Việt Nam đang đứng trước rất nhiều thách thức của sự cạnh tranh khốc liệt khi hàng loạt các cam kết, hiệp định được ký kết và sắp đến thời hạn phải thực hiện. Một số ngành nghề có lợi thế của Việt Nam khi tham gia thị trường toàn cầu là dệt may và thủ công mỹ nghệ. Khác với ngành dệt may, thủ công mỹ nghệ là một ngành có nhiều lợi thế của Việt Nam và Hà Nội nói riêng. Với 1350 làng nghề và làng có nghề, hơn 200 làng nghề truyền thống được công nhận trong đó có 50 nhóm nghề và nhiều nghệ nhân có tên tuổi, ngành thủ công mỹ nghệ của Hà Nội vẫn chưa thực sự phát huy được thế mạnh của mình. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do sự hạn chế về năng lực lãnh đạo, đặc biệt là năng lực đổi mới và khuyến khích sự đổi mới sáng tạo của các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp trong ngành. Bằng phương pháp phỏng vấn sâu và khảo sát diện rộng, bài viết này sẽ tập trung tìm hiểu để làm rõ một số hạn chế này, từ đó giúp lý giải và gợi ý một số giải pháp nhằm giúp các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp trong ngành này tăng cường năng lực cạnh tranh, để có thể tham gia vào khâu tạo ra giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu thay vì mới chỉ dừng lại ở khâu sản xuất gia công như hiện nay.

1. Giới thiệu

Thủ công mỹ nghệ là một ngành có nhiều tiềm năng của Hà Nội và Việt Nam nói chung. Với bề dày truyền thống, các sản phẩm của nhiều làng nghề đã được khách hàng trong và ngoài nước biết đến. Theo kết quả nghiên cứu được thực hiện bởi Cục xúc tiến thương mại Thụy Sĩ và Cục xúc tiến thương mại, Bộ Công thương Việt Nam năm 2014 về đánh giá tiềm năng xuất khẩu miền Bắc Việt Nam thì thủ công mỹ nghệ của miền Bắc Việt Nam cóhai mặt hàng gốm sứ và may tre lá có tiềm năng xuất khẩu cao, nhiều mặt hàng còn lại có tiềm năng xuất khẩu trung bình hoặc thấp.

Tiềm năng xuất khẩu trong nghiên cứu của Bộ công thương được đánh giá và cho điểm dựa trêntình hình xuất khẩu hiện tại, khả năng cung nội địa và nhu cầu của thị trường quốc tế. Về khả năng cung nội địa của mặt hàng mây tre đan, báo cáo nghiên cứu của Cục xúc tiến thương mại Bộ công thường(2014) cho thấy “hạn chế chính đối với hàng mây tre lá là mẫu mã kém, chất lượng chưa cao do thiếu đầu tư vào thiết kế phát triển mẫu mã sản phẩm và ít ứng dụng công nghệ hỗ trợ trong quá trình sản xuất…Đa số các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và liên kết không chặt chẽ nên không đáp ứng được đơn hàng lớn. Ngoài ra, việc sản xuất còn gây ô nhiễm nặng nề”. Măt hàng gốm xứ được cho là có tiềm năng ít hơn so với mặt hàng mây tre đan. Tuy nhiên theo kết quả nghiên cứu được chỉ ra trong báo cáo này thì công nghệ khai thác nguyên liệu và chế biến, xử lý nguyên liệu thô của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh mặt hàng gốm sứ chưa cao nên nguyên liệu có nhiều tạp chất, dẫn đến nhiều sản phẩm chưa đạt chất lượng… Điều này dẫn đến việc hạn chế về khả năng cạnh tranh của các sản phẩm này trên thị trường.

Với đặc thù là trung tâm kinh tế-chính trị- xã hội lớn nhất cả nước, nơi tập trung phần lớn các làng nghề thủ công mỹ nghệ (với 1350 làng nghề và làng có nghề, hơn 200 làng nghề truyền thống được công nhận trong đó có 50 nhóm nghề và nhiều nghệ nhân có tên tuổi) và với chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2010-2020 của Việt Nam là xác định nhiệm vụ phát triển hài hoà, bền vững các vùng dựa trên phát huy lợi thế của từng vùng và tạo sự liên kết giữa các vùng thì Hà Nội cần làm gì để nâng cao nâng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp thuộc ngành thủ công mỹ nghệ nhằm phát huy lợi thế này của vùng?

Xuất phát từ yêu cầu nói trên, trong nghiên cứu này, tác giả tập trung tìm hiểu, đánh giá năng lực cạnh tranh hiện tại của các doanh nghiệp thuộc ngành thủ công mỹ nghệ trên địa bàn Hà Nội từ đó đề xuất một số khuyến nghị nhằm nâng cao khả năng này cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn.Bài viết sử dụng một số kết quả nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm nghiên cứu Vũ Lệ Hằng và các cộng sự (2015).

2. Một số vấn đề lý thuyết được sử dụng trong nghiên cứu

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là một chủ đề nhiều nhà nghiên cứu quan tâm. Một khái niệm được nhiều người biết đến và chấp nhận là: năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là khả năng doanh nghiệp có thể đứng vững trên thị trường, mở rộng thị phần và tăng lợi nhuận thông qua một số chỉ tiêu như năng suất, chất lượng, công nghệ, sự khác biệt về hàng hóa, dịch vụ được cung cấp, giá trị tăng thêm, chi phí sản xuất; là khả năng của doanh nghiệp thực hiện tốt hơn đối thủ cạnh tranh trong việc đạt được mục tiêu quan trọng nhất (Michael.E Porter, 1990a).

Như vây có thể hiểu năng lực cạnh tranh là những ưu thế mà qua đó giúp doanh nghiệp có thể vận hành vượt trội so với đối thủ cạnh tranh của mình, là những khả năng mà các doanh nghiệp khác khó hoặc không thể bắt chước được. Năng lực canh tranh sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp có được hiệu quả trong hoạt động kinh doanh và đảm bảo cho doanh nghiệp có được sự tồn tại và phát triển bền vững.

Các tiêu chí đo lường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam được tác giả Nguyễn Viết Lâm (2014) nghiên cứu và đề xuất là các chỉ tiêu về tài chính như khả năng về nguồn vốn, kết quả sản xuất kinh doanh, hiệu quả sản xuất kinh doanh tổng hợp và các chỉ tiêu phi tài chính như khả năng nguồn nhân lực, trình độ khoa học công nghệ, khả năng quản lý và đổi mới, khả năng hoạch định chiến lược marketing, khả năng cung cấp dịch vụ và thương hiệu doanh nghiệp. Các tiêu chí này cùng với phương pháp đo lường được đề xuất trong nghiên cứu của tác giả Nguyễn Viết Lâm (2014) được nhiều nhà nghiên cứu và người làm thực tế áp dụng.

Đối với các sản phẩm có tính cạnh tranh cao, trong bối cảnh kinh doanh quốc tế (như có thủ công mỹ nghệ), nghiên cứu của Hồ Trung Thanh và các cộng sự (2012) đề xuất đánh giá năng lực cạnh tranh động tức là khả năng tích hợp, xây dựng và định dạng lại những tiềm năng của doanh nghiệp để đáp ứng với những thay đổi của môi trường kinh doanh, hay là năng lực sáng tạo của doanh nghiệp để thích ứng với những thay đổi của môi trường kinh doanh nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững. Khác với năng lực cạnh tranh thông thường, năng lực cạnh tranh động cho biết doanh nghiệp có khả năng như thế nào trên thị trường như khả năng tạo ra sản phẩm/dịch vụ khác biệt, hiếm, khó thay thế và khó có doanh nghiệp nào có thể bắt chước được. Doanh nghiệp nào có năng lực cạnh tranh động, doanh nghiệp đó có được khả năng tồn tại và phát triển bền vững. Hầu hết các doanh nghiệp được điều tra trong nghiên cứu của Hồ Trung Thanh và các cộng sự (2012) đều cho rằng tiêu chí năng lực sáng tạo có vai trò rất quan trọng trong phát triển của doanh nghiệp. Tuy nhiên, năng lực này hiện nay đang hạn chế do doanh nghiệp chưa có định hướng rõ rệt vì khó khăn về nguồn nhân lực và kinh phí. Nghiên cứu của Nguyễn Thiên Phú và Nguyễn Vũ Huy (2015) (trong đó có ngành thủ công mỹ nghệ) cũng cho thấy năng lực đổi mới sáng tạo có vai trò quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này. Nghiên cứu này cũng cho thấy nếu lãnh đạo doanh nghiệp xây dựng văn hóa tổ chức đáp ứng nhu cầu thị trường thì năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ được nâng lên.

Đổi mới-sáng tạo được hiểu là ‘việc thực thi một sản phẩm (hàng hóa/ dịch vụ) hay một quy trình mới hoặc được cải tiến đáng kể, một phương pháp marketing mới, hay một biện pháp mới mang tính tổ chức trong thực tiễn hoạt động, trong tổ chức công việc hay trong quan hệ với bên ngoài’ (OECD, 2005, tr.46). Trong nghiên cứu này, năng lực đổi mới sáng tạo được đề cập là năng lực thiết kế/ sáng chế sản phẩm mới của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh thuộc các làng nghề thủ công mỹ nghệ tại Hà Nội.

Theo kết quả phỏng vấn sâu lãnh đạo Hiệp hội làng nghề Việt Nam và các chuyên gia trong ngành thì các mặt hàng thủ công mỹ nghệ của Hà Nội có tiềm năng xuất khẩu rất lớn, tuy nhiên khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp hiện nay chưa cao thể hiện chủ yếu ở việc các tổ chức này chưa đầu tư cho nghiên cứu phát triển, lãnh đạo chưa thực sự tạo môi trường khuyến khích sự sáng tạo…Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tại các làng nghề này chủ yếu sản xuất gia công, tức là mới tạo ra giá trị thấp nhất trong chuỗi giá trị toàn cầu. Kết quả khảo sát này cũng tương đồng với nghiên cứu của Bộ Công thương (2014).

Như vậy, có thể nói người lãnh đạo là rất quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh. Người lãnh đạo trong nghiên cứu này là những người đứng đầu trong các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể tại các làng nghề thủ công mỹ nghệ tại Hà Nội. Nghiên cứu này sẽ tìm hiểu vai trò của người lãnh đạo qua việc thúc đẩy các ý tưởng thiết kế/sáng chế sản phẩm mới.Từ đó có thể đánh giá được năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp này trong hiện tại và tương lai.

3. Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này sử dụng kết hợp hai phương pháp nghiên cứu định tính và phương pháp nghiên cứu định lượng. Phương pháp nghiên cứu định tính được thực hiện bằng phương pháp phỏng vấn sâu hai lãnh đạo thuộc Ban quản lý làng nghề Việt Nam, hai chủ doanh nghiệpthuộc làng gốm Bát Tràng, lụa Hà Đông và một nghệ nhân thuộc làng gốm Kim Lan, Gia Lâm, Hà Nội. Các câu hỏi phỏng vấn là những câu hỏi mở nhằm tìm hiểu về khả năng cạnh tranhcủa các doanh nghiệp trong ngành thủ công mỹ nghệ của Hà Nội. Số liệu phỏng vấn được phân tích, tổng hợp ngay sau khi tiến hành nghiên cứu. Kết quả nghiên cứu được thảo luận, so sánh với các nghiên cứu trước đó, so với lý thuyết và thực tế để từ đó đưa ra các kết luận và đề xuất một số khuyến nghị nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp thuộc làng nghề Việt Nam.

Các câu hỏi định lượng được thiết kế dựa trên lý thuyết và từ kết quả nghiên cứu định tính nhằm đánh giá trên diện rộng năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành thủ công mỹ nghệ trên địa bàn Hà Nội thể hiện ở năng lực đổi mới sáng tạo (khả năng thiết kế hoặc sáng chế sản phẩm mới) và vai trò của người lãnh đạo (thể hiện ở việc đầu tư và tạo môi trường cho hoạt động sáng tạo trong doanh nghiệp).

Xuất phát từ mục tiêu nghiên cứu, phương pháp lấy mẫu trong nghiên cứu này là phương pháp lấy mẫu ngẫu nhiên thuận tiện do địa bàn nghiên cứu phân tán và khó tiếp cận được đầy đủ các đối tượng cần nghiên cứu. Dữ liệu sau khi được thu thập, làm sạch được xử lý bằng phần mềm thống kê SPSS, phiên bản 20.0.  Số lượng phiếu khảo sát là 500, số lượng phiếu thu về và có thể dùng được 437 phiếu (đạt tỷ lệ 87,4%).

4. Kết quả nghiên cứu

4.1 Bối cảnh nghiên cứu

Nghiên cứu này thực hiện khảo sát tại một số hộ kinh doanh và doanh nghiệp thuộc các làng nghề mây tre (Chương Mỹ, Hoài Đức); Nhóm gốm sứ (Bát Tràng, Gia Lâm); đồ gỗ mỹ nghệ, thêu tay (Thanh Oai, Quất Động), lụa (Hà Đông) thuộc thành phố Hà Nội.Theo VIETCRAFT, khoảng 90% số doanh nghiệp hội viên của Hiệp hội làng nghề ở khu vực Hà Nội là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ cấu tổ chức đơn giản, kinh doanh theo kiểu gia đình. Người chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh thường là chủ gia đình và thợ cả.Một số nghệ nhân cũng là chủ một doanh nghiệp của họ.Lao động tham gia tại các làng nghề này thường là con em tại địa phương hoặc các tỉnh lân cận, được đào tạo nghề theo kiểu cầm tay chỉ việc.

Nhóm hàng mây tre bao gồm 4 nhóm sản phẩm như (1) nhóm đan lát (rổ, rá, khay, hộp, túi…); (2) nhóm sản phẩm mành và tấm lót (như chiếu, rèm, mành, thảm); (3) nhóm sản phẩm nội thất (bàn, ghế, giường, tủ); (4) nhóm tre cuốn (các sản phẩm nhà bếp như bát, thìa, đĩa và trang trí trong nhà như bình hoa…). Nhóm hàng gốm sứrất đa dạng về kích thước và chủng loại như: bát, đĩa, ấm, chén, khay, đồ trang trí (tượng, lọ hoa, chậu trồng cây, đồ trang trí sân vườn …). Sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ chủ yếu tại các làng nghề bao gồm: gỗ chạm khảm nội thất, tượng gỗ, gỗ tiện, sản phẩm gỗ lưu niệm.

4.2 Kết quả nghiên cứu

4.2.1 Về khả năng đổi mới sáng tạo

Thủ công mỹ nghệ là một nghề đòi hỏi khả năng sáng tạo rất cao.Theo kết quả khảo sát ban đầu, hoạt động thiết/kế sản phẩm mới hoàn toàn chưa nhiều mà chủ yếu các hộ kinh doanh và các doanh nghiệp thuộc các làng nghề mới chỉ nghiên cứu nâng cấp từ sản phẩm cũ, nghiên cứu thay đổi công nghệ (ví dụ: đối với nghề gốm chuyển từ việc nung sản phẩm bằng than chuyển sang nung bằng ga), nghiên cứu thay đổi quy trình sản xuất và bao bì đối với sản phẩm thêu tay hay đồ gỗ mỹ nghệ (sản phẩm nhỏ, gọn hơn, xử lý công nghệ chống mối mọt tốt hơn để phù hợp với khí hậu của một số nước xuất khẩu…).Bảng 3.1 dưới đây cho thấy các doanh nghiệp chủ yếu cải tiến sản phẩm bằng cách nâng cấp sản phẩm cũ, các hoạt động đổi mới sáng tạo về quy trình sản xuất, các cải tiến về hoạt động marketing (như thay đổi bao bì chưa nhiều).

Bảng 4.1.Thống kê kết quả đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ trên địa bàn Hà Nội

Hình thức

Số người đồng ý

%

Nghiên cứu phát triển sản phẩm mới

213

48.7%

Nghiên cứu nâng cấp sản phẩm

283

64.8%

Nghiên cứu phát triển công nghệ

114

26.1%

Nghiên cứu phát triển quy trình sản xuất

78

17.8%

Nghiên cứu phát triển bao bì

23

5.3%

N=437

   

Nguồn: Tổng hợp của tác giả

Những thay đổi hiện nay tại các doanh nghiệp này chủ yếu là do khách hàng (làm theo đơn đặt hàng của khách hàng), những sản phẩm có ý tưởng độc đáo,khác biệt chưa nhiều. Đặc biệt các ý tưởng sáng tạo từ người thợ còn ít. Bảng kết quả dưới đây cho thấy điều này:

Bảng 4.2Nguồn hình thành các ý tưởng đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ trên địa bàn Hà Nội

Nguồn hình thành ý tưởng sáng tạo

Số người đồng ý

%

Chủ doanh nghiệp/nghệ nhân

211

49.0%

Khách hàng

335

77.7%

Đối tác

59

13.7%

Người thợ

80

18.6%

N=431

   

Nguồn: Tổng hợp của tác giả

 

Nguyên nhân của thực trạng trên là do các biện pháp thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo từ các chủ hộ kinh doanh, lãnh đạo doanh nghiệp hoặc chưa hiệu quả hoặc chưa thực sự được quan tâm. Tìm hiểu nguyên nhân của vấn đề này, tác giả còn nhận thấy: khâu quản lý của nhà nước chưa hiệu quả dẫn đến việc những ý tưởng thiết kế và sáng chế dễ bị đánh cắp hoặc làm nhái một cách đại trà, làm giá trị sản phẩm và động lực thiết kế/sáng chế sản phẩm mới của các nghệ nhân bị hạn chế.

Hơn thế nữa cũng có khá nhiều hộ kinh doanh và chủ doanh nghiệp chọn cách gia công sản xuất hàng loạt để bán theo nhu cầu thị trường về một mẫu sản phẩm nào đó đang thịnh hành thay vì đầu tư cho việc thiết kế/sáng chế sản phẩm mới vì theo họ cách làm này sẽ tạo ra doanh thu nhanh hơn. Với cách làm như vậy nên rất nhiều doanh nghiệp đã không quan tâm đến chất lượng sản phẩm, sản xuất một cách ồ ạt không tính đến sự thay đổi của nhu cầu thị trường, quyluật về chu kỳ sống của một sản phẩm, dẫn đến việc rất nhiều sản phẩm không bán được, tồn kho khá lớn. Điều này, theo như Ban quản lý làng nghề Việt Nam, là một sự phí phạm về nguồn lực, đặc biệt là nguồn nguyên liệu, hủy hoại môi trường cũng như về lâu dài ảnh hưởng xấu đến thương hiệu của các làng nghề.

4.2.2 Vai trò của người lãnh đạo trong việc thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo

Theo kết quả nghiên cứu của Kim và Pae (2014); Raipa và Giedraityte (2014); Phan Thị Thục Anh và Nguyễn Thùy Dung (2015) thì người lãnh đạo có vai trò quan trọng đến hiệu quả đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp qua việc tạo môi trường khuyến khích việc đổi mới sáng tạo như xây dựng văn hóa doanh nghiệp hướng tới sự sáng tạo, đưa ra các chính sách (ví dụ các khuyến khích tài chính, ghi nhận thành tích đối với các cá nhân có các ý tưởng đổi mới sáng tạo..).

Trong nghiên cứu này, tác giả đã thực hiện việc khảo sát và nhận thấy, đa số các chủ doanh nghiệp/ hộ kinh doanh hiện nay chưa giành nhiều thời gian và tài chính cho việc thúc đẩy các ý tưởng về sản phẩm mới. Một số doanh nghiệp cho rằng các ý tưởng thiết kế sẽ có nhiều rủi ro và tốn chi phí nếu không được thị trường chấp nhận. Do vậy, nhìn chung các hộ kinh doanh và doanh nghiệp làm theo “phong trào”: sản xuất những mẫu mã được khách hàng ưu chuộng. Theo một nghệ nhân làng gốm Kim Lan, Gia Lâm, Hà Nội thì người dân thường có tư tưởng “ăn sổi”, “họ còn phải lo cơm áo gạo tiền, không giành thời gian cho việc nghĩ mẫu sản phẩm mới, tốn chi phí lắm…”.Hơn thế nữa, nhiều người tham gia khảo sát còn cho rằng họ thiếu thông tin thị trường và không được sự hỗ trợ từ phía chính quyền nên làm theo thói quen, kinh nghiệm và theo “trao lưu”. Bảng tổng hợp dưới đây cho thấy rõ điều này:

Bảng 4.3.Thống kê đầu tư cho thiết kế/sáng chế sản phẩm mới và nguyên nhân của hoạt động này trong các doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ trên địa bàn Hà Nội

Tiêu chí đánh giá

Số người trả lời

%

Đầu tư tài chính (ở mức trung bình)

189

43.2%

Giành thời gian cho việc lên lý tưởng, tham quan, học hỏi thêm (ở mức trung bình)

153

35.0%

Nguyên nhân:

   

Do thiếu thông tin thị trường

102

23.3%

Thiếu đam mê

63

14.4%

Chưa đủ kinh phí và thời gian

266

60.9%

Chưa có sự hỗ trợ từ phía cơ quan Nhà nước

88

20.1%

N=437

   

Nguồn: Tổng hợp của tác giả

 

Như vậy, bảng số liệu cho thấy nguyên nhân chính dẫn đến năng lực thiết kế/sáng chế sản phẩm mới tại các hộ kinh doanh và doanh nghiệp thuộc các làng nghề tại Hà Nội hiện nay là do họ chưa giành đủ thời gian và kinh phí cho hoạt động sáng chế và thiết kế sản phẩm mới. Điều này một phần là do quan điểm kinh doanh của người lãnh đạo trong các tổ chức này (tư duy sợ rủi ro, tìm cái lợi trước mắt) và do không đủ tiềm lực cho hoạt động này. Đây là một nguyên nhân rất quan trọng dẫn tới hạn chế năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp tại các làng nghề tại Hà Nội hiện nay.

5. Luận bàn và đề xuất một số khuyến nghị

Theo như kết quả nghiên cứu trên đây có thể nói rằng năng lực thiết kế/sáng chế sản phẩm mới của các làng nghề cần phải tiếp tục thúc đẩy. Những sản phẩm có giá trị đòi hỏi sự đầu tư công phu về thời gian và trí tuệ. Để có điều này thì rất cần thiết phải có sự ủng hộ thể hiện từ quan điểm đến chính sách cụ thể của những người lãnh đạo trong doanh nghiệp.

Như trên đã đề cập năng lực đổi mới sáng tạo và khả năng thúc đẩy các ý tưởng đổi mới sáng tạo là một vấn đề rất quan trọng để nâng cao tính cạnh tranh cho các sản phẩm của các làng nghề tại Việt Nam và Hà Nội nói riêng. Theo đánh giá của một số lãnh đạo Ban quản lý làng nghề Việt Nam thì khả năng sáng tạo của các nghệ nhân nhiều làng nghề vô cùng phong phú, đây là một tiềm năng lớn của Hà Nội nói chung. Tuy nhiên để thúc đẩy hoạt động này cần có sự thay đổi về quan điểm và năng lực của người lãnh đạo. Người lãnh đạo tại các doanh nghiệp này cần thay đổi tư duy, thay đổi cách thức kinh doanh truyền thống “làm theo số đông”, “theo đuổi lợi nhuận trước mắt”, tạo môi trường khuyến khích sự sáng tạo bằng việc giành thời gian, kinh phí và các biện pháp tạo động lực cho người lao động nhằm thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các làng nghề thủ công mỹ nghệ tại Hà Nội hiện nay cũng rất cần các biện pháp mạnh mẽ của các cơ quan có thẩm quyền trong việc cung cấp thông tin đầy đủ, cập nhật về thị trường thủ công mỹ nghệ trong và ngoài nước; cần các biện pháp quản lý thị trường mạnh mẽ trong việc chống hàng giả hàng nhái và các biện pháp bảo vệ các ý tưởng sáng tạo, tôn vinh các thiết kế/sáng chế độc đáo mang lại nhiều giá trị và đặc biệt là tập hợp được trí tuệ của các nghệ nhân và những người thợ cả để có thể hình thành sức mạnh to lớn hơn trong việc thiết kế/chế sản phẩm mới. Để làm được điều này ngành thủ công mỹ nghệ của Hà Nội nói riêng và nước nói chung mới có thể tham gia vào chuỗi giá trị cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu thay vì chủ yếu sản xuất theo hình thức gia công như hiện nay.

Nguyễn Thùy Dung và Cộng sự

Leave a Reply

error: Nội dung đã khóa !!