6 KỸ NĂNG MỀM HỮU ÍCH CHO DÂN KỸ THUẬT

Nhiều người có suy nghĩ rằng, người làm kỹ thuật không cần đến những kỹ năng mềm. Điều này là hoàn toàn sai lầm. Các kỹ năng mềm rất cần thiết và mang lại hiệu quả cho dân kỹ thuật. Khi bạn là một nhân viên kỹ thuật, bạn có các kỹ năng mềm thành thục và chuyên nghiệp thì chắc chắn bạn sẽ được thăng tiến trong công việc. Đặc biệt, những người ở vị trí quản lý, lãnh đạo trong một doanh nghiệp hoạt động về kỹ thuật, công nghệ thì càng cần phải trang bị những kỹ năng mềm. Các kỹ năng mềm sẽ giúp họ nâng cao vị thế, nâng cao hiệu quả công việc.

Sau đây là 6 kỹ năng mềm hữu ích cho dân kỹ thuật:

1. Kỹ năng giao tiếp:

Ngày nay, môi trường làm việc không còn khép kín như trước. Với sự phát triển của xã hội và công nghệ thông tin, nhu cầu trao đổi, giao tiếp là rất lớn và cần thiết. Các thành viên trong nhóm hoặc trong tổ chức cần phải trao đổi thông tin thường xuyên và liên tục để giải quyết mọi vấn đề phát sinh, tìm ra giải pháp tốt ưu nhất nhằm nâng cao hiệu quả công việc. Trong một dự án, có sự tham gia của nhiều người, vai trò của các thành viên trong nhóm là như nhau nên ý kiến của mỗi người có ảnh hưởng trực tiếp đến dự án. Chính vì vậy, mọi người cần phải tăng cường giao tiếp để bày tỏ suy nghĩ và ý kiến của mình, đóng góp vào mục tiêu chung của dự án. Nếu kỹ năng giao tiếp của mọi người trong nhóm và trong tổ chức đều tốt sẽ giúp mọi người hiểu nhau hơn, phối hợp ăn ý trong công việc, giúp đạt được mục tiêu nhanh hơn.

2. Kỹ năng sáng tạo và giải quyết vấn đề:

Khả năng sáng tạo luôn đòi hỏi ở một nhân viên kỹ thuật hoặc công nghệ. Nhưng không phải ai cũng có sự sáng tạo và phát huy được khả năng đó. Bởi tích chất công việc lặp đi lặp lại hoặc sự căng thẳng trong công việc sẽ làm mất đi khả năng sáng tạo của họ. Kỹ năng sáng tạo và giải quyết vấn đề không chỉ cần thiết đối với một nhân viên kỹ thuật bình thường mà mọi nhà quản lý, lãnh đạo nào cũng cần đến. Mới đây, hai nhà đồng sáng lập Instagram Kevin Systrom và Mike Krieger đã quyết định rời Facebook vì lý do rất đơn giản là họ muốn nghỉ ngơi một thời gian để tìm lại sự tò mò và sáng tạo của mình. Điều đó chứng tỏ, những người thành công như Kevin Systrom và Mike Krieger cũng không thể sáng tạo khi ngập đầu công việc. Họ tìm đến giải pháp rời bỏ Facebook để có thể sáng tạo, tìm ra một thứ gì đó mới mẻ hơn.

3. Kỹ năng thuyết trình:

Đối với một kỹ sư, khả năng thuyết trình vô cùng quan trọng. Kỹ năng này giúp họ trình bày lưu loát và thuyết phục một kế hoạch hoặc một dự án trước các đồng nghiệp, trước ban lãnh đạo hoặc trước khách hàng. Với những kỹ sư, kiến thức chuyên môn hoặc kinh nghiệm không phải là vấn đề lớn với họ. Vấn đề họ thường gặp và cần đến là khả năng thuyết trình, trình bày logic, thoải mái và tự tin trước người khác. Đối với một người quản lý, lãnh đạo thì kỹ năng này là vô cùng cần thiết. Bởi kỹ năng này luôn cần đến trong mỗi cuộc họp giao ban, huấn luyện nhân viên mới hay trong buổi gặp mặt khách hàng.

 4. Kỹ năng làm việc nhóm:

Để hòa nhập tốt với môi trường mới, một dự án mới nhanh chóng và hiệu quả thì bạn cần phải có kỹ năng làm việc nhóm tốt. Khả năng làm việc được với nhiều người sẽ giúp bạn học hỏi được nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Đó cũng là một thách thức đối với một kỹ sư kỹ thuật hay công nghệ, bởi xu hướng của đa số họ thích làm việc độc lập. Nhưng trong thời buổi hiện nay, với những dự án, công việc khó, đòi hỏi chất lượng cao thì luôn cần có sự tham gia của nhiều người. Điều này bắt buộc các kỹ sư phải phối hợp, làm việc cùng nhau. Mọi người thường nói “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi với nhiều người”. Trong các dự án đều cần sự hợp tác chặt chẽ của các thành viên, mọi người cần phải biết lắng nghe người khác, thậm chí là sự chỉ trích, hướng dẫn nhau cũng như chịu trách nhiệm thực hiện mọi nội dung công việc đạt chất lượng và tiến độ.

5. Kỹ năng chăm sóc khách hàng

Đối với một doanh nghiệp sản xuất hay các dự án đều phải làm việc theo quy trình. Mỗi bước, mỗi quy trình đều phải làm tốt chức năng, nhiệm vụ của mình. Khâu sau được coi là “khách hàng” của khâu trước. Như vậy mới đảm bảo chất lượng và hiệu quả làm việc. Đặc biệt, khả năng hỗ trợ người khác trong cùng nhóm, cùng đơn vị là hết sức quan trọng. Đó cũng là yêu cầu của mỗi người trong tổ chức. Kỹ năng của việc làm dịch vụ chăm sóc khách hàng cần được phát huy tối đa trong nội bộ tổ chức. Khi kỹ năng này được vận dụng là làm tốt trong nội bộ thì doanh nghiệp sẽ thành công với khách hàng ngoài tổ chức. Doanh nghiệp cần trang bị cho nhân viên của mình thái độ tích cực khi xử lý một vấn đề nào đó, dù đôi khi nó có kỳ cục hoặc hiển nhiên đến thế nào, phải biết lắng nghe, thể hiện sự quan tâm, thông cảm, luôn luôn phải giữ bình tĩnh trong mọi tình huống để giải quyết vấn đề hiệu quả nhất.

6. Kiên nhẫn và thích nghi:

Trong quá trình thực hiện công việc, giải pháp ban đầu bạn đưa ra đôi khi không phải là tốt nhất, hoặc các vấn đề mới sẽ phát sinh. Khi đó, bạn cần sự kiên nhẫn và thích nghi với hoàn cảnh mới. Sự thích nghi tốt sẽ giúp bạn không bị mắc kẹt vào phương án ban đầu đưa ra. Sự nhạy bén và linh hoạt khi có sự thay đổi là một kỹ năng quan trọng không chỉ đổi với một kỹ sư mà quan trọng mới mỗi cá nhân trong tổ chức.

Với đặc thù của ngành kỹ thuật, bạn có thể phải bỏ đi làm lại nhiều lần mới ra được sản phẩm ưng ý với khách hàng. Chính vì vậy, bạn cần phải kiên nhẫn, bình tĩnh dù trong trường hợp “ức chế” để đạt được thành công.

Trên đây là 6 kỹ năng mềm quan trọng và cần thiết không chỉ đối với dân kỹ thuật mà luôn cần trang bị cho nhân viên, cán bộ trong mọi doanh nghiệp. Những kỹ năng này sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động tốt, nâng cao năng suất và hiệu quả công việc. Các kỹ năng này sẽ hỗ trợ phát triển năng lực cá nhân, góp phần thúc đẩy mục tiêu phát triển tổ chức bền vững.

Leave a Reply

error: Nội dung đã khóa !!