CÁCH MẠNG NỀN TẢNG NUỐT CHỬNG THẾ GIỚI

 

Mãi tới ngày hôm nay phần lớn giới kinh doanh mới bắt đầu thảo luận, nghiên cứu về cuộc cách mạng “nền tảng”. Trong lúc đó, một số khác đã từ vô danh trở thành số một thế giới, từ khi số đông còn chưa bận tâm “nền tảng” là gì hay thậm chí, chưa tiềm cận đến khái niệm này!

Những kẻ thống lĩnh nhờ vào mô hình nền tảng

Nhờ sự phát triển vượt bậc của mình, nhiều tổ chức nổi lên trên toàn cầu với sự khác biệt về các giá trị con người, công nghệ, văn hóa,… Hầu hết mọi người biết đến sức ảnh hưởng to lớn của họ, doanh thu khủng họ thu về mỗi năm, thậm chí là quá trình phát triển hay lịch sử hình thành của họ. Nhưng, đâu là nguyên nhân cốt lõi chi phối cho những thành công rực rỡ ấy? Điều gì tạo nên sức mạnh để họ có thể vượt xa những đối thủ cùng ngành đã có thâm niên và kinh nghiệm, cùng tiềm lực tài chính và các nguồn lực khác lớn hơn họ cả nghìn lần?

Chúng ta không phủ nhận xây dựng nên thành công là cả một hệ thống các giá trị, song, một yếu tố quan trọng dẫn đường cho những gì họ đạt được, chính là “Mô hình Nền tảng”.

Một số khái niệm xoay quanh nền tảng

  • Nền tảng

Nền tảng đề cập đến sự kết nối mà đặc trưng của nó là một hệ thống mạng lưới các điểm nút tương tác với nhau. Mỗi nền tảng là một hệ thống cung cấp các tính năng kết nối và các dịch vụ, được vận hành thông qua mạng lưới để cung cấp tới các nút mạng.

Nền tảng là một giao dịch dựa trên việc kích hoạt sự tương tác, tạo nên giá trị giữa các nhà sản xuất bên ngoài và người tiêu dùng.

Nền tảng cung cấp một cơ cấu hạ tầng mở và có tính hỗ trợ cho những tương tác này và thiết lập các trạng thái điều hành cho chúng.

Nền tảng xuất hiện với mục đích tạo tương thích hoàn toàn giữa người dùng và nhà cung cấp, tạo sự thuận lợi tối đa trong việc trao đổi hàng hóa, dịch vụ hoặc tiền tệ xã hội, qua đó kích hoạt việc tạo ra giá trị lớn hơn cho tất cả người tham gia.

  • Mô hình nền tảng

Mô hình nền tảng, hiểu theo cách đơn giản là tạo ra một nơi mà ở đó các nhà sản xuất và người dùng có thể cùng đến để tương tác với nhau và tạo ra giá trị cho cả đôi bên.

Mô hình nền tảng được xây dựng trên cơ chế của nền kinh tế sẻ chia: biến sự mở rộng của hệ thống hay sự gia tăng số lượng người dùng trở thành giá trị của tổ chức.

Ví dụ, một chiếc điện thoại, dù hội tụ bao nhiêu hàm lượng công nghệ, vẫn là vô nghĩa. Giá trị của nó chỉ tăng lên khi số người sử dụng nó ngày càng tăng lên.

  • Cuộc cách mạng nền tảng

Nền tảng đi cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin giúp hình thành nền tảng số (digital platform), mỗi người, mỗi vật trở thành các điểm nút của rất nhiều mạng lưới kết nối, là các mắt xích của Internet vạn vật. Thế giới được vận hành qua các nền tảng và đa nền tảng (cross platform).

Việc diễn ra trên một phạm vi sâu và rộng với tốc độ xâm nhập mạnh đã nhanh chóng hình thành nên cuộc cách mạng nền tảng trên toàn thế giới.

Bất kỳ lĩnh vực nào mà trong đó thông tin là một thành phần quan trọng thì đều sẽ trở thành nơi bùng nổ cho cuộc cách mạnh nền tảng.

Cách thức cuộc cách mạng nền tảng “nuốt chửng” thế giới

Sự chuyển đổi từ “Mô hình ống” sang “Mô hình nền tảng”

Mô hình nền tảng với ma trận giá trị đa chiều dễ dàng thể hiện ưu thế nổi bật hơn, dần thay thế mô hình đường ống truyền thống chi phối bởi các chuỗi giá trị tuyến tính.

Dù hệ thống “mô hình ống” với dòng chảy từ bên này sang bên kia của đường ống (nhà cung cấp – nhà sản xuất – nhà phân phối – người tiêu dùng), là một sự “đột phá” trong ngành công nghiệp, đã được duy trì trong nhiều thập kỷ và tiếp tục đang được sử dụng bởi nhiều doanh nghiệp. Song, ở thời đại này, khi con người không chỉ mong muốn tạo ra giá trị mà phải là tạo-ra-giá-trị-cao-nhất, nó không còn là lựa chọn tốt nhất nữa. Biểu hiện rõ ràng rằng, mô hình nền tảng đang giành chiến thắng hầu như trong mọi cuộc đấu.

Từ cơ chế “Người gác cổng” đến “Tận dụng các tín hiệu thì trường”

Mô hình ống với việc sử dụng người gác cổng không mang lại sự tối ưu trong việc mang giá trị của nhà sản xuất đến người tiêu dùng.

Trong ngành xuất bản, “người gác cổng” là những biên tập viên. Họ tiếp nhận nguồn đầu vào, sau đó phân tích, nghiên cứu, dự đoán, lựa chọn những sản phẩm để đưa ra thị trường, với mục đích tiềm cận tối đa với thị hiếu người tiêu dùng. Thay vào đó thì Kindle, một nền tảng sách chia sẻ, cho phép bất kỳ người xuất bản nào đưa sản phẩm ra “thị trường” và để chính người tiêu dùng làm thay công việc của các biên tập viên, chọn ra sản phẩm đáp ứng thị hiếu của chính họ. Như vậy, họ có thể rút ngắn thời gian, tiết kiệm nguồn lực và tăng tính hiệu quả. Ứng dụng được tính năng này ở Việt Nam chưa có nhiều, nhưng chúng ta có thể nhìn vào điển hình là sự phát triển của Zing MP3 hay TopCv.

Mở ra các nguồn cung mới

Từ phát hiện mọi thứ nằm yên nhàn rỗi trong hầu hết thời gian, nền tảng mở ra tiềm lực vô hạn của nền kinh tế, phá vỡ môi trường cạnh tranh truyền thống bằng cách kết nối nguồn cung mới cho thị trường.

Với mô hình nền tảng, bản chất nguồn cung sẽ thay đổi, hướng tới khai thác các khoản đóng góp từ chính cộng đồng sử dụng, biến một số nguồn cầu trở thành nguồn cung. Như Airbnb đã biến “bất động sản” của khách hàng thành nguồn vốn của mình, còn Youtube đã để chính người dùng tạo ra tài nguyên cho họ.

Chìa khóa là tổ chức có thể “bán” cả những thứ không-phải-của-chính-họ, phá vỡ sự hạn chế về nguồn cung, vươn lên và tăng trưởng với một tốc độ “bứt phá”.

Sau sự xuất hiện của Uber, Grab trên thị trường Việt, các Start-up Việt cũng học hỏi theo mô hình của họ tung ra thị trường. Tuy nhiên thì, sự áp dụng của doanh nghiệp Việt còn mang tính “rập khuôn” cao, chưa có nhiều sự sáng tạo và phát triển về năng lực quản lý.

Tạo ra các vòng lặp phản hồi cộng đồng

Nếu như các công ty dựa trên mô hình ống phụ thuộc vào cơ chế kiểm soát thì mô hình nền tảng, với việc sử dụng công cụ và dữ liệu tự tạo ra các vòng lặp phản hồi cộng đồng. Người dùng Kindle tự quyết định độ phổ biến của sách bằng các đánh giá; khách hàng của Airbnb tự đánh giá sự thu hút và tiện ích dịch vụ của các địa điểm được cung cấp trên chính hệ thống này.

Số lượng người dùng lớn và hệ thống thông tin, dữ liệu đa dạng, tập hợp trong mô hình nền tảng thúc đẩy người dùng đóng góp từ bên ngoài, tạo ra giá trị cao hơn cho chính họ và cho tổ chức. Jamja, Ybox hay TopCV dù đều là các doanh nghiệp trẻ nhưng cũng đã tận dụng được sức mạnh của vòng lặp phản hồi để gia tăng sức mạnh cho đội ngũ của mình. Đây là một tín hiệu tích cực từ phía doanh nghiệp Việt khi áp dụng mô hình nền tảng và tận dụng được lợi ích từ chúng.

Kết luận

Như vậy, rõ ràng rằng, mô hình nền tảng đã, đang và sẽ là con đường phải đi của các doanh nghiệp. Một bộ phận lớn doanh nghiệp Việt mới chỉ đang chập chững bước chân ở “ngưỡng cửa” của cuộc cách mạng nền tảng; một số nhỏ đã gia nhập nhưng những mô hình chưa thật sự đột phá, đa phần là học hỏi từ những tổ chức đã thành công trước đó; trở thành người đến sau họ và khó có thể dẫn đầu.

Vậy, trước khi thay đổi, động lực nào thúc đẩy doanh nghiệp Việt “dấn thân”? Đó là lợi ích mà mô hình nền tảng đem lại cho doanh nghiệp. OD CLICK sẽ tiếp tục đem đến cho các bạn những thông tin sâu về vấn đề này trong bài viết về “Mô hình nền tảng” tiếp theo!

 

Nguồn tham khảo:

  1. Platform Revolution – Geoffrey G. Parker, Marshall W. Van Alstyne, Sangeet Paul Choudary
  2. Tom Goodwin, Phó Giám đốc Chiến lược tại Havas Media

One thought on “CÁCH MẠNG NỀN TẢNG NUỐT CHỬNG THẾ GIỚI

  1. Pingback: SỨC MẠNH CỦA MÔ HÌNH NỀN TẢNG VỚI DOANH NGHIỆP - Công ty TNHH Tư vấn Quản lý OD Click

Leave a Reply

error: Nội dung đã khóa !!