CHIẾN LƯỢC NHÂN SỰ HIỆU QUẢ
Con người là nguồn lực quan trọng nhất trong mỗi doanh nghiệp. Nguồn lực này được coi là yếu tố cốt lõi để đạt được các mục tiêu chiến lược của tổ chức. Vì vậy, việc xây dựng chiến lược nhân sự là rất cần thiết và phải thực hiện nghiêm túc. Chiến lược nhân sự hiệu quả giúp điều phối nguồn lực con người, đảm bảo nhất quán với các chính sách và hệ thống trong nội bộ nhằm thực hiện các nhiệm vụ, chiến lược kinh doanh hoặc chiến lược phát triển lâu dài của tổ chức.
Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì việc xây dựng chiến lược nhân sự lại càng quan trọng. Quản trị nhân sự có tính chiến lược bền vững có thể đảm bảo doanh nghiệp vận hành bộ máy trơn tru và hiệu quả với số lượng nhân sự ít nhưng mang lại năng suất và hiệu quả lớn nhất. Đồng thời, chiến lược nhân sự phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp chủ động, linh hoạt trước sự cạnh tranh và những biến động từ thị trường. Chiến lược nhân sự hiệu quả sẽ đưa ra những phân tích, dự đoán để có phương án chuẩn bị nhân sự với năng lực và kinh nghiệm phù hợp, nhằm thực hiện tốt nhất cho việc hoàn thành mục tiêu kinh doanh, mục tiêu phát triển bền vững.
Chiến lược nhân sự hiệu quả cần đảm bảo các nội dung về: Dự báo nhu cầu nhân lực; Phân tích thực trạng nguồn nhân lực; Quyết định chiến lược nhân sự; Thực hiện chiến lược nhân sự và Đánh giá chiến lược nhân sự.
1. Dự báo nhu cầu nhân lực:
Căn cứ vào mục tiêu chiến lược phát triển dài hạn, kế hoạch kinh doanh, quy mô phát triển, doanh nghiệp cần có dự báo nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai. Doanh nghiệp cần nắm rõ số lượng nhân sự hiện tại, chất lượng nguồn nhân lực cần có để đáp ứng công việc, từ đó doanh nghiệp dự báo số lượng nhân sự, chất lượng nguồn nhân lực và thời gian doanh nghiệp cần đến nguồn nhân lực mới để triển khai kế hoạch, thực hiện nhiệm vụ nhằm đạt được mục tiêu.
2. Phân tích thực trạng nguồn nhân lực:
Tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi và Văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và xây dựng chiến lược nhân sự. Các yếu tố này của tổ chức là kim chỉ nam và ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng nhân sự, chất lượng nhân sự làm việc trong tổ chức cũng như những nhân sự tuyển chọn trong tương lai để thực hiện mục tiêu dài hạn.
Dựa trên mục tiêu chiến lược và xác định nhu cầu nguồn nhân lực trong tương lai, doanh nghiệp cần phải phân tích, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực bao gồm nghiên cứu nguồn nhân lực trên thị trường và cả nguồn nhân lực hiện có của công ty để nắm rõ các vấn đề về:
- Mặt bằng trình độ nhân lực hiện nay của doanh nghiệp như thế nào? Đang có điểm mạnh, điểm yếu gì?
- Thực trạng nguồn nhân lực trên thị trường.
- Mức độ cam kết và gắn bó của nhân viên với doanh nghiệp như thế nào?
- Nhân viên có hay bỏ việc hay không?
- Chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc của doanh nghiệp hiện nay như thế nào? Có gì nổi trội so với thị trường?
- Có những lợi thế gì để thu hút được nguồn nhân lực tiềm năng?
Việc phân tích sâu các vấn đề liên quan đến quản trị nguồn nhân lực là căn cứ để doanh nghiệp đưa ra những quyết sách đúng đắn về nhân sự, góp phần thúc đẩy, phát triển tổ chức.
3. Quyết định chiến lược nhân sự
Sau khi đánh giá, phân tích thực trạng nguồn nhân lực trong tổ chức, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ đưa ra những quyết định nhân sự phù hợp về các nội dung sau:
- Điều chuyển nhân sự: Quyết định điều chuyển nhân sự sẽ giúp doanh nghiệp tận dụng tối đa nguồn nhân lực hiện có. Chuyển nhân sự từ bộ phận này sang bộ phân khác hoặc từ khu vực này đến khu vực khác làm việc sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí tuyển dụng và đào tạo. Nhân sự đó có thể bắt đầu công việc mới mà không gặp trở ngại về văn hóa và mất ít thời gian làm quen với công việc mới.
- Đào tạo, phát triển nhân sự: Khi nhận thấy năng lực đội ngũ nhân sự chưa đáp ứng được mục tiêu chiến lược trong tương lai, doanh nghiệp sẽ có quyết định đào tạo nhân sự. Đào tạo nhân sự cũng là công tác quan trọng, cần phải thực hiện thường xuyên và liên tục nhằm giúp doanh nghiệp nâng trình độ đội ngũ nhân sự, nâng cao năng suất làm việc, nâng cao hiệu quả hoạt động và linh hoạt trong môi trường biến động.
- Tuyển dụng nhân sự: Quyết định tuyển dụng nhân sự được đưa ra khi doanh nghiệp đang thiếu nhân sự hoặc cần bổ sung nhân sự mới để triển khai dự án kinh doanh mới hoặc mở rộng quy mô. Công tác tuyển dụng cần bám sát vào mục tiêu chiến lược, kế hoạch kinh doanh để lựa chọn những nhân sự phù hợp với văn hóa doanh nghiệp, đủ về số lượng, đạt yêu cầu về năng lực và trình độ chuyên môn.
- Quyết định sa thải nhân sự: Khi nhận thấy dư thừa nhân sự hoặc đánh giá thấy nhân sự không đáp ứng yêu cầu công việc, ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, thì ban lãnh đạo cần nhanh chóng đưa ra quyết định sa thải nhân sự. Quyết định này đôi khi khó khăn, nhưng cần phải thực hiện khi thấy cần thiết. Điều đó giúp doanh nghiệp giảm bớt chi phí, tăng hiệu quả hoạt động và sàng lọc những nhân sự không phù hợp, giữ lại những nhân sự có chất lượng tốt nhất để đồng hành cùng doanh nghiệp đi đến đích cuối cùng.
4. Thực hiện chiến lược nhân sự
Thực hiện chiến lược nhân sự là bước rất quan trọng, nó ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh và ảnh hưởng đến kết quả thực hiện mục tiêu chiến lược của doanh nghiệp. Trong quá trình triển khai chiến lược nhân sự, cần sự phối hợp chặt chẽ của các bộ phận/ phòng ban, cũng như sự đôn đốc, giám sát của ban lãnh đạo. Có như vậy, chiến lược nhân sự mới mang lại hiệu quả cao nhất cho doanh nghiệp.
Khi thực hiện bất cứ quyết định nhân sự nào cũng cần có kế hoạch cụ thể, có bộ phận chuyên trách, phân công, giao việc cụ thể và rõ ràng. Dựa trên các quyết định chiến lược nhân sự, doanh nghiệp cần xây dựng các kế hoạch sau:
- Kế hoạch thuyên chuyển công tác;
- Kế hoạch đào tạo và phát triển;
- Kế hoạch tuyển dụng;
- Kế hoạch sa thải nhân sự.
Việc bám sát mục tiêu chiến lược, kế hoạch thực thi chiến lược nhân sự sẽ giúp doanh nghiệp không bị chệch hướng, sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả, mang lại năng suất và tạo được lợi thế cạnh tranh bền vững.
5. Đánh giá chiến lược nhân sự
Đánh giá chiến lược nhân sự là việc cần phải làm theo định kỳ hoặc sau khi kết thúc một nhiệm vụ. Việc đánh giá này sẽ giúp doanh nghiệp nhìn nhận những gì đã làm được, những gì chưa làm được. Đồng thời, cũng chỉ ra được những sai sót để đưa ra những giải pháp khắc phục, hoàn thiện những kế hoạch lần sau. Qua đó, doanh nghiệp cũng đánh giá và so sánh được hiệu quả giữa kế hoạch ban đầu và kết quả thực tiễn, rút kinh nghiệm cho những lần sau.
Xây dựng chiến lược nhân sự là việc làm quan trọng và cần thiết đối với bất kỳ doanh nghiệp nào muốn hoạt động hiệu quả và phát triển bền vững. Chính vì vậy, từ doanh nghiệp mới khởi nghiệp cho đến doanh nghiệp đã hoạt động lâu dài, cần phải chú trọng xây dựng chiến lược nhân sự ngay từ đầu và điều chỉnh theo từng giai đoạn cụ thể nhằm linh hoạt trong môi trường biến động, tạo lợi thế cạnh tranh và phát triển bền vững.