TỔNG QUAN NGÀNH CÔNG NGHỆ THÔNG TIN (CNTT)

Trong vài năm trở lại đây, CNTT luôn là ngành có tốc độ phát triển nhanh và ấn tượng tại Việt Nam, đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng GDP và được xác định trở thành một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn thúc đẩy kinh tế phát triển trong thời gian tới. 

Không chỉ có vậy, sự phát triển của ngành CNTT đã giúp chúng ta có thể giải quyết một khối lượng công việc khổng lồ mỗi ngày và cũng không thể phủ nhận vai trò của CNTT trong việc quản trị, điều hành và duy trì các hoạt động kinh doanh tại các doanh nghiệp. Điều này đã mở ra cho các doanh nghiệp CNTT cơ hội lớn phát triển cả về quy mô lẫn thị phần trong nước và cả thị trường quốc tế cũng sẽ mang lại nguồn thu lớn cho doanh nghiệp.

Theo Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến tháng 6/2020, số lượng doanh nghiệp CNTT, điện tử viễn thông (cả doanh nghiệp nội địa và nhà đầu tư nước ngoài – FDI) là khoảng 45.500 doanh nghiệp. Tổng doanh thu công nghiệp CNTT, điện tử, viễn thông (cả nội địa và FDI) trong 6 tháng đầu năm nay ước đạt gần 50 tỷ USD, tăng trưởng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy có thể thấy, mặc dù cũng chịu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 như nhiều ngành nghề khác, nhưng nếu biết tận dụng, ngành công nghệ thông tin có thể biến thách thức thành cơ hội khi đại dịch này có thể tạo ra nhận thức mới cho toàn xã hội. 

                                    (Nguồn: Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông)

VAI TRÒ CỦA LÃNH ĐẠO TẠI CÁC DOANH NGHIỆP CNTT

Trong bất cứ tổ chức nào, nhà lãnh đạo cũng giữ vai trò quan trọng, quyết định sự thành bại của tổ chức. Thế giới đang trong quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ, vai trò của các nhà lãnh đạo tại các doanh nghiệp CNTT lại càng quan trọng hơn. 

Thứ nhất, lãnh đạo có vai trò hoạch định chiến lược. Việc xây dựng tầm nhìn và mục tiêu cho một doanh nghiệp trong thời đại kỹ thuật số không đòi hỏi quá nhiều chuyên môn sâu, nhưng để có một chiến lược hợp lý phù hợp với môi trường đầy biến động hiện nay, các nhà lãnh đạo tại các doanh nghiệp CNTT ngoài kiến thức kỹ thuật còn cần có sự nhạy bén để hiểu thị trường đang thay đổi như thế nào, chiến lược nào là cần thiết và hợp lý cho doanh nghiệp của mình.

Thứ hai, là những người kiến tạo ra các hệ thống công cụ CNTT. Công nghệ thông tin là nền tảng của doanh nghiệp hiện đại. Tuỳ theo quy mô và loại hình kinh doanh của các doanh nghiệp mà hệ thống CNTT ở các đơn vị sẽ khác nhau. Tuy vậy, một hệ thống CNTT hiệu quả phải được xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của từng doanh nghiệp và được định hướng theo chiến lược phát triển doanh nghiệp đó. Lãnh đạo doanh nghiệp phải hiểu rất rõ mình muốn gì và chính họ là những nhà kiến tạo ra các hệ thống công cụ (CNTT) nhằm đạt được những mục đích đặt ra. 

Thứ ba, gắn kết công nghệ với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong thời đại chuyển đổi số, vị thế của các nhà lãnh đạo tại các doanh nghiệp IT được khẳng định không chỉ thuần túy làm về công nghệ mà còn là trách nhiệm gắn kết hoạt động công nghệ với mục tiêu kinh doanh, góp phần thúc đẩy quá trình hiện đại hóa quy trình nghiệp vụ, tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích cho khách hàng và thị trường, cũng như việc tạo ra hệ thống thông tin quản trị hiệu quả, kiểm soát rủi ro, giúp doanh nghiệp không chỉ phát triển mà còn phát triển bền vững.

Thứ tư, nhà lãnh đạo cần có tầm ảnh hưởng nhất định đối với nhân viên của mình. Nhân viên thường tin tưởng và tôn trọng người quản lý của mình, họ thi đua với người này và nội tâm hoá lý tưởng của người đó. Vì vậy, các nhà lãnh đạo cần xây dựng phong cách lãnh đạo hiệu quả, trở thành hình mẫu lý tưởng của nhân viên.

Thứ năm, dẫn dắt và truyền động lực cho nhân viên. Các nhà lãnh đạo cần có kỹ năng tốt trong việc chỉ đạo và truyền cảm hứng để thúc đẩy nhân viên. Họ uỷ quyền cho nhân viên một cách hiệu quả, mở rộng cơ hội cho nhân viên, cư xử một cách công bằng và luôn biết cách sắp xếp nhân sự phù hợp cho từng nhóm công việc trong tổ chức. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo có thể truyền cảm hứng cho nhân viên giúp họ đưa ra những quyết định táo bạo, sáng tạo bằng cách công khai khen ngợi nhân viên về hiệu suất của họ, thúc đẩy đội ngũ nhân sự thực hiện tốt nhất công việc của họ và cung cấp phần thưởng hữu hình cho thành tích quan trọng mà họ đã tạo ra cho tổ chức.

THỰC TRẠNG LÃNH ĐẠO TẠI CÁC DOANH NGHIỆP CNTT HIỆN NAY

Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực trong công cuộc chuyển đổi số, tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số. Với sự tăng trưởng mạnh của toàn ngành công nghệ nói chung, ngành công nghệ thông tin nói riêng, có thể nhận định rằng đến hết năm 2020, Việt Nam sẽ được coi là một quốc gia IT của khu vực Đông Nam Á. Đứng trước sự phát triển của ngành, cơ hội bứt phá cho các công ty ngành công nghệ thông tin rất lớn không chỉ ở thị trường trong nước mà còn ở thị trường quốc tế. Song, cơ hội đi đôi với những thách thức nếu doanh nghiệp không nhanh chóng chuyển mình và đặc biệt đội ngũ lãnh đạo các công ty công nghệ không thay đổi tư duy cũ của mình và đón nhận những cái mới. Hiện nay, các lãnh đạo của một số công ty công nghệ đang gặp phải những vấn đề từ hệ tư duy cũ như:

Thứ nhất, quá gắn bó và phụ thuộc vào một đối tác duy nhất. Các lãnh đạo công ty CNTT có thâm niên trên thị trường thường có xu hướng đơn giản hóa đầu tư bằng cách duy trì mối quan hệ gắn kết với một đối tác duy nhất. Điều này đã dẫn đến việc các doanh nghiệp gặp nhiều rủi ro trong cung ứng, tính không linh hoạt và gặp phải rào cản từ thỏa thuận độc quyền của nhà cung cấp.

Thứ hai, tạo ra quy tắc và thực thi theo quy tắc đó. Các nhà lãnh đạo kiểu cũ tại thường thiết lập các chính sách, quy định và thực thi tiêu chuẩn trong việc tạo ra các sản phẩm phần mềm. Nhưng hiện nay với sự biến động của thị trường, khách hàng mới là người đưa ra những quy chuẩn. Chỉ có quy trình, quy tắc tạo ra sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của khách hàng mới là quy trình hiệu quả. Điều này có nghĩa là công ty cần phải lấy khách hàng là trung tâm và sẵn sàng thay đổi những quy trình,quy tắc cũ của mình để thích nghi với những thay đổi trong nhu cầu của khách hàng, thị trường

Thứ ba, không liên tục đổi mới sản phẩm và dịch vụ. Công việc thường thấy của các các lãnh đạo công ty CNTT là duy trì tính khả dụng và chi phí thấp của sản phẩm, cũng như giảm thiểu sự sai sót hay những sự cố gián đoạn trong quá trình hoạt động của phần mềm. Thế nhưng, trong môi trường nhiều biến động như hiện nay, chuyển đổi nhanh và phá bỏ những điều cũ là nhiệm vụ quan trọng cho những nhà quản lý tại các công ty công nghệ. 

GIẢI PHÁP CHO CÁC NHÀ LÃNH ĐẠO TẠI CÁC DOANH NGHIỆP CNTT

Để có thể thích nghi và nắm lấy cơ hội vươn mình phát triển thành doanh nghiệp mạnh, có chỗ đứng trên thị trường, các nhà lãnh đạo cần có sự cởi mở trong tư duy để đưa ra những đường hướng, chiến lược mới trong công ty. Dựa theo những vấn đề được đề cập ở phần trên, bài viết đưa ra những pháp sau:

Đầu tiên, trong thời kỳ chuyển đổi số hiện nay, các doanh nghiệp có thể phát triển mạnh mẽ hơn bằng cách tìm kiếm các đối tác công nghệ linh hoạt hơn, cho phép họ có thể đưa ra nhiều giải pháp hữu hiệu hơn cho khách hàng thay vì chỉ dựa vào một vài đối tác lâu năm. Tuy nhiên, khi tìm kiếm đối tác, các nhà lãnh đạo cần dành thời gian để tìm hiểu về cách thức điều hành, làm việc, những sản phẩm thế mạnh của họ. Từ đó có thể chọn cho mình những đối tác phù hợp và tạo nên một mối quan hệ hợp tác lâu dài.

Thứ hai, khách hàng mới là người đánh giá sản phẩm của doanh nghiệp. Các nền tảng ứng dụng cần hướng tới lợi ích của khách hàng vì họ mới chính là người đánh giá và tạo nên những quy tắc cho sản phẩm của doanh nghiệp công nghệ. Bởi trong kinh doanh, sự hài lòng của khách hàng đối với sản phẩm hay dịch vụ là vô cùng quan trọng. Nó là nền móng, là yếu tố quan trọng trong chiến lược giữ chân khách hàng cũng như xây dựng hệ thống khách hàng trung thành của doanh nghiệp.

Thứ ba, liên tục đánh giá và tìm hiểu rủi ro về thị trường, sẵn sàng  đổi mới sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Trong môi trường VUCA hiện nay, rủi ro và sự đảm bảo luôn thay đổi theo thời gian, vì vậy, các doanh nghiệp cần có công cụ sắp xếp, đánh giá để đưa ra quyết định cũng như xác định chi phí liên quan để khắc phục hậu quả khi rủi ro xảy ra. Việc quản trị rủi ro này cần được thực hiện một cách liên tục.

Cuối cùng, các nhà lãnh đạo cần phải tự trau dồi và nâng cao kiến thức của bản thân. Điều này quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả vận hành của tổ chức cũng như việc chuẩn bị sẵn sàng tâm thế đón nhận những cơ hội mới của thị trường. Bởi khi cơ hội đến, lãnh đạo trau dồi kỹ năng cần thiết, hệ thống được chuẩn hóa thì khả năng tận dụng cơ hội sẽ càng tốt hơn. Từ đó, sự phát triển của doanh nghiệp và vị trí trên thị trường cũng được nâng cao hơn.

Kết luận

Sự phát triển không ngừng của ngành CNTT mang lại nhiều thay đổi tích cực cho ngành kinh tế nói chung và cho các doanh nghiệp nói riêng. Điều quan trọng là các nhà lãnh đạo cần chủ động thay đổi và nắm bắt được nhu cầu thị trường, từ đó, đưa ra những chiến lược phù hợp cho doanh nghiệp mình. Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng cần tự trau dồi, nâng cao kiến thức và kỹ năng cho bản thân bởi chỉ những lãnh đạo dám thay đổi tư duy, tiếp cận những cách làm mới mới có cơ hội thành công và giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong môi trường đầy thách thức và biến động hiện nay. OD CLICK với cương vị là công ty tư vấn, đào tạo về phát triển tổ chức, chiến lược, văn hóa và quản trị nguồn nhân lực đã và đang đồng hành cùng các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực CNTT như: VNPT Thái Nguyên, Công ty Cổ phần Misa trong hoạt động nâng cao năng lực đội ngũ lãnh đạo, quản lý và phát triển tổ chức. 

OD CLICK biên tập

Nguồn tham khảo:

https://topdev.vn/page/bao-cao-it-viet-nam

https://itzone.com.vn/vi/article/9-quy-tac-lanh-dao-moi-trong-nganh-cong-nghe-thong-tin/

http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/dien-dan-vai-tro-cua-lanh-dao-cong-nghe-thong-tin-cio-trong-su-phat-trien-cua-co-quan-doanh-nghiep-8595.htm

https://www.business2community.com/business-innovation/it-leadership-what-makes-a-great-it-leader-02160237

error: Nội dung đã khóa !!