TƯ DUY HỆ THỐNG TRONG QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP
Tư duy hệ thống là một khái niệm không mới và đang dần được nhắc đến nhiều hơn trong quản trị doanh nghiệp. Tư duy hệ thống giúp lãnh đạo nhìn nhận, giải quyết vấn đề một cách khái quát, trọng tâm và chính xác. Trải qua nhiều năm đúc kết, tư duy hệ thống ngày càng trở nên cần thiết hơn bởi chúng ta dần bị áp lực bởi sự phức tạp. Nhiều công ty vẫn sụp đổ dù có nhân viên giỏi, sản phẩm tốt vì lãnh đạo không thể kết nối các yếu tố trong doanh nghiệp trong một hệ thống năng động và thống nhất.
Tư duy hệ thống (system thinking) có cách tiếp cận hoàn toàn khác biệt với tư duy phân tích tuyến tính truyền thống. Phương pháp phân tích chẻ nhỏ vấn đề thành các cấu phần, nghiên cứu từng phần riêng rẽ và rút ra kết luận về toàn thể. Trong khi đó, tư duy hệ thống là một nguyên lý xem xét tổng thể. Nó đặt các sự vật, hiện tượng trong mối quan hệ tương tác lẫn nhau chứ không trong sự bất biến. Trong thế giới hiện đại, sự liên kết và phản hồi đã cho thấy bất cập của cách tư duy phân tích cũ, nhường chỗ cho phương pháp tư duy hữu cơ và phi tuyến tính – tư duy hệ thống.
Tư duy hệ thống cung cấp một viễn cảnh mới mạnh mẽ, một ngôn ngữ riêng và một tập hợp các công cụ để giải quyết các vấn đề phức tạp trong cuộc sống và quản trị doanh nghiệp.
Bản chất của suy nghĩ hệ thống nằm ở sự thay đổi tư duy:
- Xem xét những mối tương quan thay vì các quan hệ nhân quả tuyến tính
- Xem xét tiến trình thay đổi, vận động thay vì các không gian tĩnh
Tư duy hệ thống bao gồm bốn thành phần:
- Tư duy theo mô hình
Tư duy hệ thống đòi hỏi khả năng xây dựng và phát triển mô hình. Chọn một dạng biểu diễn thích hợp (như biểu đồ chu trình nhân quả, luồng, phương trình) là điểm mấu chốt của tư duy hệ thống.
- Tư duy theo tương quan
Tư duy theo tương quan là một cách tư duy có tính tới các hậu quả gián tiếp, mạng lưới các nguyên nhân và hậu quả, chu trình phản hồi và việc phát triển của các cấu trúc như vậy qua thời gian. Tư duy theo tương quan cũng đòi hỏi cách biểu diễn thích hợp: biểu đồ chu trình nhân quả là công cụ đơn giản nhất và linh hoạt nhất để ghi lại các vấn đề tương quan.
- Tư duy động
Tính trễ và dao động thời gian là đặc điểm điển hình của hệ thống, điều có thể được quan sát theo thời gian, tư duy động cũng có nghĩa nhà lãnh đạo nhìn trước sự phát triển tương lai để đưa ra quyết định sáng suốt.
- Chỉ đạo hệ thống
Tư duy hệ thống được sử dụng để chuyển hóa thành các quyết định cụ thể, dẫn dắt hoạt động của tổ chức tạo ra kết quả trong thực tế.
Tư duy hệ thống có ba đặc điểm chính, đó là:
- Tư duy hệ thống như một viễn cảnh: Biến cố, hình mẫu, hay hệ thống?
Khi một vấn đề xảy ra, chúng ta thường chỉ tập trung giải quyết vấn đề đó thay vì tìm hiểu nguyên nhân thật sự và cách phòng tránh. Hoạt động này mang tính đối phó với biến cố. Tuy nhiên, phương pháp tư duy hệ thống cho chúng ta khả năng tìm ra vấn đề cốt lõi, và hạn chế được những sự việc tương tự trong tương lai.
Đòn bẩy thực sự trong hầu hết các tình huống quản lý nằm ở việc hiểu được sự phức tạp về động cơ chứ không phải sự phức tạp về chi tiết.
- Tư duy hệ thống như một ngôn ngữ đặc biệt
Tư duy hệ thống giống như một ngôn ngữ giúp ta trao đổi với mọi người và với chính bản thân mình. Nó nhấn mạnh vào cái toàn thể hơn là các bộ phận, và nhấn mạnh vào vai trò của mối tương hỗ. Nó nhấn mạnh tới vòng phản hồi (chẳng hạn, A dẫn tới B, rồi dẫn tới C, rồi dẫn trở lại A) thay vì mối quan hệ nhân quả tuyến tính (A dẫn tới B, rồi dẫn tới C, rồi dẫn tới D…).
- Tư duy hệ thống chứa một tập hợp các công cụ
Lĩnh vực tư duy hệ thống đã tạo ra một số lượng lớn các công cụ để bạn mô tả và xây dựng, điều khiển hệ thống.
Tóm lại, Tư duy hệ thống khuyến khích chúng ta thấy rừng cây chứ không chỉ từng cái cây. Đứng trong rừng, ta chỉ thấy cây, muốn thấy cả khu rừng ta cần góc nhìn bao quát như từ trên cao xuống. Tương tự, những vấn đề rắc rối mà ta đang mắc kẹt nhiều khi không thể giải quyết bằng chính lối tư duy đã gây ra nó.
Tư duy hệ thống là nền tảng tiền đề để xây dựng chiến lược, tổ chức, các chính sách và phương pháp quản trị nhân lực, văn hóa doanh nghiệp.
Trong các bài viết tiếp theo, chúng tôi sẽ chia sẻ sâu hơn về việc hình thành tư duy hệ thống cũng như áp dụng trong quản trị doanh nghiệp.
Tài liệu tham khảo:
Peter Senge, The Fifth Discipline: The Art and Practice of the Learning Organization
Ross D. Arnold and Jon P. Wade, A Definition of Systems Thinking: A Systems Aprroach
https://managementhelp.org/misc/defn-systemsthinking.pdf
Pingback: SÁU HÌNH THỨC CƠ BẢN CỦA TƯ DUY HỆ THỐNG - Công ty TNHH Tư vấn Quản lý OD Click