KHẲNG ĐỊNH THƯƠNG HIỆU TRONG NGÀNH BÁNH NGỌT

 

Theo kết quả nghiên cứu của Công ty Khảo sát thị trường quốc tế Business Monitor International (BMI), mức tiêu thụ bánh kẹo trên đầu người tại Việt Nam năm 2016 chỉ hơn 2kg/người/năm, còn thấp so với mức 3kg/người/năm của thế giới, và 65% dân số ở nông thôn có mức tiêu thụ bánh kẹo còn rất khiêm tốn so với tiềm năng. Do đó, tiềm năng tiêu thụ của thị trường trong nước vẫn còn rất lớn, dự báo đến năm 2018 sẽ đạt khoảng 40.000 tỷ đồng, đây là lý do khiến cho các nhà kinh doanh bánh ngọt nhanh chóng vạch ra những định hướng đầu tư mang tính chiến lược.

Theo thống kê, năm 2015, thị trường bánh mì, bánh ngọt của Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 6% về sản lượng và 14% về doanh thu, là một trong những thị trường năng động nhất châu Á trong lĩnh vực này. Với đặc điểm dân số trẻ, tập trung ở các đô thị, ngành bánh ngọt Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển. Đặc biệt, các mô hình cafe kết hợp với bánh ngọt ngày càng được ưa chuộng và phổ biến.

CẠNH TRANH GAY GẮT

Bên cạnh những thương hiệu trong nước, thị trường bánh ngọt những năm gần đây lần lượt đón nhận sự thay đổi lớn với sự tham gia của các tên tuổi lớn trên thế giới. Những doanh nghiệp lớn trong nước không những phải cạnh tranh lẫn nhau mà còn phải giành lại thị phần từ các thương hiệu ngoại. Điều này gây áp lực cho các doanh nghiệp, đồng thời cũng tạo động lực để các doanh nghiệp, các cửa hàng bánh ngọt truyền thống cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ để thu hút khách hàng hơn. Sức ép từ sự cạnh tranh này buộc các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước phải chạy đua trong công cuộc đổi mới, tìm hướng đi riêng để duy trì lợi nhuận và thị phần. Từ việc mở thêm các chuỗi cửa hàng nhằm mở rộng thị trường, cho đến việc phát triển mô hình kinh doanh mới: kết hợp bánh ngọt và cà phê. Các cửa hàng bánh ngọt thuần túy như Givral, Tous les Jours, Dunkin’ Donuts, Paris Baguett, BreadTalk… nay kết hợp kinh doanh thêm cà phê. Ngoài ra, các cửa hàng cà phê chính hiệu cũng phát triển thêm mảng bánh ngọt như Starbucks, Highlands Coffee, Gloria Jean’s Coffees, The Coffee Bean… Bên cạnh đó, doanh nghiệp muốn có được chỗ đứng trên thị trường cần tạo ra sự khác biệt, xây dựng thương hiệu trên thị trường.

XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU TRÊN THỊ TRƯỜNG BÁNH NGỌT

Thông thường, một chiếc bánh ngọt khi đưa ra thị trường phải đáp ứng được 3 yếu tố: ngon, đẹp và an toàn. Nghĩa là sự sáng tạo và đổi mới không chỉ dừng lại ở hương vị, màu sắc hay kiểu dáng của chiếc bánh, mà phần nguyên liệu phải đảm bảo được yếu tố dinh dưỡng và an toàn cho sức khỏe. Tuy nhiên, đây mới chỉ là điều kiện cần chứ chưa phải điều kiện đủ. Sản phẩm chất lượng là yếu tố hàng đầu để công ty, cửa hàng có được khách hàng, nhưng muốn phát triển mạnh thì còn cần tới xây dựng thương hiệu.

Định vị thương hiệu trên thị trường bánh ngọt tập trung vào các đặc điểm:

Thứ nhất, bí quyết tạo ra những chiếc bánh chất lượng.

Để tạo ra một chiếc bánh ngon, ghi dấu hương vị với thực khách thì chúng phải được tạo ra từ những người thợ lành nghề, với máy móc, dây chuyền sản xuất, công nghệ hiện đại.  Ngoài ra, khâu lựa chọn nguyên liệu cũng là yếu tố không kém phần quan trọng trong việc gia tăng lợi thế cạnh tranh trong ngành này, bởi chi phí nguyên liệu thô đã chiếm đến hơn 70% giá thành sản phẩm. Hiện tại, hầu hết các nhãn hàng bánh ngọt nổi tiếng tại Việt Nam vẫn sử dụng nguồn nguyên liệu ngoại nhập là chủ yếu. Trong khi đó, đã có những sản phẩm trong nước đáp ứng được những yêu cầu về chất lượng với giá thành rẻ hơn. Mỗi thương hiệu lớn nhỏ, để có chỗ đứng trên thị trường, cũng luôn dày công nghiên cứu để tạo ra hương vị đặc biệt cho mình.

Thứ hai, mỗi sản phẩm đều an toàn với người tiêu dùng.

Khảo sát từ Công ty Nielsen cho thấy, chất lượng an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm trên phạm vi toàn cầu đang là mối quan tâm hàng đầu hiện nay của người tiêu dùng. Vì vậy, để đảm bảo chất lượng thực phẩm nói riêng cũng như chất lượng sản phẩm nói chung sẽ là một lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ cho các cửa hàng sản xuất nhỏ cũng như các công ty bánh ngọt.

Nếu doanh nghiệp không áp dụng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm trong sản xuất sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc xây dựng thương hiệu. Ngược lại, khi áp dụng hệ thống quản lý an toàn thực phẩm, doanh nghiệp sẽ sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, khả năng tiêu thụ tốt, từ đó thương hiệu được củng cố và phát huy giá trị.

Thứ ba, đặt tên thương hiệu phù hợp.

Quyết định quan trọng nhất về Marketing mà một công ty có thể làm là để đặt tên cho một thương hiệu. Sức mạnh của thương hiệu nằm ở khả năng nắm lấy vị trí trong tâm trí của người tiêu dùng. Với một cái tên tuyệt với, bạn có thể ghi dấu tên mình trên thị trường.  Bạn có thể tham khảo 4 nguyên tắc cơ bản khi đặt tên thương hiệu:

  1. Ngắn gọn: Cái tên càng dài và phức tạp thì càng khó để khách hàng nhớ đến bạn hơn.
  2. Đơn giản: Một trong những nguyên tắc đặt tên thương hiệu nhiều người phạm lỗi nhất là sự “đơn giản”. Tên có thể dài nhưng dễ nhớ, dễ đọc sẽ hiểu quả hơn tên ngắn nhưng khó nhớ.
  3. Thể hiện đặc trưng ngành nghề và sản phẩm: Điều này được thể hiện rất rõ trong các doanh nghiệp bất động sản với những cái tên như Novaland, Đất xanh,…
  4. Khác biệt: Một tên hoàn toàn duy nhất giúp bạn có thể bảo hộ, và ghi dấu ấn của thương hiệu. Cái tên duy nhất tốt nhất cũng tuân theo một số quy tắc khác, như ngắn, đơn giản và đặc trưng.

Thứ tư, truyền thông thương hiệu vượt trội.

Truyền thông hiệu quả giúp xây dựng một thương hiệu mạnh thông qua việc thể hiện hình ảnh thương hiệu một cách rõ ràng, nhất quán và độc đáo. Đầu tư cho một hệ thống truyền thông hiệu quả sẽ nâng cao doanh số trong dài hạn. Nói như vậy không có nghĩa là quảng cáo không hiệu quả trong ngắn hạn. Quảng cáo có thể mang lại kết quả tức thời (khuyến mại, phản hồi trực tiếp), nhưng trong nhiều trường hợp, thương hiệu không có gì mới mẻ để thu hút sự chú ý.

Điểm mấu chốt của hệ thống truyền thông thương hiệu hiệu quả chính là một ý tưởng nổi bật được truyền tải trên mọi kênh giao tiếp thương hiệu. Ý tưởng thương hiệu cần phải phù hợp, truyền cảm hứng và có liên hệ độc đáo với thương hiệu. Ý tưởng cũng phải truyền tải được một điều gì mà có khả năng cộng hưởng về mặt cảm xúc.

Mở một tiệm bánh không quá khó, nhưng phát triển tiệm bánh trở thành một thương hiệu ấn tượng trên thị trường thì luôn luôn là thách thức.

 

Tài liệu tham khảo:

https://stickybranding.com/brand-naming-process-how-to-make-a-brand-name-resonate/

https://www.deluxe.com/sbrc/branding/six-reasons-why-strong-brand-important-small-business

https://vietnambiz.vn/cuoc-dua-tren-thi-truong-banh-keo-39473.html

https://vietstock.vn/2014/11/thi-truong-banh-ngot-canh-tranh-khoc-liet-768-392108.htm

https://vtv.vn/viet-nam-va-the-gioi/doanh-nghiep-banh-ngot-phap-quan-tam-toi-thi-truong-viet-nam-20151209150814729.htm

Leave a Reply

error: Nội dung đã khóa !!