ĐẶC THÙ NGÀNH DỆT MAY VIỆT NAM

Dệt may là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam, ước tính cả năm 2017, xuất khẩu toàn ngành dệt may đạt 31 tỷ USD, trong khi nhập khẩu nguyên phụ liệu ước tính đạt 19 tỷ USD. Như vậy, trong năm 2017, ngành dệt may Việt Nam đạt xuất siêu kỉ lục. Có thể nói rằng, xuất khẩu dệt may Việt Nam vẫn đạt được những thành công đáng tự hào bất chấp tổng cầu thế giới sụt giảm trong năm 2017. Theo nhiều chuyên gia dự đoán, triển vọng phát triển của ngành này sẽ còn cao hơn nữa trong năm 2018.

Nhắc đến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, có thể nhắc đến một số cái tên tiêu biểu như: Tổng công ty Cổ phần May Việt Tiến, Công Ty Cổ Phần Dệt 10/10, Công Ty Cổ Phần May Sông Hồng, Tổng Công Ty Cổ Phần May Nhà Bè, Công ty Pro Sports,…

Ngành dệt may Việt Nam có một số đặc điểm nổi bật để phát triển là:

Dệt may là ngành yêu cầu vốn đầu tư thấp, hồi vốn nhanh do doanh thu quay vòng nhanh, được nhà nước ưu đãi phát triển do cung cấp nhiều việc làm cho người lao động và sức tiêu thụ của thị trường trong nước lẫn ngoài nước đều lớn.

Công nghiệp dệt may ở Việt Nam tăng trưởng mạnh là do giá nhân công rẻ so với khu vực và thế giới, họ lại cần cù, chăm chỉ và khéo léo nên có thể tạo ra các sản phẩm thủ công độc đáo và đặc sắc.

Tuy nhiên hiện nay, dệt may Việt Nam gần như chỉ tham gia vào phần thứ 3 trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu là Cắt và May, các cơ sở dệt may ở Việt Nam còn sản xuất theo phương thức gia công đơn giản, thiếu khả năng cung cấp trọn gói, do đó, giá trị gia tăng cũng không cao. Vì vậy, ngành dệt may Việt Nam không những phụ thuộc vào nguyên phụ liệu nhập khẩu mà đầu ra cũng phụ thuộc thị trường nước ngoài.

Một đặc trưng khác của dệt may trong nước là thâm dụng lao động, quy trình nhiều công đoạn thủ công. Do đó, nguồn nhân lực là yếu tố chính của hoạt động sản xuất kinh doanh trong ngành này. Nhân lực trong ngành không những cần số lượng nhiều mà còn đạt chất lượng nhất định bởi luôn cần sự khéo léo, thạo việc. Có thể nói rằng đào tạo nguồn nhân lực có tính quyết định đến sự phát triển bền vững của ngành dệt may Việt Nam.

Như vậy, đối với những doanh nghiệp dệt may Việt Nam, vấn đề quan trọng nhất cần đặt ra là việc quản trị năng suất, thành tích sản xuất kinh doanh trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, dưới sự tác động của Cách mạng 4.0. Đây là nguyên nhân OD CLICK muốn bàn về quản trị năng suất trong bài viết này.

QUẢN TRỊ NĂNG SUẤT (PERFORMANCE MANAGEMENT) TRONG CÁC CÔNG TY MAY VIỆT NAM

Thế nào là quản trị năng suất?

Quản trị năng suất là một quá trình giao tiếp liên tục giữa giám sát viên và các nhân viên diễn ra trong suốt năm, nhằm mục đích hỗ trợ hoàn thành các mục tiêu chiến lược của tổ chức. Quá trình giao tiếp bao gồm làm rõ kỳ vọng, đặt mục tiêu, xác định mục tiêu, cung cấp phản hồi và xem lại kết quả.

Mô hình quản trị năng suất

Trọng tâm của chương trình quản trị năng suất nên là sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nhân viên và người giám sát, do đó mô hình quản trị năng suất được áp dụng cần phải đáp ứng được một số điều sau:

  • Điều chỉnh công việc được thực hiện bởi các giám sát viên và nhân viên cho phù hợp các mục tiêu của phòng ban và của doanh nghiệp.
  • Khuyến khích giao tiếp giữa giám sát viên và nhân viên trong suốt cả năm để không có bất ngờ trong phiên Đánh giá hiệu suất hàng năm.
  • Đưa ra phương pháp nhất quán trong việc đánh giá hiệu quả công việc với sự công bằng và minh bạch.
  • Kịp thời bồi dưỡng và khen thưởng các cá nhân có thành tích làm việc xuất sắc.

Ba giai đoạn của quá trình quản trị năng suất hiệu quả

Giai đoạn xác định mục tiêu và lập kế hoạch

Lợi ích của xác định mục tiêu là kết nối mục tiêu của mỗi nhân viên với mục tiêu chung của doanh nghiệp; Cho phép nhân viên đặt mục tiêu cho sự phát triển của riêng cá nhân và sự nghiệp của họ; Bóc tách chiến lược thành các mục tiêu thích hợp, có thể đo lường và đạt được; Thúc đẩy thành tích của doanh nghiệp trong các lĩnh vực kinh doanh chính.

Các nhà quản lý và nhân viên nên cùng nhau phát triển các mục tiêu và ghi chép chúng vào đầu năm tài chính. Việc xác định mục tiêu và lập kế hoạch thực hiện nên xảy ra ngay sau cuộc thảo luận đánh giá hiệu suất hàng năm. Các mục tiêu nhỏ cần hỗ trợ cho các mục tiêu tổng thể của doanh nghiệp. Mục tiêu có thể thay đổi, hoặc thêm vào các mục tiêu mới khi có những thách thức mới nảy sinh trong năm tiếp theo.

Một kế hoạch linh hoạt và hiệu quả sẽ giúp công ty đạt được mục tiêu với chi phí và thời gian ít nhất, đồng thời đảm bảo việc thực thi các mục tiêu đạt kết quả cao nhất.

Giai đoạn hoàn thành các mục tiêu

Đây là giai đoạn diễn ra sau lập kế hoạch. Nó bao gồm việc thực hiện các công việc hàng ngày của doanh nghiệp, tiến hành theo các sáng kiến và thực hiện các dự án cụ thể theo mục tiêu đã được đưa ra. Thường xuyên liên lạc giữa tất cả các thành viên trong doanh nghiệp sẽ giúp giữ cho những nỗ lực trong công việc đi đúng hướng và tránh bất kỳ trường hợp bất ngờ nào xảy ra.

Giai đoạn đánh giá và khen thưởng

Các yếu tố giúp đánh giá bao gồm:

  • Các mẫu đánh giá hiệu suất của doanh nghiệp (bao gồm đánh giá của người giám sát và tự đánh giá của nhân viên).
  • Đánh giá qua cuộc họp trực tiếp giữa người giám sát và nhân viên để thảo luận về đánh giá hàng năm và bắt đầu quá trình thiết lập mục tiêu cho năm tài chính mới.

Doanh nghiệp cũng nên duy trì chế độ khen thưởng để khuyến khích, động viên cho các nhân viên có hiệu suất làm việc cao. Doanh nghiệp cần nhấn mạnh với toàn thể nhân viên rằng mọi cá nhân trong công ty đều có trách nhiệm hoàn thành nhiệm vụ của mình và của công ty, từ đó đạt tới mục tiêu chung của công ty. Giai đoạn khen thưởng này hoàn toàn phụ thuộc vào hiệu suất làm việc của các thành phần trong công ty.

Quản trị năng suất tại các doanh nghiệp may mặc Việt Nam

Quản trị năng suất rõ ràng là một công cụ không thể thiếu trong các doanh nghiệp may mặc Việt Nam – nơi luôn đòi hỏi năng suất lao động của nhân công cao. Do đó, các doanh nghiệp may mặc luôn luôn chủ động, sáng tạo áp dụng các phương pháp, công cụ mới để tăng năng suất lao động.

Ví dụ, nhiều doanh nghiệp dệt may đã áp dụng sản xuất tinh gọn (Lean Manufacturing) vào sản xuất, giúp bảo đảm công nhân đạt năng suất cao nhất trong thời gian làm việc, giảm thiểu mức hàng tồn kho ở tất cả các công đoạn, giảm phế phẩm, tiết kiệm chi phí sản xuất.

Xem xét quá trình quản trị năng suất tại các doanh nghiệp may mặc Việt Nam, có thể thấy một số điểm sau:

Tại giai đoạn lập kế hoạch, doanh nghiệp may mặc thường làm rất tốt ở khâu đặt ra mục tiêu cho mỗi nhân viên. Mục tiêu này cũng dễ dàng đo lường bởi nó thường là các chỉ tiêu số lượng cụ thể. Tuy nhiên, tầm nhìn, sứ mệnh và các mục tiêu chiến lược cao hơn lại chưa được truyền tải đầy đủ đến đông đảo công nhân viên. Từ đó dẫn đến việc hầu hết công nhân chỉ chăm chăm hoàn thành mục tiêu được giao chứ không quan tâm đến những mục tiêu cao hơn của công ty.

Việc duy trì hệ thống quản trị hiệu suất công việc được các công ty dệt may rất chú trọng, điều này thể hiện ở việc họ tuyển và trọng dụng các quản đốc xưởng may, ngoài ra còn cho lắp đặt các camera giám sát trong các phân xưởng.

Ở giai đoạn hoàn thành các mục tiêu, năng lực của công nhân được kiểm tra liên tục với tần suất cao, thậm chí là mỗi giờ một lần. Ngoài ra, một số doanh nghiệp may mặc còn so sánh sản lượng mỗi giờ của công nhân với năng lực của họ, hỏi họ nguyên nhân nếu sản lượng tạo ra thấp hơn so với năng lực, việc tìm hiểu và đưa ra lời khuyên lúc này là rất cần thiết.

Khi đánh giá và khen thưởng, các doanh nghiệp dệt may mạnh cũng làm khá tốt khi luôn có mức thưởng cao hơn nhiều ngành khác, đặc biệt là có thưởng thêm với các cá nhân có năng suất lao động cao. Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp may mặc trả công cho công nhân thấp, lương thưởng quá ít, dẫn đến công nhân đình công vì cho rằng quyền lợi của mình không được đảm bảo.

Như vậy, để việc quản trị hiệu suất được hiệu quả, các doanh nghiệp may mặc Việt Nam nên học hỏi thêm các phương pháp phù hợp với thực tiễn, có hiệu quả cao giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu suất và khả năng cạnh tranh. Doanh nghiệp cũng nên lưu ý đề ra các mục tiêu cụ thể, rõ ràng, nhất quán và liên tục theo dõi tiến trình thực hiện mục tiêu của nhân viên. Tại các phiên Đánh giá hiệu suất hàng năm, kết quả đánh giá nên được công bố rộng rãi và không quên khen thưởng cho các cá nhân xứng đáng có hiệu suất làm việc cao.

Leave a Reply

error: Nội dung đã khóa !!