strategy-and-corporate-finance/our-insights/enduring-ideas-the-three-horizons-of-growth#