Phát triển năng lực lãnh đạo để trở thành nhà lãnh đạo có sức lôi cuốn, qui tụ con người và làm động lực phát triển doanh nghiệp, là một trọng tâm trong đào tạo cũng như quá trình học hỏi của các CEO. Năng lực lãnh đạo trong thế kỷ 21 được coi như nguồn vốn nguyên khí của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp thành công luôn đồng hành với một nhà lãnh đạo hiệu quả, ngược lại, nếu không thành công trong việc trở thành lãnh đạo có sức thu hút sẽ là một thiếu hụt to lớn cho tham vọng phát triển doanh nghiệp. Do sự thiếu hụt đến mức quý hiếm trong đời sống doanh nghiệp, nên đôi khi khả năng lãnh đạo dễ bị nhìn nhận như là sự thiên bẩm, năng khiếu. Sự cảm nhận này sẽ dẫn đến làm mất đi động lực và niềm tin học hỏi, trau dồi phát triển bản thân của các doanh nhân. Thực sự lãnh đạo ngày nay đã được hiểu là năng lực, đó là sự kết hợp nhuần nhuyễn của ba yếu tố: Kiến thức về lãnh đạo, sự trải nghiệm tích lũy kỹ năng, và ý chí tham vọng mong muốn dẫn dắt con người để đạt mục tiêu. Trong vài cuốn sách công bố rộng rãi gần đây của tác giả nổi tiếng Malcolm Gladwell thì quá trình hình thành và phát triển năng lực sẽ tuân thủ nguyên lý mười ngàn giờ bay. Nghĩa là bất cứ năng lực nào cũng có thể hình thành thông qua học hỏi, người nào tích lũy đủ số giờ rèn luyện và học hỏi đúng cách, sẽ hình thành năng lực vượt trội, trở thành kẻ xuất chúng trong đám đông. Năng lực lãnh đạo cũng nằm trong nguyên lý này. Bên cạnh quá trình học tập truyền thống, học lãnh đạo hiệu quả cần tuân thủ các nguyên tắc sau:

  1. Xây dựng niềm tin vào bản thân

Không ai đi theo nhà lãnh đạo thiếu niềm tin vào bản thân. Nếu bạn không xác quyết mạnh mẽ rằng mình là người lãnh đạo, có trách nhiệm dẫn dắt người khác, thì bạn sẽ rất khó thể hiện điều đó thông qua các hành động cụ thể, để tác động, gây ảnh hưởng tới người khác. Hầu hết khi học ai cũng muốn thay đổi và phát triển tổ chức, nhưng không phải ai cũng nhận ra được rằng tổ chức phát triển hay không là từ mình, từ tư duy và hành động của mình. Đầu tàu chuyển động thì thân và đuôi sẽ chuyển theo. Anh không thể có kết quả mới bằng cách làm cũ. Vì vậy, phát triển lãnh đạo đầu tiên phải xuất phát từ niềm tin: tôi có thể thay đổi bản thân tôi để làm tiền đề cho thay đổi và phát triển doanh nghiệp. Và chỉ tôi có thể thay đổi được tôi, chứ không ai khác. Có thể nói rằng không có gì phá hoại năng lực bản thân và tổ chức bằng việc thiếu niềm tin.

  1. Xây dựng vốn tin cậy từ tư duy nghĩ lớn làm nhỏ

Biển kiến thức về lãnh đạo có thể mênh mông, tầm nhìn chiến lược có thể rộng dài, nhưng khi thay đổi bắt đầu từ những hành động nhỏ. Trước khi lĩnh hội những điều cao siêu thâm viễn về lý luận, hãy bắt đầu với cam kết: sẽ loại bớt đi những tính xấu, những hành vi chưa chuẩn mực của doanh nhân như sự đúng giờ hay sự cởi mở để tạo dựng quan hệ với các bạn đồng học. Những việc làm tuy nhỏ, nhưng thay đổi cụ thể sẽ tạo ra niềm tin với bản thân, bạn bè, nhân viên, để vững bước kiên trì tiến xa hơn trên lộ trình phát triển năng lực. Học tập phải lấy vận dụng làm trọng tâm, chứ không phải áp dụng. Tức là trong số hành trăm điều trong bài giảng, hãy tự lựa chọn những điều thiết thực nhất để vận dụng vào thực tiễn kinh doanh. Điều này giống như đi ăn buffet, chỉ chọn ăn những món ngon miệng nhất, chứ không phải ăn cả bàn tiệc, bạn sẽ không thể tiêu hóa được. Đổi mới doanh nghiệp phải tôn trọng nguyên lý chữa máy bay đang bay, chứ không phải bắt tất cả dừng lại để thay thế, trừ khi không còn lựa chọn nào khác.

  1. Năng lực hình thành thông qua quá trình: Hành động – Liên tưởng – Tư duy

Đứa trẻ muốn biết đi phải ngã; thầy thuốc giỏi y thuật là người đã chữa nhiều bệnh nhân không qua khỏi được. Năng lực luôn đồng hành với hành động. Cái này người phương Tây gọi là: learning by doing. Học mà không có hành thì coi như chưa học. Giống câu nói của võ sư nổi tiếng Lý Tiểu Long: tôi không sợ người biết 1000 cú đá, mà tôi chỉ sợ người biết một cú đá nhưng luyện 1000 lần. Tiếp theo đó, hành động xong anh phải liên tưởng, soi xét lại quá trình hành động xem cái gì làm tốt, cái gì có thể làm tốt hơn. Sau cùng là củng cố suy nghĩ thành các triết lý và tư duy cho hành động. Rồi quá trình lại lặp lại: Hành động – Liên tưởng – Tư duy. Có thể nói, người nào nỗ lực xoáy càng nhiều vòng tròn này trong thực tiễn thì người đó càng giỏi. Đó là quá trình dài cân bằng giữa học, hành và tư duy, chứ không phải thu lượm được nhiều kiến thức. Đây cũng là lý do giải thích tại sao một nửa doanh nhân triệu phú là chưa có bằng đại học. Nhưng rõ ràng, những doanh nhân thành công này, họ có năng lực lãnh đạo.

  1. Cam kết với lộ trình

Theo John Maxwell, quá trình học lãnh đạo trải qua 4 bước: 1. Tôi chưa biết là tôi chưa biết cái gì; 2. Tôi biết điều tôi chưa biết; 3. Tôi thử nghiệm những điều đã biết; 4. Tôi cam kết và chủ động. Đồng thời quá trình này có thể kéo dài đến 20 năm, tương đương với nguyên lý 10.000 giờ bay trong xây dựng năng lực. Có thể nói năng lực lãnh đạo trong chúng ta sẽ phát triển từng ngày qua học hỏi, giống như nuôi một đứa trẻ. Vì vậy, bạn cần kiên nhẫn để đầu tư đủ thời gian và nỗ lực, với niềm tin vào thành quả tương lai.

Nói tóm lại, trong cuộc sống kinh doanh, không có bữa trưa nào là miễn phí. Bạn phải trả giá và hy sinh thời gian và nỗ lực để phát triển năng lực lãnh đạo. Thành quả sẽ đến với bạn, vì lợi ích của bản thân, gia đình, doanh nghiệp và xã hội.

Đỗ Tiến Long

Leave a Reply

error: Nội dung đã khóa !!